Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

CHÙA PHƯỚC AN TÂN THÁI


CHÙA PHƯỚC AN TÂN THÁI


Từ trung tâm thành phố Đà Nẵng qua cầu Sông Hàn, theo đường Ngô Quyền về phía Sơn Trà khoảng 3 km, rẽ phải theo đường Trương Định khoảng 500 m. Chùa Phước An Tân Thái tọa lạc trên diện tích 1.893 m2 thuộc phường Mân Thái, quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng.


          Chùa được xây dựng từ năm Tân Dậu (1741) lúc bấy giờ chỉ là ngôi thảo am nhỏ, nơi cư dân trong làng đến để thắp hương niệm Phật.
          Ngôi chùa này đã trải qua thời gian lâu xa với các cuộc chiến tranh nên ngôi chùa đã được trùng tu nhiều lần. Lần trùng tu gần đây nhất là năm Bính Tý (1996). Ngôi chùa hiện nay được xây bằng xi măng cốt sắt kiên cố, mặt tiền xây về hướng Nam, với diện tích 300 m2, tiền đường 3 tầng lợp ngói được xây theo lối chồng diêm, trên nóc trang trí lưỡng long uốn lượn, mặt rồng chầu vào mặt rồng chính diện trên đội Pháp luân. Phần cổ lầu ở mái giữa được tôn trí tượng Phật Thành đạo, hai bức phù điêu hai bên chạm trổ cảnh Phật xuất gia và chuyển Pháp luân.
         Các cột tiền đường đều đắp "long vân đồng trụ", uốn lượn theo chiều từ trên xuống (rồng giáng) và từ dưới lên (rồng thăng), tất cả ngoảnh mặt chầu về cửa chính giữa.
         Bên trong chánh điện, phần hậu điện được vẽ cây Bồ đề lớn, màu sắc đẹp và uy nghiêm. Gian giữa thờ đức Phật Thích Ca ngự trên tòa sen, hai bên thờ Bồ tát Quán Thế Âm và Đại Thế Chí. Trên tường có treo 9 bức tranh sơn dầu vẽ về những giai đoạn trong cuộc đời đức Phật, từ lúc Phật đản sanh tới khi xuất gia tu thành chánh quả cho tới lúc Phật nhập Niết Bàn.
         Hai bên có 2 gian chuông trống thờ ngài Hộ Pháp đại diện cho cái thiện và ngài Tiêu Diện, người tiêu trừ cái ác.
         Phía sau chánh điện là nhà hậu tổ, chính giữa thờ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, khánh vị thờ chư tiền nhân khai sơn, hai bên thờ chư vị nam, nữ Đạo hữu, phật tử quá cố.

Từ cổng chùa vào cầu dẫn qua hồ sen nối với chánh điện là một khoảng sân rộng. Hai bên hồ sen được xây dựng lầu chuông uy nghi đẹp đẽ xứng với Đại hồng chung nặng 1.200 kg và được khánh tạ vào ngày 10 tháng 12 Ất Dậu (2005). Một bên xây dựng Quan Âm Các, tôn trí tượng kim thân Bồ tát Quán Thế Âm bằng nguyên khối đá cẩm thạch trắng, cao 3,2 m nhân dịp Đại lễ Vu Lan năm Bính Tuất (2006).
Trụ trì chùa Phước An Tân Thái hiện nay là Đại đức Thích Thông Đạo, ngoài việc hướng dẫn Tăng, tín đồ tu học, sinh hoạt tín ngưỡng, Đại đức còn tích cực tham gia công tác từ thiện. Nhiệm kỳ 2002 - 2007, Đại đức đã vận động đạo hữu, phật tử trong và ngoài nước trao tặng cho bà con nhân dân tại địa phương có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là cơn bão số 6 (Xangsene) với 3.348 phần quà, trị giá khoảng 167 triệu đồng.
Hiện chùa có 2 đạo tràng chuyên thọ trì Kinh Pháp Hoa hàng tuần và tu Bát quan trai giới vào ngày 23 âm lịch hàng tháng với hơn 100 đạo hữu, phật tử tham gia.
Việc tu học của thanh thiếu, đồng niên được quan tâm và chú trọng. Chùa hiện có đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt đều đặn và liên tục đã hơn 50 năm, với 203 đoàn sinh dưới sự hướng dẫn của 28 huynh trưởng (trong đó có 5 cấp Tấn, 11 cấp Tín, 3 cấp Tập).
Chùa Phước An Tân Thái kể từ khai sơn đến nay đã truyền thừa qua 20 đời trụ trì hoằng dương chánh pháp. Ngôi chùa cũng đã trùng tu nhiều lần, tuy nhiên ngôi chùa vẫn giữ được những nét cổ kính và hài hòa với cảnh quan chung quanh.
Sau 5 năm xây dựng, nhờ sự chỉ đạo của các cấp Giáo hội và sự quan tâm của chính quyền địa phương cộng với sự nhiệt tình cúng dường của đạo hữu, phật tử bổn tự cùng chư thiện tín thập phương trong nước và ở nước ngoài, đến nay ngôi chánh điện đã hoàn thành với tổng kinh phí xây dựng gần 1,5 tỷ đồng bao gồm các hạng mục: Tiền đường, chánh điện, lầu chuông, Quan Âm các, công trình cầu dẫn qua hồ sen...
Sự hiện diện của ngôi chùa Phước An Tân Thái cùng với Đình Làng Tân Thái, nhà thờ Lê Tộc được xây dựng gần nhau tạo thành một quần thể di tích mang đậm nét văn hóa tâm linh, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc thể hiện tinh thần gắn bó, hòa quyện mật thiết giữa Đạo pháp và Dân tộc như lời thơ của Thiền sư Mãn Giác:
"Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống bao đời của tổ tông..."