Đọc trên mạng thấy có bài viết này, giật mình vì tính thời sự cấp thiết của sự việc, nhất là sự việc có quan hệ với đạo pháp và dân tộc cho nên đưa lên đây để anh chị em ta cùng trăn trở ngõ hầu tìm hướng đi đúng trong thời điểm đầy khó khăn nội ma, ngoại chướng này. Dưới đây là nguyên văn bài viết của Minh Thạnh - Trọng Hoàng đăng trên trang nhà phattuvietnam.net
Chẳng bao lâu nữa, đám lửa bùng lên từ Mỹ Đình kia, hay từ bất cứ tư gia nào, sẽ lan hết khắp mọi miền đất nước, và lan cả đến xung quanh chùa Quán Sứ, hay mỗi ngôi chùa khác.
Mùa Noel năm nay, bên cạnh các hoạt động tưng bừng không khí ăn chơi, hội hè, mua bán thường thấy ngoài xã hội, chúng ta còn chứng kiến sự trỗi dậy của Tin lành, qua một loạt các sự kiện lễ hội mừng giáng sinh được tổ chức vào giờ chót khắp nơi trên đất nước, đặc biệt tại TP.Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Không khí buổi lễ tại Hà Nội được miêu tả như là Lửa đã cháy trên quảng trường Mỹ Đình Hà Nội, với 12.000 người tham dự, trong đó có 2.000 người cải đạo tại chỗ, được giới Tin Lành đánh giá là mùa gặt bội thu.
Một tôn giáo tổ chức lễ hội ngoài trời là điều bình thường, và là điều đáng chúc mừng, vì đó là nơi tín đồ thể hiện niềm tin, niềm vui, niềm tự hào về tôn giáo của mình. Điều đáng chú ý là hầu hết số người thắp lửa tại Mỹ Đình là thanh niên, kể cả mục sư.
Với một con số cải đạo chỉ trong một đêm truyền giảng như vậy, quả là lửa cải đạo đã bốc thành ngọn.
Ngọn lửa đó sẽ thiêu đốt những gì? Trong buổi đốt lửa có tính chất mở màn khúc quanh chiến dịch đó, họ đã xác định qua Tuyên ngôn thuộc linh: “Dân tộc Việt Nam chắc chắn thuộc về Đức Chúa Trời. Mọi xiềng xích tội lỗi và rủa sả của các thế hệ trước đã bị tuyên bố cắt đứt, hình ảnh con rồng, tức con rắn xưa là ma quỷ kể từ nay không còn được tiếp tục được ảnh hưởng trên dân tộc Việt Nam. Việt Nam thuộc về Đức Chúa Trời, từ nay dân tộc Việt Nam sẽ được phước. Hội Thánh Việt Nam sẽ bước vào một cơn phấn hưng chưa từng có và trong một tinh thần hiệp thông khắng khít với Đức Chúa Trời…”.
Người ta có nhiều cơ sở để tin rằng một ngày nào đó không quá xa (chừng 10 hay 20 năm), dân tộc Việt Nam sẽ thuộc về chúa trời, nếu nhìn vào cách cải đạo, truyền đạo đầy chủ động và bài bản của Tin lành, và sự thụ động, chủ quan, rời rạc trong hoạt động của Phật giáo.
Trong giai đoạn hiện nay, Tin lành du nhập vào Việt Nam chủ yếu từ sự hỗ trợ của giới tư bản Hoa Kỳ, Hàn quốc và một số nước Đông Nam Á như Singapore, Malaysia. Đây đều là những lực lượng có tiềm lực tài chính vững mạnh, nhiệt huyết có thừa, và quan trọng nhất là họ có những kỹ thuật truyền đạo, cải đạo rất bài bản.
Họ đã áp dụng những triết lý, lý thuyết, kinh nghiệm quản lý, quản trị, marketing hiện đại, đã ứng dụng thành công trong kinh doanh, phát triển thị trường, bán hàng, trong hiểu nhu cầu của con người, chiêu dụ khách hàng, chiêu dụ lòng người.
Những người tài trợ, trực tiếp hướng dẫn truyền đạo, cải đạo đa số đều là những người đã kinh qua kinh nghiệm quản lý, có tiền, có khả năng lãnh đạo, dẫn dắt, thuyết phục, hùng biện.
Họ vừa sử dụng kỹ thuật cải đạo đám đông, vừa phân tán theo kiểu “kinh doanh đa cấp”.
Khi cần, họ tập họp một đám đông kích thích tâm thần, cuồng nhiệt phấn khích, có tính chất ảo giác màu nhiệm, làm cơ sở cho những tuyên bố hùng biện, đớp chát nảy lửa, thổi bùng nhiệt huyết. Tâm lý đám đông này dễ lây lan, tạo ấn tượng, ảnh hưởng đến quyết định của những người chưa theo đạo.
Đồng thời họ phân tán lực lượng, không cần nhà thờ quy mô, mà phân tán lực lượng vào doanh nghiệp nơi có tín đồ làm chủ, vào các khu công nghiệp, khu lao động nghèo cần đồng tiền bát gạo.
Họ len lỏi vào các khu phố, tư gia, nay ẩn mai hiện, với hình thức marketing truyền miệng, rỉ tai kèm giúp đỡ, tài trợ, cộng với viễn cảnh được đấng tối cao ban ơn, che chở.
Con số tín đồ được che dấu, việc hành lễ luân phiên qua các tư gia để tạo không khí u u minh minh, với những đốm lửa nhỏ, lúc tắt lúc cháy biết đâu mà lần.
Đặc biệt, họ hướng đến giới trẻ, những người có ít đề kháng nhất về văn hóa dân tộc, về cội nguồn, những người ưa thích cái mới, cái hiện đại. Họ nắm rất vững chắc tâm lý của giới trẻ thích vui chơi, giải trí, thích được học hỏi những điều mới, những kỹ năng sống, cơ hội việc làm, hay đơn giản là được giúp đỡ khi cuối tháng thiếu tiền.
Giới trẻ được cải đạo chính là nòng cốt để đẩy nhanh quá trình dâng Dân tộc cho chúa, vì họ là thế hệ của hiện tại và tương lai, là thế hệ có sức trẻ, có tài năng, có nhiệt huyết, lại là thế hệ sẽ sinh ra cháu con kế tiếp. Có thể hiện tại họ chỉ là những đốm lửa nhỏ, nhưng lại dễ bùng lớn, cháy lâu.
Ngọn lửa to cùng những đốm lửa bé đó dùng để đốt ai, đốt cái gì. Câu trả lời rõ ràng, đốt con rồng truyền thống Việt Nam.
Giáo sư Đặng Nghiêm Vạn, trong công trình Lý luận về tôn giáo và tình hình tôn giáo ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2005, kế thừa Đề tài Khoa học cấp Nhà nước KHXH – 04 – 96 đã diễn giải rõ hơn về những ngọn lửa đó. Ở Việt Nam, đạo Tin Lành đi đến đâu, tôn giáo và văn hóa tôn giáo dân tộc bị tàn phá đến đó (trang 226).
Nhìn lại cách giữ đạo, hoằng pháp của Phật giáo Việt Nam thì sao?
Không thể phủ nhận sự chuyển mình của Phật giáo trong thời gian vài năm trở lại đây, khi chúng ta chứng kiến những hoạt động xây dựng chùa chiền, lễ hội, hoằng pháp, sinh hoạt đạo tràng, sinh hoạt thanh thiếu niên.
Thế nhưng dường như đó chỉ là những nỗ lực mang tính tự phát, của số ít chư Tôn đức, các chùa, chứ chưa mang tính bài bản, diện rộng, mang tính chủ trương, chiến lược của Phật giáo Việt Nam.
Nhìn vào thực trạng tín đồ tham dự các buổi lễ Phật giáo – hầu hết là nữ giới cao tuổi, thì có thể thấy rõ thực trạng già nua, thụ động, thiếu sinh khí. Trong bản tin mới đây trên Phattuvietnam.net, trong lễ phát thẻ Phật tử tại Hà Nội, 600 người, đều là nữ Phật tử rất lớn tuổi chỉ có một người đàn ông, cũng lớn tuổi.
Hà Nội, với hơn 1.000 ngôi chùa, nhưng mới chỉ có khoảng 20 câu lạc bộ thanh thiếu niên Phật tử sinh hoạt chính thức. Nhìn toàn quốc, thực trạng còn tệ hơn. Đến một mô hình tổ chức, quản lý sinh hoạt của thanh thiếu niên Phật tử mà Giáo hội vẫn chưa đưa ra được thì nói chi đến những phương pháp, giải pháp để thu hút giới trẻ đến với Phật giáo.
Sự thụ động lớn nhất của Phật giáo chính là ở việc tổ chức và quản lý tín đồ, qua đó thắt chặt liên hệ với tín đồ cũ và thúc đẩy phát triển tín đồ mới. Chúng ta đang chỉ làm mỗi việc mở cửa chùa, chờ Phật tử và người dân đến thắp hương, lễ Phật, bỏ tiền vào hòm công đức và đôi khi được nghe pháp thoại, hướng dẫn.
Thậm chí ở đa số các chùa, người dân có đến thì cứ bơ vơ, chẳng được ai tiếp đón, hướng dẫn, chỉ bày. Nếu nói một cách chua chát thì Phật giáo Việt Nam hôm nay đang “ăn mày”, “ăn sẵn” quá khứ, truyền thống 2000 năm Phật giáo quá nhiều, chỉ biết thụ hưởng lộc của các thế hệ Tăng Ni, Phật tử đi trước mà chưa để lại nhiều cho các thế hệ tương lai.
Thậm chí không ít người còn tư tưởng thời mạt pháp, Phật pháp cao thâm vi diệu, ai có phúc duyên với được biết Phật pháp, người cần Phật pháp chứ Phật pháp không cần người. Về lý thì có thể chấp nhận chứ về sự mà như vậy thì quả là nguy hiểm cho sự tồn vong của Phật giáo. Nếu Đức Phật cũng nghĩ về sự cao thâm vi diệu ấy mà không chuyển bánh xe Pháp thì liệu chúng ta có phúc duyên giác ngộ, giải thoát hôm nay không?
Đã qua rồi cái thời “hữu xạ tự nhiên hương”. Một tôn giáo thì chủ động tiếp cận tín đồ, một tôn giáo thì thụ động chờ tín đồ đến với mình. Thế thì chẳng bao lâu nữa, đám lửa bùng lên từ Mỹ Đình kia, hay từ bất cứ tư gia nào, sẽ lan hết khắp mọi miền đất nước, và lan cả đến xung quanh chùa Quán Sứ, hay mỗi ngôi chùa khác. Các ngôi chùa sẽ chỉ còn là một kiểu điện thờ dành cho những người Phật tử già cuối cùng, và rồi cũng đến lúc chẳng còn người già nào ở đó nữa.
Hà Nội khi đó sẽ giống Seoul (Hàn Quốc) ngày nay, tràn ngập thập ác trên nóc những ngôi nhà.
MT – TH
Nguồn: gdptdanang.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét