Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Chủ Nhật, 7 tháng 11, 2010

80 câu hỏi Phật pháp

Với mỗi người con Phật, khi bước chân vào cổng chùa, bước đầu tìm hiểu Phật pháp, những câu hỏi và đáp án Phật pháp căn bản sẽ giải đáp phần lớn những thắc mắc giúp người Phật tử có thể  hiểu rõ  hơn về  giáo pháp của đức Phật và từ đó có  niềm tin vững chắc với con đường mà mình đang lựa chọn.




1) Phật chế giới "không sát sanh" vì lý do gì ?
Phật chế giới "không sát sanh" nhằm tôn trọng sự công bằng, nuôi dưỡng lòng từ bi cũng như tránh được nhân quả báo ứng.
2) Lý do gì Phật chế "không uống rượu" ?
Phật chế "không uống rượu" nhằm bảo vệ hạt giống trí tuệ của bản thân cũng như bảo vệ hạnh phúc gia đình, hơn thế nữa không để lại những hậu quả đáng tiếc do rượu bia và các thứ gây nghiện gây ra.

3) Trộm cướp gồm những hình thức nào ?
- Tiền bạc vật dụng... không phải của mình, không được người khác cho tặng mà lén lấy hoặc giật lấy, hoặc
- Dùng mưu mẹo, cậy thế ỷ quyền, lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt của người.
- Cân non đong thiếu, trốn xâu lậu thuế... đều gọi là trộm cướp.

4) Phật chế giới "không tà dâm" vì lý do gì ?
- Tôn trọng sự công bình: Mỗi người ai cũng muốn gia đình mình đầm ấm yên vui, vợ con mình đoan chánh, thì sao lại đi phá hoại gia đình người khác làm nhục nhã tông môn người, đưa vợ con người vào đường dâm loạn.
- Bảo vệ hạnh phúc gia đình mình và gia đình người: Không gì đau khổ, đen tối hơn, khi một gia đình mà người chồng hoặc vợ có dạ riêng tư, tà bậy. Khi một người rắp tâm phá hoại hạnh phúc gia đình người khác thì chính hạnh phúc gia đình họ cũng đã tan rã trước. Cho nên cấm tà dâm là điều kiện cần thiết để xây dựng hạnh phúc cho gia đình mình và gia đình người.
- Tránh oán thù và quả báo xấu xa: Trong các sự oán thù, không có sự oán thù nào mãnh liệt bằng sự oán thù do sự lừa dối phụ rẫy về tình ái gây ra. Những vụ án mạng cũng thường hay xảy ra do việc ngoại tình. Kiếp sau nếu được làm người sẽ bị quả báo thân hình thô tục xấu xí, gia đình không được hạnh phúc, ấm êm.

5) Nói dối trong trường hợp nào thì không có tội ?
Nói dối trong trường hợp do lòng từ bi thúc đẩy, muốn cứu người hay vật thì không phạm tội.

6) Tại sao chúng ta phải đọc tụng kinh điển ?
Chúng ta phải đọc tụng kinh điển nhằm để hiểu rõ những lời Phật dạy trong kinh, từ đó ứng dụng tu hành để được an vui hạnh phúc trong đời này và đời sau.

7) Khi Phật tử được học tập giáo lý nhà Phật sẽ đem đến lợi ích cho những ai?
Khi Phật tử được học hỏi giáo lý nhà Phật, trước hết người Phật tử đó tự thân được lợi ích do biết làm lành lánh dữ... Từ đó đem lại lợi ích cho gia đình và mọi người xung quanh qua hành động, lời nói của mình trong cuộc sống đời thường khi tiếp xúc với mọi người.

8) Người Phật tử tại gia sau khi qui y có phải bắt buộc phải thọ đủ năm giới không hay được phép thọ nhận những giới mà mình có khả năng giữ được ?

Người Phật tử tại gia sau khi qui y Tam bảo không nhất thiết phải thọ đủ năm giới, trước tiên cần giữ những giới mà mình có khả năng giữ được. Nhưng đối với những giới tạm thời chưa giữ được phải cố gắng khắc phục, để trong tương lai gần mình giữ năm giới được trọn vẹn. Vì giữ trọn vẹn năm giới là chánh nhân để được làm người tốt trong đời này và đời sau.

9) Tam bảo là gì ? Tại sao chúng ta phải nên qui y Tam bảo ?
- Tam bảo là ba ngôi quý báu Phật, Pháp, Tăng.
- Chúng ta phải nên qui y Tam bảo vì :
+ Phật là đấng giác ngộ giải thoát hoàn toàn nên Ngài có đủ mọi phương tiện để tìm đường chỉ lối cho chúng ta vượt qua bể khổ nguồn mê sớm quay về bờ giác.
+ Pháp là những lời Phật - Tổ chỉ dạy, có công năng giúp chúng ta bỏ tà về chánh, bỏ dữ làm lành... cũng như giúp chúng ta nhận ra và sống được với bản tâm thanh tịnh vốn có của chính mình.
+ Tăng là những vị thay thế cho Phật - Tổ, dùng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của mình để truyền đạt cho chúng ta được học chánh pháp, hiểu chánh pháp, hành chánh pháp và sống đúng với chánh pháp.



10) Ăn chay là gì ? Tại sao người Phật tử nên ăn chay ?
- Ăn chay là chỉ ăn những thức ăn có từ thực vật như: rau quả, củ, ngũ cốc... Tuyệt đối không được dùng những thức ăn có từ động vật ngoại trừ sữa. Ngoài ra những thực phẩm như hành, hẹ, tỏi, nén... cùng các thứ thực phẩm nào làm chướng ngại cho sự tu tập thanh tịnh và ảnh hưởng đến sức khỏe đều không được dùng.
- Người Phật tử nên ăn chay để giữ trọn vẹn giới sát sanh là chánh nhân của quả báo sanh tử luân hồi, thường mạng lẫn nhau. Hơn thế nữa để nuôi dưỡng lòng từ bi và thể hiện tâm bình đẳng đối với mọi loài chúng sanh.


11) Đức Phật dạy trên cuộc đời này tựu trung có mấy thứ khổ ?
Đức Phật dạy có tám thứ khổ là: Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, người mình thương yêu lại phải xa lìa là khổ, kẻ mình không thích lại luôn gặp gỡ là khổ, mong cầu không được toại nguyện là khổ, sự kết hợp tạm bợ của sắc, thọ, tưởng, hành, thức tạo nên thân này là khổ.

12) Là người Phật tử tại gia khi dùng cơm phải như thế nào?
Là người Phật tử tại gia khi dùng cơm phải quán tưởng:
- Tam đề: Nguyện dứt các việc ác, Nguyện làm tất cả các điều lành, Thệ độ tất cả chúng sanh.
- Ngũ quán:

1. Xét công lao khó nhọc nhiều ít của người đem đến bữa cơm này cho chúng ta
2. Xét xem hôm nay mình có xứng đáng dùng bữa cơm này hay không
3. Trong khi dùng cơm nhớ ngăn ngừa tham sân si để tránh lỗi phê bình thức ăn ngon dở
4. Chỉ xem bữa cơm này cốt để nuôi dưỡng thân thể đủ sức khỏe để tu tập
5. Vì để tu tập có kết quả không uổng một đời người mà dùng bữa cơm này.
Ngoài ra trong khi dùng cơm Phật tử không được vừa ăn vừa nói chuyện tạp làm mất chánh niệm.

13) Cúng Phật như thế nào mới đúng nghĩa cả sự và lý?
- Cúng Phật đúng nghĩa về sự:

Tôn trí ảnh, tượng Phật nơi thanh tịnh trang nghiêm nhất trong nhà và các vật cúng gồm: Hương - đèn - cơm - nước - hoa - quả (còn gọi là lục cúng Phật, tức là sáu vật phẩm dâng lên cúng Phật). Phải sớm hôm thắp hương lễ lạy, quét dọn bàn thờ sạch sẽ và mỗi ngày tụng niệm sám hối sáu căn trước bàn Phật để tội diệt phước sanh, căn lành thêm lớn.
- Cúng Phật đúng ý nghĩa về lý:

Chúng ta phải thực hành trọn vẹn những gì chúng ta được học, được đọc, được nghe giảng trong kinh điển để giữ thân khẩu ý sao cho lúc nào cũng được thanh tịnh. Đem tâm thanh tịnh đó cúng dường Chư Phật tức là chúng ta đã cúng dường Phật đúng ý nghĩa về lý rồi vậy.


14) Trước khi nhập Niết Bàn Đức Phật khuyên chúng ta điều gì?
Trước khi nhập Niết Bàn Đức Phật khuyên chúng ta nên lấy giới luật và giáo pháp mà Đức Phật chỉ dạy suốt bốn mươi chín năm làm vị thầy chỉ đường cho chúng ta trên bước đường tu tập đạo giác ngộ và giải thoát. Cũng như hãy tự mình đứng vững trên đôi chân của mình để đi trọn lộ trình giác ngộ giải thoát, vì không ai có thể tu giùm cho mình được.

15) Ngày nay giới không uống rượu người Phật tử phải hiểu như thế nào cho đúng?
Ngày nay giới không uống rượu người Phật tử phải hiểu là: Không được uống rượu, bia, sử dụng các loại ma tuý, chất gây nghiện..… nói chung, tất cả những thứ có chất men làm say người, hay chất độc hại đến sức khoẻ và trí tuệ của con người đều không được dùng.

16) Đạo Phật nghĩa là gì?
- Đứng về mặt hành động, đạo Phật là con đường đưa người trở về cố hương giác ngộ, là phương pháp giúp người tiến tu đến giác ngộ, giải thoát.
- Đứng về mặt thực thể, đạo Phật là tánh giác sẳn có của tất cả chúng sanh.

17) Giáo lý của đạo Phật gồm những gì? Kể ra.
Giáo lý của đạo Phật bao gồm 3 tạng: Kinh - Luật - Luận
- Kinh: là những lời của đức Phật Thích ca đã nói ra trong 49 năm hoằng hóa, để dạy chúng sanh dứt trừ phiền não và đạt đến quả Niết bàn.
- Luật: là những giới luật Phật chế ra nhằm giúp các đệ tử ngăn ngừa được các điều ác, tu tập các điều lành, trau dồi thân tâm cho thanh tịnh.
- Luận: là những tác phẩm do các vị đệ tử Phật, các vị Tổ sư sau này làm ra nhằm giảng giải rõ ràng những nghĩa lý sâu xa trong kinh và luật. Phân biệt chánh - tà, thực - giả để người đời sau không bị lầm lạc trên đường tu tập.

18) Tu theo đạo Phật được ích lợi gì?

- Chơn thường:
Chúng sanh trôi lăn, lặn hụp trong biển sanh tử luân hồi, sống trong cảnh vô thường khi trẻ khi già, khi lành khi ốm, khi sống khi chết… Đạo Phật đem lại cho người tu tập một kết quả là không bao giờ bị luật vô thường chi phối.
- Chơn lạc: Chúng sanh đang sống trong cảnh giới tối tăm, buồn tủi, khổ đau; nếu có vui cũng chỉ vui trong chốc lát, như người khát uống nước mặn vào, đỡ khát trong chốc lát, rồi về sau lại càng khát hơn. Đạo Phật có mục đích đem lại cho kẻ tu hành một sự an vui toàn vẹn và bất tận.
- Chơn ngã: Chúng sanh bị không biết bao nhiêu nghịch cảnh ở chung quanh chi phối, ràng buộc như kẻ tù tội bị giam hãm trong ngục thất, không bao giờ được tự do hoạt động theo ý muốn của mình. Đạo Phật có mục đích làm cho người tu hành giải thoát hoàn toàn ra ngoài những trói buộc nói trên, làm cho con người có đầy đủ năng lực để thực hiện ý nguyện tốt đẹp của mình, và có một cuộc sống an nhiên tự tại.
- Chơn tịnh: Chúng sanh đang sống trong cảnh giới ô trọc, lấm láp trong bùn nhơ của cõi tục, từ trong tâm hồn cho đến ngoài thể chất. Đạo Phật có mục đích làm cho người tu hành gạn lọc hết những ô trọc của cuộc đời, được sống một cuộc sống trong sạch, tinh khiết, không vướng chút bợn nhơ của trần tục.
Ngoài ra, đạo Phật còn đem lại cho xã hội hiện tại những lợi ích quý báu:
- Với tinh thần từ bi làm cho mọi người thương yêu nhau hơn.
- Nhờ ánh sáng trí tuệ giúp cho con người bớt si mê lầm lạc, biết phân biệt chánh tà, thực giả.
- Nhờ tinh thần bình đẳng tuyệt đối, những bất công của xã hội dần được san bằng và làm cho cảnh giới Ta bà ngày càng được sáng sủa, an vui.

19) Hãy kể bốn thánh tích (Tứ Động tâm) của Phật giáo tại Ấn Độ.
- Vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni): nơi Phật đản sinh
- Bồ đề đạo tràng: nơi đức Phật thành đạo
- Vườn Nai (Lộc uyển): nơi đức Phật thuyết bài pháp đầu tiên độ 5 anh em ông Kiều Trần Như.
- Rừng Sa La, xứ Câu Thi Na (Kusinara): nơi đức Phật nhập Niết Bàn.

20) Hãy đọc và giải thích bài kệ tóm tắt 5 thời kỳ nói kinh của đức Phật.

Trước nói Hoa Nghiêm hăm mốt ngày,
A- Hàm mười hai, Phương Đẳng tám,
Hai mươi hai năm nói Bát Nhã,
Pháp Hoa, Niết Bàn cộng tám năm.
 
21) Nguyên nhân gì thúc đẩy thái tử Tất Đạt Đa xuất gia?
- Trong một buổi lễ hạ điền, Thái tử theo vua cha ra đồng xem dân chúng cày cấy, Ngài đã thấy được cảnh khổ cực của kiếp người, sự sát hại lẫn nhau vì miếng ăn để sống còn của các loài sinh vật. Ngài thấy rõ rằng sự sanh sống là khổ.
- Sau đó nhân đi dạo 4 cửa thành Ngài đã chứng kiến thêm 3 cảnh khổ: Già, bệnh, chết và cuối cùng được gặp một vị Sa môn tướng mạo trang nghiêm, an nhiên tự tại.
Những cuộc gặp gỡ trong những chuyến dạo chơi này đã tác động mạnh đến quyết định xuất gia tìm đạo của Thái tử.

22) Sám hối là gì?
Chữ "Sám", tiếng Phạn là Samma, Hán dịch là "Hối quá". Kinh nói: "Sám giả sám kỳ tiền khiên, Hối giả hối kỳ hậu quá" nghĩa là: Sám là ăn năn lỗi trước, Hối là chừa bỏ lỗi sau. Sám hối dịch theo tiếng Việt là "ăn năn chừa lỗi".
Như thế trong chữ Sám hối có hàm nghĩa ăn năn, hối hận vì những lỗi lầm đã phạm và từ đây về sau nguyện không tái phạm.
Nếu biết lỗi cũ là bậy, bây giờ xin chuộc lỗi mà sau này vẫn còn tái phạm thì chưa đúng nghĩa Sám hối trong đạo Phật.

23) Thái tử Tất Đạt Đa đã đưa ra bốn điều kiện gì nếu được vua Tịnh Phạn thỏa mãn thì Ngài sẽ không xuất gia, nhưng Vua đã không đáp ứng được?
1. Làm sao cho con trẻ mãi không già.
2. Làm sao cho con mạnh mãi không đau.
3. Làm sao cho con sống hoài không chết.
4. Làm sao cho mọi người hết khổ.

24) Trong đêm thành đạo Sa môn Cù Đàm đã chứng ngộ được điều gì?
Trong đêm thứ 49,
- Vào canh hai, Ngài chứng được quả "Túc mệnh minh", thấy rõ được tất cả khoảng đời quá khứ của mình trong tam giới.
- Đến nửa đêm, ngài chứng quả "Thiên nhãn minh", thấy được bản thể của vũ trụ và nguyên nhân cấu tạo của nó.
- Đến canh tư, Ngài chứng quả "Lậu tận minh", biết nguồn gốc của đau khổ và phương pháp dứt trừ đau khổ để được giải thoát khỏi sanh tử luân hồi.
- Vào lúc sao mai vừa mọc Ngài được Đạo vô thượng, thành bậc "Chánh đẳng Chánh giác", hiệu là Thích Ca Mâu Ni.

25) Bổn phận của người phật tử tại gia đối với tự thân như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
- Ngoài bổn phận làm người cho xứng đáng với danh nghĩa con người, cho tròn nhân cách, người phật tử cũng luôn luôn cố gắng trau dồi đức hạnh, tu tâm dưỡng tánh, bằng việc giữ đúng Tam quy, Ngũ giới để cho thân tâm được an lạc, thanh tịnh, để được làm người tốt trong đời này và đời sau.
- Người phật tử phải luôn tinh tấn tu tập để thoát khỏi sinh tử luân hồi, tiến dần đến bến bờ giải thoát trong tương lai.

26) Bổn phận làm con đối với cha mẹ như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
Bổn phận làm con đối với cha mẹ phải đủ 5 điều:
1. Hết lòng hiếu kính, chăm lo việc ngủ nghỉ của cha mẹ tùy theo thời tiết.
2. Chăm lo miếng ăn thức uống cho cha mẹ vừa lòng.
3. Gánh vác công việc nặng nhọc để cha mẹ được thư thái, vui vẻ tuổi già.
4. Luôn luôn nhớ nghĩ đến công ơn sinh thành dưỡng dục để lo báo đáp kịp thời lúc cha mẹ khi sinh tiền
5. Hết lòng thuốc thang chăm sóc khi cha mẹ đau ốm không nề khó nhọc, không sợ hao tốn.

27) Bổn phận cha mẹ đối với con cái như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
Bổn phận cha mẹ đối với con phải đủ 5 điều:
1. Dạy dỗ con bỏ ác làm lành
2. Khuyên răn con cái nên gần gũi bạn tốt, người có trí tuệ.
3. Luôn nhắc nhở con cái cần mẫn học hành.
4. Định liệu việc cưới gả con cái kịp thời.
5. Phải cho con cái bàn tính tham dự việc nhà, góp công góp sức trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình.

28) Người phật tử đã có gia đình phải ứng xử thế nào với người bạn đời của mình cho hợp đạo lý?
1. Thương yêu, hòa thuận, kính trọng lẫn nhau.
2. Nhẫn nhịn khi có người nóng giận.
3. Tin tưởng lẫn nhau.
4. Tuyệt đối trung thành, chung thủy, giữ gìn tiết hạnh.
5. Hết lòng chăm sóc, an ủi lẫn nhau khi có người ốm đau bệnh tật hoặc khi gặp khó khăn, đau khổ.

29) Bổn phận của người phật tử đối với bà con thân thích?
1. Khuyên can, nhắc nhở bỏ ác làm lành.
2. Hết lòng giúp đỡ khi có người bị ốm đau, bệnh tật.
3. Không tiết lộ những việc kín đáo, riêng tư của người này cho người khác.
4. Năng lui tới hăm viếng nhau. Hỷ xả cho nhau, không cố chấp giận hờn.
5. Giúp đỡ người nghèo khổ, thiếu hụt hơn mình.

30) Bổn phận của học trò đối với thầy như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
1. Phải kính mến thầy như cha mẹ.
2. Phải vâng lời thầy dạy bảo.
3. Phải giúp đở thầy trong cơn hoạn nạn.
4. Phải siêng năng học tập cho vui lòng thầy.
5. Khi thôi học rồi cũng phải năng lui tới thăm viếng thầy.

31) Bổn phận của thầy đối với học trò như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
1. Phải cần mẫn dạy dỗ.
2. Phải cố gắng làm cho học trò tiến bộ cả về tài năng và đức hạnh.
3. Phải để ý những điều cần yếu giúp học trò in sâu vào tâm trí.
4. Phải giảng giải rõ ràng, kỹ lưỡng những điều khó khăn, mắc mỏ.
5. Phải có lòng rộng rãi, mong muốn cho học trò giỏi hơn mình.

32) Bổn phận của phật tử đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức như thế nào mới phù hợp với lời Phật dạy?
1. Hết lòng thành thật đối với chư Tăng và thiện hữu tri thức.
2. Cung kính vâng lời các vị minh sư và các thiện hữu.
3. Chăm chỉ nghe lời giảng dạy, thẩm xét kỹ lưỡng rồi như pháp tu hành.
4. Phải cầu học những bí yếu về đạo lý mà mình chưa hiểu.
5. Phải cầu thỉnh các vị minh sư chỉ dạy những pháp môn cần yếu, phù hợp với căn để ngày đêm chuyên tâm tu trì.


33) Định nghĩa "vô thường". Dẫn chứng ngay bản thân mình.
- Vô thường nghĩa là không thường, không có sự vật nào mãi mãi ở yên trong một trạng thái nhất định mà luôn luôn thay hình đổi dạng, đi từ trạng thái hình thành đến biến dị rồi tan rã. Các giai đoạn thay đổi đó gọi là: Thành, trụ, hoại, không hay sanh, trụ, dị, diệt. Tất cả các sự vật trong vũ trụ từ nhỏ như hạt cát, đến lớn như trăng sao, đều phải tuân theo bốn giai đoạn ấy cả, nên gọi là Vô thường.
- Khoa học đã chứng minh rằng, trong thân thể ta, các tế bào thay đổi luôn, và trong mỗi thời kỳ 7 năm, là các tế bào cũ hoàn toàn đổi mới. Sự thay đổi ấy làm cho thân người chóng lớn, chóng già và chóng chết. Thân năm trước không phải là thân năm nay, thân ban mai không phải là thân buổi chiều, mỗi phút giây trong thân ta đều có sanh và có chết.

34) Thế nào là "Tâm vô thường"?
- Những suy nghĩ lăng xăng lộn xộn mà ta cho là tâm mình thực ra đó chỉ là tâm hư vọng, không phải là tâm chân thật.
- Vì là hư vọng nên nó cũng bị luật vô thường chi phối, sanh diệt trong từng sát na. Tâm niệm của chúng ta thay đổi trong từng phút giây, theo với ngoại cảnh. Chúng ta buồn đó rồi vui đó, thương đó rồi giận đó. Phút trước ta nhớ chuyện này phút sau đã quay sang chuyện khác. Hôm qua tinh tiến tu hành, hôm nay đã ưu phiền thối chuyển. Cho nên trong kinh nói "tâm viên, ý mã".

35) Hoàn cảnh chung quanh ta có vô thường không? Hãy dẫn chứng.
- Luật vô thường chi phối tất cả. Chẳng những thân, tâm là vô thường mà hoàn cảnh chung quanh ta như ruộng vườn, nhà cửa, lâu đài thành quách cho đến sơn hà đại địa cũng vô thường.
- Chúng ta thường nghe câu: "Thương hải biến vi tang điền" (Bãi bể biến thành ruộng dâu). Đọc trong sử sách chúng thấy biết bao cảnh "vật đổi, sao dời" hay những câu thơ như "Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo, Nền cũ lâu đài bóng tịch dương" đã đủ nói lên sự vô thường của hoàn cảnh.


36) Vô thường có phải là chân lý tuyệt đối không?
- Đứng về mặt hiện tượng vật chất thì hoàn toàn chính xác. Khơng có sự vật nào thoát khỏi sự chi phối của luật vô thường, vì thế trong kinh nói "vô thường thị thường".
- Đứng về mặt bản thể, thì "Vô thường" của đạo Phật chỉ là một phương pháp chỉ rõ mặt trái của đời, để bài trừ những sư mê lầm, ngăn chặn người chạy theo vật dục, nó chưa phải là thuyết tuyệt đối.
Đức Phật cũng như vị lương y tùy theo chứng bịnh mà cho thuốc. Với bịnh "chấp thường còn không mất" thì dùng phương thuốc "vô thường" để đối trị, khi lành bịnh thì Phật lại cho thứ thuốc bổ khác quí báu hơn, là "thuyết chơn thường bất biến". Trong kinh Lăng nghiêm đức Phật đã dùng tiếng chuông để chỉ bày cho ngài A Nan phân biệt cái "biến đổi tiêu diệt" với cái "thường còn không thay đổi" đó là Tính Giác của chúng sanh.

37) Thiểu dục, tri túc là gì? Nguyên do nào Phật dạy người Phật tử phải "thiểu dục, tri túc"?
-  Ít tham muốn và biết đủ.
- Vì tính tham không đáy nên càng tham lại thấy càng thiếu, càng khổ. Phật dạy: "Càng tham muốn, càng thấy khổ sở". Tục ngữ thường nói: "Được voi đòi tiên". Để đối trị lòng tham vô độ Phật dạy chúng ta phải "Biết đủ". Muốn thoát khỏi sự khổ não phải biết đủ. Hễ biết đủ thì ở hoàn cảnh nào cũng yên vui. Nhờ ít tham dục nên con ma dục vọng không sao xui khiến được mình; nhờ biết đủ nên con quỷ tham lam chẳng còn quyền hành sai sử mình nữa.
Nhờ "ít tham muốn" và "biết đủ" mà gia đình, xã hội được an vui, hòa bình, không còn ai giành giật của cải, danh vọng, miếng ngon vật lạ của ai nữa.

38) Nhân quả là gì? Kể những đặc tính của luật nhân quả?
- "Nhân" là nguyên nhân, "Quả" là kết quả. Nhân là mầm là hạt, quả là cây là trái. Nhân là năng lực phát động, quả là sự hình thành của năng lực phát động ấy. Nhân và quả là hai trạng thái nối tiếp nhau, tương quan mật thiết với nhau. Nếu không có nhân thì không thể có quả.
- Bốn đặc tính của luật nhân quả:
1. Nhân nào quả nấy.
2. Một nhân không thể sanh ra quả.
3. Trong nhân có quả, trong quả có nhân.
4. Sự phát triển nhanh và chậm từ nhân đến quả là có sự can thiệp của duyên.

39) Hiểu biết và áp dụng luật nhân quả đem lại cho người Phật tử lợi ích gì?
1. Luật nhân quả tránh cho chúng ta nhưng mê tín dị đoan, những tin tưởng sai lầm vào thần quyền.
2. Luật nhân quả đem lại lòng tin vào chính con người.
3. Luật nhân quả giúp chúng ta không chán nản, trách móc.


40) Luật nhân quả là đúng đắn và công bằng, vậy thì tại sao người hiền lành lại gặp nạn, mà người ác vẫn được an bình?
- Thời gian tiến triển từ nhân đến quả có khi nhanh khi chậm chứ không phải khi nào cũng đồng nhau. Có cái nhân dẫn đến quả ngay, có cái nhân từ đời này đến đời sau mới hình thành quả.
- Vậy nếu có người trong đời hiện tại làm việc hung ác mà được an lành là do kiếp trước họ đã tạo nhân hiền từ. Cũng có những người hung ác mới tạo trong đời này thì trong tương lai hay qua đời sau họ sẽ chịu quả báo. Cũng như có người năm nay ăn chơi, không làm gì hết mà vẫn no đủ là nhờ năm rồi họ có làm có để dành. Cũng có những người ăn chơi năm nay thì sang năm họ sẽ chịu quả thiếu hụt, đói rách.
Và ngược lại, đối với người đời nay hiền từ nhưng hay gặp tai nạn, đau khổ là do đời trước đã tạo nhân không tốt. Có những người hiền từ đời nay, trong tương lai hay qua đời sau họ sẽ được hưởng quả vui. Cũng như người tuy năm nay siêng năng làm lụng nhưng vẫn thiếu hụt là vì nhân ăn chơi năm vừa rồi. Cái nhân siêng năng năm nay thì sang năm họ sẽ được hưởng quả sung túc.

41) Luân hồi là gì? Hãy nói về sự luân hồi của "thân" và"tâm" con người.
- Luân hồi dịch từ chữ "Samsara" trong tiếng Phạn. Luân là bánh xe, Hồi là xoay tròn. Hình ảnh bánh xe quay tròn là một hình ảnh rất rỏ ràng mà Phật đã dùng để hình dung sự xoay chuyển lên xuống, xuất hiện của mỗi chúng sanh trong lục đạo khi đầu thai chỗ này, khi ở chỗ khác, luôn luôn tiếp nối sanh tử không ngừng.
- Thân người luân hồi: Thân người là do đất, nước, gió, lửa hợp lại mà thành. Chúng ta đã biết tứ đại đều luân hồi, thì thân người do tứ đại mà có cũng luân hồi theo. Khi thân này chết và đến lúc tan rã, thì chất cứng trả về cho đất, chất lỏng trả về cho nước, hơi nóng trả về cho lửa, hơi thở trả về cho gió. Rồi bốn chất này tùy duyên chung hợp lại, làm thành cây cỏ hay thân người khác. Khi thành thân người, khi thành thân súc sinh, năm nay tụ họp ở đây, sang năm đã dời đi nơi khác, không phải thường còn, cũng không phải mất hẳn, mà là luân hồi.
- Tinh thần luân hồi: Tinh thần của con người gồm: Thọ, tưởng, hành, thức. Phần thể xác gồm tứ đại, đạo Phật gọi là Sắc. Sắc đã không tiêu diệt mà chỉ biến hoại luân hồi thì phần Tâm hay Tinh thần cũng không tiêu diệt mà chỉ biến chuyển xoay vần mà thôi. Tất cả những hành động của thân tâm tạo thành cho chúng ta một cái nghiệp. cái nghiệp ấy biến dịch, xoay vần mãi, khi đội lớp này, khi mang hình dáng khác, quanh quẩn, trôi lăn trong lục đạo mãi mãi cho đến ngày nào được giác ngộ mới thôi.


42) Hiểu rõ lý luân hồi có ích lợi gì cho người học Phật?
Giáo lý luân hồi đem lại cho chúng ta nhiều điều lợi ích:
- Phá "đoạn kiến" sai lầm, cho rằng chết là hết nên không cần quan tâm đến thiện ác.
- Phá "thường kiến" sai lầm làm cho con người tin rằng loài người chết rồi vẫn giữ địa vị mình, do có làm phước hay tội cũng vậy.
- Với giáo lý luân hồi, chúng ta phấn khởi mà tin rằng: chết rồi không phải là mất hẳn. Nếu cố gắng tu tập, vun trồng cội phước thì đời sau sẽ sinh vào cảnh giới an vui sung sướng; trái lại nếu làm những điều xấu xa, tội lỗi thì đời sau sẽ bị đọa vào cảnh giới xấu xa, đen tối.

43) Giải thích sơ lược mười nghiệp lành.
- Không sát sinh: Không làm tổn hại đến người và vật.
- Không trộm cướp: Không lén lấy hay dùng sức mạnh cướp đoạt những gì không thuộc sở hữu của mình nếu người không cho.
- Không tà dục: Vợ chồng chính thức mới được ăn ở nhưng phải có tiết độ, không lang chạ, ngoại tình.
- Không nói dối: Nói đúng sự thật.
- Không nói thêu dệt: Không trau chuốt lời nói, không thêu hoa dệt gấm, không ngọt ngào đường mật để lung lạc lòng dạ của người, để quyến rũ họ làm những điều sai quấy.
- Không nói lưỡi hai chiều: Không có ác tâm, không dùng lời trái ngược để gây chia rẽ giữa những người bạn, người thân.
- Không nói lời hung ác: Không nói những lời hung dữ ác độc, cộc cằn thô tục làm cho người nghe khó chịu; không mắng nhiếc làm cho người nghe hổ thẹn, tủi đau…
- Không tham muốn: Không tham muốn năm món dục lạc: Tiền của, sắc đẹp, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ.
- Không giận hờn: Luôn giữ sự bình tĩnh, điềm đạm, nhu hòa trước những cảnh trái ý, nghịch lòng.
- Không si mê: Biết phán đoán rành rẽ, nhân định rõ ràng đúng đắn, không cố chấp theo sự hiểu biết riêng của mình, không tin tà thuyết, không mê tín, dị đoan.

44) Ích lợi của việc tu tập mười nghiệp lành?
1. Cải tạo thân tâm: Hoán cải thân tâm con người trở nên tốt đẹp hơn.
2. Cải tạo hoàn cảnh: Hoàn cảnh cũng như tấm gương lớn phản ảnh tất cả những cử chỉ, hành động, đời sống của mỗi người. Nếu ta cười thì tấm gương cười lại; Nếu ta khóc thì tấm gương khóc lại. Cũng thế, nếu ta làm việc lành giúp ích đồng loại, cứu vớt chúng sanh, thì hồn cảnh đối với ta sẽ trở thành cảnh giới tốt đẹp.
3. Chánh nhân thiên giới: Gieo nhân tốt để được sanh lên cõi trời hưởng phước lạc đầy đủ.
4. Căn bản Phật quả: Mười nghiệp lành có công năng ngăn ngừa các hành vi độc ác, làm cho ba nghiệp thân, khẩu, ý được thanh tịnh nhờ đó con người mới thoát ly sanh tử, chứng quả Niết bàn. Nếu đem công đức này hồi hướng cho toàn thể chúng sanh, thì sẽ được Phật quả.

45) Bố thí nhiếp là gì? Có mấy loại bố thí?
- Bố thí nhiếp: Dùng sự bố thí để nhiếp phục những người chung quanh, để họ cảm phục mà gần gủi mình để mong cầu học đạo giải thoát.
- Bố thí có 3 loại:
1. Tài thí: Đem tiền của mà bố thí, giúp đỡ đồng loại, giúp cho những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình thoát khỏi khổ đau vật chất như đói ăn, thiếu mặc, không nơi nương tựa.
2. Pháp thí: Đem giáo pháp quý báu của Phật ra giảng dạy cho mọi người tùy theo sự hiểu biết của mình, để đem lại lợi lạc cho người. Phát tâm in kinh ấn tống, sang chép băng giảng cho mọi người cũng được xem là bố thí pháp.
3. Vô úy thí: Đem cái không sợ mà bố thí cho chúng sinh, giúp cho những người quanh ta có được sự bình tĩnh, an ổn về tinh thần, không hoang mang lo lắng, sợ hãi bởi sự tác động của tự thân hay do từ bên ngoài đem đến.

46) Ái ngữ nhiếp là gì?
Ái ngữ nhiếp là tùy theo căn tánh của chúng sanh dùng lời hòa nhã, êm dịu mà khôn khéo nói năng, an ủi, khuyên lơn khiến họ sinh lòng cảm mến rồi từ đó theo ta mà học đạo.
Người Phật tử muốn cảm hóa, dẫn dắt người chung quanh về con đường chánh, trước tiên phải áp dụng cho được pháp "ái ngữ", nghĩa là luôn luôn và trong mọi trường hợp, phải dùng lời dịu dàng, êm ái trong khi tiếp xúc với mọi người. Nhất là khi người đang ở trong cảnh khổ, thì những lời khuyên giải, vỗ về lại càng vô cùng quý báu, vì có thể xoa dịu được nỗi đau và làm cho người sinh lòng cảm kích khó quên.

47) Lợi ích của việc thực hành "Tứ nhiếp pháp"?
Người Phật tử thực hành đúng "Tứ nhiếp pháp" sẽ đem đến những kết quả tốt đẹp:
1. Về phương diện cá nhân: Trở thành người gương mẫu. Những gì ta nói, ta làm đều được thông cảm, tán thành. Do đó ta sẽ dễ dàng thành công trong mọi việc.
2. Về phương diện gia đình: Được mọi người quý mến. Do ảnh hưởng tốt đẹp và uy tín của ta mà mọi người trong gia đình đều trở thành thuần lương, đức độ tạo thành một gia đình ấm êm, hạnh phúc.
3. Về phương diên xã hội: Người tu "Tứ nhiếp pháp" càng nhiều thì xã hội càng được cải tiến và trở thành thuần lương, thiện mỹ.

48) Lục hòa là gì? Kể ra và giải thích sơ lược.
- Lục hòa là sáu phương pháp cư xử với nhau cho hòa hợp từ vật chất đến tinh thần, từ lời nói đến việc làm.
- Lục hòa gồm có :
1. Thân hòa đồng trú (Thân hòa cùng ở): Cùng nhau ở dưới một mái nhà, trong một phạm vi, một tổ chức, cùng nhau tu tập dưới một mái chùa, hôm sớm có nhau, cùng ăn, cùng ngủ, cùng học hành. Khi đã chung đụng hằng ngày như thế thì phải hòa thuận với nhau, không được chia phe phái, ỷ mạnh hiếp yếu, mạnh ai nấy được.
2. Khẩu hòa vô tranh (Lời nói hòa hợp không tranh cãi nhau): Giữ gìn lời nói cho được ôn hòa, nhã nhặn; trong mọi trường hợp không được rầy rà, cãi cọ nhau. Nếu có gì thắc mắc, cần phải bàn cãi cho ra lẽ, thì tuyệt đối phải dùng lời lẽ ôn tồn, hòa nhã mà bàn luận.
3. Ý hòa đồng duyệt (Ý hòa cùng vui): Phải có tâm ý vui vẻ hòa hiệp trong khi giao tiếp, chung sống với nhau. Trong một tập thể, mọi ý kiến phải được bàn bạc, thống nhất trên tinh thần hòa hợp, vui vẻ, tôn trọng lẫn nhau. Muốn được vậy phải thực hành hạnh hỷ xả.
4. Giới hòa đồng tu (Giới hòa cùng nhau tu tập): Trong bất cứ tổ chức, đoàn thể nào cũng đều phải có kỷ luật, qui củ hẳn hoi. Trong đạo Phật, mổi người tùy theo cấp bậc của mình mà thọ lãnh ít hay nhiều giới luật để tu tập. Khi cùng chung sống để tu hành mọi người phải tuyệt đối giữ gìn giới luật mà mình đang lãnh thọ. Cùng một cấp bậc thì thọ giới và giữ giới như nhau.
5. Kiến hòa đồng giải (Thấy biết giải bày cho nhau cùng hiểu): Trong khi cùng nhau học hành, tu tập mỗi người hiểu biết được điều gì, khám phá được điều gì, phải giải bày, chỉ bảo cho người khác cũng được hiểu như mình.
6. Lợi hòa đồng quân (Lợi lộc cùng chia đều cho nhau): Những người cùng ở chung nhau, cùng tu tập trong một nơi chốn thì tài lợi, vật thực phải cùng nhau chung hưởng, không được chiếm làm của riêng , hay giành phần nhiều về mình. Đối với người Phật tử còn ở ngoài thế tục thì có tài lợi nên "tùy phận chia sớt cho nhau".


49) Ích lợi thiết thực của việc tu tập theo "Lục hòa" là gì?
- Lục hòa nếu được áp dụng triệt để thì trong gia đình, cha mẹ, vợ chồng, anh em đều được hòa thuận yên vui, gia nghiệp mỗi ngày một thịnh đạt; quốc gia được thái bình thịnh trị, thế giới được hòa bình an lạc.
- Người Phật tử nếu áp dụng đúng đắn pháp "Lục hòa" thì sự tu học mau được tiến bộ, con đường giác ngộ, giải thoát sẽ đến gần hơn.

50) Ý nghĩa đúng đắn và đầy đủ của sự báo hiếu theo quan niệm đạo Phật?
Để việc báo hiếu được đầy đủ, trọn vẹn, người Phật tử cần phải chú ý đến cả hai phương diện: vật chất và tinh thần.
1. Báo hiếu về vật chất: Chăm lo cho cha mẹ được đầy đủ các nhu cầu ăn uống, áo quần, giường chiếu, chỗ nghỉ ngơi, không để cha mẹ thiếu thốn, lo nghĩ theo khả năng tốt nhất của mình. Song người Phật tử phải sáng suốt, không nên quá chiều theo ý muốn của cha mẹ mà tạo những nghiệp dữ như sát sanh, hại vật, gây tội lỗi để làm cho cha mẹ được sung sướng trong vật chất.
Báo hiếu về vật chất dù có đầy đủ đến mấy đi nữa, chẳng qua cũng chỉ làm cho cha mẹ được vui vẻ thỏa mãn trong kiếp này mà thôi. Cái vui vật chất là vui giả tạm, vui trong sanh tử luân hồi. Vì vậy chỉ báo hiếu về vật chất thôi thì chưa đủ.
2. Báo hiếu về tinh thần: Là làm cho tinh thần cha mẹ đươc nhẹ nhàng, cao thượng và đi dần đến chỗ giải thoát. Phật tử phải khuyên cha mẹ tin nhân quả tội phước và quy y Tam bảo, bố thí phóng sinh, làm các việc lành, giữ gìn ngũ giới và tu nhân giải thoát. Có như thế, thì không những trong hiện tại cha mẹ được yên vui, thanh tịnh mà đời sau cũng được nhiều phước báo và sanh trong cảnh giới an lành tốt đẹp.


51) Người đời thường tham muốn những gì?

Người đời thường tham đắm năm món dục lạc là:
1. Tài: tiền tài, của cải vật chất.
2. Sắc: sắc đẹp.
3. Danh: danh vọng
4. Thực: ăn ngon
5. Thùy: ngủ nghỉ

52) Giải thích "Tam tự quy y"?
Tự nghĩa là mình đối với tự tâm mình.
- Tự quy y Phật: Là trở về với Phật tánh sáng suốt của tâm mình.
- Tự quy y Pháp: Trong tâm ta có đủ các pháp: Từ bi, trí tuệ, nhẫn nhục, tinh tấn ….Chúng ta cần phát huy những đức tính ấy, hành động theo chúng, tuân theo chúng; như thế là tự quy y Pháp.
- Tự quy y Tăng: Vâng theo vị thầy trong tâm mình. Thầy trong tâm mình là đức tánh thanh tịnh hòa hợp của mình, như Tăng già là hiện thân của sự thanh tịnh, hòa hợp bên ngoài.
53) Tam bảo có mặt ở thế gian từ lúc nào? Ở tại đâu?
- Sau khi thành đạo đức Phật đến vườn Lộc Giả, xứ Benares (Ba La Nại), giảng bài pháp Tứ Diệu Đế để độ cho 5 anh em ông Kiều Trần Như là những người bạn đồng tu khổ hạnh trước kia. Tam Bảo trên thế gian được hình thành từ đó.

* Phật: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni
* Pháp: Bài pháp Tứ diệu đế
* Tăng: Năm anh em ông Kiều Trần Như.

54) Nghiệp là gì? Nghiệp từ đâu mà có?

- Nghiệp là thói quen do ta thực hành liên tục một công việc nào đó trong một thời gian dài.
- Nghiệp đến từ ba chỗ: thân, miệng và ý.

55) Đức Phật dạy chúng sanh có bao nhiêu loại phiền não căn bản? Kể ra.

Đức Phật dạy chúng sanh có 10 loại phiền não căn bản. Chính 10 phiền não này, là chánh nhân đưa đến cho chúng sanh mọi sầu, bi, khổ, ưu, não trong sanh tử luân hồi mãi không dứt.
Mười phiền não căn bản là : tham, sân, si, mạn, nghi, thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ, tà kiến

56) Người tà kiến thì không tin nhân quả, tại sao?

Người tà kiến thì không tin nhân quả vì họ cho rằng con người sanh ra, chết đi là hết (đoạn kiến) không có quả báo tội phước gì cả nên mặc sức sống hưởng thụ. Ngược lại một số người khác lại cho rằng có một linh hồn tồn tại vĩnh cửu (thường kiến), nếu đã là người thì muôn đời sau cũng là người, đã là loài vật thì muôn đời sau cũng là loài vật. Nên cho dù có tu tập đến mấy đi nữa thì người vẫn là người không thể vì tu tập mà trở thành thánh. Ngược lại cho dù có tạo tội cùng hung cực ác thì đời sau vẫn cứ làm người.

57) Người Phật tử tu tập không tiến bộ là do đâu?

Người Phật tử tu tập không tiến bộ là do không đủ tự tin là họ có thể tu hành đạt kết quả, họ nghi pháp môn mà họ đang tu tập liệu có đưa đến kết quả chắc thật không, họ nghi người truyền đạt phương pháp tu học cho họ có phải là minh sư hay không? Do ba cái nghi đó người Phật tử tu tập không thể nào tiến bộ được.

58) Tứ nhiếp pháp là gì? Kể ra.

- Tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp lợi tha nhằm để nhiếp phục chúng sanh quay về với Phật pháp. Bốn phương pháp đó là: Bố thí – ái ngữ – lợi hành – đồng sự.

59) Tứ diệu đế là gì? Kể ra

- Tứ diệu đế là bốn sự thật quý báu, hoàn toàn đúng với chân lý mà không một giáo lý ngoại đạo nào sánh kịp. Bốn chân lý đó là:
· Sự thật về những nỗi khổ đau của con người trong cuộc sống.
· Sự thật về những nguyên nhân mà con người đã gây tạo để rồi phải chịu nhận lãnh những quả khổ đau do mình gây tạo.
· Sự thật về cảnh giới hết khổ đau để con người hướng tới.
· Sự thật về con đường đưa đến cảnh giới hết khổ đau.

60) Tứ chánh cần là gì? Kể ra.- Tứ chánh cần là bốn phép siêng năng tinh tấn giúp cho người Phật tử biết làm lành lánh dữ, biết cải tà quy chánh nhằm để hoàn thiện nhân cách của mỗi con người. Bốn pháp tinh tấn đó là:
· Tinh tấn ngăn ngừa những điều ác chưa phát sanh.
· Tinh tấn dứt trừ những điều ác đã phát sanh.
· Tinh tấn làm cho những điều lành chưa phát sanh phải phát sanh.
· Tinh tấn làm cho những điều lành đã phát sanh ngày một tăng trưởng

61)Đức Phật dạy chúng ta phương pháp quán bất tịnh nhằm mục đích gì?

- Đức Phật dạy chúng ta phương pháp quán bất tịnh nhằm đối trị lòng tham dục của chúng ta đối với tự thân cũng như đối với người khác phái. Vì tham dục là nguyên nhân chính dẫn dắt chúng sanh vào trong sanh tử luân hồi, nếu không đoạn trừ thì sẽ mãi mãi trầm luân hồi trong ba cõi sáu đường.

62) Người học Phật dùng phương pháp gì để đối trị với tam độc: Tham, Sân, Si?

Tam độc như một cây to, si là gốc cây, tham là thân cây và sân là cành lá. Muốn trừ tam độc ta phải nhắm thẳng vào gốc của nó mà đoạn diệt. Gốc của nó là Si nên phương pháp trừ nó phải là Trí tuệ. Có hai phương pháp trừ diệt chúng:
1. Quán vô thường: Dùng trí tuệ quán chiếu để thấy thân mạng là vô thường, mạng sống chỉ trong hơi thở. Đã thấy thân mỏng manh như vậy thì sự tham lam cho thân còn có giá trị gì. Do trí tuệ thấy đúng như thật thân này là vô thường, mọi sự tham lam theo đó được dừng, lòng sân hận cũng nguội lạnh.
2. Quán duyên sanh: Dùng trí tuệ quán chiếu chúng ta thấy tất cả mọi sự vật trên đời này đều do duyên hợp mà có. Đã là duyên hợp thì không phải một thể, chỉ là hợp tướng từ duyên sanh.
- Mọi sự duyên hợp đều là hư giả, thân này cũng thế. Thấy rõ thân này duyên hợp không thật là trí tuệ. Thấy thân này không thật rồi thì còn gì tham lam nhiễm trước nơi thân. Đối với thân không tham nhiễm thì mọi nhu cầu của nó có ý nghĩa gì. Thấy thân đúng lẽ thật thì si mê tan tành, tham sân cũng theo đó biến hoại.
- Những suy tư nghĩ tưởng, thương ghét … trong tâm đều do sáu căn tiếp xúc với sáu trần mà phát sanh. Bản thân của những tâm lý ấy không tự có, do căn trần thức hòa hợp mà sanh. Đã do duyên hợp thì không thật thể mà cố chấp là thật thì thật quá si mê. Dùng trí tuệ soi thấu những tâm tư theo duyên thay đổi đều là hư giả, chúng ta đã đập tan được cái si mê chấp ngã nơi nội tâm con người. Do đó chúng ta buông xả mọi vọng tưởng giả dối, sống một đời an lành trong cái bình lặng của tâm tư.

63) Tam vô lậu học là gì? Kể ra

- Tam vô lậu học là ba môn học giúp chúng ta phá trừ được tham sân si đưa đến thân khẩu ý của chúng ta được thanh tịnh hoàn toàn. Ba môn học này là chánh nhân để đưa chúng ta đến quả vị vô sanh, Niết Bàn tịch tĩnh.
- Ba môn học đó là: Giới học, định học, tuệ học.

64) Tam tuệ học là gì? Giải thích sơ lược

- Tam tuệ học là ba môn học giúp chúng ta phá trừ được tâm vô minh điên đảo, đã khiến chúng ta có những nhận định sai lầm cho thân này là ta, những suy nghĩ tán loạn là ta. Chính ba môn học này giúp ta trở về sống được với tự tánh thanh tịnh sáng suốt sẵn có của chính ta mà bấy lâu nay ta quên lãng.
- Ba môn học đó là: Văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ.
* Văn là đọc tụng kinh sách, nghe thuyết giảng Phật pháp, từ đó phát sanh trí tuệ nên gọi là Văn tuệ.
* Tư là suy gẫm, xét đoán những gì được nghe, được học xem những lời dạy ấy có đúng lẽ thật chưa, phù hợp với chân lý chưa? Khi suy ngẫm xét đoán như vậy là chúng ta có trí tuệ nên gọi là Tư tuệ. Có Văn mà không Tư là thiếu sót lớn, bởi vì nghe đâu tin đó, nói đúng cũng tin, nói sai cũng tin thì người đó không có trí tuệ.
* Tu là thực hành những điều đã được học hỏi, nghe giảng dạy. Nghe và nghiệm là đúng thì phải tu, nghĩa là ứng dụng điều đó vào ngay trong cuộc sống. Đây gọi là Tu tuệ.

65) Thế nào là bố thí ba la mật?

- Bố thí ba la mật là pháp bố thí trọn vẹn cả sự và lý.
- Về sự: Người thực hành hạnh bố thí ba la mật, bố thí tất cả những gì họ có được từ những vật ngoài thân cho đến cả thân mạng. Tuy bố thí cao cả như vậy mà người thực hành hạnh bố thí vẫn không thấy mình có bố thí, không thấy có vật để bố thí và không thấy có đối tượng nhận của bố thí.
- Về lý: Người bố thí ba la mật hoàn toàn buông xả thân tâm, không có việc gì khiến cho thân tâm họ bị dấy động, chấp mắc, khởi niệm, mất tự chủ, rời chơn tánh .


66) Lục tặc là gì? Kể ra.

- Lục tặc là sáu tên giặc trong thân và tâm của mỗi chúng sanh. Chính do bởi sáu tên này, đã cướp đi những thiện pháp, phá hỏng tâm thanh tịnh là những tài sản vô giá của mỗi chúng sanh. Do vậy, sáu tên cướp này khiến chúng sanh tâm trí bị mờ tối để rồi bị trôi lăn trong ba cõi sáu đường mãi không dứt.
- Sáu tên giặc đó là sáu trần: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp.


67) Năm điều thường nhớ của người tu Phật để tránh buông lung là gì?

Năm điều thường nhớ của người tu Phật để tránh buông lung là: già, bệnh, chết, sự nghiệp của cải vô thường, nghiệp ai nấy chịu.

68) Bốn nguyện lớn của người tu Phật là gì?

Bốn nguyện lớn của người tu Phật là Tứ hoằng thệ nguyện:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học
Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành


69) Bốn đức lớn của Đức Phật mà chúng ta thường tán thán là gì?
Bốn đức lớn của Đức Phật mà chúng ta thường tán thán là: Từ, Bi, Hỷ, Xả.

70) Giải thích ý nghĩa chữ Bồ tát?
- Bồ tát gọi đầy đủ là Bồ đề tát đỏa dịch âm từ chữ Bodhi-sattva, dịch là Giác hữu tình.
Bồ tát là người tu hành, trên cầu thành Phật bằng trí tuệ, dưới hóa độ chúng sanh bằng tâm từ bi, tức là người đầy đủ 2 hạnh: Tự lợi, lợi tha và dũng mãnh cầu thành Phật.
Từ Bồ tát dành để chỉ cho người tu hành đại thừa cầu thành Phật, kể cả hàng Thanh văn, Duyên giác chuyên tâm cầu thành Phật thì cũng được gọi là Bồ tát.

71) Từ bi nghĩa là gì? So sánh chỗ khác biệt giữa tình thương thế gian và từ bi trong đạo Phật?

Phật dạy: "Từ năng dữ nhất thiết chúng sanh chi lạc; Bi năng bạt nhất thiết chúng sanh chi khổ" nghĩa là: Từ là đem cái vui đến cho tất cả chúng sanh; Bi là diệt trừ cái khổ cho tất cả mọi loài.
Từ bi là xem sự vui khổ của người như của chính mình, chia vui sớt khổ cho nhau, là tận tâm tận lực vì người, không có một niệm, một mảy may vì mình. Đây mới thật là tình thương chân thật rộng lớn. Nếu có một điểm nhỏ xíu vì mình là không phải tình thương chân thật.
Vậy Từ bi là một lòng thương rộng lớn vô biên, vô điều kiện, nó xui khiến người ta vận dụng tất cả khả năng, phương tiện, tâm tư để cho mọi người, mọi vật thoát khổ được vui.
Trái lại tình thương thế gian là tình thương có điều kiện, tình thương trong sự đối đi qua lại. Ai thương mình thì mình thương lại, ai ghét mình thì mình ght lại. Như vậy tình thương thế gian là một tình thương vị kỷ, không phải là thương người mà chính là thương mình mà thôi vì như thế không phải là tình thương chân thật.
Một điểm khác biệt nữa là trong khi Từ bi là ban vui cứu khổ cho mọi loài và bao gồm cả quá khứ, hiện tại, vị lai thì tình thương thế gian chỉ chú trọng nhiều về con người ít để ý đến loài vật và chỉ quan tâm hiện tại mà ít nghĩ đến cái quả trong tương lai.

72) Hãy kể bốn thứ điên đảo của phàm phu và bốn thứ điên đảo của hàng nhị thừa? Giải thích.

- Bốn thứ điên đảo của hàng phàm phu:
1. Thường điên đảo: Đối với các pháp vô thường ở thế gian lại cho là thường hằng.
2. Lạc điên đảo: Đối với sự khổ ở thế gian lại cho là vui.
3. Ngã điên đảo: Đối pháp vô ngã ở thế gian lại khởi cái nhìn ngã kiến.
4. Tịnh điên đảo: Đối với mọi pháp bất tịnh ở thế gian lại cho l tịnh.
- Bốn thứ điên đảo của hàng nhị thừa:
1. Vô thường điên đảo: Đối với hằng thường của Niết bàn lại cho là Vô thường.
2. Vô lạc điên đảo: Đối với niềm vui sướng ở Niết bàn lại cho rằng không vui.
3. Vô ngã điên đảo: Đối với bản ngã ở Niết bàn lại cho là vọng.
4. Vô tịnh điên đảo: Đối với sự thanh tịnh ở Niết bàn lại cho là không thanh tịnh.

73) Hãy cho biết ngày, tháng, năm các ngày: Đản sinh, Xuất gia, Thành đạo, Niết bàn của đức Phật?

- Đản sinh: Ngày Rằm tháng Tư năm 624 trước TL.
- Xuất gia: Ngày mồng Tám tháng Hai năm 605 trước TL.
- Thành đạo: Ngày mồng Tám tháng Mười hai năm 594 trước TL.
- Niết bàn: Ngày Rằm tháng Hai năm 544 trước TL.

74) Cách tính Phật lịch? Cho ví dụ và giải thích.

- Lấy 544 cộng với năm dương lịch hiện tại:
Ví dụ: năm 2010 + 544 = 2554 (Năm 2010 thì PL là 2554)
2011 + 544 = 2555 (Năm 2011 thì PL là 2555 )
2012 + 544 = 2556 (Năm 2012 thì PL là 2556)
- Phật lịch được bắt đầu tính từ năm Phật nhập Niết bàn tức năm 544 trước TL.

75) Ngũ thừa Phật giáo là gì? Pháp tu cơ bản của Ngũ thừa?

1. Nhân thừa: pháp tu cơ bản là thọ trì Tam quy và Ngũ giới.
2. Thiên thừa: pháp tu cơ bản là Thập thiện.
3. Thanh Văn thừa: pháp tu cơ bản là Tứ Đế.
4. Duyên Giác thừa: pháp tu cơ bản là Thập nhị nhân duyên.
5. Bồ Tát thừa: pháp tu cơ bản là Lục độ ba la mật.

76) Những vị thầy đầu tiên trên đường tìm đạo của Sa môn Cồ Đàm là ai?

1. Tiên Bạt già: Chuyên tu khổ hạnh để cầu sinh lên trời.
2. A la lam: Tu thiền định chứng được thiền Vô sở hữu xứ thiên.
3. Uất Đầu Lam Phất: Tu thiền định chứng được thiền Phi tưởng Phi phi tưởng xứ thiên (tầng thiền cao nhất thời bấy giờ).
Bát định: Tám thứ định gồm 4 định cõi sắc và 4 định cõi vô sắc:
1) Sơ thiền thiên định (Định của cõi trời Sơ thiền).
2) Nhị thiền thiên định (Định của cõi trời Nhị thiền)
3) Tam thiền thiên định (Định của cõi trời Tam thiền)
4) Tứ thiền thiên định (Định của cõi trời Tứ thiền)
5) Không vô biên xứ thiên định. (Định của cõi trời Không vô biên xứ)
6) Thức vô biên xứ định. (Định của cõi trời Thức vô biên xứ)
7) Vô sở hữu xứ thiên định (Định của cõi trời Vô sở hữu xứ): Lìa Không xứ và Thức xứ nên gọi là Vô sở hữu xứ.
8) Phi tuởng phi phi tưởng xứ thiên định. (Định của cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ): Thức xứ là hữu tưởng, vô sở hữu xứ là vô tưởng. Đến định này xả hữu tưởng gọi là Phi tưởng, xả vô tưởng gọi là Phi phi tưởng.

77) Thái tử tu khổ hạnh như thế nào? Trong thời gian bao lâu? Tại sao Ngài từ bỏ lối tu khổ hạnh?

- Thái Tử tu khổ hạnh bằng cách ép xác, ăn uống cực kỳ ít. Mỗi ngày chỉ uống chút ít nước rau, đậu đến nỗi toàn thân Ngài chỉ còn là một bộ xương khô. Lông tóc đều rụng hết. Da đầu Ngài như một trái mướp đắng cắt ra đem phơi khô, bàn tọa nhọn như móng con lạc đà…. Ngài tu như vậy trong suốt 6 năm.
- Sau 6 năm tự bản thân kinh nghiệm, Ngài đã nhận thức chắc chắn rằng lối tu khổ hạnh không thể đem lại lợi ích, mặc dầu các triết gia và các tu sĩ thời bấy giờ quả quyết rằng đó là nếp sống tối cần thiết để đạt đến cứu cánh. Thấy rằng khổ hạnh chỉ làm giảm suy trí thức và mệt mỏi tinh thần. Ngài nhận định rằng với tấm thân mòn mỏi không thể hoàn toàn sáng suốt, một sức khoẻ thích nghi rất cần thiết để thành đạt tiến bộ tinh thần, Ngài liền dứt khoát từ bỏ lối tu ấy, cũng như trước kia từ bỏ lối sống lợi dưỡng, và chọn con đường “Trung đạo” mà sau sẽ trở thành một trong những đặc điểm của giáo lý Ngài.

78) Kể tên 10 vị đại đệ tử của đức Phật.
1- Xá Lợi Phất : Trí tuệ đệ nhất
2- Mục Kiền Liên : Thần thông đệ nhất
3- Phú Lâu Na : Thuyết pháp đệ nhất
4- Tu Bồ Đề : Giải không đệ nhất
5- Ca Chiên Diên : Luận nghị đệ nhất
6- Đại Ca Diếp : Đầu đà đệ nhất
7- A Na Luật : Thiên nhãn đệ nhất
8- Ưu Ba Ly : Trì giới đệ nhất
9- A Nan Đà : Đa văn đệ nhất
10- La Hầu La. : Mật hạnh đệ nhất

79) Vị cư sĩ nào đã cúng dường Phật bữa ăn cuối cùng trước khi Ngài thành đạo? Và vị nào đã cúng dường bữa ăn cuối cùng trước khi Phật nhập Niết bàn?

- Cô gái chăn bò Sujata (Tu Xà Đề).
- Ông thợ rèn Cunda (Thuần Đà)

80) Ai là người sáng lập ra Thiền tông?
- Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
Nguồn: thientam.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét