Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Bảy, 18 tháng 7, 2015

Gợi ý Đáp án kỳ thi khảo sát kết thúc năm thứ tư, bậc Lực IV

Htr. cấp Tín Quảng Thời Trần Văn Sáu - GĐPT Tân Thái, TP. Đà Nẵng

Lưu ý: Những chữ màu xanh in đậm là gợi ý đáp án, phần chữ in nghiêng là giải thích thêm (những gợi ý chỉ có tính chất tham khảo).


Các Anh, chị học viên bậc Lực IV chuần bị làm bài thi kết khóa
năm thứ tư tại chùa Vạn Phật Quang - Đại Tòng Lâm (Bà Rịa-Vũng Tàu)
lúc 17 giờ ngày 16/7/2015. Ảnh: Ban Truyền thông GĐPT Việt Nam
A. PHẦN TRẮC NGHIỆM

I. Chọn câu đúng nhất:

Câu 1: Nội dung Kinh Di Giáo Đức Phật dạy những gì?
            A. Đức Phật dạy về Giới, Định, Tuệ.
            B. Đức Phật dạy về Giới, Định, Tuệ và những lời dạy trước khi nhập Niết Bàn.
            C. Đức Phật dạy về Kinh Du Hành và Kinh Đại Niết Bàn.
            D. Đức Phật dạy về Duyên Khởi và Tứ Đế.

Câu 2: Về mặt hình thức Kinh Di Giáo được đánh giá thế nào?
            A. Một tác phẩm văn học.
            B. Được sắp xếp thành hệ thống hóa những lời dạy của Đức Phật thuyết pháp từ đầu đến cuối.
            C. Thời điểm Đức Phật nhập Niết Bàn tại rừng Sa La song thọ.
            D. Đúc kết các ý trên.
           
           Câu hỏi này chỉ hỏi về mặt hình thức Kinh Di Giáo nên phương án A là đúng nhất, vì phương án B chỉ về mặt bố cục (sắp xếp có hệ thống), phương án C chỉ về bối cảnh (thời gian và địa điểm) Đức Phật nói Kinh.

Câu 3: Trong Kinh Di Giáo nội dung nào được Đức Phật nói nhiều nhất?
            A. Giới
            B. Định
            C. Tuệ
            D. Cả 3 ý trên

           Nội dung kinh Di Giáo được trình bày tuần tự Giới, Ðịnh, Tuệ và những lời khích lệ tu tập sau cùng. Trong đó, phần Giới được nói đến nhiều nhất, hơn một nửa dành cho Giới và đây chính là phần nền tảng của kinh cũng là căn bản của Ðịnh, Tuệ và giải thoát.

Câu 4: Định học liên quan mật thiết với phần nào trong Bát chánh đạo?
            A. Chánh kiến, Chánh tư duy
            B. Chánh nghiệp, Chánh ngữ
            C. Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định
            D. Chánh nghiệp, Chánh tư duy

Câu 5: Tuệ học liên quan mật thiết đến chi phần nào trong Bát chánh đạo?
            A. Chánh kiến, Chánh tư duy
            B. Chánh ngữ, Chánh tư duy
            C. Chánh nghiệp, Chánh tinh tấn
            D. Chánh kiến, Chánh niệm

Câu 6: Trong Kinh Di Giáo, Giới được đề cập như thế nào?
            A. Đề cao giới luật là nguyên tắc căn bản.
            B. Giới hạnh là nền tảng của Thiền và Tuệ. Giới hạnh là một phần của Định, Tuệ.
            C. Hai ý trên đúng
            D. Hai ý trên không đúng

Câu 7: Sự liên hệ giữa Kinh Di Giáo, Kinh Du Hành và Kinh Đại Bát Niết Bàn?
            A. Kinh Di Giáo trình bày pháp môn Giới, Định, Tuệ chi tiết và rõ ràng.
            B. Kinh Du Hành và Kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Phật dạy Giới, Định, Tuệ là (cần thiết và cốt lõi) của sự tu tập.
            C. Hai nội dung trên đều đúng.
            D. Kinh Di Giáo, Kinh Du Hành và Kinh Đại Bát Niết Bàn không có liên hệ nào quan trọng.

Câu 8: Thiền định quan trọng như thế nào?
            A. Thiền định là con đường tu tập của đạo Phật, không có Thiền định sẽ không có Tuệ, khó giữ Giới.
            B. Thiền định làm tâm tập trung tu tập.
            C. Thiền định giúp tâm tập trung thấu hiểu chuyển biến vũ trụ.
            D. Thiền định làm tâm sáng suốt.
           
          Thiền là pháp môn tu tập rất phổ biến, không những có mặt trong đạo Phật mà còn hiện hữu trong các đạo giáo khác. Nhưng nói đến thiền định là nói đến thiền của đạo Phật. Vì Thiền định còn gọi là định độ, định đáo bỉ ngạn. Thiền gọi đủ là Thiền-na (dhyàna), định (samadhi)- nghĩa là đình chỉ các vọng niệm để tâm chuyên chú vào một đối tượng mà quan sát.
           Hơn nữa, các pháp môn tu tập của đạo Phật đều bao gồm giới, định, tuệ gọi là Tam vô lậu học, gọi tắt là Tam học. Giới, định, tuệ có quan hệ chặt chẽ với nhau. Vì người tu hành trước hết phải giữ giới để tránh khỏi mọi sai lầm tội lỗi, làm cho thân tâm được an tịnh. Khi tâm được an tịnh thì mới có thể tập trung vào một cảnh, một việc không còn duyên theo trần cảnh bên ngoài, nhờ đó mà đi vào định. Khi tâm đã định thì các phiền não lắng xuống, bấy giờ tâm quán chiếu việc gì cũng thấy rõ ràng minh bạch, đó là tuệ. Chính chư Phật trong quá khứ nhờ đi qua con đường này mà được giác ngộ hoàn toàn.

Câu 9: Kinh Thủ Lăng Nghiêm được truyền từ Ấn Độ sang Trung Hoa do Thiền sư nào?
            A. Ngài Cưu Ma La Thập
            B. Ngài Huyền Trang
            C. Ngài Bát Thích Mật Đế
            D. Ngài Thiên Thai Trí Giả Đại sư

Câu 10: Chư Tổ và Phật tử đã nhận định và ví Kinh Thủ Lăng Nghiêm như thế nào?
            A. Như cỗ xe, con thuyền, mây trời, dòng nước, ánh trăng.
            B. Như bản đồ, kim chỉ nam, dây mực, cây thước, binh thư đồ trận.
            C. Như thần thông, trí tuệ, sự dũng trí phi thường.
            D. Người dẫn đường, mật chú, châm ngôn, lý tưởng.

Câu 11: Kinh Thủ Lăng Nghiêm chủ yếu dạy điều gì?
            A. Chơn tâm
            B. Vô thường
            C. Vô ngã
            D. Vô chấp

Câu 12: Trong bài tựa Kinh Thủ Lăng Nghiêm, ý nào tán dương báo thân, hóa thân và pháp thân của Phật?
            A. Đại hùng, đại lực, đại từ bi
            B. Diệu trạm tổng trì bất động tôn
            C. Nguyện kim đắc quả thành bảo vương
            D. Ư thập phương giới tọa đạo tràng

Câu 13: Mười phương chư Phật đã tu hành để chứng được quả gì?
            A. Viên thông phật lý
            B. Thể nhập pháp giới
            C. Chứng ngộ chơn tâm
            D. Chứng quả Thanh Văn, Duyên giác

         Câu hỏi này không rõ ràng, khó hiểu, dễ gây ngộ nhận. Vì theo Kinh Lăng Nghiêm, ngài A-nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp nào mà mười phương chư Phật đã tu hành và đều được chứng quả, thì Phật chỉ dạy, phải ngộ "Chơn tâm" mà thôi. Nếu ngộ được chơn tâm này thì thành Phật. Đây là phương pháp duy nhứt mà mười phương chư Phật tu hành đã được thành đạo chứng quả.
         Nói cho dễ hiểu: Phật với chúng sanh vẫn đồng một thể tánh chơn tâm, nhưng các Ngài đã hoàn toàn giác ngộ được thể tánh ấy, nên mới thành Phật. Trái lại, chúng sanh vì mê muội thể tánh chơn tâm, nên phải bị sanh tử luân hồi. Nếu chúng sanh giác ngộ chơn tâm, thì sẽ được như Phật. 
         Cho nên câu hỏi rõ ràng và tránh gây ngộ nhận phải là: "Theo Kinh Lăng Nghiêm, ngài A-nan cầu Phật chỉ dạy phương pháp nào mà mười phương chư Phật đã tu hành và đều được chứng quả?".

Câu 14: Người Huynh trưởng luôn luôn phát nguyện và ghi nhớ câu nào trong bài tựa Kinh Thủ Lăng Nghiêm?
            A. Hườn độ như thị hằng sa chúng
            B. Thị tắc danh vị báo Phật ân
            C. Phục thỉnh Thế Tôn vị chứng minh
            D. Như nhất chúng sanh vị thành Phật

Câu 15: Ý nghĩa 2 câu cuối của bài tựa Kinh Thủ Lăng Nghiêm:
            A. Tán dương pháp thân, báo thân và ứng thân của Phật.
            B. Nguyện hóa độ chúng sanh.
            C. Nếu có chúng sanh chưa thành Phật thì chưa chứng quả.
            D. Tánh hư không bất diệt dù có bị hủy diệt, tâm nguyện này quyết không lay chuyển.

Câu 16: Văn phong và ngôn ngữ của Kinh Pháp Hoa?
            A. Ngôn ngữ phủ định
            B. Ngôn ngữ trực chỉ
            C. Ngôn ngữ biểu tượng
            D. Ngôn ngữ khái niệm

Câu 17: Ngài Trí Khải phân chia Kinh Pháp Hoa thành mấy phần?
            A. 2 phần: phần đầu là Tích môn; phần sau là Bản môn.
            B. 2 phần, gồm phần Tựa và phần Thể nhập Tri kiến Phật.
            C. 4 phần, gồm phần 1 từ phẩm 1-10; phần 2 từ phẩm 11-22; phần 3 từ phẩm 23-27 và phần 4 phẩm 28.
            D. 2 phần, mỗi phần 14 phẩm.

Câu 18: Cách phân chia Kinh Pháp Hoa thành 3 phần có các ưu điểm gì?
            A. Phù hợp với tiến trình lịch sử tập thành của Kinh, gợi ý về triết lý trọng tâm "ba trong một, một trong ba" của Kinh.
            B. Giáo nghĩa Phật Tri kiến xuyên suốt qua toàn bộ Kinh.
            C. Cả 2 ý trên
            D. Chỉ có ý thứ nhất là đúng.

         Cách phân chia này cho thấy ít phân biệt về Tiểu thừa và Đại thừa, dung hòa Tri hành hợp nhất và tôn trọng giáo lý Nguyên thủy. Chính vì điều này mà gợi ý triết lý trọng tâm "ba trong một, một trong ba" liên quan đến Thanh Văn thừa, Duyên Giác thừa và Bồ Tát thừa cho đến cuối cùng quy về Phật thừa.
          Để rõ thêm, ở kinh Pháp Hoa, định nghĩa về các thừa có thể được tìm thấy ở các phẩm Tựa số 1, phẩm Thí Dụ số 3 và phẩm Dược Thảo Dụ số 5.
         Tuy nhiên, phần lớn mà Kinh Pháp Hoa nỗ lực giải trình là: Tất cả các thừa đều là Phật thừa; tất cả đều đưa chúng sanh đến giải thoát.

Câu 19: Danh từ "Phổ môn" trong phẩm Phổ môn (phẩm 25) được Hòa thượng Thích Chơn Thiện nhận định thế nào?
            A. Phổ môn là cửa ngõ chính.
            B. Phổ môn là cánh cửa của 6 căn; 6 trần; 6 thức.
            C. Phổ môn là cửa ngõ chính từ đó tham ái, chấp thủ và khổ đau vào, nhưng cũng chính từ đó (tham ái, chấp thủ và khổ đau) đi ra.
            D. Phổ môn là sự trọn vẹn, bao quát mọi mặt.

Câu 20: Bồ Tát Quán Thế Âm có 5 đức tính (5 quán) đầy đủ:
            A. Chơn quán; thanh tịnh quán; trí tuệ quán, bi quán và từ quán.
            B. Nhất quán; nhị quán; tam quán; tứ quán và ngũ quán.
            C. Quán âm; quán thanh; quán hương; quán vị và quán giác.
            D. Quán tưởng, quán sổ tức, quán vô chấp, quán vô thường.

Câu 21: Ngài Hải Ấn phân chia Kinh Pháp Hoa thành mấy phần?
            A. 4 phần
            B. 3 phần
            C. 2 phần
            D. 5 phần

Câu 22: Đức Quán Thế Âm Bồ Tát có đủ 5 phẩm chất (5 âm):
            A. Diệu âm; quán thế âm; phạm âm; hải triều âm; thắng bỉ âm.
            B. Thanh âm; hương âm; vị âm; xúc âm và giác âm.
            C. Thanh âm; diệu âm; hải triều âm; tối thắng âm và phạm âm.
            D. Các câu trên đều đúng.

Câu 23: Chương trình tu học bậc Lực gồm có những phần sau:
            A. Phật pháp - Tinh thần - Lịch sử và Hiểu biết về tổ chức Gia đình Phật tử và Giáo hội Phật giáo Việt nam.
            B. Kiến thức tổng quát và khả năng chuyên môn; và Tu tập tự thân.
            C. Cả 2 câu trên là phần trại Huấn luyện Huynh trưởng.
            D. Cả 2 câu trên là phần Tu học của Huynh trưởng.

Câu 24: Ngài Trí Khải chia Kinh Pháp Hoa gồm Tích môn và Bản môn. Phần Bản môn có nội dung gì?
            A. Giải thích dấu hiệu hóa độ của Đức Phật hiển hiện nơi đời.
            B. Bản môn được giải thích như là căn gốc của Tích môn nơi dấu tích hóa độ của Phật lưu xuất.
            C. Bản môn lấy phẩm Như Lai thọ lượng làm trung tâm.
            D. Bản môn lấy phẩm Phương tiện làm trung tâm.
           
Câu 25: Trong Nội quy Huynh trưởng GĐPT được ban hành năm 2013 (tu chỉnh tại Hội nghị toàn quốc năm 2011), Điều, khoản nào được căn cứ để lập các Đoàn Huynh trưởng (cùng) cấp?
            A. Điều 5, khoản 1                                       B. Điều 8, khoản (mấy?)
            C. Điều 16, khoản 8                                   D. Điều 16, khoản 2

Câu 26: Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam được tu chỉnh và ban hành năm 2013 gồm có bao nhiêu chương, điều?
            A. Lời nói đầu, 5 chương và 21 điều
            B. Lời nói đầu, 7 chương và 25 điều
            C. Lời nói đầu, 6 chương và 28 điều                                                      
            D. Lời nói đầu, 7 chương và 28 điều
           
           Nội quy Gia đình Phật tử Việt Nam sửa đổi năm 2013 (tu chỉnh tại Hội nghị Đại biểu Huynh trưởng toàn quốc lần thứ XI - 2011) gồm có Lời nói đầu, 7 chương và 27 điều, được Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương chấp thuận, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam phê chuẩn tại Quyết định số 257/2013/QĐ.HĐTS ngày 17 tháng 7 năm 2013.
         Như vậy, câu hỏi 26 là một câu hỏi đúng nhưng có 4 phương án đều không đúng và theo nguyên tắc, đó là một câu hỏi bị lỗi phải được loại bỏ theo hướng có lợi cho học viên.
          Và như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, câu hỏi 26 trong  đề thi khảo sát kết thúc năm thứ ba, bậc Lực IV  tổ chức vào ngày 17/8/2014 (22/7 PL.2558) cũng là một câu hỏi bị lỗi.

II. Điền khuyết và Liệt kê:

Câu 27: Nội dung của phẩm thứ 2, 3, 4 và 28 Kinh Diệu Pháp Liên Hoa nói gì?
            - Phẩm thứ 2: Phương Tiện
            - Phẩm thứ 3: Thí Dụ
            - Phẩm thứ 4: Tín Giải
            - Phẩm thứ 28: Phổ Hiền Hạnh Nguyện

Câu 28: Tính đến nay, Nội quy GĐPT và Quy chế Huynh trưởng GĐPT (nay là Nội quy Huynh trưởng) được thiết lập và tu chỉnh vào các năm nào?
            A. Nội quy GĐPT thiết lập năm 1951. Tu chỉnh vào các năm 1964, năm 1967, năm 1973, năm 2001, năm 2011.
            B. Quy chế Huynh trưởng (Nội quy Huynh trưởng) thiết lập năm 1955. Tu chỉnh vào các năm 1964, năm 1967, năm 1973, năm 2011.

Câu 29: Chương trình Huấn luyện của Huynh trưởng gồm các phần:
            A. Rèn chí
            B. Kiến thức về tổ chức và điều hành
            C. Kỹ năng chuyên môn

Câu 30: Khẩu hiệu (tiếng reo) của các trại Huấn luyện Huynh trưởng:
            A. Lộc Uyển (Sơ cấp):         Tiến
            B. A Dục (Cấp I):                  Tín
            C. Huyền Trang (Cấp II):      Vững
            D. Vạn Hạnh (Cấp III):          Dũng 

B. PHẦN TỰ LUẬN
            Học viên chọn một trong các đề sau:

Đề 1: Người Huynh trưởng vận dụng Kinh Di Giáo vào những điều nào để thực hiện làm gương cho các em đoàn sinh?

            Trả lời:
            - Một là tư cách đúng đắn, tác phong nghiêm chỉnh, có cuộc sống đạo đức gương mẫu.(Giới)
            - Hai là thể hiện niềm tin chân chánh, nêu cao lý tưởng, biểu lộ tinh thần kỷ luật tự giác, tôn trọng tổ chức và ý thức trách nhiệm.(Định)
            - Ba là chí tâm học hỏi để có được trình độ giáo lý nhất định, có kiến thức phổ thông, thông suốt mục đích và đường lối GĐPT, có khả năng chuyên môn và năng lực tổ chức điều hành thông qua việc huấn luyện và tu học.(Tuệ)
            
Đề 2: Huynh trưởng áp dụng tinh thần Văn - Tư - Tu như thế nào để tu học và xử thế?

            Trả lời:
            Áp dụng tinh thần Văn - Tư - Tu trong việc tu học và xử thế nhằm giúp Huynh trưởng biết trau dồi, phát huy trí tuệ, có tinh thần cầu tiến, có trí óc sáng suốt để xét đoán sự vật, sự việc được chính xác, tôn trọng sự thật, không mê tín dị đoan, ứng dụng trong việc tu tập của bản thân để có được chánh kiến, luôn biết suy xét, phân biệt chơn vọng, chánh tà, thiện ác làm cho ý nghĩ, lời nói, việc làm luôn phân minh, hợp lẽ, hợp tình, không manh động, cực đoan, sai lầm bởi sự si mê, mù quáng.
            Áp dụng trong việc tu học và xử thế cụ thể như sau:
            - Tu học: Nghe, tiếp nhận và thấu hiểu rồi mới suy ngẫm, chiêm nghiệm và ứng dụng vào đời sống tu tập.
            - Xử thế: Nghe, thấu rõ sự việc với tâm không thành kiến rồi suy xét cẩn trọng trước khi trình bày chánh kiến hay quyết định sự việc.

Đề 3: Anh, chị hãy giải thích ngắn gọn Tam minh mà Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chứng ngộ sau 49 ngày thiền định dưới gốc cây Bồ đề tại Bồ đề đạo tràng?

            Trả lời:
            Sau 49 ngày đêm thiền định dưới gốc cây Bồ-đề, cuối cùng Ngài chiến thắng được ma vương và diệt trừ được tất cả phiền não, chứng được Tam minh, thành tựu quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.
            Tam minh gồm có Túc mạng minh, Thiên nhãn minh và Lậu tận minh.
            - Túc mạng minh: Tuệ giác sáng suốt biết rõ các kiếp sống của mình và của tất cả chúng sinh trong quá khứ.
            - Thiên nhãn minh: Tuệ giác sáng suốt biết rõ các kiếp sống tương lai của mình và của tất cả chúng sinh diễn biến sinh diệt như thế nào.
            - Lậu tận minh: Tuệ giác sáng suốt nhận biết các pháp đoạn trừ phiền não mê lầm của mình và của tất cả chúng sinh để được an lạc.

            Chúc các anh, chị đạt kết quả tốt. Chào tinh tấn!
           
18/7/2015
Quảng Thời

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét