Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Hai, 18 tháng 8, 2014

Gợi ý Đáp án kỳ thi khảo sát kết thúc năm thứ ba, bậc Lực IV

Htr. cấp Tín Quảng Thời Trần Văn Sáu - GĐPT Tân Thái 

Lưu ý: Những chữ in màu xanh là gợi ý đáp án, phần chữ in nghiêng là giải thích thêm.


Các Anh, chị học viên bậc Lực IV làm bài thi kết khóa năm thứ 3
tại Tổ đình Long Khánh -141 Trần Cao Vân, TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định
(Ảnh: Đồng Đạo Nguyễn Văn Minh)

A. PHẦN TRẮC NGHIỆM (Mỗi câu 2 điểm)

I. Lựa chọn câu đúng nhất (26 câu)

Câu 1: Việt dịch Kinh Bát Nhã Tâm kinh:

A. Tâm Kinh
B. Kinh Trái Tim Tuệ Giác Vô Thượng, gọi tắt là Kinh Trái Tim.
C. Kinh Đại Bát Nhã
D. Kinh Bát Nhã Tâm Kinh

Câu 2: Về mặt lịch sử tư tưởng, Bát Nhã Tâm Kinh có các đặc điểm sau:

A. Kinh Bát Nhã là bộ kinh đầu tiên truyền bá tư tưởng Đại thừa
B. Bắt nguồn từ miền Bắc Ấn Độ thuộc trung tâm truyền giáo của Đại chúng bộ và đại biểu trung tâm của Kinh là Tánh Không.
C. Cả hai câu trên đều đúng.
D. Kinh Bát Nhã được truyền thừa lâu nhất.
            
Trong câu này, A là phương án đúng nhất, còn lại B, D là các phương án sai, hay còn gọi là phương án gây nhiễu. Phương án B sai và gây nhiễu rất hợp lý, khi có chi tiết sai là "miền Bắc Ấn Độ" vì đúng phải là "miền Nam Ấn Độ".


Câu 3: Kinh Bát Nhã Tâm Kinh hiện đang lưu hành có các đặc điểm sau:

A. Đây là bản Kinh tiếng Việt đang được lưu hành.
B. Là bản kinh cô kết nhất không hơn 300 chữ và đang được lưu hành phổ biến tại các nước Viễn Đông Á Châu.
C. Bản Kinh được dịch ra nhiều thứ tiếng.
D. Các câu trên đều sai.

Câu 4: Ở phân đoạn 1, luận đề của Bát Nhã Tâm Kinh là gì?

A. Chủ thể quan sát, trí tuệ quan sát, đối tượng quan sát và tác năng của trí tuệ quan sát.
B. Chủ thể quan sát, đối tượng quan sát, cơ sở quan sát và tác năng của trí tuệ quan sát.
C. Cả hai câu trên câu nào cũng có luận đề như nhau.
D. Cả 3 câu đều không đúng.

Phương án A và B đều là phương án đúng, vì (trong phương án A) Trí tuệ quan sát là Trí tuệ Bát Nhã và (trong phương án B) Cơ sở quan sát cũng là Trí tuệ Bát Nhã.

Câu 5: Nội dung và mục đích của Kinh Bát Nhã Tâm kinh:

A. Kinh Bát Nhã phân làm 7 phân đoạn.
B. Nội dung của Kinh là đề cao trí tuệ của kinh.
C. Kinh Bát Nhã có nội dung sâu sắc, ý nghĩa cao xa.
D. Tâm kinh được xem là "trái tim" của tư tưởng Phật học, được nói ra bởi Tuệ giác Vô thượng của Phật nhằm dẫn dắt chúng sanh đi vào thực tại giải thoát.

Câu 6: Phân đoạn thứ 2 của Kinh từ "Xá Lợi tử ... diệc phục như thị" có mục đích gì?

A. Giới thiệu về Tánh Không.
B. Giới thiệu về 5 uẩn
C. Xác chứng về Tuệ giác Vô thượng qua 3 đời chư Phật.
D. Giới thiệu về năng lực của Trí tuệ Vô thượng.

Câu 7: Khi nói đến 5 uẩn là Không (phân đoạn 7 của Tâm Kinh) thì 3 phạm trù được quan sát của 5 uẩn là gì?

A. Sắc uẩn, thị uẩn, tưởng uẩn.
B. Tướng của 5 uẩn, sinh diệt của 5 uẩn và chân như của 5 uẩn.
C. Sắc uẩn, thọ uẩn, hành uẩn.
D. Thọ uẩn, hành uẩn và thức uẩn.

Câu 8: Câu kinh: "Viễn ly điên đảo, mộng tưởng cứu cánh Niết-bàn" có ý nghĩa gì?

A. Tâm xa rời khỏi điên đảo thì cứu cánh là Niết-bàn.
B. Xa rời điên đảo, mộng tưởng thì không còn Niết-bàn nữa.
C. Tâm thanh tịnh, hoan hỷ thì tiến xa Niết-bàn.
D. Các câu trên đều sai.

Câu 9: Thời điểm xuất hiện của Bát Nhã Tâm Kinh:

A. Xuất hiện trước Tây lịch khoảng 100 năm.
B. Xuất hiện năm 179 sau Tây lịch
C. Xuất hiện sau Tây lịch 100 năm.
D. Cả 3 câu trên đều sai.

Câu 10: Sáu pháp chứng tín trong đoạn kinh thứ nhất của Kinh Kim Cang gồm có:

A. Giới tín - Định tín - Huệ tín - Chánh tín - Tinh tấn tín và Từ bi tín.
B. Như thị - Ngã văn - Nhất thời - Phật - Xá vệ và Tỳ kheo.
C. Nhĩ thời - Thế Tôn - Y trì bát - Thực thời - Thâu y bát và Tẩy trúc dĩ.
D. Từ bi - Trí tuệ - Hỷ xả - Tinh tấn - Thanh tịnh và Chánh tín.

Câu 11: Phật thuyết Kinh Kim Cang có mục đích gì?

A. Phá chấp tâm.
B. Tu tập Lục độ Ba-la-mật.
C. Hàng phục vọng tâm - An trú chơn tâm.
D. Xa lìa giả tướng.

Câu 12: Kinh Kim Cang được phân thành mấy đoạn:

A. 32 đoạn
B. 31 đoạn
C. 30 đoạn
D. 29 đoạn

Câu 13: Trạng thái của tâm khi nào được gọi là "Vô dư Niết-bàn"?

A. Tâm tĩnh lặng.
B. Tâm không còn chấp trước, vô ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả... nội tâm có được trạng thái tĩnh lặng.
C. Tâm hoàn toàn vô trú.
D. Tâm không phiền não.

Câu 14: Trạng thái tâm lý như thế nào được gọi là "Hữu dư Niết -bàn"?

A. Tâm lý chưa thật sự thấu triệt, còn vướng bận ở sở tri, còn phân đoạn sanh tử...
B. Còn thân ngũ uẩn nhưng nội tâm đã am hiểu tường tận về các pháp.
C. Cả hai câu trên đều không đúng.
D. Cả hai câu A và B đều đúng.

Câu 15: Ý nghĩa chính của phân đoạn thứ ba trong Kinh Kim Cang:

A. Chánh tông của Đại thừa.
B. Nguyên nhân pháp hội.
C. Thấy đúng như lý (Như lý thật kiến).
D. Hiếm có đức tin chân chánh.

Câu 16: Ý chính của phân đoạn 12 trong Kinh Kim Cang:

A. Phước trí vô vi tối thượng
B. Tôn trọng giáo pháp chân chánh (Kim Cang).
C. Thọ trì chánh pháp
D. Tịch lặng lìa tướng.

Câu 17: Thế nào gọi là TÔN trong một lý luận? (theo Nhân Minh Tổng Luận)

A. Nói điều đã nhận biết để cho người khác cũng nhận biết cái ý kiến riêng của mình đã nhận biết là đúng.
B. Là dùng lời nói để làm thí dụ chứng minh.
C. Nói điều mà mình và kẻ khác đều chưa biết.
D. Các ý trên đều đúng.

Câu 18: Thế nào gọi là NHÂN trong một lý luận? (theo Nhân Minh Tổng Luận)

A. Nói về nguyên nhân của cái TÔN.
B. Lập luận điều mình đưa ra là sai.
C. Nói rõ nguyên nhân vì sao mà lập ra TÔN vì nếu chỉ nói suông thì người khác không chịu chấp nhận.
D. Nói rõ điều mình chưa biết mà người khác đã biết.

Câu 19: Vì sao phải lập ra DỤ sau khi đã có TÔN và NHÂN trong một lý luận? (theo Nhân Minh Tổng Luận)

A. Vì phải lý luận để làm thí dụ chứng minh lời nói hay.
B. Vì cần phải lấy những sự kiện thiệt mà ai ai cũng đều công nhận làm chứng cứ cho cái Tôn và Nhân của mình.
C. Vì phải nói ra điều mình nhận biết.
D. Các câu trên đều sai.

Câu 20: Thế giới quan Phật giáo thể hiện qua 4 luận thuyết cơ bản gồm:

A. Thuyết vô thường, thuyết vô ngã, thuyết nhân quả và thuyết nhân duyên khởi.
B. Thuyết vô thường, thuyết vô ngã, thuyết luân hồi và không.
C. Thuyết hiện thực, thuyết sinh tồn, thuyết vô tận và thuyết bất biến.
D. Các câu A,B,C đều đúng.

Câu 21: Quy trình, con đường và phương pháp nhận thức của triết lý Phật giáo có hai phương pháp là:

A. Con đường nội lực và con đường tha lực.
B. Phương pháp tiệm ngộ và phương pháp đốn ngộ.
C. Cả 2 câu trên đều đúng.
D. Phương pháp suy diễn và phương pháp quy nạp

Câu 22: Đức Phật chỉ giảng những gì thật thiết thực, vô cùng đơn giản là gì?

A. Đây là khổ đau, đây là nguồn gốc của khổ đau và con đường mang lại sự chấm dứt khổ đau ấy.
B. Bát chánh đạo.
C. Quan niệm của Phật về vấn đề bình đẳng, tự do.
D. Con người từ đâu sinh ra, chết rồi đi về đâu?

Câu 23: Chủ trương hiện thực đại diện bởi học phái nào?

A. Học thuyết nguyên tử.
B. Học phái Nhất thiết hữu bộ (Sarvastivada).
C. Học phái Kinh lượng bộ.
D. Học thuyết Trung đạo.

Câu 24: Theo quan điểm về Nhân sinh quan Phật giáo thì con người là sự kết hợp của các yếu tố nào?

A. Đất, nước gió, lửa.
B. Sanh, lão, bệnh, tử.
C. Yếu tố sinh lý và yếu tố tinh thần.
D. Thành, trụ, dị, diệt.

Câu 25: Chương trình tu học về Phật pháp - Tinh thần - Lịch sử của ngành Đồng niên (Oanh vũ) có bao nhiêu đề tài xuyên suốt?

A. 4 đề tài                                                      B. 5 đề tài
C. 6 đề tài                                                      D. 9 đề tài

Câu 26: Chương trình tu học hiện tại về Phật pháp - Tinh thần - Lịch sử của ngành Thiếu có bao nhiêu đề tài xuyên suốt?

A. 8 đề tài                                                      B. 4 đề tài
C. 9 đề tài                                                      D. 6 đề tài
            
Theo chương trình tu học và huấn luyện được tu chỉnh tại Hội nghị Đại biểu huynh trưởng GĐPTVN từ ngày 11/8 đến ngày 14/8/2006 tại VP2 - Trung ương GHPGVN thì:

            - Bậc Hướng thiện và Sơ thiện có 8 đề tài xuyên suốt
            - Bậc Trung thiện và Chánh thiện có 4 đề tài xuyên suốt

Như vậy, câu hỏi 26 thiếu cụ thể nên các anh chị học viên tự suy đoán dẫn đến sự lựa chọn có đến 2 phương án đúng và theo nguyên tắc, đó là một câu hỏi bị lỗi phải được loại bỏ theo hướng có lợi cho học viên.

II. Điền khuyết - Liệt kê (04 câu)

Câu 27: Theo Nhân Minh Tổng Luận, thì một lý luận cần phải có đủ 3 điều kiện là gì? Trả lời: Tôn, Nhân và Dụ.

Câu 28: Ghi lại bài kệ Phật thuyết trong đoạn 26 (Pháp thân phi tướng) của Kinh Kim Cang (Hán hoặc Việt dịch)

Hán dịch:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai

hoặc Việt dịch:

Nương sắc diện thấy Ta
Theo âm thanh thấy Ta
Người ấy không gặp Phật
Vì hành động theo tà

Câu 29: Ghi lại bài kệ Phật thuyết trong đoạn 32 (Ứng hóa phi chơn) của Kinh Kim Cang (Hán hoặc Việt dịch)

Hán dịch:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán

hoặc Việt dịch:

Các pháp hữu vi
Mộng huyễn thật gì
Sanh diệt rất nhanh
Quán vậy ắt thành

Câu 30: Ghi lại phân đoạn 2 trong Kinh Bát Nhã (Giới thiệu về Tánh Không).

Theo câu hỏi này chắc chắn phải trả lời nội dung của phần Việt dịch, vì có chú thích (Giới thiệu về Tánh Không).

Trả lời: "Này người con dòng Sari, hình thể chẳng khác chân không, chân không chẳng khác hình thể; hình thể là chân không, chân không là hình thể; cảm xúc, niệm lự, tư duy và ý thức đều là như vậy".

Trường hợp các Anh (chị) trả lời phần Hán dịch: "Xá Lợi tử! Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc; Sắc tức thị Không, Không tức thị sắc; thọ, tưởng, hành, thức diệc phục như thị", chắc cũng phải cho đúng thôi vì câu hỏi không nêu phần Hán dịch hay Việt dịch.

B. PHẦN TỰ LUẬN (5 điểm)

Học viên chọn 1 trong các đề tài dưới đây và viết trong vòng 20 dòng.

Đề 1: Hiện tại Anh (chị) đang nhận trách nhiệm của một Huynh trưởng cấp Tín và đã qua chương trình huấn luyện Trại cấp 2 Huyền Trang. Anh (chị)hãy cho biết bổn phận, trách nhiệm và quyền hạn của mình đã quy định trong điều 12 Nội quy Huynh trưởng GĐPT mới tu chỉnh và được Hội đồng Trị sự GHPGVN ban hành theo QĐ số 257/2013/QĐ- HĐTS ngày 17/7/2013.

Trả lời: 

Điều 12: Huynh trưởng cấp Tín.

- Làm Liên đoàn trưởng, Phó, hay Ban viên Ban Hướng dẫn Phân Ban GĐPT tỉnh, thành.
- Làm Trại trưởng trại huấn luyện Lộc Uyển.
- Làm Huấn luyện viên trại huấn luyện Huynh trưởng A Dục.
- Có trách nhiệm về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử cơ sở, và liên đới trách nhiệm với Ban Hướng dẫn Phân Ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành về sự thịnh suy của Gia đình Phật tử tỉnh, thành.
- Có tất cả quyền hạn của Huynh trưởng cấp Tập.
- Được tham dự các cuộc họp Gia đình Phật tử do Trung ương triệu tập.
- Ứng cử làm Ban viên Ban Hướng dẫn Phân Ban Gia đình Phật tử tỉnh, thành. Trường hợp đặc biệt có thể được tín nhiệm làm Trưởng ban.

Đề 2: Đoạn kết Bát Nhã Tâm Kinh được tuyên thuyết bằng một câu Linh ngữ:

a. Anh (chị) hãy viết lại Linh ngữ ấy (1,5 điểm)

Trả lời: "Yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, Bồ đề, tát bà ha".  

b. Việt dịch và giải thích ngắn gọn linh ngữ ấy (3,5 điểm)

Trả lời: "Đi qua, đi qua, Đi qua bờ bên kia, Đã đi qua đến bờ bên kia, reo vui!"

Bên kia bờ là thế giới thanh tịnh, xả ly và vô niệm. Thế giới ấy không thể được xem là có hay không. Thế giới ấy ngoài tâm hiểu biết, suy luận của chúng ta, thế giới ấy chỉ được tri nhận bởi những ai đã ở bên kia bờ.

Bởi vậy, khi được nạn vấn về những gì bên kia bờ, Đức Phật im lặng!

"Sóng về xóa dấu chân không
Bỗng dưng thuyền đã bên dòng chân như"

Đề 3: Đức Phật đã từng nói thế nào về chủ trương tự do, bình đẳng, từ bi, bác ái.

a. Phát biểu quan điểm(chủ trương) nhân vị trong đạo Phật (2 điểm)

Trả lời: (giới hạn theo Tài liệu)

Đạo Phật là đạo chủ trương tự do, bình đẳng, từ bi, bác ái.
           
- Tự do theo quan niệm của đức Phật là con người sống trong an lạc, giải thoát, không có áp bức, nô lệ, cũng không bị chi phối bởi ngũ dục. Để sống tự do, Phật tử phải đấu tranh với bản thân mình để diệt trừ dục vọng và đấu tranh để chống mọi sự áp bức bất công.
            
- Ở một thời đại cổ xưa cách chúng ta trên 25 thế kỷ, đức Phật đã có một quan điểm hết sức tiến bộ đối với vấn đề bình đẳng trong xã hội. Và những quan niệm đó được đức Phật thực hiện ngay trong giáo hội của mình. Đức Phật thu nạp vào giáo hội của Ngài tất cả mọi đẳng cấp, không phân biệt sang hèn, giàu nghèo. Những người ở tầng lớp dưới, sau khi tu đắc đạo đã được các đệ tử khác tôn trọng, cho đến các vua quan khi đến thăm hỏi cũng phải tỏ lòng kính mến.
            
- Không dừng lại ở sự bình đẳng giữa con người với con người, đức Phật còn đi xa hơn, nêu lên sự bình đẳng giữa các chúng sanh đều có Phật tánh như nhau và đang cùng nhau: người trước, vật sau cùng tiến bước trên con đường giải thoát.
            
- Từ bi, bác ái theo đạo Phật là đem lại an lạc, hạnh phúc đến cho mọi loài, cứu khổ, cứu nạn cho chúng sanh và quên những lợi ích cho bản thân mình, sống đúng theo tinh thần vô ngã vị tha. Hai chữ từ bi càng đẹp bao nhiêu đối với những con người thực tâm tu luyện thì càng xấu xa bao nhiêu đối với những kẻ lợi dụng đạo để mưu cầu lợi ích cho mình.

b. Câu đức Phật từng nói về chủ trương này (3 điểm)

Trả lời: (giới hạn theo tài liệu)

- "Không có đẳng cấp trong dòng máu đỏ như nhau, trong dòng nước mắt cùng mặn như nhau. Mỗi người sinh ra không phải ai cũng mang sẵn dây chuyền trên cổ hay dấu tica trên trán (dấu hiệu đẳng cấp của Ấn Độ)", hoặc ngắn gọn: "Không có giai cấp trong máu cùng đỏ và nước mắt cùng mặn".
            
- "Mọi chúng sanh đều có Phật tánh".
            
- "Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành".

            Chúc các anh, chị đạt kết quả tốt. Chào tinh tấn!
           

 18/8/2014
Quảng Thời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét