Được sự chấp thuận của Chính phủ Việt Nam tại công văn số 863/TGCP-PG ngày 18/9/2013 của Ban Tôn giáo Chính phủ; Công hàm số 614 ngày 04/9/2013 của Bộ Ngoại giao Việt Nam, vào ngày 28-29/9/2013, sau khi xem xét thư đăng cai chính thức của GHPGVN số 177 ngày 23/9/2013 do HT. Thích Trí Tịnh – Chủ tịch Hội đồng Trị sự đề xuất, tại Văn phòng Viện trưởng của Đại học Mahachulalongkorn, Hoà thượng GS.TS. Brahmapundit đã căn cứ vào Hiến chương Đại lễ Vesak LHQ ủng hộ và chấp thuận GHPGVN đăng cai Đại lễ Phật đản LHQ 2014, tên gọi trước đây là IOC, nay là ICDV.
Đại lễ Vesak LHQ 2014 sẽ do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai chủ trì, với sự phối hợp tổ chức của Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (ICDV), sự giúp đỡ và bảo trợ của Chính phủ Việt Nam về các vấn đề bảo đảm an ninh, an toàn cho phật tử và du khách khắp nơi trên thế giới tham dự Đại lễ. Đại lễ Phật Đản (Vesak) được tổ chức tại Cố đô Hoa Lư - Trung tâm Phật giáo Tràng An, chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.
Đại lễ Phật đản (Vesak) là lễ hội văn hóa của Phật giáo đã được Đại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc công nhận là ngày lễ hội văn hóa tôn giáo của thế giới, là ngày Đại lễ kỷ niệm Đức Bổn Sư Thích Ca Đản sinh, Thành đạo, nhập Niết bàn, hay còn gọi là Đại lễ tam hợp.
Đại lễ Vesak lần này với chủ đề chính là "Phật giáo góp phần thực hiện thành tựu các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc” và 5 diễn đàn hội thảo khoa học bao gồm:
1) Hồi ứng của Phật giáo về phát triển bền vững và thay đổi xã hội.
2) Hồi ứng của Phật giáo đối với hâm nóng toàn cầu và bảo vệ môi trường.
3) Đóng góp của Phật giáo về lối sống lành mạnh.
4) Xây dựng hòa bình và sự bình phục hậu - mâu thuẫn.
5) Giáo dục Phật giáo và chương trình cấp đại học.
Chủ đề hội thảo Đại lễ Vesak LHQ 2014 gắn liền với truyền thống và bản sắc văn hoá của Việt Nam và đạo Phật Việt Nam nhằm khẳng định sự đóng góp của đất nước và Phật giáo Việt Nam về các giá trị được Liên Hợp Quốc quan tâm.
Đại lễ Phật Đản (Vesak) năm 2014 là sự kiện đối ngoại quan trọng, góp phần nâng cao vai trò của Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế, cũng như khẳng định vị thế, trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ. Thông qua đại lễ Vesak, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ giới thiệu đến các Tăng ni, Phật tử trên toàn thế giới được biết rõ hơn về truyền thống, văn hóa di sản quý báu của Việt Nam. Và nhiều hoạt động văn hoá như triển lãm văn hoá Phật giáo, triển lãm văn hoá Việt Nam, biểu diễn nghệ thuật truyền thống, hội chợ văn hoá và ẩm thực, xe hoa diễu hành, trang hoàng cờ phướn Phật giáo, lồng đèn, hoa đăng, tạo sự hoành tráng của một lễ hội đa sắc màu. Cũng như quảng bá với bạn bè quốc tế về hình ảnh đất nước Việt Nam thanh bình, tươi đẹp và thân thiện đối với thế giới.
Chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình nơi diễn ra Đại lễ Phật đản Vesak
lần thứ 2 tại Việt Nam (lần thứ 11 kể từ khi Vesak được tổ chức) |
Dự kiến sẽ đón tiếp khoảng 10.000 đại biểu là lãnh đạo Giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sĩ, học giả Phật giáo, phật tử đến từ khoảng 90 - 100 quốc gia và vùng lãnh thổ trên khắp thế giới cùng với 8.500 đồng bào phật tử và nhân dân Việt Nam tham dự.
Theo: giaohoiphatgiaovietnam.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét