Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Năm, 20 tháng 3, 2014

Tuyên ngôn Vesak Liên hiệp quốc (2004 đến 2013)

1. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2004

Thông Cáo Chung Hội nghị các nhà Lãnh đạo Phật giáo Thế giới về Quyết định Quốc tế Công nhận Ngày Vesak Tam Hợp tại Buddharmonthon, Nakhon Pathom, Thái Lan Ngày 25 tháng 5 năm 2004 (Phật lịch 2547).



Chúng tôi, những tham dự viên Hội nghị các nhà Lãnh đạo Phật giáo Thế giới về Quyết định Quốc tế Công nhận Ngày Vesak Tam Hợp của các quốc gia  Bangladesh, Bhutan, Cambodia, Trung Quốc, Indonesia, Malaysia, Mongolia, Myanmar, Nepal, Singapore, SriLanka, và Thái Lan, đã họp nhau tại Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom, nước Thái Lan, vào ngày 25 tháng 5 năm 2004 (Phật lịch 2547).

Chúng tôi công nhận rằng Ngày Vesak Tam Hợp, ngày rằm tháng Năm mỗi năm, là ngày được thế giới thừa nhận, đặc biệt tại Trụ sở chính và các Cơ quan khác của Liên Hiệp quốc, theo sáng kiến của Chính phủ Thái và Hội đồng Tăng già Tối cao Thái để làm lễ kỷ niệm tán dương ngày Vesak Tam Hợp vào năm 2004 (Phật lịch 2547) vừa tại New York vừa tại Bangkok.

Chúng tôi thừa nhận rằng ngày rằm tháng Năm mỗi năm là ngày thiêng liêng nhất của Phật tử trên khắp thế giới vì vào ngày đó họ kỷ niệm ngày Đản sanh, ngày Thành đạo và ngày Nhập diệt của Đức Phật; ngoài ra, Phật tử đồng thời còn có thể noi theo đức hạnh Từ bi, Trí tuệ và Thanh khiết của Ngài như là một cách thế sống hài hòa lý tưởng.

Chúng tôi xét rằng sự thừa nhận của quốc tế tại Trụ sở chính và các Văn phòng đại diện của Liên Hiệp quốc sẽ tạo nên một xác tín về Phật giáo, một trong những tôn giáo cổ xưa nhất trên thế giới, đã trong suốt hơn hai thiên niên kỷ rưởi qua và vẫn còn tiếp tục, đóng góp cho đời sống tâm linh của nhân loại. Do đó, Phật giáo phải được bảo trọng và xiễn dương để tiếp tục cuộc hành trình của mình.

Không phải tốn kém cho Liên Hiệp quốc, chúng tôi quyết định sẽ dàn xếp để những lễ hội kỷ niệm sẽ được tổ chức tại Trụ sở chính cũng như tại các Văn phòng của Liên Hiệp quốc, sau khi đã hội ý với các văn phòng và nhiệm sở Liên Hiệp quốc tương ứng. Cho năm 2004 (Phật lịch 2547), quốc gia Thái Lan đã được chỉ định để phối hợp với những quốc gia Phật giáo khác hầu làm lễ tán dương Ngày Vesak Tam Hợp vừa tại Trụ sở chính Liên Hiệp quốc tại New York vừa tại các trụ sở vùng của Liên Hiệp quốc.

Vì vậy, nay chúng tôi đồng ý những điểm sau đây:

1. Chúng tôi sẽ nỗ lực duy trì và bảo vệ Phật giáo, đối tượng thờ phụng và Thánh địa trên toàn thế giới.

2. Chúng tôi sẽ nỗ lực chuyển tải những thông điệp cao quý của Đức Phật đến tận con tim và khối óc của mọi người trên toàn thế giới thông qua sự tu tập và hành trì Giáo lý để bảo đảm công cuộc truyền bá Phật giáo.

3. Chúng tôi sẽ nỗ lực thúc đẩy hòa bình, hòa hợp và cảm thông giữa các dân tộc thông qua Phật giáo.

4. Chúng tôi sẽ nỗ lực để hợp tác và làm lễ kỷ niệm ở cấp độ quốc tế Ngày Vesak Tam Hợp tại các Trụ sở chính, trụ sở vùng Liên Hiệp quốc, và đặc biệt tại Văn phòng UNESCAPE ở Bangkok tại Thái Lan. 
  
2. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2005

Thông Cáo Chung Hội nghị Quốc tế Phật giáo về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc từ ngày 18 đến 20 tháng 5 năm 2005 (Phật lịch 2548) tại Buddharmonthon, Nakhon Pathom, Thái Lan và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, Bangkok, Thái Lan

Chúng tôi, những tham dự viên của 41 quốc gia và cùng thuộc Hội nghị Quốc tế Phật giáo về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc tại Buddharmonthon, tỉnh Nakhon Pathom, và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, thủ đô Bangkok, từ ngày 18 đến 20 tháng 5 năm 2005 (Phật lịch 2548), tri ân rằng Hội nghị đã được Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già Tối cao Thái Lan hỗ trợ, đồng thanh quyết nghị những điểm sau đây: 

Chiếu nghị quyết được thông qua vào năm 1999 (Phật lịch 2542) tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc rằng đại lễ Vesak Tam Hợp, vốn rơi vào ngày trăng tròn của tháng Năm, thì sẽ được thế giới công nhận và kỷ niệm, rằng Ngày Liên Hiệp quốc Vesak Tam Hợp đó sẽ được đồng kỷ niệm bởi tất cả các truyền thống tông phái Phật giáo;

Ngoài ra, để củng cố sự cảm thông và hợp tác giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau, giữa các tổ chức hoặc cá nhân Phật giáo khác nhau thông qua những đối thoại liên tục giữa giới lãnh đạo và học giả Phật giáo, chúng tôi đã quyết định sẽ phổ biến thông điệp hòa bình sau đây căn cứ trên lời dạy của Đức Phật về Trí tuệ và Từ bi.

Sau khi thăm dò những vấn đề liên quan đến Phật giáo, Hội nghị đã đồng ý những điều sau đây: 

1. Quyết định gia tăng và nâng cao sự hợp tác giữa các trường phái Phật giáo để đẩy mạnh sự thống nhất và tình đoàn kết giữa các Phật tử.

2. Đồng ý sẽ triển khai giáo dục thế nào để thúc đẩy sự cảm thông lẫn nhau, tôn trọng lẫn nhau và an bình nội tâm giữa các cá nhân và cộng đồng. 

3. Ghi nhận việc sáng lập ra một mạng lưới tâm linh bằng cách dùng khoa học và công nghệ hiện đại để củng cố sự phát triển luân lý và đạo đức giữa tất cả giới trẻ Phật tử. 

4. Bảo đảm tiến hành một cách không thành kiến việc triển khai nhân đạo và xã hội cho lợi ích của toàn nhân loại. 

5. Nỗ lực bảo trọng Phật giáo và giáo pháp cao cả để duy trì những giá trị phổ quát của Chánh pháp.

6. Đồng ý hỗ trợ các quốc gia và vùng khác tổ chức các Hội nghị Phật giáo Quốc tế và Diễn Đàn Phật giáo Quốc tế sẽ được tổ chức tại Trung Quốc.

7. Quyết định tiếp tục Lễ hội Ngày Vesak Liên Hiệp quốc tại Thái Lan, với sự công nhận quần thể Buddharmonthon như là Trung tâm của Phật giáo Thế giới, và Đại học Maha- chulalongkorn Rajavidyalaya sẽ tiếp tục là Điều hợp viên của Lễ hội nầy. 
  
3. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2006

Thông Cáo Chung Hội nghị Quốc tế Phật giáo lần thứ Ba về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc tại Buddharmonthon, Nakhon Pathom, và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, Bangkok, Thái Lan từ Ngày 7 đến 10 tháng 5 năm 2006 (Phật lịch 2549)

Chúng tôi, những tham dự viên của 46 quốc gia và vùng thuộc Hội nghị Quốc tế Phật giáo về Ngày Vesak Tam Hợp của Liên Hiệp quốc tại Buddharmonthon, tỉnh Nakhon Pathom, và tại Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc, thủ đô Bangkok, từ ngày 7 đến 10 tháng 5 năm 2006 (Phật lịch 2549), tri ân rằng Hội nghị đã được Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già Tối cao Thái Lan hỗ trợ rộng rãi trong khi toàn thể Vương quốc Thái Lan đang hân hoan kỷ niệm Lễ Đăng quang thứ 60 của Vua Bhumibol Adulvadej, và đồng thanh quyết nghị những điểm sau đây: 

Với quy chiếu hoàn toàn về nghị quyết được thông qua vào ngày 15 tháng 12 năm 1999 tại Đại Hội đồng Liên Hiệp quốc, khóa họp thứ 54, mục Nghị sự số 174, về một đề nghị của 34 quốc gia rằng đại lễ Vesak Tam Hợp, vốn rơi vào ngày trăng tròn của tháng Năm, thì sẽ được thế giới công nhận và kỷ niệm tại các Trụ sở chính và Trụ sở vùng của Liên Hiệp quốc kể từ năm 2000 trở đi, rằng Ngày Liên Hiệp quốc Vesak Tam Hợp đó sẽ được đồng kỷ niệm bởi tất cả các truyền thống tông phái Phật giáo;

Ngoài ra, để củng cố sự cảm thông và hợp tác giữa các truyền thống Phật giáo khác nhau, giữa các tổ chức hoặc cá nhân Phật giáo khác nhau thông qua những đối thoại liên tục giữa giới lãnh đạo và học giả Phật giáo, chúng tôi đã quyết định sẽ phổ biến thông điệp hòa bình sau đây căn cứ trên lời dạy của Đức Phật về Trí tuệ và Từ bi.

Sau khi đã thăm dò những vấn đề liên quan đến Phật giáo và Thế giới, Hội nghị đã đồng ý những điều sau đây: 

1. Gia tăng và nâng cao sự hợp tác giữa các trường phái Phật giáo để đẩy mạnh sự thống nhất và tình đoàn kết giữa các Phật tử.

2. Đẩy mạnh các hành động dấn thân xã hội để tạo dựng các Pháp hội bằng cách nhấn mạnh vai trò quan trọng của sự triển khai an bình nội tâm, và ứng phó với những động cơ đã thúc đẩy thân khẩu ý gây ra các mối bất hòa. 

3. Thiết lập thêm nhiều trung tâm thiền định trên toàn thế giới và vì vậy phải gầy dựng thêm nhiều thiền sư.

4. Xúc tiến việc sáng tác những tác phẩm giáo dục dể dùng cho các em thiếu nhi, thanh thiếu niên và người lớn thông qua sự thiết lập một thư viện điện tử như là một tàng thư Phật giáo trung ương. Tàng thư nầy sẽ là kết quả hợp tác giữa Hệ thống trang nhà Buddha Dhama Education & BuddhaNet và Đại học Malachulalongkornrajavidyalaya.

5. Biên soạn và phát hành một tác phẩm có tính phổ biến quần chúng về Phật giáo để phát miễn phí tại các khách sạn trên toàn thế giới trong nỗ lực hoằng dương Phật pháp. Để thực hiện điều nầy, một Tiểu ban sẽ được hình thành trong khuôn khổ của Liên Ủy ban Tổ chức Quốc tế (JIOC).

6. Thành lập một cơ quan quốc tế để chịu trách nhiệm về quan hệ quân chúng cho Phật giáo. 
7. Thúc đẩy các phe phái, tổ chức Liên Hiệp quốc, tổ chức UNESCO và các chính phủ liên hệ hãy bảo tồn gia tài văn hóa vật thể và phi vật thể của Phật tử.

8. Đề xướng những hành trì chuyển hóa nội tâm, được biểu hiện bằng đức tính tự chế, tự nguyện, giãn đơn và tiêu thụ khôn ngoan cũng như những nỗ lực đóng góp vào phong trào dấn thân xã hội và kết hợp trong việc triển khai những khuôn mẫu kinh tế mới.   

4. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2007

Được công bố trong Hội nghị Phật giáo thế giới lần IV nhân đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc, từ ngày 26-29/5/2007 tại Buddhamonthon, Nakhon Pathom và Trung tâm Hội thảo Liên Hiệp quốc Bangkok.

Chúng tôi là những tham dự viên từ 61 quốc gia và các khu vực của Hội nghị Phật giáo quốc tế nhân ngày Phật đản Liên Hiệp quốc tại Buddhamonthon, Nakhon Pathon và Trung tâm Hội thảo Liên Hiệp quốc, Bangkok, Thái Lan, từ ngày 26 đến 30-5-2007 (PL. 2551), chân thành tỏ lòng biết ơn sự bảo trợ của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già tối cao Thái Lan, khi toàn thể Vương quốc Thái Lan hân hoan tổ chức lễ kỷ niệm 80 năm ngày sinh của đức vua Bhumibol Adulyadej, đã đi đến thống nhất như sau: 

Thực hiện nghị quyết được chấp thuận vào ngày 15-12-1999 tại Đại hội Liên Hiệp quốc, phiên họp số 54, mục nghị sự 174, bản kiến nghị tập thể đại diện cho 34 quốc gia đã nhất trí ngày lễ Vesak (nhằm ngày Rằm tháng 4 âm lịch, tương đương với tháng 5 dương lịch) được thừa nhận trên toàn thế giới và đã tiến hành tưởng niệm tại Trụ sở Liên Hiệp quốc và các văn phòng khu vực của Liên Hiệp quốc từ năm 2000 trở đi, ngày Vesak Liên Hiệp quốc cần được các truyền thống Phật giáo đồng tổ chức. 

Hơn nữa, để củng cố sự hiểu biết và tinh thần hợp tác giữa tất cả truyền thống, tổ chức, các cá nhân thông qua việc đối thoại giữa chư vị lãnh đạo và học giả Phật giáo, quyết định truyền bá thông điệp hòa bình dựa trên giáo lý Từ bi - Trí tuệ của đức Phật, nhằm khám phá những vấn đề liên quan đến Phật giáo và thế giới, Hội nghị đã thỏa thuận các điều lệ sau: 

1. Đẩy mạnh tinh thần đoàn kết giữa các truyền thống Phật giáo để phát huy tinh thần hòa hợp và đoàn kết vững mạnh của những người con Phật. 

2. Thừa nhận tính khoan dung và vai trò chủ chốt của Vương quốc Thái Lan về việc tổ chức Lễ Phật đản Liên Hiệp quốc trong 4 năm qua, đồng thời đồng thuận và ủng hộ Việt Nam đăng cai tổ chức Đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc năm 2008. 

3. Tái khẳng định rằng Đại học Thái Lan  Mahachulalongkornrajavidyalaya là văn phòng thường trực của Ủy ban Thư ký quốc tế thuộc Ban Tổ chức quốc tế về Ngày lễ Phật đản Liên Hiệp quốc. 

4. Phát huy những nguyên lý Phật giáo nhập thế về những hoạt động xã hội, kêu gọi giới lãnh tụ Phật giáo đóng vai trò lãnh đạo về vấn đề đạo đức và luân lý, đặc biệt về công bằng xã hội, tôn trọng các cơ hội bình đẳng, quản lý tốt và minh bạch, sáng suốt. 

5. Ghi nhận các tán dương và khích lệ của các quốc gia và các khu vực đặc biệt là thế giới Phật giáo và Chương trình phát triển Liên Hiệp quốc đối với đức vua Thái Lan về việc quản lý tốt và phát triển vương quốc trong suốt 61 năm trị vì. 

6. Ủng hộ Diễn đàn Phật giáo Thế giới lần thứ II dự kiến được tổ chức tại Trung Quốc vào năm 2008. 

7. Tiếp tục thực hiện hoàn tất dự án Thư viện Phật học điện tử, đã được triển khai từ năm 2006 với sự hợp tác giữa Chương trình Giáo dục Phật pháp và trang nhà BuddhaNet và đại học Mahachulalongkorn, đồng thời ghi nhận sự ủng hộ và quan tâm của các trường đại học và học viện Phật giáo tại Hội nghị này. 

8. Tiếp tục dự án biên soạn và xuất bản quyển Thánh điển Phật giáo nhằm ấn tống và phổ biến rộng rãi trong các khách sạn khắp nơi trên thế giới.

9. Kêu gọi các đảng phái, Liên Hiệp quốc, UNESCO, các chính phủ và những cơ quan có liên quan để bảo vệ các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể của Phật giáo và khuyến khích Phật tử viếng thăm các thánh địa Phật giáo như một phần tái khám phá đời sống tâm linh chính họ. 

10. Ghi nhận tại Hội nghị này sự thành lập mang tính lịch sử và ủng hộ chức năng cũng như sự lớn mạnh vê mọi phương diện có thể của Hiệp hội các Trường Đại học Phật giáo thế giới, bao gồm hơn 80 trường viện Phật học thuộc 22 quốc gia và các khu vực. 

11. Tổ chức hội thảo khoa học lần thứ II của Hiệp hội các trường đại học Phật giáo thế giới do đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya bảo trợ vào năm 2008 tại Bangkok, đồng thời bài tỏ thái độ hoan hỷ đối với sự phát tâm của trường Phật giáo này trong việc bảo trợ ngân sách, ít nhất là một năm, cho Ủy ban thư ký quốc tế của Hiệp hội các Trường đại học Phật giáo, và 

12. Nhấn mạnh ở nhiều cấp độ những giá trị khoa học và tác dụng của thiền học Phật giáo trong sự phát triển của nhân loại, và khuyến khích áp dụng các phương tiện truyền thống và công nghệ hiện đại trong việc hoằng pháp, cũng như nêu cao ý thức về việc sử dụng các hình tượng đức Phật đúng mục đích.

5. TUYÊN NGÔN HÀ NỘI 2008

Giáo sư Lê Mạnh Thát - Chủ tịch IOC
đọc Tuyên bố Hà Nội
Được công bố trong Hội nghị Phật giáo thế giới lần V nhân đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc, từ ngày 13-17/5/2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội.

Chúng tôi, đại biểu của 74 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Hội thảo Phật giáo quốc tế nhân ngày Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội, Việt Nam từ ngày 13 đến 17 tháng 05 năm 2008 (PL.2552) chân thành tri ân Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã bảo trợ cho Đại lễ và Hội thảo với chủ đề “Đóng góp của Phật giáo về một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, đồng thời nhất trí thông qua nội dung tuyên bố này như sau:

1/ Thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực cho một thế giới hòa bình bền vững, bằng cách đề cao đối thoại, tôn trọng, tin tưởng lẫn nhau trong việc bảo hộ phẩm giá con người tại các quốc gia và các tôn giáo khác nhau, dưới ánh sáng từ bi và trí tuệ của Phật giáo.

2/ Thúc đẩy giải trừ quân bị, ngăn ngừa chiến tranh xung đột mà đặc biệt là cấm thử vũ khí hạt nhân, cấm chế tạo các loại vũ khí hóa học và sinh học cũng như ngăn chặn sự ô nhiễm đại dương và nước ngọt trên đất liền.

3/ Tăng cường sự phát triển kinh tế, xã hội, môi trường và tâm linh trên khắp thế giới nhằm giúp mọi người được hưởng chất lượng sống cao hơn.

4/ Ủng hộ công bằng xã hội, dân chủ và quản trị tốt trong mọi thành phần của xã hội nhằm mang lại hòa bình và an ninh trong và giữa các quốc gia.

5/ Thừa nhận rằng sự phát triển kinh tế và xã hội không thể được đảm bảo một cách bền vững khi thiếu vắng hòa bình và sự tôn trọng các quyền con người và tự do căn bản.

6/ Đóng góp vào các giải pháp hành chính và pháp luật nhằm bảo vệ và cải thiện môi trường ở cấp quốc gia và quốc tế, đồng thời cam kết đời sống lành mạnh và thịnh vượng trong sự hòa hợp với môi trường.

7/ Khẳng định rằng sự thay đổi khí hậu và các hình thức phá hoại môi sinh khác gây thiệt hại đến phúc lợi con người, do đó, cần thực hiện cấp bách những biện pháp để giảm thiểu sự thay đổi khí hậu.

8/ Nhấn mạnh việc theo đuổi các biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn việc lạm dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, khuynh hướng xã hội hiện đại vốn gây nên sự mất cân bằng sinh thái, đang làm gia tăng mối đe dọa về sự thay đổi khí hậu và thậm chí tận diệt đời sống trên hành tinh này.

9/ Nhận diện và đáp ứng nhu cầu đạo đức, tâm linh của từng cá nhân, gia đình và các cộng đồng.

10/ Xác định nhu cầu về các giải pháp đối với các vấn nạn xã hội toàn cầu, đặc biệt là sự đói nghèo, thất nghiệp và bất công xã hội.

11/ Thừa nhận nhu cầu thường xuyên về hiện đại hóa chương trình giáo dục Phật pháp và thế học cho giới xuất gia và tại gia, giúp họ giải quyết được những thách đố từ các vấn nạn và khủng hoảng địa phương cũng như toàn cầu.

12/ Cung ứng giáo dục căn bản và cải thiện chất lượng giáo dục, đặc biệt đối với nữ giới và các thành phần cơ nhỡ, bất hạnh để loại bỏ mọi cản trở đối với sự tham gia năng động của họ trong đời sống xã hội.

13/ Thắt chặt các quan hệ gia đình bằng cách áp dụng các nguyên lý Phật giáo về sự hòa thuận, hiểu biết và lòng từ bi để tạo nên hạnh phúc cá nhân và hôn nhân bền vững.

14/ Nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp hướng dẫn sử dụng công nghệ này một cách khôn ngoan nhằm phục vụ  các lợi ích xã hội.

15/ Cung cấp các nguồn tài liệu trên internet hầu giúp mọi người dễ dàng sử dụng rộng rãi phương tiện hiện đại này, thu hẹp sự cách biệt giữa người trong các khu vực đã phát triển và những người trong các khu vực kém phát triển với nguồn lực hạn chế.

16/ Ủng hộ các hoạt động Phật giáo quốc tế bao gồm Hội nghị Thượng đỉnh Phật giáo thế giới lần thứ năm tại Nhật Bản vào tháng 11 năm 2008, Hội nghị của Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo thế giới, Bangkok, Thái Lan, tháng 9 năm 2008, các hoạt động của Hội Liên hữu Phật tử thế giới (WFB), Tổ chức Hành trình nội tại quốc tế Reiyukai (ITRI) và Diễn đàn Phật giáo thế giới lần thứ hai tại Trung Quốc tháng 11 năm 2008.

Toàn cảnh Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc, Vesak 2008 tại Hà Nội
6. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2009 

Quang cảnh Đại lễ Vesak 2009 tại Trung tâm Hội nghị LHQ Bangkok, Thái Lan
Chúng tôi là những tham dự viên từ 71 quốc gia và các khu vực của Hội nghị Phật giáo quốc tế nhân ngày Vesak LHQ tại Buddhamonthon, Nakhon Pathom, tại khu vực chính của Trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya tại Wang Noi, Ayutthaya và tại Trung tâm Hội nghị LHQ, Bangkok, Thái Lan, từ ngày 4-6/5/2009 (PL. 2552), chân thành tỏ lòng biết ơn sự bảo trợ của Chính phủ Hoàng gia Thái Lan và Hội đồng Tăng già tối cao Thái Lan, đã đi đến thống nhất như sau:

Thực hiện nghị quyết được chấp thuận vào ngày 15/12/1999 tại Đại Hội đồng LHQ, phiên họp số 54, mục nghị sự 174, bản kiến nghị tập thể đại diện cho 34 quốc gia đã nhất trí ngày Vesak (nhằm ngày Rằm tháng 4 âm lịch, tương đương với tháng 5 dương lịch) được thừa nhận trên toàn thế giới và đã tiến hành làm lễ tại Trụ sở LHQ và các văn phòng khu vực của LHQ từ năm 2000 trở đi, ngày Vesak LHQ cần được các truyền thống Phật giáo đồng tổ chức.

Thừa nhận rằng sự bảo trợ và vai trò trọng yếu của Vương quốc Thái Lan trong việc đăng cai tổ chức lễ Vesak LHQ từ năm 2004 (PL.2547) và sự thành công của lễ Vesak LHQ tại Hà Nội 2008 (PL.2551).

Hơn nữa, để củng cố sự hiểu biết và tinh thần hợp tác giữa tất cả các truyền thống, tổ chức, các cá nhân và các truyền thống tâm linh khác và xã hội dân sự thông qua việc đối thoại giữa chư vị lãnh đạo và học giả Phật giáo, quyết định truyền bá thông điệp hòa bình dựa trên giáo lý từ bi và trí tuệ của Đức Phật, nhằm khám phá những vấn đề liên quan đến Phật giáo và những khủng hoảng toàn cầu. Hội nghị đã thỏa thuận các điều khoản sau:

1. Thừa nhận sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu chưa từng có trên mọi quốc gia, và chúng ta cũng nên ý thức về mối liên hệ mật thiết giữa kinh tế, chính trị và môi sinh, khoảng không giữa khủng hoảng xã hội và tâm linh để gia tăng sự nỗ lực của chúng ta, nhằm thúc đẩy những giá trị tâm linh, từ đó khôi phục những khủng hoảng toàn cầu ngày nay.

2. Khuyến khích sự minh bạch và mối quan tâm đến hệ thống tài chính và kinh tế như một trách nhiệm xã hội khẩn thiết, giá trị đó bao gồm sự liêm chính, siêng năng, bất hại và chia sẻ để nhằm đạt được sự bền vững về kinh tế và xã hội cũng như sự phát triển lâu dài.

3. Khuyến khích việc quản lý tốt và duy trì sự công minh xã hội và đạo đức trong việc giải quyết tranh chấp cũng như trong việc phát triển an bình và hoà hợp trong xã hội.

4. Ý thức những hậu quả của ứng xử của chúng ta trong thế giới tương quan này và hãy ý thức về nhu cầu bảo vệ hành tinh trái đất của chúng ta, để thúc đẩy một cách tích cực về sự hiểu biết về nhân quả của Phật giáo.

5. Thúc đẩy sự hiểu biết tốt hơn về các nguyên lý Phật giáo trong các cộng đồng rộng lớn hơn bằng cách biên tập một bộ kinh Phật giáo chung nhất, mà bộ kinh đó phản ánh sự phong phú của các truyền thống Phật giáo: Nguyên thuỷ, Đại thừa và Kim Cang thừa cũng như những nhu cầu của xã hội ngày nay.

6. Phát triển Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo thế giới (IABU), dựa trên nền tảng của các hội viên chưa từng có trước đây, nhằm sử dụng triệt để các sáng kiến để đẩy mạnh sự cộng tác học đường, trao đổi đội ngũ giảng dạy và sinh viên, và gây quỹ chung.

7. Bày tỏ sự kính quý về công việc tiên phong của nhóm Nguồn Tài nguyên Điện tử (Electronic Resources Group) dựa theo bản báo trình Hội thảo tại Đại lễ Vesak LHQ tại Hà Nội về các Dự án kỹ thuật số chính yếu của Phật học; dẫn đến nối kết được các chuyên gia hàng đầu của 23 trường (Cao đẳng và Đại học) trong 16 nước thành một hiệp hội với sự hỗ trợ rộng rãi để chia sẻ nguồn dữ liệu, và lên kế hoạch chung nhằm phát triển một cuốn danh bạ chung đầu tiên về các kinh điển, tác phẩm Phật giáo. Tất cả điều đó sẽ mang đến một nguồn thư khố điện tử mà đã có trong các ngôn ngữ kinh điển (như Pali, Sanskrit, Trung Quốc, Tây Tạng và Mông Cổ) để tất cả mọi người có thể vào tham khảo ngang qua một cổng duy nhất.

8. Đăng ký chính thức về danh xưng “Hội đồng Tổ chức Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc” (ICUNDV) mà trước đây được biết với danh xưng Uỷ ban Tổ chức Quốc tế (IOC).

9. Địa điểm tổ chức Đại lễ Vesak LHQ 2010, PL. 2553 sẽ là Trung tâm Hội nghị LHQ Thái Bình Dượng tại Bangkok và được Thái Lan và Nhật Bản đồng đứng ra tổ chức.

7. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2010

Được công bố trong Hội nghị Phật giáo thế giới lần VII nhân đại lễ Phật đản Liên Hiệp quốc, từ ngày 23-25/5/2010 tại Buddhamonthon, Nakhon Pathom và Trung tâm Hội thảo Liên Hiệp quốc Bangkok.

Hội nghị Phật giáo quốc tế lần thứ VII trong dịp lễ Vesak của Liên hiệp quốc, từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 5 năm 2010 (Phật lịch 2553) diễn ra tại khu vực chính của Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Wang Noi, Ayutthaya, Trung tâm Hội nghị Liên hiệp quốc tại thủ đô Bangkok, và ở Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan.

AMC (2).JPG
Chư tôn đức lãnh đạo Phật giáo các nước dự phiên bế mạc
Đại lễ Phật đản Liên hiệp quốc Vesak 2010

Với sự xem xét kỹ lưỡng bản nghị quyết đã được Đại hội đồng Liên Hiệp quốc phê chuẩn, tại mục 54, điều khoản thứ 174, các đại biểu của 34 quốc gia đã có nhất trí quyết định rằng, lễ Vesak vào ngày trăng tròn tháng 5 sẽ được quốc tế thừa nhận và cử hành tại những trụ sở của Liên hiệp quốc và những văn phòng khu vực của Liên Hiệp quốc từ năm 2000 trở đi, tất cả các truyền thống của Phật giáo đều tổ chức ngày lễ Vesak của Liên hiệp quốc.

Hơn nữa, lễ Vesak là cơ hội thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác cùng nhau giữa các cá nhân, đoàn thể, các truyền thống tâm linh, các truyền thống của Phật giáo và giữa mọi người trong xã hội thông qua sự đối thoại.

Liên hiệp quốc cũng đã quyết định truyền bá thông điệp hòa bình dựa trên những lời dạy về từ bi và trí tuệ của đức Phật, và nghiên cứu những lời dạy của đức Phật về bảo vệ và duy trì sự hồi phục toàn thế giới.

Chúng tôi đến từ 83 quốc gia và khu vực khác nhau, tham dự Hội nghị Phật giáo quốc tế trong dịp lễ Vesak của Liên hiệp quốc diễn ra tại khu vực chính của Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Wang Noi, Ayutthaya, Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp quốc tại thủ đô Bangkok, và ở Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom từ ngày 23 đến ngày 25 tháng 5 năm 2010 (Phật lịch 2553), bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya của Thái Lan và tổ chức The Inner Trip Reiyukai International (ITRI) của Nhật Bản, đã đăng cai tổ chức Hội nghị. Hội nghị đã được sự ủng hộ của chính phủ Hoàng gia Thái Lan dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Tăng già tối cao của Thái Lan. Chúng tôi đã nhất trí thực hiện những điều sau đây:

1. Nhắc lại một lần nữa sự tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính do con người tạo ra đối với mọi cộng đồng và mọi quốc gia và chỉ cho mọi người thấy quá trình mà những trạng thái tâm lý của con người đã ảnh hưởng đến hành động và rồi lại tác động đến môi trường sống của chúng ta; khẳng định lại những nỗ lực nhắm đến việc giảm dần sự suy thoái đạo đức bằng cách nhấn mạnh đến quy luật tự nhiên về sự tồn tại trong nhau, phụ thuộc lẫn nhau của tất cả mọi loài, góp phần duy trì sự hồi phục mong manh trên toàn thế giới.

2. Khuyến khích cộng đồng thế giới thực hiện nền giáo dục nhân văn một mặt nhằm nâng cao nhân phẩm, sự an ninh, bền vững về kinh tế, xã hội và cũng để hạn chế đến mức thấp nhất những khó khăn do chính con người tạo ra, xem như đây là một phần trong sự đóng góp của Phật giáo cho sự khôi phục toàn cầu. Kêu gọi những nhà lãnh đạo chính trị và tôn giáo trên thế giới đẩy mạnh hơn nữa sự đối thoại nhằm tránh sự ngờ vực và bạo lực giữa các nền văn hóa khác nhau.

3. Nhận thấy rằng mọi sự khủng hoảng lớn đều bắt đầu từ một sự khủng hoảng nhỏ, sự leo thang của các cuộc khủng hoảng đó là không thể nào tránh khỏi nếu chúng ta không hiểu những sự kiện theo dây chuyền nhân quả đã tạo ra nó, cho nên, để xây dựng nền hòa bình nhân loại thì những chiến lược của chúng ta phải dựa trên tinh thần Trung đạo để ngăn ngừa, giải quyết và hàn gắn những đổ vỡ thông qua sự giao tiếp đầy bao dung và hòa hợp, cùng nhau tham gia và hỗ trợ lẫn nhau để cùng sống trong hài hòa.

4. Nâng cao sức khỏe tinh thần, đời sống tâm linh và niềm hạnh phúc của nhân loại thông qua các chuẩn mực đạo đức, thiền quán, tự đáng giá, tự ý thức và cách nhìn nhận đúng đắn, đồng thời nhấn mạnh đến sự nguy hiểm cho xã hội khi tâm con người đầy vị kỷ, đến những lợi ích khi con người biết phụng sự cho cộng đồng xã hội.

5. Vận dụng tinh thần nhập thế của đạo Phật vào những lĩnh vực khác nhau, xem như đấy là công cụ góp phần giảm bớt những tác động của sự khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với cá nhân mỗi người cũng như đối với cộng đồng xã hội.

6. Nâng cao ý thức về sự liên quan chặt chẽ giữa Phật giáo, sinh thái và thái độ của con người đối với tự nhiên. Và xác nhận hệ thống sinh thái Phật giáo toàn cầu.

7. Xác nhận việc sáng lập Công viên Phật giáo thế giới của quỹ Công viên Phật giáo thế giới tại tỉnh Prachin Buri, Thái Lan, xem đấy như là sự phát triển thêm của Trung tâm Phật giáo thế giới, đã được chứng nhận vào năm 2005/2548 tại Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan.

8. Tiếp tục nâng cao sự hiểu biết đúng đắn hơn về các nguyên tắc của Phật giáo trong công chúng bằng cách biên soạn và phát hành một cách rộng rãi những kinh sách Phật giáo, những kinh sách phản ánh kho tàng giáo pháp dồi dào của hệ phái Nam truyền, Bắc truyền và Mật tông Phật giáo, và cũng là để phản ánh những nhu cầu của xã hội hiện tại.

9. Tiếp tục ủng hộ Dự án điện tử về sự hợp nhất các danh mục của kinh sách Phật giáo, một dự án đang được thực hiện bởi các học giả hàng đầu đến từ 23 trường Đại học và Viện khoa học của 16 quốc gia, thông qua việc đăng cai tổ chức Hội thảo tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya vào tháng 9 năm 2010.

10. Tổ chức Hội nghi lần thứ II của Hiệp hội các trường Đại học Phật giáo trên thế giới vào tháng 12 năm 2011 (2554) với chủ đề Triết học Phật giáo và Tập quán tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya.

11. Tổ chức ngày lễ Vesak của Liên hiệp quốc năm 2011 (2554) tại khu vực chính của Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, Wang Noi, Ayutthaya, Trung tâm Hội nghị Liên hiệp quốc tại thủ đô Bangkok và ở Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom. Và chúc mừng lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 84 của Đức vua Bhumibol Adulyadej vào ngày 05 tháng 12 năm 2010.

8. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2011



Được công bố tại Hội nghị Quốc tế lần thứ VIII nhân Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc tổ chức tại Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya ở Wang Noi, Ayuttaya; Trung tâm Hội nghị Liên Hiệp Quốc, Bangkok và Buddhamonthon, tỉnh Nakhon Pathom, Thái Lan từ ngày 12 – 15/5/2011 (Phật lịch 2554)

Vào ngày 15/12/1999, các vị đại biểu từ 34 quốc gia đã kiến nghị lên Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng, ngày trăng tròn tháng 5 nên được công nhận và tổ chức tại trụ sở của Liên Hiệp Quốc và các văn phòng Liên Hiệp Quốc ở các khu vực như là Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc. Sau đó Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã chính thức ra quyết định trong chương trình nghị sự số 174, mục 54. Theo quyết định này thì Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc chính thức được thành lập vào năm 2000, với sự tán thành của Phật giáo đồ thuộc tất cả các truyền thống Phật giáo. Theo tinh thần của bản nghị quyết ấy, chúng tôi, đại biểu từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ đã tập trung lại từ ngày 12 đến 14/5/2011 (Phật lịch 2554) cùng tổ chức Ngày Vesak Liên Hiệp Quốc, trong khuôn khổ hội thảo được Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya (MCU), Thái Lan đăng cai tổ chức với sự hỗ trợ nhiệt tâm của Chính phủ Hoàng gia, dưới sự chỉ đạo của Giáo hội Tăng già tối cao Thái Lan.

Trong những buổi hội thảo tại khuôn viên chính của trường MCU, ở Wang Noi, Ayutthaya, ở  UNESCAP, Bangkok và tại Buddhamonthon ở tỉnh Nakhon Pathom, chúng tôi đã tìm hiểu về chủ đề “Những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo đối với sự phát triển kinh tế, xã hội”, điều đó đã làm tăng thêm sự hiểu biết lẫn nhau và củng cố sự hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân từ tất cả các truyền thống Phật giáo. Trong phần cuối của cuộc hội thảo, chúng tôi đồng lòng quyết định như sau:

1. Để kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, khai sáng một tôn giáo trên thế giới, một tôn giáo phụng sự cho nhân loại: chúng tôi quyết định tạo điều kiện thuận lợi và đẩy mạnh các hoạt động tôn giáo, văn hóa và học thuật trong suốt năm, ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế.

2. Với niềm vinh hạnh về lễ khánh tuế mừng Đức vua Bhumibol Adulyadej của Thái Lan tròn 84 tuổi: chúng tôi nâng cao ý thức về sự lãnh đạo mẫu mực và tầm nhìn sâu rộng của Đức vua, trong đó tình thương yêu dành cho mọi người có thể được xem như là một bằng chứng, trong hơn 4.000 dự án phát triển của Hoàng gia, và chúng tôi khuyên khích tất cả mọi người học theo tấm gương của Đức vua.

3. Thêm vào đó, trong sự tưởng nhớ đến ngày khánh tuế lần thứ 84 của Đức vua: chúng tôi hỗ trợ cho việc tổ chức cuộc hội thảo lần thứ II của “Hiệp hội Quốc tế của các trường đại học Phật giáo” (IABU) vào tháng 12/2011.

4. Để khuyến khích việc áp dụng thông điệp của Đức Phật về kinh tế, chính trị, xã hội và sự lãnh đạo của tôn giáo vào trong đời sống tự viện cũng như trong đời sống thế tục, và để giáo dục về vai trò của tập thể lãnh đạo trong những chiến lược kinh tế của Phật giáo nhằm đem lại sự thành công, chẳng hạn như “Triết lý kinh tế đầy đủ” của Đức vua Bhumibol, Thái Lan: chúng tôi kêu gọi giới kinh doanh dành sự ưu tiên hàng đầu cho việc sản xuất những vật dụng, những dịch vụ thiết yếu hơn là những vật dung tiêu thụ không cần thiết.

5. Nhận thức rõ về sự liên hệ mật thiết lẫn nhau trong hành tinh này, ở đó những rắc rối về kinh tế, xã hội của một quốc gia không còn giới hạn trong phạm vi biên giới của quốc gia đó mà có thể ảnh hưởng đến nhiều quốc gia khác: chúng tôi đẩy mạnh nếp sống tâm linh trên toàn cầu, một nếp sống tâm linh mà nó có thể dẫn dắt nhân loại trong giai đoạn quan trọng này, bằng cách trau dồi những chuẩn mực đạo đức của Phật giáo, thực tập những phương pháp thiền định nhằm khai mở trí tuệ của đạo Phật ngay trong đời sống hằng ngày.

6. Hiểu rõ về nhu cầu cấp thiết đối với nhân loại trong việc giữ gìn cho môi trường tự nhiên, môi trường kinh tế và xã hội được bền vững: chúng tôi tái xác nhận nhu cầu cấp thiết về một sự cân bằng dựa trên Trung đạo, một bên là sự cân bằng giữa sự tiến bộ vật chất, công nghệ và khoa học, còn bên kia là sự tiến bộ tâm linh, đạo đức và văn hóa.

7. Với việc thấy rõ tầm quan trọng của những vấn đề chính trị, tôn giáo, kinh tế, gia đình, xã hội mà nhân loại và hành tinh đang phải đối đầu, và với sự tin tưởng vào những khả năng của con người trong việc giải quyết những khó khăn ấy: chúng tôi tái xác nhận những giá trị về lòng bi mẫn, sự tử tế, tình thương yêu, sự độ lượng, bao dung, sự tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, đấy là những giá trị tạo điều kiện thuận lợi để mọi người nói với nhau bằng những lời nói có chánh niệm, góp phần nuôi lớn sự hòa hợp và từ đó xây dựng sự hòa hợp, hòa bình trong cộng đồng xã hội.

8. Lưu tâm đến những khía cạnh của một xã hội hòa hợp và thấy rõ sự cần thiết trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên quý giá từ những lời Phật dạy về sức khỏe tinh thần, về quan điểm biến đổi tâm lý cũng như về xã hội học để phát triển xã hội: chúng tôi hứa là sẽ thúc đẩy sự thân thiết, một nét văn hóa mà ở đó có hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, dựa trên sự hiểu biết về tính phụ thuộc lẫn nhau, sự kết hợp chặt chẽ những giá trị đạo đức của Phật giáo với sự sản xuất và tiêu thụ.

9. Để bày tỏ sự cảm thông sâu sắc của chúng tôi đối với những nạn nhân của những thảm họa thiên nhiên gần đây, như là trận động đất, sóng thần ở Nhật Bản, động đất ở New Zealand và các trận lụt lớn, lốc xoáy ở nhiều nơi trên thế giới, cùng với sự ý thức rõ về sự môi trường sống sẻ chia trong hành tinh này đang bị tổn hại không lường trước được và nền văn minh của nhân loại đang gặp nguy hiểm: chúng tôi kêu gọi cộng đồng Phật giáo trên khắp thế giới nỗ lực hết sức mình để giúp nhân loại ý thức về sự ô nhiễm môi trường, về mưa a-xít, và những nguy hại khác về môi trường sống, và để chuyển đổi việc gây nguy hại cho sự sống trên trái đất, chúng tôi hứa là sẽ làm việc với các chính phủ, các tổ chức phi chính phủ và các tổ chức truyền thông đại chúng để phát triển những chương trình giáo dục về bảo vệ môi trường.

10. Nhằm thúc đẩy cộng đồng quốc tế và chính phủ các quốc gia trong việc đẩy lùi nạn đói nghèo và sự thiếu cân bằng kinh tế, nâng cao tình đoàn kết nhân loại và chia sẻ những giá trị nhân văn cơ bản đã được Đức Phật chỉ dạy: chúng tôi nhắm đến việc hình thành một thế giới tỉnh thức, ở đó tất cả mọi người được hưởng những quyền cơ bản nhất của con người và tận hưởng cuộc sống, vui hưởng niềm hạnh phúc.

11. Để kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo, chúng tôi nỗ lực để hoàn thành, xuất bản và phát hành miễn phí, rộng khắp một phần nội dung trong chương trình “Những kinh điển Phật giáo phổ biến” (CBT) thuộc truyền thống Nguyên thủy, Đại thừa cũng như Kim cang thừa, nhằm phát triển sự am hiểu về những nguyên tắc, những pháp môn  trong đạo Phật, đồng thời cố gắng hoàn thành việc liên kết hơn 30 nguồn tài nguyên điện tử về tất cả những bản kinh chính của Phật giáo thành một danh mục tổng hợp về những kinh điển Phật giáo điện tử trực tuyến, cho phép người dùng nhận diện được tất cả những bản dịch có sẵn.

12. Bên cạnh đó, để kỷ niệm 2.600 năm ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo và thừa nhận những vai trò tích cực và quan trọng mà họ đã thể hiện: Chúng tôi kêu gọi các chính phủ có liên quan cũng như UNESCO cố gắng hơn nữa trong việc khai quật những khu thánh tích của Phật giáo, bảo tồn những khu thánh tích đã được khai quật, có những sự bảo vệ thích đáng và nâng cao hơn nữa những dịch vụ hỗ trợ tại các khu vực hành hương.

13. Nhằm bảo vệ tính nguyên vẹn của môi trường tự nhiên và văn hóa tại hai khu di sản văn hóa thế giới: Lâm-tỳ-ni, nơi đản sinh của Đức Phật và Bồ đề Đạo tràng, nơi Đức Phật thành đạo, chúng tôi nhấn mạnh đến những mối quan tâm hệ trọng của cộng đồng Phật giáo trên thế giới và cầu mong các nhà chức trách quan tâm nhiều hơn nữa đến việc ngăn chặn những ảnh hưởng nguy hại về sau của sự ô nhiễm không khí xung quanh các khu thánh tích thiêng liêng ấy cho tương lai của nhân loại.


Đoàn đại biểu PG Việt Nam tham dự Vesak lần thứ VIII - 2011
9. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2012 (Dữ liệu đang cập nhật...)


Quang cảnh hội trường ngày khai mạc Đại lễ Vesak 2012

Bản "Tuyên bố Bangkok" này đã được các vị Trưởng các phái đoàn Phật giáo các nước đồng ký nhận. Trong bản "Tuyên bố Bangkok" có viết: Vào ngày 15 tháng 12 năm 1999, đại điện từ 34 nước trên thế giới đã đề nghị lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đề nghị lấy ngày trăng tròn của tháng Năm là ngày Vesak của Liên Hợp Quốc, được tổ chức kỷ niệm tại các Trụ sở Liên Hợp Quốc... Nhân đó, chúng tôi, đại biểu từ 85 nước và vùng lãnh thổ cùng nhau đến đây vào ngày 31 tháng 5 đến ngày 2 tháng 6 năm 2012 (Phật lịch: 2555) để tổ chức Buddhajayanti lần thứ 2600 năm ngày đức Phật Thành đạo, 80 năm ngày sinh của Hoàng hậu và 60 năm ngày sinh của Thái tử Vajiralongkorn...Và đã thông qua 08 điều trong "Tuyên bố Bangkok năm 2012".

10. TUYÊN NGÔN BANGKOK 2013 


Bản Tuyên bố Bangkok này được xây dựng nhân dịp Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc lần thứ 10, vào ngày 22-5-2013 (Phật lịch 2557).


Vào ngày 15-12-1999, các vị đại diện đến từ 34 quốc gia đã kiến nghị Đại hội đồng Liên hiệp quốc thừa nhận ngày trăng tròn tháng Năm là ngày Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc và tổ chức lễ kỷ niệm tại trụ sở Liên hiệp quốc cũng như tại các văn phòng ở các khu vực.

Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã đồng thuận (Ban hành Nghị quyết số 174, điều 54) và theo đó Ngày Vesak Liên hiệp quốc (United Nations Day of Vesak) đã được chính thức xác lập vào năm 2000 với sự tán trợ của tín đồ Phật giáo thuộc tất cả các truyền thống. Căn cứ vào Nghị quyết đó, chúng tôi, những người đại biểu đến từ 87 quốc gia và vùng lãnh thổ, đã quy tụ bên nhau vào ngày 21 và 22-5-2013 (Phật lịch 2557) để tổ chức lễ kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn của Đức Phật. Cũng như các năm trước đây, Đại lễ Vesak Liên hiệp quốc được tổ chức bởi trường Đại học Mahachulalongkornrajavidyalaya, và sự hỗ trợ ân cần của chính phủ Hoàng gia Thái Lan, đặt dưới sự chỉ đạo của Hội đồng Tăng già tối cao của Thái Lan.

Trong quá trình tổ chức đại lễ tại Trung tâm hội nghị của Ủy ban Kinh tế, Xã hội Liên hợp quốc ở khu vực châu Á Thái Bình Dương (UNESCAP) và tại Buddhamonthon ở tỉnh Nakhon Pathom, chúng tôi đã ngồi lại với nhau để cùng tìm hiểu về chủ đề “Giáo dục và trách nhiệm công dân toàn cầu theo quan điểm Phật giáo”, thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau và sự hợp tác giữa các tổ chức, cá nhân thuộc tất cả các truyền thống Phật giáo. Vào lúc kết thúc viên mãn đại lễ và các cuộc hội thảo, chúng tôi đã đồng thuận đưa ra nghị quyết như sau:

1. Tuyên dương ngài Somdet Phra Nyanasamvara, Tăng thống Phật giáo Thái Lan, vào dịp cát tường kỷ niệm sinh nhật lần thứ 100 của ngài, bởi những việc mà ngài đã làm để nâng tầm nhân loại, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục, tâm linh, và chăm sóc sức khỏe.

2. Làm việc không mệt mỏi cho sự nghiệp giáo dục phổ cập trong thế kỷ 21, đặc biệt nhấn mạnh đến sự kết hợp của trí tuệ và từ bi trong việc bảo vệ môi trường, nuôi dưỡng sức mạnh tổng hợp giữa các môn học trong nhà trường và các nguyên tắc rèn luyện, những chuẩn mực đạo đức trong sự hợp tác và ý thức cộng đồng đối với phương thức tiếp cận hiện tại để hoàn thiện các kỹ năng đáp ứng sự phát triển kinh tế – xã hội trong chương trình đào tạo và đề cương môn học ở tất cả các cấp học, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc là “đạt được phổ cập giáo dục tiểu học” và xa hơn nữa.

3. Khuyến khích các nhà lãnh đạo Phật giáo tăng cường hơn nữa sứ mệnh cao quý của các vị nhằm thúc đẩy giáo dục cũng như phát triển xã hội và hoạt động nhân đạo vì một thế giới hòa bình dài lâu.

4. Củng cố đường hướng bất bạo động của Phật giáo, vì phải đối mặt với nhiều thách thức để chung sống hòa bình, với một niềm tin mạnh mẽ hơn bao giờ hết, tái khẳng định sự quyết tâm của chúng ta trong việc duy trì sự hài hòa giữa văn hóa và tôn giáo, và sự khoan dung thông qua việc nâng cao phẩm giá con người.

5. Nhân cơ hội quy tụ trong Ngày lễ Vesak để khuyến khích những người Phật tử phải chủ động hơn trong việc thúc đẩy nền hòa bình, đây chính là trọng tâm trong những lời dạy của Đức Phật, và đặc biệt là để truyền bá trí tuệ của Đức Phật dựa trên sự nối kết với nhau của tất cả mọi người như một gia đình toàn cầu và chịu chung những hậu quả từ các hành động mà mọi người đã gây ra.

6. Kêu gọi tất cả các tổ chức chính phủ và phi chính phủ cùng phấn đấu hướng đến phát triển kinh tế – xã hội bền vững, nhấn mạnh đến sự cần thiết phải giữ cân bằng giữa sự phát triển xã hội và bảo vệ môi trường.

7. Nỗ lực hơn nữa để nâng cao ý thức về thông điệp tồn tại trong nhau của nhân loại thông qua việc khuyến khích các cá nhân và tổ chức phát triển quan điểm người công dân toàn cầu khi họ giải quyết các vấn đề quan trọng trong công việc với nhau.

8. Đẩy mạnh việc sử dụng đạo đức của chánh niệm theo phương thức thích ứng phổ quát trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục, quản lý, và phát triển cộng đồng.

9. Cố gắng hết sức để góp phần đạt được các mục tiêu của cộng đồng ASEAN vào năm 2015, kêu gọi sức mạnh đoàn kết trong sự đa dạng của cộng đồng Phật giáo đã được thúc đẩy bởi Hội đồng quốc tế về Ngày lễ Vesak Liên hiệp quốc.

Quảng Thời tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét