Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Bảy, 22 tháng 3, 2014

Thông điệp của Tổng Thư ký LHQ nhân dịp Đại lễ Vesak (2002 đến 2013)

m 2002 - Tổng Thư ký Kofi Annan

NEW YORK, ngày 6 tháng 5 năm 2002 (Trụ sở Trung ương LHQ) – Sau đây là  thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan nhân dịp kỷ niệm lễ Vesak ngày 7 tháng 5 năm 2002: 

“Tôi rất sung sướng được gửi đến quý vị lời chào mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật. 

Những lý tưởng đạo đức và nhân đạo cao thượng của Đức Phật đã khai sinh ra một truyền thống tâm linh sinh động mà hơn 2500 năm sau, vẫn tiếp tục làm cho đời sống của hàng triệu người trở nên cao cả. Hôm nay, trên khắp thế giới, Phật tử vui mừng ca ngợi thông điệp Từ bi, Cảm thông và Tương kính mà Đức Phật đã mang đến cho nhân loại. 

Trong thời đại bất trắc toàn cầu hôm nay, quan niệm về hòa bình và về tiềm năng cao cả nhất của con người  mà Đức Phật đã chỉ ra, bỗng trở nên thích đáng hơn bao giờ hết.  Thật vậy, nếu chúng ta muốn có cơ hội để khắc phục những thách đố mà chúng ta đối diện hôm nay – trong các lãnh vực hòa bình và an ninh, phát triển, và bảo vệ môi sinh toàn cầu – thì chúng ta phải thoát lên trên lối tư duy hẹp hòi và thiển cận vì tư lợi, và nâng chúng ta lên một tầm nhìn phổ quát hơn, trong đó phúc lợi của một cộng đồng nhân loại rộng lớn cũng quan trọng như phúc lợi riêng của chính mỗi chúng ta. Mỗi chúng ta cần san sẻ niềm hy vọng về một tương lai bình an, quân bình và bền vững. Hành động của chúng ta hôm nay – dù với tư cách của những cá nhân hay là những thành viên của cộng đồng - phải được hướng dẫn bởi giấc mơ chung đó.

Nhân ngày Vesak hôm nay, xin hãy nhớ rằng dù nguồn gốc, chủng tộc, văn hóa và đức tin của chúng ta là gì chăng nữa thì chúng ta chủ yếu vẫn không khác nhau. Tại vì trên hết, chúng ta chia sẻ với nhau cùng một mái ấm gia đình, một hành tinh đang thu nhỏ mà chúng ta phải gắn bó sống với nhau. Vậy xin hãy cùng nhau hợp tác làm chung việc thiện và hợp tác cho sự sống chung hài hòa và an bình của mọi dân tộc trên thế giới này.

Tôi xin chúc quý vị một ngày lễ Vesak hạnh phúc.” 

m 2003 - Tổng Thư ký Kofi Annan

NEW YORK, 15 tháng 5 năm 2003 (Trụ sở Trung ương LHQ) – Sau đây là  thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan nhân dịp kỷ niệm lễ Vesak ngày 15 tháng 5 năm 2003: 

Ngày lễ Vesak vừa là một dịp vui mà Phật tử khắp thế giới kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật hơn 2500 năm trước đây, vừa là một thời điểm để chúng ta suy nghiệm về những bài học rút ra từ chính cuộc đời của Đức Phật và những lời dạy của Ngài cho cuộc sống chúng ta hôm nay. 

Thông điệp của Đức Phật là một thông điệp về Hòa bình và Từ bi, nhưng cũng còn là một thông điệp về Tỉnh thức - nhận biết bản thân mình, hành động của mình và nhận biết về thế giới chung quanh mình. Đây là thông điệp mà những ai quan tâm đến hướng đi và vận mệnh của loài người cần nghiêm chỉnh đón nhận. 

Trừ ra chúng ta không còn quan tâm đến thế hệ tương lai nữa, vì tình trạng thoái hóa tàn nhẫn của môi sinh hôm nay sẽ làm tổn thương đến khả năng cung ứng nhu cầu của những thế hệ nầy. 

Nếu chúng ta không hiểu được rằng những chọn lựa của chúng ta - với tư cách là kẻ tiêu thụ, người công dân hay những cử tri - sẽ tác động vượt xa hẳn ra ngoài cộng đồng hàng xóm gần kề, thì ngôi nhà toàn cầu của chúng ta quả thật sẽ trở nên nguy hiểm hơn hiện nay rất nhiều.  

Và nếu chúng ta không nhận biết được rằng dù nghèo đói và tranh chấp có diễn ra ở đâu chăng nữa cũng đều quan hệ đến chúng ta, thì chúng ta sẽ thất bại trong nhiệm vụ chung nhằm xây dụng một thế giới có xã hội hài hòa và phúc lợi phổ quát. 

Nhân dịp kỷ niệm ngày Vesak, tôi xin được nắm tay mọi người trong niềm hy vọng về một thế giới mà mọi người đều phấn đấu để tỉnh thức - nhận biết và quan tâm đến đồng loại. Trong tinh thần đó, tôi xin gửi đến quý vị lời chào nồng nhiệt nhất.” 
  
Năm 2004 - Tổng Thư ký Kofi Annan

NEW YORK, 1 tháng 6 năm 2004 (Trụ sở Trung ương LHQ) – Sau đây là  thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan gửi đến “Lễ Quốc tế công nhận Ngày Vesak” tại New York vào ngày 1-6-2004:

“Tôi rất sung sướng được gửi lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi đến ngày lễ quốc tế công nhận Ngày Vesak. 

Mỗi năm, vào ngày này, chúng ta lại kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật hơn 2500 năm trước đây, và để tỏ lòng biết ơn đến những cống hiến của Phật giáo trong nỗ lực tìm kiếm hòa bình của thế giới. 

Năm nay, nhân lễ kỷ niệm này, tôi muốn đặc biệt biểu lộ mối quan tâm của tôi rằng những biến cố gần đây - kể cả cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, chiến tranh tại Iraq, và cuộc chiến bi thảm giữa Do Thái và dân tộc Palestine - đã làm cho tình trạng căng thẳng giữa các tín đồ của vài tôn giáo lớn trên thế giới trở nên trầm trọng hơn.

Chúng ta phải dứt bỏ cái thói quen rập khuôn hóa, tổng quát hóa và các định kiến, và cẩn trọng không bôi nhọ cả một dân tộc, cả một vùng miền, hay cả một tôn giáo chỉ vì tội lỗi của một vài cá nhân. Như đạo Phật đã dạy, chúng ta vừa phải ứng xử công bình và khách quan với đồng loại của chúng ta, vừa phải kiềm chế ác tâm, sự hung hãn và ý muốn làm tổn hại người khác. Lòng khoan dung thì cần thiết nhưng vẫn chưa đủ. Chúng ta phải đi xa hơn nữa, phải tinh tấn nỗ lực tìm hiểu tha nhân và khám phá những điều tích cực nhất trong tín ngưỡng và văn hóa của họ.  

Nhân ngày Vesak này, chúng ta hãy cam kết làm trọn phần của mình cho một chiến dịch lâu bền để xây dựng lại lòng tin tưởng và sự tin cậy giữa những người khác tín ngưỡng và khác văn hóa. Như đạo Phật, xin hãy công nhận tính tương thuộc thiết yếu giữa chúng ta. Và hãy cùng nhau lên đường như những người bạn đồng hành. Trong tinh thần đó, tôi xin chúc tất cả một ngày Vesak hạnh phúc.” 

Năm 2005 - Tổng Thư ký Kofi Annan

Tôi xin gởi đến quý vị lời chào mừng nồng nhiệt nhất của tôi nhân Ngày Vesak, ngày mà chúng ta làm lễ tưởng niệm Đản Sanh, Thành Đạo và Nhập Niết Bàn của Đức Phật. Lý tưởng chúng ta chào mừng vào ngày này rất gần gũi với lý tưởng của Liên Hợp Quốc: đó là cổ vũ sự hiểu biết giữa các dân tộc, theo đuổi mối liên lạc hòa hợp của các quốc gia và cổ động nền hoà bình. 

Ngày Đại Lễ Vesak này rơi vào khoảng thời gian đặc biệt của Liên Hợp Quốc. Không những năm nay là năm đánh dấu kỷ niệm năm thứ 60 ngày thành lập LHQ sau khi Thế chiến Thứ Hai chấm dứt. Đây cũng là một năm mà chúng ta suy nghĩ về tương lai, và tham dự vào một cuộc thảo luận trong tinh thần xây dựng tương lai: làm thế nào để chấm dứt sự nghèo khó trên thê giới; làm thề nào để xây dựng một hệ thống an ninh tập thể có thể đối phó với đe dọa chung cho chúng ta; làm thề nào để tăng gia sự tôn trọng nhân phẩm trên các lãnh thổ khác nhau. Tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được những tiến bộ lịch sử và lâu dài. Nhưng tất cả đều tùy thuộc vào quyết tâm của các chánh phủ, và sự tham gia tích cực của các tổ chức và cá nhân trên toàn thế giới.

Khi chào mừng Đại Lễ Vesak năm nay, chúng ta nên nhớ là, dù có nguồn gốc, chủng tộc, văn hoá hay tín ngưỡng nào, chúng ta đều chia xẻ một quê hương chung - một hành tinh trơ trọi nhỏ bé, nơi chúng ta sống gắn bó với nhau. Chúng ta hãy quyết tâm chung sức làm những việc mang lại lợi ích chung cho một đời sống hài hoà và hoà bình giữa tất cả các dân tộc trên thế giới. 

Tôi xin cám ơn quý vị đã quyết tâm thực hiện các lý tưởng trên và xin chúc quý vị cử một mùa lễ Vesak tuyệt vời."

Năm 2006 - Tổng Thư ký Kofi Annan

NEW YORK, 3 tháng 5 năm 2006 (Trụ sở Trung ương LHQ) – Sau đây là  thông điệp của ông Tổng Thư ký Kofi Annan nhân dịp kỷ niệm lễ Vesak ngày 11 tháng 5 năm 2006:

“Tôi rất sung sướng được gửi đến quý vị lời chào mừng nồng nhiệt nhất nhân dịp kỷ niệm ngày Đản sanh, Thành đạo và Nhập Niết bàn của Đức Phật.

Những lý tưởng mà chúng ta tán dương hôm nay thì gần gũi với lý tưởng của Tổ chức Liên Hợp quốc: Cảm thông giữa các dân tộc, mưu cầu một xã hội hài hòa, và xiển dương hòa bình trên thế giới.

Ngày Vesak năm nay rơi đúng vào lúc Liên Hợp quốc đang tiếp tục những nỗ lực để thích nghi mình hầu đối diện với những thách thức của thế kỷ thứ XXI, và đặc biệt để triển khai những nghị quyết đã được các nhà lãnh đạo trên thế giới thông qua tháng Chín năm ngoái tại Hội nghị Thượng đỉnh Thế giới 2005. Sự thành công của chúng ta khi tiến hành chương trình này không những tùy thuộc vào các đại diện chính phủ và các quan chức quốc tế mà còn tùy vào thành phần cử tri, giới tiêu thụ, các nhóm xã hội dân sự và các cá nhân thuộc mọi lứa tuổi, trong nước nghèo cũng như giàu, đã suy nghĩ và hành động như những công dân toàn cầu. 

Kỷ niệm ngày Vesak năm nay, xin như đạo Phật, hãy công nhận tính tương thuộc thiết yếu giữa chúng ta. Và hãy quyết tâm cùng nhau hợp tác làm chung việc thiện và hợp tác cho sự sống chung hài hòa và an bình của mọi dân tộc trên thế giới nầy.  Xin cảm ơn tất cả đã cam kết sống cho những lý tưởng này và xin chúc tất cả một lễ hội tuyệt vời cho Ngày Vesak” 

Năm 2007 - Tổng Thư ký Ban Ki-moon

“Tôi lấy làm vinh dự được gửi lời chúc mừng nhân dịp vui kỷ niệm ngày Đản sanh - Thành đạo và Nhập diệt của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.

Hơn 2500 năm qua, những lời dạy của vị Đạo sư Giác ngộ - Phật Thích Ca vẫn tiếp tục là kim chỉ nam và đã mang lại ý nghĩa cho cuộc đời của hàng triệu người trên thế giới. Việc tổ chức hằng năm Đại lễ này là cơ hội để Phật tử xác quyết niềm tin vào giáo lý của Ngài, đồng thời phát huy tinh thần Từ bi, Trí tuệ và Hoà bình mà Phật tổ đã truyền trao. 

Chân giá trị của giáo pháp thì vượt thời gian, nhưng lễ kỷ niệm như hôm nay thì lại cần thiết hằng năm. Những biến cố xảy ra trong những năm gần đây đã tạo ra vực ngăn cách càng ngày càng tăng giữa những cộng đồng và giữa các nước trên thế giới. Những biến cố nầy làm gia tăng mối quan ngại về tinh thần không khoan nhượng và về tình trạng căng thẳng trong quá trình tương tác văn hoá. Lật ngược xu thế này là chuyện sống còn cho một nền hoà bình lâu dài và tình trạng ổn định cho thế giới. 

Điều này đòi hỏi chúng ta phải có tầm nhìn vượt ra ngoài những lợi ích hữu hạn của cá nhân. Như lời Đức Phật đã dạy: Chúng ta cần tỉnh thức trong chánh ngữ và chánh mạng, và ý thức về những hệ quả của chúng đối với những người xung quanh chúng ta. Chúng ta cần hiểu được tính tương duyên giữa các thành phần trong xã hội, và coi trọng hạnh phúc của cộng đồng và của nhân loại như chính là hạnh phúc của bản thân mình. 

Nhân ngày Vesak, tất cả chúng ta – dù là Phật tử hay không - hãy quyết tâm ứng xử với nhau trong tình thần độ lượng và khách quan. Chúng ta hãy phấn đấu mỗi ngày vì sự tiến bộ của bản thân và của thế giới. Trong tinh thần đó, tôi xin gửi lời chúc cho một ngày Vesak thật phong phú.”

Năm 2008 - Tổng Thư ký Ban Ki-moon

Trong không khí nhộn nhịp của ngày Đại lễ Tam Hợp - kỷ niệm ngày Đức Phật đản sanh, thành đạo và nhập Niết Bàn - hàng triệu Phật tử và quần chúng trên khắp năm châu hân hoan đón chào những thông điệp của tình thương và trí tuệ. Nhân dịp đại lễ thiêng liêng cao quý này, mọi người chúng ta nên hoài tưởng lại cuộc đời sống động của Đức Phật Thích Ca, chiêm nghiệm lời dạy đầy ý nghĩa của Ngài, đồng thời cũng nên nguyện sống theo tinh thần cao cả giáo pháp tuyệt vời ấy để kiến tạo cho mình những hạnh phúc, an lạc.

Năm nay, lễ Tam Hợp lại về đúng vào giai đoạn những nỗi tang thương mất mát, khổ đau khôn cùng của nhân loại đang có sự gia tăng một cách đáng lo ngại. Sự sự tàn phá khốc liệt đất nước Miến Điện của cơn bão Nargis đã khiến cho nhân loại phải đớn đau, thương xót. Mỗi một thiên tai như thế đi qua sẽ đem đến sự chết chóc, tang thương  cho bao người, vô số gia đình bổng chốc trở nên màn trời chiếu đất,…Tất cả đang là nỗi đau của tất cả chúng ta.

Trong thảm kịch bi thương này, những lời của Đức Phật dạy về lòng thương yêu đối với vạn loài chúng sinh cần phải được thực hiện ngay bây giờ. Ngài dạy chúng ta mở rộng lòng từ bi, giang rộng vòng tay nhân ái đến với con người và nhất là những người đang lâm trong cảnh khổ. Điều đó nói lên rằng chúng ta cần nhận ra bản chất đồng nhất trong mỗi người, mỗi loài và đặt hạnh phúc chung của cộng đồng, của nhân loại lên trên hạnh phúc riêng mình.

Những bài học vượt thời gian và không gian của Đức Phật hướng thế giới quay về bên đất nước Miến Điện. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay của nhân dân Miến Điện cũng như những thách thức mà thế giới đang đối mặt đòi hỏi chúng ta phải có một tinh thần điềm tĩnh, hoà ái, tập trung phát triển và bảo vệ môi sinh trong lành. Ở những nơi này chúng ta hãy làm ấm lên tinh thần hy sinh, vị tha trong mỗi người, nghĩ và làm việc như là một thành viên thực sự của một tổ chức quốc tế. Đây chính là con đường đưa đến sự giác ngộ và cũng là nền tảng xây dựng thế giới hoà bình thịnh vượng hơn. 

Nhân dịp lễ Tam Hợp, chúng ta hãy khẳng định mối tương duyên trong thế giới này. Chúng ta hãy nguyện cùng nhau làm việc, phụng sự cho nhân loại và thế giới ngày càng an bình và tốt đẹp hơn. Tôi xin cảm ơn sự tận tình hợp tác của các bạn trên tinh thần vị tha và cầu nguyện cho các bạn luôn an lạc trong dịp lễ thiêng liêng này."

Năm 2009 - Tổng Thư ký Ban Ki-moon


"Tôi rất vui mừng, kính gửi lời chúc tốt lành nhân ngày lễ Vesak, nhằm đánh dấu sự đản sinh, thành đạo và nhập niết-bàn của đức Phật.

Cuộc đời và lời dạy của đức Phật đã cảm hóa hàng triệu người trên thế giới. Năm ngoái, bản thân tôi rất xúc động khi thăm viếng nước Nepal và tận mắt nhìn thấy phiến đá tại vườn Lâm-tỳ-ni đánh dấu nơi đản sinh của đức Phật. Tôi rất ấn tượng về các tu viện và di tích tại đây. Tôi sẽ luôn luôn nhớ đến lòng tử tế của các Tăng sĩ tại Chùa Thánh mẫu Maya. Khi tôi từng bước chân thiền hành trong thánh đại này, tôi nghĩ về hành trình cuộc đời của nhân cách vĩ đại của đức Phật, người đã chuyển hóa chính mình từ một đông cung thái tử để trở thành người khai sáng Phật giáo, một trong các tôn giáo lớn của thế giới.

Khi còn là thái tử, ngài rất giàu, có thể sống cuộc đời này không chút phiền lo. Ngài đã động lòng trắc ẩn về khổ đau của tha nhân, đến độ ngài đã quyết định bỏ lại các êm ấm trong cung vàng điện ngọc, giúp mở đồng loại vượt qua các thực tại khổ đau của cuộc sống.

Tất cả chúng ta có thể học từ tinh thần từ bi của đức Phật. Những lời dạy minh triết vượt thời gian của đức Phật có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu mà chúng ta đang đối diện ngày nay. 

Khủng hoảng tài chính, biến đổi khí hậu, pandemics,chủ nghĩa khủng bố và các mối đe dọa mang tính quốc tế khác cho chúng ta thấy rằng số phận của nhân loại là liên đới nhau. Vấn nạn của một quốc gia có thể nhanh chóng trở thành mối đe dọa toàn cầu. Tôi thường nhắc các lãnh đạo rằng chúng ta cần hành động cùng nhau, hoặc là chúng ta sẽ thất bại từng cá thể riêng lẻ. Tôi nói với họ rằng chúng ta nối kết sức mạnh trong hài hòa. Đây không chỉ là việc đúng đắn cần hành động, mà còn là mối quan tâm tốt nhất của chúng ta.

Nhu cầu đoàn kết toàn cầu có vẻ như là một khái niệm hiện đại, nhưng không phải vậy. Hơn 2500 năm trước, đức Phật dạy rằng không một cái gì tồn tại biệt lập, tất cả hiện tượng là tùy thuộc nhau. Thật là sâu sắc, như lời đức Phật đã dạy, chúng ta không thể có hạnh phúc đang khi người khác vẫn còn khổ đau. Khi chúng ta hành động vượt lên tất cả, chúng ta khám phá điều tốt đẹp nhất trong chính mình. 

Lời Phật dạy trở thành trí tuệ của thời đại chúng ta. Dù ở đâu và làm gì, chúng ta nên mang theo tinh thần này. Nhân ngày lễ Vesak, chúng ta cùng cam kết giúp đỡ người khổ đau để chúng ta có thể đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người."

Năm 2010 - Tổng Thư ký Ban Ki-moon

“Tôi rất vui mừng được gởi lời chúc mừng nhân ngày lễ Vesak đánh dấu sự kiện Đức Phật Đản Sinh, thành đạo và nhập Niết Bàn. Vesak là dịp để mọi người Phật tử phản ánh những giá trị cơ bản về lòng khoan dung, từ bi và phục vụ vì nhân loại được thể hiện thông qua cuộc đời và lời dạy của Đức Phật. Những giá trị này được lặp lại trong hiến chương của Liên Hiệp Quốc cùng với lời hứa của những quốc gia thành viên cùng làm việc trong sự hài hòa cho một thế giới mà tất cả nữ giới và nam giới đều có thể cùng phát triển và thịnh vượng trong hòa bình và phẩm hạnh .
Chủ đề của đại lễ Vesak năm nay là: “Sự phục hồi toàn cầu: Góc nhìn của Phật giáo” đã đánh trúng vào trọng tâm của những mối quan hệ toàn cầu tại thời điểm xảy ra nhiều cuộc khủng hoảng. Khi nền kinh tế và tài chính bị khủng hoảng, những người nghèo là người bị gánh chịu đầu tiên và nặng nề nhất. Họ cũng sẽ mất rất nhiều thời gian nhất để phục hồi. Vào lúc này, tôi kêu gọi những nhà lãnh đạo thế giới cùng hành động nhất trí vì lợi ích chung. Sự phản ứng đồng bộ của họ và những nổ lực của Liên Hiệp Quốc đã giúp tránh khỏi sự khủng hoảng tồi tệ nhất. Chúng ta đã học những bài học quý giá nhất giúp hướng dẫn chúng ta ứng phó thích hợp khi khủng hoảng tiếp tục kéo dài .
Những bằng chứng của sự đoàn kết đang tăng lên rất cần thiết trong thế giới phụ thuộc lẫn nhau hiện nay. Những bằng chứng này đã được phản ánh trong ngày lễ Vesak và những hành động của từ bi vì những người kém may mắn vốn là một phần trong những hoạt động của đại lễ hằng năm. Chỉ bằng cách bày tỏ sự quan tâm đối với người khác là chúng ta đã thành công trong việc xử lý những thách thức trong thời đại của mình: giảm đói nghèo, đảo ngược sự suy thoái môi trường, tránh sự thay đổi khí hậu tàn khốc và tạo ra một thế giới của tự do, hòa bình và công lý đến cho mọi người. Nếu chúng ta thực hiện đúng tinh thần của Phật giáo hay bất cứ tôn giáo lớn nào của thế giới  thì tất cả những mục tiêu cao quý này đều có thể đạt được."

Năm 2011 - Tổng Thư ký Ban Ki-moon


"Tôi hân hoan gởi lời chúc mừng nồng hậu đến toàn thể quý vị tham dự Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc lần thứ 8 tại Thái Lan.

Quý vị đã chọn chủ đề về sự phát triển kinh tế xã hội, một chủ đề có tính hiện đại, nhưng cốt lõi của nó lại là vấn nạn về khổ đau của nhân loại mà chính Đức Phật Thích Ca đã nhìn thấy và đã nhấn mạnh cách đây hơn 2.500 năm, khi Ngài từ giã hoàng cung, từ bỏ những thứ sở hữu của thế tục để xuất gia tầm đạo.

Đức Phật, sự đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Ngài được chúng ta kỷ niệm mỗi năm vào ngày lễ Vesak, đã để lại cho nhân loại kho tàng giáo lý rộng sâu và kho giáo lý ấy có thể định hướng cho những nỗ lực giải quyết các vấn đề nghiệm trọng mà chúng ta đang phải đối mặt trong thế giới ngày nay. 

Lời huấn thị của Ngài chống lại ba thứ độc hại, đó là tham lam, sân hận và si mê. Lời huấn thị ấy có thể khơi dậy những cuộc hội đàm đa phương về sự đói kém đang ảnh hưởng đến gần một tỷ người trong thế giới giàu có của chúng ta, về sự bạo lực đầy thú tinh cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người mỗi năm, và về sự tàn phá môi trường một cách vô tội vạ gây nguy hại cho ngôi nhà duy nhất của chúng ta, trái đất mà chúng ta đang sống.

Rất nhiều tổ chức của Phật giáo đang thực hành giáo pháp của Đức Phật. Tôi vô cùng cảm ơn sự ủng hộ của họ đối với những hoạt động của Liên hiệp quốc nhằm đạt được Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ, đối với kế hoạch chi tiết nhằm giải quyết những thách thức về kinh tế xã hội mà thế giới đang phải đối mặt.

Nhân ngày Đại lễ Vesak, tôi hy vọng là tất cả mọi người có thể dựa vào những lời dạy có giá trị phổ quát trong đạo Phật để hành động trong tình đoàn kết với những người đang khổ đau, để góp phần tạo nên một thế giới nhiều tình thương yêu hơn, nhiều sự tỉnh giác hơn cho tất cả chúng ta."


Năm 2012 - Tổng Thư ký Ban Ki-moon


"Tôi hân hạnh gửi lời chúc mừng nồng hậu nhất đến ngày Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc. Xin chân thành cảm ơn Chính phủ Thái Lan và Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya đã đăng cai tổ chức đại lễ quan trọng này.

Quý vị chọn chủ đề cho ngày đại lễ năm nay là "Sự giác ngộ của Đức Phật vì lợi lạc cho nhân sinh", đây là một chủ đề chuyển tải tinh thần từ bi và vị tha truyền thống của Phật giáo trong hàng thiên niên kỷ.

Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục lấy nguồn cảm hứng từ những lời dạy sâu sắc của Đức Phật. Đức Phật khẳng định rằng: “Con đường để thay đổi thế giới là thay đổi bản chất của con người”, lời dạy này đã đem đến sự thấu hiểu quan trọng về cách thức mà mọi người trên khắp thế giới có thể và phải chung sức với nhau để cải thiện điều kiện sống cho hành tinh của chúng ta và cho muôn loài sinh sống trên hành tinh này.

Tất cả các mối đe dọa lớn mang tính toàn cầu mà chúng ta đang phải đối mặt, từ sự gia tăng của vũ khí giết người hàng loạt đến sự tàn bạo và bất bình đẳng, thách thức chúng ta, buộc chúng ta phải thay đổi các giả định cố hữu và cởi mở hơn đối với những cách thức suy nghĩ và hành động mới. Ngay cả những thiên tai, thảm họa cũng xuất phát từ lỗi lầm của con người, từ cái nhìn thiển cận của chúng ta.

Một mô hình mới và đặc biệt cần thiết, cấp thiết nhất đối với chúng ta ngày nay là mô hình phát triển bền vững. Chưa đầy hai tháng nữa, cộng đồng quốc tế sẽ nhóm họp tại Rio de Janeiro để tham dự Hội thảo Liên Hiệp Quốc về phát triển bền vững - đây là cơ hội một lần trong một thế hệ để thiết lập thế giới theo một phương thức công bằng và bền vững hơn trong sự phát triển. Phật giáo có nhiều thứ để cung cấp cho quá trình đó, và tôi hy vọng tiếng nói của các bạn sẽ được lắng nghe.

Trong tinh thần đó, tôi xin gởi những lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể quý vị và cầu chúc cho ngày Đại lễ thành công mỹ mãn”.


Năm 2013 - Tổng Thư ký Ban Ki-moon

"Ngày lễ Phật đản (Vesak Day) là ngày lễ dành cho Phật tử khắp thế giới và cũng là cơ hội cho tất cả thành viên của cộng đồng quốc tế thừa hưởng từ tín ngưỡng lâu đời này.

Lễ Phật đản năm nay diễn ra trong bối cảnh sự nghèo đói và xung đột lan rộng, đây chính là dịp để kiểm chứng giáo lý đạo Phật có thể thấm nhuần vào chúng ta như thế nào trước những thách thức hiện tại.

Chấp nhận đương đầu với những khó khăn đang đặt ra đối với thế giới chúng ta rất phù hợp với tinh thần Phật giáo. Chính Đức Phật khi là một hoàng tử, đã từ bỏ sự an bình trong cung điện để đi tìm bốn nỗi thống khổ của sinh, bệnh, già và chết.

Khi không thể tránh khỏi những thực tế khổ đau, Phật giáo đã chỉ ra những cách nhìn sâu sắc vào việc làm thế nào để chuyển hóa chúng. Lịch sử đạo Phật cung cấp rất nhiều ví dụ đầy cảm hứng về khả năng chuyển hóa của giáo lý Phật giáo.

Đại đế Asoka huyền thoại, người từng trị vì một chế độ bạo tàn tại Ấn Độ vào khoảng ba thế kỷ sau thời kỳ Đức Phật nhập Niết-bàn, khi thành tâm hướng về Phật giáo, đã từ bỏ bạo lực và hướng đến nền hòa bình.

Các giá trị mà vua Asoka theo đuổi bao gồm quyền con người, nền dân chủ và tôn trọng những giá trị của cuộc sống trở nên phổ biến đối với tất cả các tôn giáo lớn. Những điều nhà vua kiên trì thực hiện sau nhiều năm của chiến tranh thảm khốc là bằng chứng xác thực rằng thiện chí của các cá nhân có thể dẫn đến chấm dứt khổ đau hiện thời. Hơn bao giờ hết, chúng ta rất cần tinh thần bất bạo động để có thể giúp duy trì nền hòa bình và giảm thiểu xung đột.

Tôi chân thành gởi lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể tín đồ đang đón mừng ngày lễ Phật đản và những hy vọng chân thành rằng, chúng ta có thể vẽ nên những lý tưởng tâm linh để tăng cường sự kiên định trong việc cải thiện thế giới chúng ta".

Quảng Thời tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét