Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM

 LƯỢC SỬ GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM



Đức Phật ra đời vì hạnh phúc của số đông. Đại lễ Phật đản năm Ất Hợi (10/05/1935) do Hội An Nam Phật học tổ chức rất quy mô hoành tráng tại đất Thần kinh. Trong đoàn rước Phật, Ban Tổ chức đã cho tuổi trẻ lần đầu tiên tham gia Phật sự một cách rất dễ thương, trẻ trung và cuốn hút, 52 em nhỏ được đồng phục trong bộ áo mũ "Mã Tiên", vai gắn đèn hoa sen, vừa đi vừa hát điệu Đăng đàn cung "Vui mừng gặp ngày nay mồng 8 tháng tư...". Hình ảnh này đã thôi thúc niềm ưu tư của các bậc trí giả Phật giáo thức thời quan tâm vấn đề tuổi trẻ với Phật giáo. 

    Trong Phật giáo có đủ món ăn ngon cho người lớn, có bình sữa ngọt cho trẻ thơ, các vị tiền bối nghĩ như thế nên muốn cho hàng con em tin Phật có được chỗ đứng vững vàng trong Phật giáo, được hưởng hương vị thơm ngon trong giáo lý đức Phật, được sinh hoạt vui chơi trong khung trời Phật giáo, chứ không chỉ hạn hẹp đơn lẻ, biết lẽo đẽo theo mẹ, theo bà lên chùa lễ Phật.

    Ngày 10/08/1938, trong diễn văn khai mạc Đại hội thường niên của Hội An Nam Phật học, bác Chánh Hội trưởng Lê Đình Thám đã dõng dạc tuyên bố: "Không có một thành tựu vững bền nào lại không nhắm đến hàng ngũ thanh thiếu niên, họ là những người tiếp nối chúng ta trong ngày mai...".

    Hai năm sau, mùa thu năm 1940, Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục ra đời với sự bảo trợ của Hội An Nam Phật học và sự hướng dẫn trực tiếp của nhà Phật học: Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Ban đầu Đoàn gồm có các anh: Phạm Hữu Bình (đoàn trưởng), anh Đinh Văn Nam  (đoàn phó), anh Ngô Điền (thư ký), anh Đinh Văn Vinh, anh Ngô Thừa, anh Võ Đình Cường, anh Nguyễn Hữu Quán, anh Nguyễn Khải, anh Lê Kiểm, anh Phạm Quy, anh Hoàng Ngọc Phu, anh Lê Đình Duyên, anh Ưng Hội, anh Tráng Thông, anh Lâm Công Định...

    Đoàn Thanh niên Phật học Đức Dục lúc bấy giờ là tượng trưng cho một đạo Phật rất "mới", rất "trẻ". Đoàn đã tổ chức "Phật học tùng thư" và xuất bản rất nhiều sách Phật giáo, trong đó có các cuốn: "Thanh niên Đức Dục" (của Đinh Văn Nam), "Phật giáo và thanh thiếu niên Đức Dục" (của Phạm Hữu Bình), "Đời vui" (của Ngô Thừa), "Nghĩa chữ Nho" (của Nguyên Hữu Quán), "Ánh đạo vàng" (của Võ Đình Cường)... Những tác phẩm văn hóa này nhằm xây dựng phong trào thanh niên học Phật. Các đoàn viên thanh niên Phật học Đức Dục chia nhau đến các chùa, Niệm Phật đường gom góp các nhóm Đồng ấu lại, tổ chức thành Đội, Đoàn, tập cho các em hát, tụng kinh, làm việc thiện và sống theo các hạnh lành.

    Lễ Phật đản năm 1944 tại đồi Quảng Tế - Huế, các đơn vị thanh niên Phật học, Hướng đạo Phật giáo, Đồng ấu Phật học... họp đại hội và khai sinh tổ chức Gia đình Phật hóa Phổ, tiền thân Gia đình Phật tử ngày nay.

    Bốn Gia đình Phật hóa Phổ đầu tiên được thành lập tại Huế là Gia đình Tâm Minh, Tâm Lạc, Thanh Tịnh và Sum Đoàn do các bác Lê Đình Thám, Phạm Quang Thiện, Tôn Thất Tùng, Nguyễn Hữu Tuân làm Phổ trưởng và các anh trong đoàn thanh niên Phật học Đức Dục phụ trách hướng dẫn sinh hoạt. Gia đình Phật hóa Phổ đã lớn mạnh theo từng bước phát triển của các Khuôn hội, Niệm Phật đường, tỏa ra các tỉnh miền Trung cao nguyên và lan dần đến cả hai miền Nam Bắc.

    Tại Thuận Hóa (Huế) vào những ngày 24, 25, 26 tháng 04 năm 1951 Đại hội Gia đình Phật hóa Phổ họp tại chùa Từ Đàm gồm đại biểu 9 tỉnh miền Trung: Thừa Thiên, Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Lâm Viên, Bình Thuận, Dran, Đồng Nai Thượng và Hà Nội, Hải Phòng. Từ Đại hội này, danh xưng "GIA ĐÌNH PHẬT TỬ VIỆT NAM" được thay thế cho Gia đình Phật hóa Phổ và một bản Nội quy trình cũng được ra đời từ đây. Anh Võ Đình Cường, Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật hóa Phổ Thừa Thiên được cử giữ chức vụ Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Tổng hội Trung phần.

    Năm 1953, Hội nghị Gia đình Phật tử lần thứ hai được triệu tập cũng tại Huế, với đầy đủ các đại biểu của 3 miền Trung, Nam, Bắc để soạn thảo chương trình tu học cho các ngành, các cấp, thống nhất hình thức, tổ chức, đồng phục, huy hiệu, phù hiệu... Dư âm của Hội nghị này như một làn gió mát mang hương sắc tinh khiết của vạn đóa sen thơm từ miền Hương Ngự theo dấu chân tiền nhân Nam tiến. Tại Sài Gòn, Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Nam Việt được thành lập dưới sự bảo hộ của Hội Phật học Nam Việt, Anh Tống Hồ Cầm được Hội cử làm Trưởng ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Nam Việt năm 1954, rồi sau đó như sen mùa Hạ, các Gia đình Phật tử nở rộ: Gia đình Chánh Giác (Chợ Lớn), Gia đình Chánh Minh (Gia Định), Gia đình Chánh Thọ (chùa Vạn Thọ Sài Gòn), Gia đình Chánh Đạt (chùa Từ Nghiêm Sài Gòn), Gia đình Chánh Nguyên (Sài Gòn), Gia đình Chánh Nghiêm (Thủ Đức), Gia đình Chánh An (Thủ Thiêm), Gia đình Chánh Hòa (Cầu Kè), Gia đình Chánh Thiện (Biên Hòa), Gia đình Chánh Tâm, Chánh Đẳng (Cần Thơ), Gia đình Chánh Trí (Vĩnh Long), Gia đình Chánh Định (Bạc Liêu), Gia đình Chánh Tiến (Trà Vinh), Gia đình Chánh Đức (Sa Đéc), Gia đình Chánh Huệ (Trà Ôn), Gia đình Chánh Dung (Long Xuyên), Gia đình Chánh Kiến, Chánh Pháp (Vũng Tàu) và và một số gia đình mới thành lập chưa chính thức. Tại các tỉnh, mỗi Gia đình Phật tử đều có một vị Thầy cố vấn giáo lý, ở Sài Gòn có quý Ngài Thiện Hoa, Thiện Hòa, Thiện Định, Thanh Từ, Trí Hữu, Huyền Vi... làm cố vấn.

    Tại Hà Nội, Hội Việt Nam Phật giáo Bắc phần thành lập thêm Gia đình Phật tử Minh Tâm, sinh hoạt tại chùa Quán Sứ dưới sự hướng dẫn của các anh Nguyễn Văn Nhã, Văn Đình Hy. Anh Nguyễn Văn Nhã sau này là Trưởng ban Hướng dẫn GĐPT Bắc Việt.

    Qua 9 lần đại hội 1951 - 1973, Gia đình Phật tử Việt Nam đã từng bước trưởng thành trong lòng các Giáo hội đương nhiệm, từ 4 Gia đình Phật hóa Phổ đầu tiên tại Huế lên đến 812 Gia đình Phật tử thuộc 48 tỉnh thành tại miền Nam, với 7.200 Huynh Trưởng và 72.600 Đoàn sinh (theo báo cáo của Đại hội năm 1973 tại Đà Nẵng). Gia đình Phật tử đã hoàn chỉnh về tổ chức, có nội quy ổn định, có đường hướng giáo dục khế cơ, có châm ngôn điều luật và cách chào nhau đã hoàn hảo mà mãi cho đến ngày nay vẫn còn giữ nguyên giá trị ban đầu ấy.

    Năm 1970 - 1973, Gia đình Phật tử thành lập Ban Bảo trợ và cựu Huynh Trưởng hoạt động song hành để hỗ trợ cho tổ chức Gia đình Phật tử.

    Trong công cuộc bảo vệ Đạo pháp, Gia đình Phật tử đã không ít máu, nước mắt và cả thân mạng phải hy sinh. Trên hàng Thánh Tử Đạo có đủ các thành phần của Gia đình Phật tử: Gia trưởng Hoàng Thuyết, các Huynh Trưởng Phan Duy Trinh, Phan Gia Ly, Đào Thị Yến Phi, Nguyễn Thị Vân, Đào Thị Tuyết, Nguyễn Đại Thức và các đoàn sinh Đặng Văn Công, Dương Viết Đạt, Nguyễn Thị Yến, Nguyễn Thị Phúc, Lê Thị Kim Anh, Trần Thị Phước Trị, Nguyễn Thị Ngọc Lan, Huyền Tôn Nữ Tuyết Hòa, Quách Thị Trang và rất nhiều Huynh Trưởng, Đoàn sinh Gia đình Phật tử ở miền Nam bị bắt bớ giam cầm, đánh đập đến chết hoặc mang thương tật suốt đời vì lựu đạn a xít; những người làm việc có lương thì bị cách chức, thuyên chuyển, lao lý tù đày, sa thải... Tất cả đã nói lên được lòng trung kiên bảo vệ chánh pháp và lý tưởng Gia đình Phật tử Việt Nam.

    Ngày đất nước được thống nhất do hoàn cảnh lúc đó còn nhiều khó khăn, nhân sự phân tán nên sinh hoạt Gia đình Phật tử tại một số nơi có phần khựng lại nếu không muốn nói là bế tắc. Trước tình hình đó, những người có trách nhiệm với Gia đình Phật tử đã ngồi lại với nhau để "Tìm cách cho Gia đình Phật tử được sinh hoạt đều đặn và có hiệu quả, phù hợp với tình hình mới của đất nước và của Giáo hội Phật giáo Việt Nam". Sau cuộc họp lịch sử ngày 19/10/1997 tại Thiền viện Vạn Hạnh (TP.HCM), một bản thông báo mang theo 5 chữ ký của: Hòa thượng Thích Minh Châu và 4 Huynh Trưởng cấp Dũng: anh Võ Đình Cường, anh Tống Hồ Cầm, anh Nguyễn Xuân Quyền và anh Nguyễn Châu được gửi đến toàn thể Huynh Trưởng và Đoàn sinh Gia đình Phật tử Việt Nam.

    Nội dung bản Thông báo có 5 điểm (nguyên văn):

"1. Sinh hoạt Gia đình Phật tử nhằm đào luyện Thanh Thiếu Đồng niên thành những Phật tử chân chính, góp phần xây dựng xã hội. Sinh hoạt này, trước đây đã đạt được những thành quả tốt đẹp nay cần phải được tiếp tục phát huy.

2. Từ ngày được thành lập, Gia đình Phật tử luôn luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo được Nhà nước chấp thuận, như Hội An Nam Phật học, Hội Phật học Nam Việt, Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Nay sinh hoạt của Gia đình Phật tử cần được thực hiện trong khuôn khổ pháp lý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

3. Một số ít điều trong Nội quy và Quy chế Huynh Trưởng của Gia đình Phật tử cần được tu chỉnh cho phù hợp với Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

4. Huynh Trưởng và đoàn sinh Gia đình Phật tử cần chung sức chung lòng cùng nhau đẩy mạnh sinh hoạt Gia đình Phật tử để đóng góp vào sự nghiệp chung của Phật giáo và đất nước.

5. Gia đình Phật tử cần tranh thủ để được sự quan tâm giúp đỡ cụ thể của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong các sinh hoạt."

    Cũng trong năm này, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IV diễn ra tại Hà Nội, Gia đình Phật tử được chính thức công nhận, ghi vào Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Chương V Điều 19, nay là Điều 21).

    Năm 1998, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành lập các Ban Hướng dẫn Phật tử từ Trung ương đến các Tỉnh, Thành. Ngành Cư sĩ Phật tử do Chư Tăng trực tiếp lãnh đạo, ngành Gia đình Phật tử do Huynh Trưởng điều hành theo chủ trương đường lối của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Lúc này trong thành phần Huynh Trưởng cốt cán của Gia đình Phật tử, một số đã đi xa, một số không tham gia, số còn lại vì tin tưởng vào tiền đồ của Đạo pháp Dân tộc và tính bất biến của tổ chức nên đã tùy duyên "Y giáo phụng hành" để cho Gia đình Phật tử được tồn tại hợp pháp và phát triển đúng mục đích.

    Tại Tổ đình Từ Đàm Huế, ngôi chùa có dấu ấn lịch sử Gia đình Phật tử (1951, 1963), vào những ngày cuối tháng 7 năm 2001 đã diễn ra 3 sự kiện lịch sử trọng đại: Lễ kỷ niệm 50 năm GĐPTVN (1951 - 2001), Hội nghị Huynh Trưởng cấp Tấn để tu chỉnh Nội quy GĐPT cho phù hợp với Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và luật pháp Nhà nước, khai mạc Trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp ba Vạn Hạnh II (2001 - 2005). Sau đó, hàng trăm trại huấn luyện Huynh Trưởng sơ cấp, cấp một, cấp hai được các tỉnh thành liên tục tổ chức để đào tạo lớp Huynh Trưởng trẻ kế thừa.

    Năm 2003 theo đề nghị của hai Huynh Trưởng cấp Dũng Võ Đình Cường, Tống Hồ Cầm, sáng lập viên GĐPTVN, cố vấn Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN thành lập Hội đồng xét xếp cấp Dũng cho 5 Huynh Trưởng: Nguyễn Thắng Nhu, Nguyễn Đức Châu, Lê Bá Chí, Trần Hạp và Nguyễn Văn Quýnh. Lễ trao cấp hiệu được thực hiện tại Hội nghị kỳ 2 khóa V của Trung ương Giáo hội dưới sự chứng minh của Đại Tăng 2 Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự và 46 tỉnh thành trong cả nước, đánh dấu một bước trưởng thành của GĐPT trong lòng GHPGVN.

    Cuối tháng 07 năm 2005, Trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp ba Vạn Hạnh II khai khóa năm 2001 đã tổ chức trọng thể Lễ bế mạc tại trại trường chùa Trúc Lâm Huế, dưới sự chứng minh của Chư Tôn đức Ban Thường trực Hội đồng Trị sự GHPGVN, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế và các tỉnh thành. 268/290 Huynh Trưởng cấp Tín thuộc 17 tỉnh thành sau 4 năm học tập, vượt qua 4 kỳ khảo sát (2001 - 2005) đã được cấp Giấy Chứng nhận hoàn thành chương trình bậc Lực - Trại Vạn Hạnh II. Đây là trại huấn luyện Huynh Trưởng cấp cao nhất của GĐPT (đào tạo Huynh Trưởng hướng dẫn cấp tỉnh thành) được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1973.

    Năm 2006 Hội nghị Đại biểu Huynh Trưởng GĐPTVN họp tại thành phố Hồ Chí Minh để tu chỉnh nội dung chương trình tu học của GĐPT, khai khóa học Huynh Trưởng bậc Lực - Trại Vạn Hạnh III (2006 - 2010) và trao huy hiệu cấp Tấn cho 94 Huynh Trưởng đủ điều kiện.

    Năm 2007, Trại họp bạn ngành Thiếu toàn quốc sau 47 năm chờ đợi đã được tổ chức quy mô hoành tráng tại chùa Linh Ứng - Bãi Bụt - Sơn Trà - Đà Nẵng.

    Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VI, nhiệm kỳ 2007 - 2012 tại Hà Nội công nhận Trưởng ngành Gia đình Phật tử là Ủy viên Hội đồng Trị sự GHPGVN, một lần nữa xác định vị trí của GĐPT trong tổ chức GHPGVN.

    Gần 60 năm qua, theo định luật vô thường, tổ chức Gia đình Phật tử cũng có thịnh suy, có ly hợp. Nhưng trong cái biến thiên vần vũ ấy, Gia đình Phật tử vẫn luôn luôn khẳng định mình để tồn tại và vươn lên trong mọi hoàn cảnh; thuận duyên cũng không tự mãn, buôn lung; nghịch duyên cũng không nản lòng oán thán. Đã biết Gia đình Phật tử hình thành trong giai đoạn đất nước còn điêu linh, nền tín ngưỡng dân tộc đang bị kỳ thị, thế mà quý Ngài lãnh đạo đã tìm ra được cái "thịnh" trong cái "suy". Gia đình Phật tử hôm nay vẫn giữ cái "thịnh" của mình, đó là cái bất biến, là đường hướng giáo dục, chức năng giáo dục. Từ đường hướng giáo dục ấy, Gia đình Phật tử đã đào tạo một đội ngũ huynh trưởng trong sáng, nhiệt tâm, là những người đã trọn đời sống đúng theo chánh pháp và phụng sự chánh pháp. Cao quý hơn nữa, GĐPT cũng đã nâng cánh cho bao Huynh Trưởng và đoàn sinh ưu tú thành những vị hảo tâm xuất gia.

    Gia đình Phật tử đã có những cống hiến đối với Đạo pháp và Dân tộc; góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, nền luân lý đạo đức xã hội. Đội ngũ Huynh Trưởng áo lam đã sinh hoạt khắp nơi, từ thành thị đến thôn quê, từ miền biển lên tận biên giới Tổ quốc, xa xôi hẻo lánh để hướng dẫn, xây dựng đời sống đạo đức cho con em thành những con ngoan trò giỏi, thành những Phật tử chân chính, những công dân mẫu mực.

    Ngày nay, đất nước hòa bình độc lập, tự do tín ngưỡng được tôn trọng, Phật giáo Việt Nam đang trên đà phát triển, GĐPT cũng đã sinh hoạt ổn định khắp các tỉnh thành phía Nam và đang phát triển ra các tỉnh thành phía Bắc theo chỉ đạo của Trung ương Giáo hội.



NỘI QUY GIA ĐÌNH PHẬT TỬ 
Được tu chỉnh tại Hội nghị Huynh trưởng cấp Tấn, Dũng Gia Đình Phật Tử toàn quốc ngày 28-29/07/2001 tại Tổ Đình Từ Đàm - Tỉnh Thừa Thiên Huế)

LỜI NÓI ĐẦU

Từ trước tới nay, Gia đình Phật tử Việt Nam luôn sinh hoạt trong khuôn khổ pháp lý của một tổ chức Phật giáo hợp pháp. Ngày nay, Gia đinh Phật tử Việt Nam sinh hoạt tu học trong pháp lý Giáo Hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước hiện hành.

Nội quy Gia đình Phật tử được tu chỉnh lần này là kế thừa, bổ sung, điều chỉnh và thay thế Nội quy Gia đình Phật tử trước đây nhằm khế lý, khế cơ và khế thời để sinh hoạt tu học của Gia đình Phật tử được thống nhất.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý toàn bộ các sinh hoạt tu học của Gia đình Phật tử kể cả vấn đề cơ cấu nhân sự các cấp theo Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.


CHƯƠNG I

DANH HIỆU - MỤC ĐÍCH – CHÂM NGÔN

KHẨU HIỆU - ĐIỀU LUẬT

ĐIỀU 1:          DANH HIỆU

Căn cứ chương V, điều 19 Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tu chỉnh ngày 22 – 23/11/1997, Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm quản lý các đơn vị giáo dục Thanh, Thiếu, Đồng niên Phật tử lấy danh hiệu là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ (GĐPT) do Ban Hướng dẫn Phật tử (BHDPT) Trung ương chuyên trách.

ĐIỀU 2:           MỤC ĐÍCH

- Đào luyện Thanh - Thiếu - Đồng niên tin Phật thành Phật tử chân chính.

- Góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội.

ĐIỀU 3:           CHÂM NGÔN:            BI – TRÍ – DŨNG

ĐIỀU 4:           KHẨU HIỆU:                TINH TẤN

ĐIỀU 5:           ĐIỀU LUẬT

A. Điều luật của Huynh trưởng và Đoàn sinh Thanh, Thiếu niên:


   1. Phật tử quy y Phật, Pháp, Tăng và giữ giới đã phát nguyện.
   2. Phật tử mở rộng lòng thương và tôn trọng sự sống.
   3. Phật tử trau dồi trí tuệ, tôn trọng sự thật.
   4. Phật tử sống trong sạch từ thể chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
   5. Phật tử sống hỷ xả để dũng tiến trên đường đạo.

B. Điều luật của Đồng niên (Oanh Vũ):

   1. Em tưởng nhớ Phật.
   2. Em kính mến cha mẹ và thuận thảo với anh chị em.
   3. Em thương người và vật.


CHƯƠNG II

HUY HIỆU - PHÙ HIỆU - CẤP HIỆU - BÀI CA CHÍNH THỨC

CÁCH CHÀO - CỜ - ĐỒNG PHỤC

ĐIỀU 6:          HUY HIỆU

Huy hiệu của G.Đ.P.T. là Hoa Sen Trắng tám cánh (năm cánh trên và ba cánh dưới) trên nền tròn xanh lá mạ, đường kính 3cm có đường viền trắng. Chỉ được mang Huy hiệu Hoa sen sau khi đã làm lễ phát nguyện.

ĐIỀU 7:          PHÙ HIỆU

Phù hiệu chức vụ để biểu thị chức vụ của Huynh trưởng từ Phân ban GĐPT Trung ương đến các Tỉnh, Thành hội và các GĐPT tại các địa phương.

ĐIỀU 8:          CẤP HIỆU

Cấp hiệu để biểu thị trình độ tu học của Đoàn sinh và Huynh trưởng GĐPT. Ngoài huy hiệu, phù hiệu và cấp hiệu còn có bảng tên của Huynh trưởng.

Ghi chú: - Có bản phụ đính ghi rõ kích cỡ, màu sắc, nơi đeo của huy hiệu, phù hiệu, cấp hiệu và bảng tên.

ĐIỀU 9:          BÀI CA CHÍNH THỨC

Bài ca chính thức của GĐPT: Bài SEN TRẮNG (Nhạc của Ưng Hội, lời của Phạm Hữu Bình và Nguyễn Hữu Quán).

ĐIỀU 10:        CÁCH CHÀO

Bắt ấn Cát Tường.

Bàn tay mặt hướng về phía trước đưa ngang vai, cánh ngoài thẳng dọc, ngón tay cái giữ lấy ngón tay áp út. Chỉ chào trong nội bộ GĐPT khi cùng mặc Đoàn phục và có mang huy hiệu Hoa sen.

ĐIỀU 11:        CỜ CỦA GĐPT

Từ Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội đến các GĐPT và Đoàn., Đội, Chúng, Đàn có cờ hiệu riêng.

ĐIỀU 12:        ĐỒNG PHỤC

A. Huynh trưởng nam và Thanh - Thiếu nam:

- Áo sơ mi lam tay cụt, cổ áo (bâu áo) lật, hai túi có nắp và sống túi, có cầu vai, sống lưng.

- Quần sọt (short) màu xanh dương đậm, 2 túi sau có nắp.

- Mũ (nón) Tứ ân.

- Vớ (tất)dài màu lam dưới đầu gối cho Huynh trưởng; Vớ (tất) ngắn màu sẫm cho đoàn sinh Thanh và Thiếu niên.

Ghi chú: Tùy trường hợp và hoàn cảnh địa phương có thể mặc quần tây dài màu xanh dương đậm.

B. Huynh trưởng nữ và Thanh - Thiếu nữ:

- Áo dài màu lam, quần trắng, nón lá.

- Trại phục: áo sơ mi lam tay dài, cổ (bâu áo) lật, hai túi có nắp và sống túi, có cầu vai, sống lưng, quần tây dài màu xanh dương đậm (không được mặc quần Jean).

C. Nam Oanh vũ:

- Áo sơ mi lam tay cụt, có cầu vai, quần sọt (short) màu xanh nước biển, 2 túi sau, có dây đeo phía sau lưng hình chữ X, mũ (nón) xanh nước biển rộng vành (tùy theo địa phương, miễn sao được đồngbộ).

D. Nữ Oanh vũ:

- Áo sơ mi lam cổ (bâu) lá sen, tay phồng cụt. Váy màu xanh nước biển có dây đeo, phía sau lưng hình chữ H, mũ (nón) rộng vành màu lam (tùy theo địa phương, miễn sao được đồngbộ).

- Chỉ mặc đồng phục và mang huy hiệu Hoa sen trong những ngày lễ của Giáo hội và sinh hoạt của GĐPT.

Ghi chú: Có bản phụ đính hướng dẫn về cờ và đồng phục.
 

CHƯƠNG III

TỔ CHỨC - NHIỆM VỤ - LIÊN LẠC - SINH HOẠT - TÀI CHÍNH

ĐIỀU 13:        TỔ CHỨC

A. Cấp Trung ương:

- Cấp cao nhất chịu trách nhiệm quản lý sinh hoạt, tu học của GĐPT là Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương.

- Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chịu trách nhiệm trực tiếp trước Hội đồng Trị sự về việc quản lý điều hành sinh hoạt tu học của GĐPT.

- Phó ban Hướng dẫn Phật tử đặc trách GĐPT do Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương lựa chọn một thành viên trong Ban để chịu trách nhiệm và đề nghị Ban Thường trực Hội đồng Trị sự xét bổ nhiệm.

- Thành phần nhân sự Phân ban GĐPT Trung ương do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương lựa chọn và trình Ban Thường trực HĐTS chuẩn y, gồm có:

+ Trưởng Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương (Phó BHD Phật tử Trung ương đặc trách GĐPT)

+ Các Phó Phân ban

+ Chánh Thư ký

+ Phó Thư ký

+ Thủ quỹ

+ Ủy viên Tài chính

+ Ủy viên Hoạt động Thanh niên

+ Ủy viên Từ thiện xã hội

+ Ủy viên Nội vụ

+ Ủy viên Tu thư

+ Ủy viên Tổ kiểm

+ Ủy viên Văn nghệ

+ Ủy viên Nghiên Huấn

+ Ủy viên Nam Phật tử

+ Ủy viên Nữ Phật tử

+ Ủy viên Thiếu Nam

+ Ủy viên Thiếu nữ

+ Ủy viên Nam Oanh vũ

+ Ủy viên Nữ Oanh vũ

Bên cạnh Phân ban GĐPT Trung ương còn có Ban Bảo trợ gồm một số Đạo hữu có thiện tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho sinh hoạt, tu học của GĐPT.

B. Cấp Tỉnh, Thành hội:

- Cấp chịu trách nhiệm quản lý sinh hoạt, tu học của GĐPT các Tỉnh, Thành hội là Ban Trị Sự Phật giáo Tỉnh, Thành hội địa phương đó.

- Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội chịu trách nhiệm trực tiếp trước Ban trị sự về việc quản lý điều hành sinh hoạt tu học của GĐPT tại địa phương.

- Phó ban Hướng dẫn Phật tử đặc trách GĐPT do Trưởng ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội lựa chọn người chịu trách nhiệm và đề nghị Thường trực Ban Trị Sự Tỉnh, Thành hội xét bổ nhiệm.

- Thành phần nhân sự Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội do Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội lựa chọn và trình Thường trực Ban Trị sự chuẩn y, gồm có:

+ Trưởng Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội (Phó BHD Phật tử Tỉnh, Thành hội đặc trách GĐPT)

+ Các Phó Phân ban

+ Chánh Thư ký

+ Phó Thư ký

+ Thủ quỹ

+ Ủy viên Từ thiện xã hội

+ Ủy viên Tài chính
+ Ủy viên Hoạt động Thanh niên

+ Ủy viên Nghiên Huấn

+ Ủy viên Nội vụ

+ Ủy viên Tu thư

+ Ủy viên Tổ kiểm

+ Ủy viên Văn nghệ

+ Ủy viên Nam Phật tử

+ Uỷ viên Nữ Phật tử

+ Ủy viên Thiếu Nam

+ Ủy viên Thiếu nữ

+ Ủy viên Nam Oanh vũ

+ Ủy viên Nữ Oanh vũ

Bên cạnh Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội còn có Ban Bảo trợ gồm một số Đạo hữu có thiện tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho sinh hoạt, tu học của GĐPT.

C. Đại diện tại Thành phố (trực thuộc Tỉnh), Quận, Huyện, Thị xã (có sinh hoạt GĐPT):

Tại Thành phố, Quận, Huyện, Thị xã này có 1 Ủy viên Đại diện Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội tùy theo yêu cầu.

- Ủy viên Đại diện Phân ban GĐPT nằm trong cơ cấu nhân sự Ban Đại diện.

D. Cấp Gia đình:

1. Nơi sinh hoạt:

GĐPT sinh hoạt tu học tại Chùa, Tịnh xá, Niệm Phật đường v.v... thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, được vị Trụ trì hoặc Trưởng ban Quản trị, Trưởng ban Hộ tự hoặc Ban Đại diện Chùa chấp thuận và chịu trách nhiệm với Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.

2. Danh xưng của mỗi GĐPT:

Danh xưng của mỗi GĐPT lấy theo tên Chùa, Tịnh xá, Niệm Phật đường v.v… nơi GĐPT đó sinh hoạt. Trường hợp có danh xưng khác với tên Chùa, Tịnh xá v.v… phải được vị Trụ trì hoặc Trưởng ban Hộ tự v.v... đồng ý và được Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội chấp thuận.

3. Thành phần Ban Huynh trưởng GĐPT:

- 1 Gia trưởng

- 1 Liên đoàn trưởng (trường hợp gia đình có nhiều Đoàn và Đoàn sính đông có thể thêm một hoặc hai Liên Đoàn phó phụ trách ngành Nam, Nữ).

- 1 Thư ký

- 1 Thủ quỹ

- Các Đoàn trưởng và Đoàn phó các Đoàn.

Bên cạnh Ban Huynh trưởng Gia đình có Ban Bảo trợ gồm một số Đạo hữu có thiện tâm hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho sinh hoạt tu học của GĐPT.

4. Điều kiện của Gia trưởng và các Huynh trưởng:

- Gia trưởng là một cư sĩ Phật tử hoặc một Huynh trưởng GĐPT trên 40 tuổi, có đạo đức, uy tín, am hiểu và tán thành mục đích sinh hoạt GĐPT do Ban Huynh trưởng mời.

- Liên Đoàn trưởng, Đoàn trưởng, Đoàn phó, Thư ký, Thủ quỹ v.v.. do Ban Huynh trưởng Gia đình (Gia trưởng + các Huynh trưởng) căn cứ vào khả năng, đạo đức, cấp bậc, trình độ tu học và tinh thần phục vụ để phân công vào các chức vụ Huynh trưởng.

- Ban Huynh trưởng Gia đình không phải bầu lại mỗi năm hay nhiệm kỳ. Lúc nào cần thiết thì thay đổi hay bổ sung mà thôi.

- Thành phần nhân sự của Gia đình (Ban Huynh trưởng) phải được sự đồng ý của vị Trụ trì hoặc Trưởng ban Hộ tự, Ban Quản trị chùa ... và được Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội duyệt, chấp thuận.

5. Số lượng Đoàn sinh của một GĐPT:

- Có ít nhất 2 Đoàn, mỗi Đoàn do 1 Đoàn trưởng và 1 hay 2 Đoàn phó điều khiển.

Mỗi Đoàn có ít nhất 2 Đội hoặc 2 Chúng (Thanh, Thiếu niên hoặc Thanh Thiếu nữ), hoặc 2 Đàn (Oanh vũ nam hay nữ). Số lượng nhiều nhất của mỗi Đoàn là 4 Đội hoặc 4 Chúng hoặc 4 Đàn. Trường hợp một ngành có lượng Đoàn sinh quá nhiều thì nên chia thêm Đoàn và có Đoàn trưởng và Đoàn phó riêng.

- Mỗi Đội, Chúng, Đàn có từ 06 đến 08 Đoàn sinh do Đội, Chúng trưởng, Đầu đàn và 1 Đội, Chúng phó, Thứ đàn điều khiển.

6. Lứa tuổi của Đoàn sinh:

- Đồng niên (Oanh vũ Nam, Nữ) : Từ 7 đến 12 tuổi

- Thiếu niên (Nam, Nữ) : Từ 13 đến 17 tuổi

- Thanh (Nam, Nữ): Từ 18 tuổi trở lên

ĐIỀU 14:        NHIỆM VỤ VÀ LIÊN LẠC

A. Cấp Trung ương:

Ngoài các nhiệm vụ được quy định tại chương III, điều 6 mục A của Nội quy BHDPT Trung ương đã ban hành ngày 15.08.1998 còn có các nhiệm vụ sau đây:

- Phó Ban HDPT Trung ương đặc trách GĐPT điều hành các Ủy viên Phân ban GĐPT Trung ương.

- Xét cấp thẻ Huynh trưởng cho tất cả Huynh trưởng GĐPT đã thọ cấp.

- Tổ chức các khóa tu học, huấn luyện, bồi dưỡng Huynh trưởng cấp III (Vạn Hạnh) và khảo sát bậc Lực cho Huynh trưởng các Tỉnh, Thành hội theo phương án đã trình BHDPT Trung ương.

- Tổ chức xét, xếp, thọ cấp cho Huynh trưởng cấp Tấn và Dũng theo quy định ở chương VI của nội quy này.

- Quản thủ sách tịch Huynh trưởng, quản lý, cập nhật tình hình tu học và sự cống hiến của các Huynh trưởng GĐPT cấp Tấn và cấp Dũng.

- Báo cáo sinh hoạt tu học của GĐPT lên BHDPT Trung ương 6 tháng 1 lần.

B. Cấp Tỉnh, Thành hội:

Ngoài các nhiệm vụ được quy định tại chương III, điều 6 mục B của Nội quy BHDPT Trung ương đã ban hành ngày 15.08.1998 còn có các nhiệm vụ sau đây:

- Phó BHDPT đặc trách GĐPT điều hành các Ủy viên Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội: hướng dẫn sinh hoạt tu học của các GĐPT thuộc Tỉnh, Thành hội.

- Tổ chức các khóa tu học dài hạn bậc Kiên - Trì - Định - Lực và mở các khóa trại huấn luyện Sơ cấp, cấp I, cấp II.

- Tổ chức xét, xếp, thọ cấp cho Huynh trưởng cấp Tập và cấp Tín theo quy định ở chương VI của nội quy này.

- Quản thủ sách tịch Huynh trưởng, quản lý, cập nhật tình hình tu học và sự cống hiến của các Huynh trưởng GĐPT thuộc Tỉnh, Thành hội địa phương.

- Mở các trại sinh hoạt hè, truyền thống, theo phương án hoạt động đã trình BHDPT Tỉnh, Thành hội.

- Báo cáo sinh hoạt tu học của GĐPT thuộc Tỉnh, Thành hội lên BHDPT Tỉnh, Thành hội và PBGĐPT Trung ương 6 tháng 1 lần.

C. Cấp Gia đình:

1. Gia trưởng:

- Thu nhận Huynh trưởng và Đoàn sinh vào Gia đình.

- Hướng dẫn Huynh trưởng sinh hoạt đúng theo Nội quy GĐPT và Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

- Giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ Gia đình.

- Chủ trì các cuộc họp Ban Huynh trưởng Gia đình.

- Thay mặt Ban Huynh trưởng Gia đình về hành chánh và đối ngoại.

- Cùng với Ban Huynh trưởng chịu trách nhiệm trực tiếp trước vị Trụ trì, Trưởng ban Hộ tự ..., Phân ban GĐPT và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội về mọi sinh hoạt của Gia đình.

2. Liên đoàn trưởng:

- Điều hành, hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn cho các Huynh trưởng làm tốt nhiệm vụ.

- Lập kế hoạch sinh hoạt tu học hàng tháng, hàng quý, hàng năm của Gia đình.

- Chịu trách nhiệm thi hành các phương án, chỉ thị của Phân ban GĐPT và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội.

- Tổ chức các cuộc lễ, trại, văn nghệ, triển lãm, công tác từ thiện xã hội v.v… trong phạm vi Gia đình.

- Phối hợp với Thư ký Gia đình báo cáo tình hình Gia đình lên Phân ban GĐPT.

3. Thư ký:

- Trợ lý Gia trưởng về mặt hành chánh, quản lý hồ sơ Gia đình, phối hợp với Liên Đoàn trưởng lập báo cáo, vạch phương án hoạt động của Gia đình.

4. Thủ quỹ:

- Phụ trách về thu chi của Gia đình, thiết lập sổ sách kế toán tài chánh, vật dụng và báo cáo trong cuộc họp hàng tháng của Gia đình.

5. Đoàn trưởng và Đoàn phó:

- Thi hành các phương án sinh hoạt tu học của Ban Huynh trưởng đề ra, lên chương trình thực hiện hàng tuần và trực tiếp điều khiển sinh hoạt của Đoàn.

6. Đội - Chúng trưởng - Đầu đàn:

- Thi hành quyết định của Đoàn trưởng, điều khiển Đội, Chúng, Đàn với sự trợ tá của Đội, Chúng phó và Thứ đàn. Thực hiên chương trình sinh hoạt tu học của Đội, Chúng, Đàn.

ĐIỀU 15:        SINH HOẠT

A. Cấp Trung ương:

- Như quy định tại chương III, điều 7 mục A của Nội quy Ban Phật tử Trung ương.

B. Cấp Tỉnh, Thành hội:

- Như quy định tại chương III, điều 7 mục B của Nội quy BHD Phật tử Trung ương.

C. Cấp Gia đình:

Ngoài các sinh hoạt tu học thường lệ vào ngày Chủ nhật, ngày Sóc Vọng, các dịp lễ, Vía, Chu niên Gia đình được tổ chức tại chùa, Tịnh xá, Niệm Phật đường v.v..., các sinh hoạt khác ngoài phạm vi Chùa, Tịnh xá v.v... như tổ chức trại Gia đình, đi tham quan du ngoạn v.v... phải có văn thư xin phép để Phân ban GĐPT trình Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội.

Mỗi tháng Ban Huynh trưởng họp ít nhất một lần để kiểm điểm việc sinh hoạt tu học trong tháng qua và hoạch định chương trình cho tháng tới.

ĐIỀU 16:        TÀI CHÍNH

Sinh hoạt phí của GĐPT các cấp gồm có:

- Tiền hỗ trợ của các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam

- Tiền hỗ trợ của Ban Bảo trợ GĐPT các cấp.

- Tiền ủng hộ của các nhà hảo tâm.

- Tiền tự tạo bằng các phương cách hợp pháp (như phát hành kinh sách, trình diễn văn nghệ, triển lãm v. v…)

- Tiền đóng góp của Đoàn sinh, Huynh Trưởng và Gia trưởng.


CHƯƠNG IV

ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CÔNG NHẬN – GIA NHẬP

 KỶ LUẬT - TẠM NGƯNG - GIẢI TÁN

ĐIỀU 17:       ĐIỀU KIỆN ĐƯỢC CÔNG NHẬN

Một GĐPT được công nhận khi hội đủ các điều kiện dưới đây:

1. Có vị Trụ trì hoặc Trưởng ban Hộ tự hoặc Ban Đại diện Chùa, Tịnh xá v.v... chịu trách nhiệm và thuận cho GĐPT sinh hoạt như điều 13, mục D, khoản 1 của Nội quy này.

2. Tối thiểu phải có 2 Huynh trưởng đã qua khóa huấn luyện.

3. Tối thiểu phải có 2 Đoàn như điều 13, mục D, khoản 5 quy định.

4. Phải kê khai lược trình sinh hoạt theo mẫu A1 của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ban hành.

5. Được Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội ban hành quyết định công nhận.

ĐIỀU 18:        ĐIỀU KIỆN GIA NHẬP GĐPT

1. Đơn xin gia nhập GĐPT do cha mẹ hoặc người đỡ đầu hợp pháp ký tên (nếu Đoàn sinh dưới 18 tuổi)

2. Tự ký đơn xin gia nhập GĐPT (nếu đã18 tuổi trở lên) và có 2 Đoàn sinh ngành Thanh hoặc 2 Huynh trưởng giới thiệu.

3. Sau 3 tháng sinh hoạt tu học liên tục, có tiến bộ, không vi phạm kỷ luật GĐPT thì được làm lễ phát nguyện đeo huy hiệu Hoa sen và trở thành Đoàn sinh chính thức của GĐPT.

ĐIỀU 19:        KỶ LUẬT

1. Đối với Huynh trưởng:

- Huynh trưởng thuộc GĐPT phạm kỷ luật nhẹ sẽ do đơn vị GĐPT góp ý, phê bình, kiểm điểm.

- Huynh trưởng thuộc Phân ban GĐPT phạm kỷ luật nhẹ sẽ do Phân ban Hướng dẫn góp ý, phê bình, kiểm điểm.

- Trường hợp vi phạm nặng GĐPT phải trình lên Phân ban GĐPT xét định: tùy theo mức độ Phân ban GĐPT trình lên BHDPT và Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội xét định.

- Huynh trưởng cấp Tấn, Dũng hoặc Ban viên đương nhiệm của Trung ương thì Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội trình lên HĐTS xét định.

2. Đối với Đoàn sinh:

Đoàn sinh phạm kỷ luật phải áp dụng cho tạm nghỉ sinh hoạt thời hạn dưới 3 tháng thì do Ban Huynh trưởng GĐPT đó xét định. Mọi việc áp dụng kỷ luật có mức độ cao hơn đối với Đoàn sinh thì phải trình lên Phân ban GĐPT, BHDPT Tỉnh, Thành hội quyết định.

- Huynh trưởng và Đoàn sinh bị áp dụng kỷ luật không được quyền đòi hỏi mọi điều kiện bồi thường nào cả.

ĐIỀU 20:       TẠM NGƯNG - GIẢI TÁN

A. Tạm ngưng:

1. Một GĐPT thấy cần tạm ngưng sinh hoạt, Ban Huynh trưởng GĐPT đó phải trình xin ý kiến của Vị Trụ trì, Trưởng ban Hộ tự hoặc Đại diện Chùa và Phân ban GĐPT xét định.

2. Việc tạm ngưng sinh hoạt một Gia đình: Vị Trụ trì, Ban Hộ tự, Ban Quản trị cần phải trình Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội giải quyết.

B. Giải tán:

1. Thường trực BTS quyết định cho giải tán một GĐPT nếu GĐPT đó vi phạm một trong các điều dưới đây:

a. Vi phạm Hiến chương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

b. Không sinh hoạt đúng Nội quy của BHDPT Trung ương và Nội quy GĐPT thuộc BHD PTTW Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

c. Không duy trì được điều kiện được quy định tại điều 17 của Nội quy này.

2. Một GĐPT bị ngưng sinh hoạt hoặc giải tán phải xem xét đầy đủ các yếu tố và được Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội quyết định theo tờ trình của Vị Trụ trì, Trưởng ban Hộ tự ... và Phân ban GĐPT.

3. Những vật dụng và sinh hoạt phí của Gia đình bị giải tán giao cho Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội quản lý.
 

CHƯƠNG V

TU HỌC - HUẤN LUYỆN

Tu học chánh pháp, trau dồi kiến thức là vấn đề trường kỳ và quan yếu hàng đầu đối vời đời sống Huynh trưởng GĐPT. Chương trình tu học và đào luyện gồm các mục đích cơ bản: xây dựng nếp sống tinh thần, hoàn thiện phẩm chất đạo đức, nâng cao kiến thức tổng quát, có năng lực chuyên môn và tinh thần sáng tạo để hướng dẫn tu học cho Đoàn sinh GĐPT cũng như để phụng sự đạo pháp và dân tộc.

Sở học là mênh mông, chương trình tu học và các khóa trại có giới hạn, tuy nhiên nó có tính chất cốt lõi, cơ bản và tiệm tiến, được quy định như sau:

ĐIỀU 21:        TU HỌC VÀ HUẤN LUYỆN ĐOÀN SINH

A. Tu học:

1. Ngành Đồng niên có 4 bậc: Mở mắt, Cánh mềm, Chân cứng và Tung bay.

2. Ngành Thiếu niên có 4 bậc: Hướng thiện, Sơ thiện, Trung thiện và Chánh thiện

3. Ngành Thanh niên có 2 bậc: Hòa và Trực.

Ghi chú: Có bản phụ đính ghi rõ nội dung và tiết học.

B. Huấn luyện:

1. Trại huấn luyện Tuyết Sơn: Để đào tạo Đầu đàn và Thứ đàn.

2. Trại huấn luyện Anôma- Ni Liên: Để đào tạo Đội, Chúng trưởng và Đội, Chúng phó.

Các trại này do Ban Huynh trưởng GĐPT tổ chức và phải trình Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội chấp thuận.

Ghi chú: Có bản phụ đính ghi rõ thời gian, nội dung huấn luyện và điều kiện dự trại.

ĐIỀU 22:        TU HỌC VÀ HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG

A. Tu học:

Huynh trưởng có 4 bậc học: Kiên - Trì - Định - Lực.

Ghi chú: Có bản phụ đính ghi rõ thời gian, chương trình và nội dung các bậc học.

B. Huấn luyện:

1. Trại huấn luyện Sơ cấp Lộc Uyển: Để đào tạo Đoàn phó.

2. Trại huấn luyện Cấp I A Dục: Để đào tạo Đoàn trưởng.

3. Trại huấn luyện Cấp II Huyền Trang: Để đào tạo Liên Đoàn trưởng.

4. Trại huấn luyện Cấp III Vạn Hạnh: Để đào tạo Ủy viên chuyên trách GĐPT

Ghi chú: Có bản phụ đính ghi rõ thời gian, điều kiện dự trại, nội dung và chương trình huấn luyện.

ĐIỀU 23:        ĐIỀU KIỆN TRÚNG CÁCH CÁC TRẠI HUẤN LUYỆN HUYNH TRƯỞNG

Trại sinh được chứng nhận trúng cách trại sau khi hội đủ:

- Đã tham dự đủ thời gian khóa trại.

- Được hội đồng tuyên bố trúng cách trại.

ĐIỀU 24:        THỜI GIAN CẤP CHỨNG CHỈ TRÚNG CÁCH

- Huynh trưởng trúng cách các Trại Lộc Uyển, A Dục, Huyền Trang được cấp chứng chỉ sáu (6) tháng sau, với điều kiện đang sinh hoạt.

- Huynh trưởng trúng cách trại Vạn Hạnh được cấp chứng nhận sau khóa trại.

ĐIỀU 25:       PHỤ TRÁCH KHẢO SÁT TU HỌC VÀ MỞ TRẠI HUẤN LUYỆN

A. Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội phụ trách:

- Khảo sát các bậc Kiên, Trì, Định.

- Mở các trại huấn luyện Lộc Uyển - A Dục - Huyền Trang.

B. Phân ban GĐPT Trung ương phụ trách:

- Khảo sát bậc Lực.

- Mở trại huấn luyện Vạn Hạnh.
 

CHƯƠNG VI

XÉT XẾP CẤP HUYNH TRƯỞNG

ĐIỀU 26:       ĐIỀU KIỆN XẾP CẤP

Căn cứ vào trình độ tu học, phẩm chất đạo đức, năng lực sinh hoạt, tinh thần phục vụ và hội đủ thâm niên, Huynh trưởng GĐPT được xếp vào các cấp TẬP - TÍN – TẤN - DŨNG được quy định như sau:

1. Cấp Tập:

- Đủ 23 tuổi.

- Đã qua bậc Trì

- Trúng cách trại A Dục.

- Đang sinh hoạt - Có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 3 năm.

2. Cấp Tín:

- Đủ 28 tuổi.

- Thâm niên cấp Tập ít nhất 3 năm.

- Đã qua bậc Định.

- Trúng cách trại Huyền Trang.

- Đang sinh hoạt - Có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 9 năm.

3. Cấp Tấn:

- Đủ 36 tuổi.

- Thâm niên cấp Tín ít nhất 5 năm.

- Đã qua bậc Lực.

- Trúng cách trại Vạn Hạnh.

- Đang sinh hoạt - Có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 15 năm.

4. Cấp Dũng:

- Đủ 46 tuổi.

- Thâm niên cấp Tấn ít nhất 10 năm.

- Có một luận án nghiên cứu về Phật giáo (giáo dục, nhân văn, lịch sử v.v…) được Hội đồng xét duyệt (do Ban Hướng dẫn Phật tử bổ nhiệm) công nhận.

- Đang sinh hoạt - Có thâm niên Huynh trưởng ít nhất 25 năm.

ĐIỀU 27:       THỂ THỨC XẾP CẤP

1. Cấp Tập:

- Huynh trưởng đương sự lập hồ sơ và sách tịch (3bản), đính kèm các chứng từ liên hệ mỗi thứ 3 bản.

- Ban Huynh trưởng Gia đình đề nghị.

- Căn cứ kết quả của Hội đồng Xét Xếp Cấp, Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội ký quyết định xếp cấp Tập. Quyết định này có khán duyệt của Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội.

2. Cấp Tín:

- Huynh trưởng đương sự lập hồ sơ và sách tịch (4bản, đính kèm các chứng từ liên hệ mỗi thứ 4 bản.

- Ban Huynh trưởng Gia đình hoặc Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội đề nghị.

- Hội đồng Xét Xếp Cấp của Tỉnh, Thành hội xét duyệt và trình Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội ban hành quyết định.

3. Cấp Tấn:

- Huynh trưởng đương sự lập hồ sơ và sách tịch (5bản), đính kèm các chứng từ liên hệ mỗi thứ 5 bản.

- Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội hoặc Phân ban GĐPT Trung ương đề nghị.

- Hội đồng Xét Xếp Cấp của Trung ương xét duyệt và trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành quyết định.

4. Cấp Dũng:

- Huynh trưởng đương sự lập hồ sơ và sách tịch (5bản),đính kèm luận án.

- Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội hoặc Phân ban GĐPT Trung ương đề nghị.

- Hội đồng Xét Xếp Cấp của Trung ương xét duyệt và trình Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ban hành quyết định.

ĐIỀU 28:        HỘI ĐỒNG XÉT XẾP CẤP

A. Tại Tỉnh, Thành hội:

1. Hội đồng Xét xếp cấp Tập và Tín gồm có:

- Chứng minh: Trưởng ban HDPT Tỉnh, Thành hội

- Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Phó Chủ tịch: Phó Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội hoặc một Huynh trưởng cao niên cấp Tấn.

- Thuyết trình viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Ủy viên: 1 Huynh trưởng cấp Tín thâm niên

               1 Huynh trưởng cấp Tập thâm niên

               Đại diện Phân ban GĐPT tại Quận, Huyện...

Hội đồng xét xếp cấp này được Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội ban hành quyết định thành lập.

Ghi chú: Ngoài vị chứng minh, Hội đồng phải có ít nhất 3 Huynh trưởng có cấp cao hơn cấp Huynh trưởng được xét.

2. Hội đồng Xét đề nghị xếp cấp Tấn và Dũng gồm có:

- Chứng minh: Trưởng ban HDPT Tỉnh, Thành hội

- Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Phó Chú tịch: Phó Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Thuyết trinh viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT Tỉnh, Thành hội

- Ủy viên: 2 Huynh trưởng cấp Tấn trở lên

Hội đồng này được Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội ban hành quyết định thành lập và chỉ xét đề nghị các Huynh trưởng có đủ điều kiện xếp cấp Tấn, Dũng và lập danh sách để Thường trực BTS Tỉnh, Thành hội chuyển trình Trung ương xét xếp.

 B. Tại Trung ương:

1. Hội đồng Xét xếp cấp Tấn gồm có:

- Chứng minh : Trưởng ban HDPT Trung ương

- Chủ tịch: Trưởng Phân ban GĐPT Trung ương

                 Một Huynh trưởng cấp Dũng.

- Phó Chủ tịch: Phó Phân ban GĐPT Trung ương hoặc

                       một Huynh trưởng cấp Tấn thâm niên.

- Thuyết trình viên: Ủy viên Nội vụ Phân ban GĐPT Trưng ương.

- Thư ký: Thư ký của Phân ban GĐPT Trung ương.

- Ủy viên: 1 Huynh trưởng thâm niên cấp Tấn trở lên.

2. Hội đồng xét xếp cấp Dũng gồm có:

- Chủ tịch: Trưởng Ban Hướng dẫn Phật tử Trưng ương.

- Phó Chủ tịch: Một vị trong Ban Giám khảo duyệt xét luận án.

                       Trưởng Phân ban GĐPT Trung ương.

- Thuyết trình viên: Trưởng Phân ban GĐPT Trung ương kiêm nhiệm

- Ban Thư ký: Chánh Thư ký của Ban Hướng dẫn Phật tử TW

                      Thư ký Phân ban GĐPT Trung ương.

- Ủy viên: Các Huynh trưởng cấp Dũng.

                Một cư sĩ uyên thâm Phật học.

Hội đồng xét xếp cấp Tấn và Dũng được Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương ra quyết định thành lập.

ĐIỀU 29:        HỒ SƠ XÉT XẾP CẤP

1. Hồ sơ xin xét xếp cấp Tập, Tín gồm: Biên bản bình nghị của Ban Huynh trưởng Gia đình, sách tịch của Huynh trưởng và các chứng từ phải gởi về Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội theo thời gian quy định. Sau khi xét và ban hành quyết định, Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội gởi trình Phân ban Hướng dẫn GĐPT Trung ương (mỗi thứ 01bản) gồm có:

- Quyết định thành lập Hội đồng xét xếp cấp.

- Biên bản của Hội đồng xét xếp cấp.

- Quyết định xếp cấp Tập, Tín.

- Sách tịch Huynh trưởng.

2. Hồ sơ đề nghị xét xếp cấp Tấn, Dũng do Phân ban Hướng dẫn GĐPT Tỉnh, Thành hội lập để Thường trực Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội chuyển trình Trung ương xét xếp cấp (mỗi thứ 02 bản) gồm có:

- Quyết định thành lập Hội đồng xét đề nghị cấp Tấn, Dũng.

- Biên bản đề nghị.

- Sách tịch Huynh trưởng.

- Chứng từ liên quan (cấp Dũng kèm theo Luận án).

Mọi thủ tục xét xếp cấp, xét đề nghị triển khai từ tháng 7 âm lịch để kịp ban hành quyết định xếp cấp trước Đại lễ Thành đạo.

ĐIỀU 30:        TỔ CHỨC LỄ THỌ CẤP

1. Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tập và cấp Tín.

2. Ban hướng dẫn Phật tử Trung ương tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tấn và Dũng. Trường hợp các Huynh trưởng không thuận tiện về Trung ương thọ cấp, BHDPT Trung ương ủy nhiệm Thường trực BTS tại các Tỉnh, Thành hội tổ chức lễ thọ cấp cho các Huynh trưởng cấp Tấn và Dũng.

ĐIỀU 31:        TRUY TẶNG VÀ TRUY THĂNG CẤP

1. Huynh trưởng quá cố trong lúc thi hành Phật sự được truy tặng một cấp.

2. Huynh trưởng quá cố trong các trường hợp khác được truy thăng một cấp nếu có đủ nửa thời gian của cấp tiếp theo.

- Việc truy tặng và truy thăng cấp phải có đề nghị trực tiếp của đơn vị quản lý Huynh trưởng đó.

 

CHƯƠNG VII

TỔNG QUÁT – SỬA ĐỔI

ĐIỀU 32:

- Nội quy này gồm Lời nói đầu, 7 chương và 32 điều, có hiệu lực kể từ ngày được Ban Thường trực HĐTS ban hành quyết định chấp thuận.

- Mọi sửa đổi hoặc bổ sung nội quy này phải được Ban Hướng Dẫn Phật tử Trung ương đệ trình Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam chấp thuận.


 TRƯỞNG BAN HDPT TRUNG ƯƠNG
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN DUYÊN
(Đã ký)
KHÁN DUYỆT
TP.HCM ngày 14 tháng 01 năm 2002
CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ GHPGVN
HÒA THƯỢNG THÍCH TRÍ TỊNH
(Đã ký)


 

PHỤ ĐÍNH NỘI QUY GIA ĐÌNH PHẬT TỬ



Nội quy GĐPT gồm Lời Nói đầu, 7 Chương và 32 điều trong đó chương II quy định về Huy hiệu, Phù hiệu, Cấp hiệu, Bài ca Chính thức, Cách chào, Cờ của GĐPT, và Đồng phục và có một phụ bản đính kèm hướng dẫn chi tiết quy cách, cách thức của các điều nói trên.


PHỤ ĐÍNH NỘI QUY GIA ĐÌNH PHẬT TỬ (CHƯƠNG II)


ĐIỀU 6: HUY HIỆU   
 
                
HOA SEN
 

 
* Nơi đeo:
- Nam Huynh trưởng, Thanh, Thiếu nam đeo giữa túi áo trái.
- Nữ Huynh trưởng, Thanh, Thiếu nữ đeo dưới nút áo dài thứ hai bên phải; trại phục thì đeo trên nắp túi áo trái (trên phù hiệu chức vụ).
- Oanh vũ đeo ở giữa dây treo bên trái.
 
ĐIỀU 7: PHÙ HIỆU

1. PHÂN BAN HƯỚNG DẪN TRUNG ƯƠNG VÀ TỈNH THÀNH:
 
 
* Phù hiệu chức vụ của Phân Ban Hướng dẫn TW và Tỉnh Thành hình chữ nhật 65 ly X 20 ly. Trung ương màu vàng đậm, các Tỉnh Thành màu vàng nhạt; chữ màu đà gỗ.
* Chữ ghi chức vụ cao 04 ly, chữ ghi tên đơn vị cao 08 ly, dùng chữ in đứng không chân, nét rõ ràng.
* Cấp Trung ương ghi chữ TRUNG ƯƠNG, các tỉnh thành ghi tên của Tỉnh, Thành. 
* Các chức danh ghi rõ là Trưởng Phân Ban, Phó Phân Ban, Chánh Thư Ký, Phó Thư Ký, Thủ Quỹ. Các ủy viên phụ trách việc gì thì ghi rõ công việc đảm trách, chữ ủy viên viết tắt là UV.
* Nơi đeo:
- Nam sát trên nắp túi áo trái.
- Nữ dưới hoa sen, trên bảng tên; riêng trại phục thì như nam.
 
2. BAN HUYNH TRƯỞNG GIA ĐÌNH PHẬT TỬ CƠ SỞ:
 

* Phù hiệu chức vụ của Ban Huynh Trưởng hình chữ nhật 65 ly X 20 ly với các chức danh được viết rõ ràng phía trên tên đơn vị gia đình.
* Nền phù hiệu của Gia trưởng, Liên đoàn trưởng , Liên đoàn phó, Thư ký, Thủ quỹ, Đoàn trưởng, Đoàn phó ngành Thanh có màu đà gỗ. Ngành Thiéu có màu xanh biển. Ngành Đồng có màu xanh lục.
* Tên chức vụ cao 04 ly, tên đơn vị cao 08 ly, dùng chữ in đứng không chân, nét rõ ràng; các chữ đều màu trắng.
* Nơi đeo:
- Nam sát trên nắp túi áo trái.
- Nữ dưới hoa sen, trên bảng tên; riêng trại phục thì như nam.
 
3. ĐỘI CHÚNG ĐÀN
A. Ngành Thanh:

*Phù hiệu chức vụ của ngành Thanh có màu nâu kích thước 65 ly X 20 ly với tên gia đình và tên chức vụ Đội (Chúng) trưởng, Đội (Chúng) phó; các đội chúng viên chỉ có tên gia đình.
*Tên chức vụ cao 04 ly, tên đơn vị cao 08 ly, dùng chữ in đứng không chân, nét rõ ràng; chữ màu trắng.

B. Ngành Thiếu:
 

*Phù hiệu chức vụ của ngành Thiếu có màu xanh biển kích thước 65 ly X 15 ly với tên gia đình và tên chức vụ Đội (Chúng) trưởng, Đội (Chúng) phó; các đội chúng viên chỉ có tên gia đình.
*Tên chức vụ cao 03 ly, tên đơn vị cao 06 ly, dùng chữ in đứng không chân, nét rõ ràng; chữ màu trắng.
* Nơi đeo:
-Nam sát trên nắp túi áo trái.
-Nữ dưới hoa sen. Riêng trại phục thì như nam.

C. Ngành Đồng:
 
 
 
 
*Phù hiệu tên gia đình của ngành Đồng có màu xanh lục, hình chữ nhật, có kích thước 40 ly X 10 ly; chữ màu trắng in đứng, cao 05 ly, không chân, nét rõ ràng. Phù hiệu này đeo ở giữa giây treo bên phải.
*Riêng Đầu đàn và Thứ đàn được thể hiện bằng các vạch màu vàng nhạt có cùng kích thước với phù hiệu của ngành (40 ly X 10 ly), đầu đàn có 2 vạch, mỗi vạch cách nhau 05 ly. Thứ đàn có 1 vạch, những vạch này đeo dưới huy hiệu Hoa sen. 

4. BẢNG TÊN 

*Bảng tên chỉ dành cho huynh trưởng, có kích thước 65 ly X 15 ly, màu trắng, phần trên ghi pháp danh, phần dưới ghi họ tên. Chữ pháp danh cao 03 ly, họ và tên cao 06 ly, chữ in đứng, màu đỏ, không chân, nét rõ ràng.
*Huynh trưởng nam đeo bảng tên trên nắp túi áo phải, huynh trưởng nữ đeo dưới phù hiệu chức vụ; trại phục đeo như nam.

ĐIỀU 8: CẤP HIỆU
 
1.NGÀNH ĐỒNG (OANH VŨ):
 
MỞ MẮT
 
CÁNH MỀM
 
CHÂN CỨNG
 
TUNG BAY

A. HÌNH DẠNG VÀ KÍCH THƯỚC
*Biểu tượng bằng chim Oanh Vũ từ lúc nhỏ đến lúc lớn, hình dáng thay đổi theo 4 bậc: Mở Mắt, Cánh Mềm, Chân Cứng, Tung Bay.
*Hình vuông góc tròn, đặt đứng theo đường  chéo, cạnh 40 ly X 40 ly; viền rộng 01 ly, cách cạnh 03 ly.
B. MÀU SẮC
*Chim Oanh Vũ, tổ, viền màu trắng.
*Nền màu lục.
C.NƠI ĐEO
*Tay áo trái, ngay đường ủi, dưới đường chỉ vai 3 ngón tay khít nằm ngang.

2. NGÀNH THIẾU:
 
 
HƯỚNG THIỆN
 
SƠ THIỆN
 
TRUNG THIỆN
 
CHÁNH THIỆN

A. HÌNH DẠNG VÀ KÍCH THƯỚC
*Biểu tượng bằng lá, cành và nụ bồ đề. Bậc càng lớn là càng nhiều: Hướng thiện 01 lá, Sơ thiện 02 lá, Trung thiện 03 lá, Chánh thiện 04 lá.
*Hình vuông góc tròn, đặt đứng theo đường  chéo, cạnh 40 ly X 40 ly; viền rộng 01 ly, cách cạnh 03 ly.
B. MÀU SẮC 
*Cành, lá, nụ bồ đề và đường viền bên ngoài màu trắng. Nền màu xanh nước biển.
C.NƠI ĐEO (kể cả trại phục thiếu nữ)
*Tay áo trái, ngay đường ủi, dưới đường chỉ vai 3 ngón tay khít nằm ngang.
 
3. NGÀNH THANH:
 
 
 
HÒA
 
MINH
 
 
KIẾN
 
 
TRỰC
 
A. HÌNH DẠNG VÀ KÍCH THƯỚC
*Biểu tượng bằng lá bồ đề lớn. Cấp càng cao lá càng nhiều: Hòa 01 lá, Minh 02 lá, Kiến 03 lá, Trực 04 lá.
*Hình vuông góc tròn, đặt đứng theo đường  chéo, cạnh 40 ly X 40 ly; viền rộng 01 ly, cách cạnh 03 ly.
B. MÀU SẮC
*Lá bồ đề, viền chung quanh: màu trắng.
*Nền và gân lá: màu nâu.
C.NƠI ĐEO (kể cả trại phục nữ Phật tử)
*Tay áo trái, ngay đường ủi, dưới đường chỉ vai 3 ngón tay khít nằm ngang.

4. HUYNH TRƯỞNG 
 
 
TẬP
 
TÍN
 
TẤN
 
DŨNG

A. HÌNH DẠNG VÀ KÍCH THƯỚC
*Biểu tượng bằng lá và hột bồ đề.Cấp càng cao thì hột bồ đề càng nhiều: Tập 01 hột, Tín 02 hột, Tấn 03 hột, Dũng 04 hột.
*Hình vuông góc tròn, cạnh 40 ly X 40 ly; viền rộng 01 ly, cách cạnh 03 ly.
B. MÀU SẮC
*Lá, hột bồ đề, viền chung quanh: màu nâu.
*Nền và gân lá: màu vàng.
C.NƠI ĐEO (kể cả trại phục nữ huynh trưởng)
*Tay áo trái, ngay đường ủi, dưới đường chỉ vai 3 ngón tay khít nằm ngang.

ĐIỀU 9: BÀI CA CHÍNH THỨC
 
 
ĐIỀU 10: CÁCH CHÀO
 
 
Ấn Cát Tường
 
                 
ĐIỀU 11: CỜ CỦA GIA ĐÌNH PHẬT TỬ

A. CẤP TỈNH THÀNH:
 

Kích thước 0 mét 80 X 1 mét 20, nền hai bên đều màu xanh lục; bên phải có huy hiệu Hoa sen ở giữa, đường kính bằng 1/2 cạnh đứng; bên trái có hai hàng chữ, hàng trên là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ TỈNH (đơn vị cấp Thành phố thì ghi tắt TP) cao 15 cm, cách cạnh trên 15 cm, hàng dưới là tên đơn vị tỉnh, thành. chữ cao 25 cm, cách cạnh dưới 15 cm, dùng chữ in đứng không chân, màu trắng, cờ có tua trắng.

B. CẤP GIA ĐÌNH:
 

Kích thước 0 mét 60 X 0 mét 90, nền hai bên đều màu xanh lục; bên phải có huy hiệu Hoa sen ở giữa, đường kính bằng 1/2 cạnh đứng; bên trái có hai hàng chữ, hàng trên là GIA ĐÌNH PHẬT TỬ, cách cạnh trên 10 cm, hàng dưới là tên đơn vị, chữ cao 20 cm, cách cạnh dưới 10 cm,dùng chữ in đứng không chân, màu trắng, cờ có tua trắng.

C. CẤP ĐOÀN: 
 

Kích thước 0 mét 35 X 0 mét 55, bên phải màu xanh lục có huy hiệu Hoa sen ở giữa, đường kính bằng 1/2 cạnh đứng; bên trái có màu của ngành: nâu cho Thanh, xanh nước biển cho Thiếu và xanh lục cho Oanh; có hai hàng chữ, hàng trên là tên đơn vị gia đình, cao 07 cm, cách cạnh trên 07 cm, hàng dưới là tên ngành, cao 10 cm, cách cạnh dưới 07 cm, dùng chữ in đứng không chân, màu trắng, cờ có tua trắng.

D. CẤP ĐỘI, CHÚNG, ĐÀN:
 
CỜ ĐỘI (CHÚNG) VÀNGCỜ ĐÀN NÂU
                                                
*Cờ đội chúng có kích thước  0 mét 21 X 0 mét 29,  cạnh ngoài tròn, bên phải màu xanh lục, có huy hiệu Hoa Sen ở giữa, đường kính bằng 1/2 cạnh đứng; bên trái có màu của ngành (nâu cho Thanh, xanh biển cho Thiếu); có tiếng reo của đội, chúng; chữ cao 09 cm, cách đều các cạnh, chữ in đứng, không chân, màu trắng. Cờ đội chúng không có tua nhưng có viền 20 ly theo màu sen của đội, chúng (đội, chúng sen vàng thì viền màu vàng, sen trắng thì viền màu trắng...)

*Cờ đàn có kích thước 0 mét 17 X 0 mét 25, kiểu dáng như cờ đội chúng với nền cả hai bên đều màu xanh lục; bên phải có huy hiệu hoa sen ở giữa, đường kính bằng 1/2 cạnh đứng; bên trái có tiếng reo của Đàn, chữ cao 07 cm cách đều các cạnh, chữ in đứng không chân, màu trắng. Cờ có viền 15 ly theo màu của Đàn (đàn xanh thì viền xanh, đàn hồng thì viền hồng...)
 
ĐIỀU 12: ĐỒNG PHỤC

A. HUYNH TRƯỞNG NỮ VÀ THANH THIẾU NỮ:
 

B. HUYNH TRƯỞNG NAM VÀ THANH THIẾU NAM:
 

*GHI CHÚ:       1. Huy hiệu Hoa Sen
                          2. Phù hiệu chức vụ
                          3. Cấp hiệu,                   
                          4. Bảng tên

C. OANH VŨ NAM: 
 
 
D. OANH VŨ NỮ:
 
 

*GHI CHÚ:  1. Huy hiệu Hoa Sen      
                     2. Phù hiệu Đầu thứ đàn 
                     3. Cấp hiệu                   
                     4. Bảng tên gia đình


Phù hiệu Huynh trưởng tập sự

Để xác định vị trí và trách nhiệm của Huynh trưởng đã trúng cách các trại huấn luyện Lộc Uyển và A Dục, vừa qua Phân Ban Hướng dẫn Gia đình Phật tử Trung ương đã có thông báo số 11/GĐPT-TƯ ngày 08/6/2009 bổ sung phù hiệu cho Huynh trưởng tập sự (Huynh trưởng chưa thọ cấp Tập) theo mẫu sau:
 
PHÙ HIỆU HUYNH TRƯỞNG TẬP SỰ

Kèm thông báo số 11/GĐPT-TƯ ngày 08 tháng 6 năm 2009
Phù hiệu được trao cùng với Chứng chỉ trại
(Trong Lễ phát chứng chỉ Trúng cách Trại)

Màu sắc, kích cỡ, nơi đeo giống cấp hiệu Huynh trưởng.


 


Đã trúng cách trại Lộc Uyển
 

Đã trúng cách trại A Dục 

Nguồn: giadinhphattu.vn