Lúc còn nhỏ, Ngô Bảo Châu thường được mẹ cho đi chùa nhưng chính mẹ ông cũng không biết vì sao con trai mình lại hâm mộ Phật giáo đến vậy. Hồi còn đi học, trước mỗi kỳ thi lớn, nhỏ, thậm chí thi Olympic toán quốc tế, Ngô Bảo Châu đều lên chùa lễ Phật.
Bà Pratibha Patil - Tổng thống Ấn Độ trao huy chương Fields -
giải thưởng toán học cao quý nhất thế giới cho GS Ngô Bảo Châu.
Đã đạt tới đỉnh cao trong toán học nhưng GS Ngô Bảo Châu quan niệm dù việc mình làm có mang lại điều gì to tát thì tốt nhất là cứ... để gió cuốn đi
Hằng ngày “ăn toán, ngủ toán” nhưng GS Ngô Bảo Châu luôn nghĩ nhiều về cuộc sống. Ngô Bảo Châu là người có quan điểm sống rõ ràng, yêu ghét rạch ròi nhưng hơn hết, ông luôn có đức tin, tin ở chính mình và tin ở những điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Hạnh phúc là biết mình thích gì
Ngô Bảo Châu đã chạm tới điều mà mọi nhà nghiên cứu toán học đều mơ ước. Thông thường, khi đã đạt tới đỉnh cao, người ta dễ bằng lòng, thậm chí có người sống mãi với vinh quang cũ và gặm nhấm thành công trong quá khứ.
Với toán học, để tạo ra được nhiều “cái đỉnh” lại càng khó. Ngô Bảo Châu hiểu điều đó và biết rằng mình đang đi trên một con đường còn chông gai hơn cả khi chưa tạo được danh tiếng gì. Ông tâm sự: “Thực sự là tôi không chịu bất cứ áp lực xã hội nào mà chỉ chịu áp lực với chính bản thân mình”.
Ngô Bảo Châu lúc nào cũng tự cho mình là “tay mơ” trong lĩnh vực nghiên cứu và học thuật, luôn đặt mình ở tư thế của người đang đi học vì với ông, nếu nghĩ mình đã là chuyên gia, là người giỏi nhất trong lĩnh vực đó thì vô tình sự đam mê trong sáng thuở ban đầu sẽ bị giết chết. Ông trải lòng: “Với tôi, không có đam mê là rất nguy hiểm. Trong cuộc sống mà có niềm đam mê để theo đuổi là nhất. Tôi từng nói với nhiều bạn trẻ rằng hạnh phúc là biết mình thích gì, còn bất hạnh thì ngược lại, chẳng biết mình thích cái gì”.
Trò chuyện với Ngô Bảo Châu lần đầu, ai đó có thể nghĩ ông hơi có vẻ bất cần. Ông né mọi câu hỏi về sự nổi tiếng. Mới đây, trước khi ông lên đường sang Ấn Độ nhận giải Fields, tôi hỏi có cảm xúc gì không thì ông chỉ nói “không có gì đặc biệt”. Ông bảo mình thích sống như kiểu Trịnh Công Sơn - “để gió cuốn đi”. Với ông, điều gì to tát khi làm xong rồi thì đều trở nên bình thường. Tốt nhất là cứ làm theo triết lý sống “không để lại dấu vết” và chẳng cần phải làm ầm ĩ.
Vài ngày trước khi Ngô Bảo Châu lên đường sang Hyderabad , tìm ông thật khó. Có ai tìm, mẹ ông, PGS Trần Lưu Vân Hiền, đều bảo: “Bác cũng chẳng biết Châu đang ở đâu nữa”. Bà Hiền nói thế không phải để tránh cho con trai khỏi bị làm phiền mà quả thực bà cũng không hay biết lúc ấy con mình ở đâu. Tôi may mắn vì được bà Hiền tiết lộ thời điểm Ngô Bảo Châu lên đường sang Ấn Độ. Vì thế, tôi đã có được cuộc trò chuyện khá dài với ông ngay trước chuyến đi mang theo hàng triệu niềm hy vọng của người VN về “giải Nobel toán học” lần đầu tiên.
Ghét lười biếng, bao biện
GS Ngô Bảo Châu ngại nhất khi có ai đó hỏi rằng: “Anh có lời khuyên nào cho giới trẻ?”. Không phải ông “giấu nghề” hay không đúc kết gì từ kinh nghiệm thành công của bản thân để khuyên giới trẻ. Ông quan niệm đơn giản “không nên áp đặt bất cứ cái gì lên một ai đó”. Ngay cả với các con mình, ông cũng không định hướng để chúng phải trở thành những người nghiên cứu như bố, hay phải trở thành những nhà trí thức lớn nổi danh. Ông bộc bạch: “Tôi ghét sự lười biếng và hèn nhát. Các con tôi đều là con gái nhưng tôi luôn dạy bọn trẻ phải biết nhận sai lầm, chấp nhận mình sai để đứng lên. Bao biện cũng có nghĩa là hèn nhát, không dám đối diện với chính mình”.
GS. Ngô Bảo Châu (thứ hai, bên trái) cùng các nhà Toán học quốc tế
tại lễ khai mạc Đại hội Toán học thế giới tổ chức ở Hyderabad, Ấn Độ ngày 19/8/2010.
Từ khi nổi tiếng thế giới nhờ giải quyết được “Bổ đề cơ bản”, Ngô Bảo Châu cũng không ít lần được hỏi về chuyện “đóng góp cho đất nước”. Ông nặng lòng với đất mẹ nhưng mỗi lần có ai nói Ngô Bảo Châu ở nước ngoài, làm sao đóng góp được tất cả trí tuệ cho quê hương thì ông lại thấy đau.
Ông là người nhạy cảm với những gì diễn ra trước mắt. Ông không bị toán chiếm hoàn toàn thời gian mà quên đi cuộc sống đầy thú vị. Thế nên, Ngô Bảo Châu vẫn viết blog, facebook và lập ra cả trang web thichhoctoan.org để những người đam mê toán cùng trao đổi, thảo luận.
Điều lý thú nhất ở Ngô Bảo Châu mà tôi phát hiện được là chuyện ông có niềm tin tôn giáo mãnh liệt. Lúc còn nhỏ, Ngô Bảo Châu thường được mẹ cho đi chùa nhưng chính mẹ ông cũng không biết vì sao con trai mình lại hâm mộ Phật giáo đến vậy. Hồi còn đi học, trước mỗi kỳ thi lớn, nhỏ, thậm chí thi Olympic toán quốc tế, Ngô Bảo Châu đều lên chùa lễ Phật.
Ở Pháp và Mỹ ít có điều kiện đi chùa hơn và ông vẫn duy trì chế độ ăn chay mỗi tuần một lần. Toán học là lĩnh vực duy lý trong khi tôn giáo lại hướng tới tinh thần và đức tin. Vậy nhưng hai điều đó tồn tại không tách bạch ở Ngô Bảo Châu. Ông thổ lộ: “Thực ra, nghiên cứu toán học cũng cần những lúc tĩnh tâm, thanh tịnh tuyệt đối giống như ngồi thiền vậy”.
“Hòa thượng Thích Học Toán” Khi trang web thichhoctoan.org được lập ra, Ngô Bảo Châu làm nhiều người bất ngờ về sự hóm hỉnh của ông. Ông ví mình là “hòa thượng” với pháp danh “Thích Học Toán” và xưng với người vào thăm trang web là “bần tăng”. Ông tuyên bố: “Tôi muốn trở thành một thầy tu trên ngọn núi toán học. Tôi lập ra trang web này và nói với tất cả mọi người rằng nó sẽ chỉ bàn về toán chứ không về bất kỳ chuyện gì khác”. Khi Ngô Bảo Châu làm giảng viên và nghiên cứu toán học ở Pháp, có vài bài báo mô tả chuyện ông phải chịu khó, chịu khổ để vươn tới đỉnh cao tri thức thế nào. Ngô Bảo Châu nhẹ nhàng phản ứng: “Tôi đâu có khổ! Nói chung là giảng viên ĐH ở Pháp chỉ sống được một cuộc sống trung lưu chứ làm sao giàu sang được nhưng vấn đề là tôi thích cuộc sống như thế”. |
Bài và ảnh: PHẠM NGỌC (phatgiaovnn.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét