Những nghiên cứu gần đây về bệnh hay đổ thừa: Ðổ lỗi cho người, hay cho cái gì đó là một hình thức giải phóng những sự khó chịu và đau đớn trong lòng. Nó có một mối liên hệ trái ngược với tinh thần trách nhiệm. Có trách nhiệm là một tiến trình dễ bị tổn thương, hay dễ bị chỉ trích. Ví dụ, khi mình muốn nói chuyện với ai đó vì cảm giác bị đau khổ do trách nhiệm chưa tròn, hay làm sai quấy một điều gì đó mà mình đang chịu trách nhiệm, mình thường chỉ nói chuyện này với người nào dễ thông cảm cho mình.
Người nào có tật hay đổ thừa thường ít có tính kiên trì bền bỉ, và thiếu can đảm để nói người khác phải chịu trách nhiệm cho việc chính người đó đã làm, bởi vì mình cứ lo phí sức vào việc sân giận người khác và đổ lỗi cho họ; và chính mình cũng ít khi nhận lỗi. Bệnh đổ thừa thường làm cho các mối liên hệ tình cảm bị bào mòn và nó cũng chính là tác nhân khiến chúng ta đánh mất cơ hội để cảm thông với người. Bởi vì khi có chuyện gì đó xảy ra, chúng ta không dành thời gian lắng nghe hết câu chuyện mà lo tìm kiếm càng nhanh càng tốt, những đầu mối nào đã khiến cho mình làm sai.
Khi mình đổ thừa lỗi lầm của mình cho ai đó, mình đang che giấu sự thật về bản thân mình. Phật dạy chúng ta phải nói sự thật, dù đôi lúc, sự thật có thể làm tổn thương chính mình. Ðổ thừa là một dạng nói dối, phạm giới thứ tư. Mình sợ bị liên lụy, hay sợ bị gánh trách nhiệm, hay vì sợ bị xấu hổ nên mới đổ thừa lỗi cho người khác. Cách hành xử này chỉ mang đến tai họa cho mình về sau vì mình không học được gì từ những sai lầm do mình gây ra. Thay vì rút kinh nghiệm cho lần sau, chúng ta lo đổ hết công sức tìm cách bào chữa cho mình, và trút hết lỗi lầm lên người khác. Nên chi, mình không ăn năn, hối lỗi về những điều sai phạm do chính mình gây ra thì làm sao mà tu tập, sửa sai được! Ðức Phật có dạy rằng, trên đời có hai hạng người tốt nhất. Một là hạng người không bao giờ lầm lỗi. Còn hạng thứ hai là biết mình lầm lỗi mà lo ăn năn, sám hối, tránh không tái phạm.
Bệnh đổ thừa còn khiến mình sống vô trách nhiệm. Vì sợ bị chê cười nên mình cứ luôn viện cớ đổ lỗi cho người khác. Tệ hại hơn nữa, kể cả khi mình biết chắc tự đáy lòng, đó là lỗi do chính mình gây ra! Chúng ta sống dối trá, bề ngoài. Trong gia đình, thậm chí còn đổ lỗi lẫn nhau. Người này đổ lỗi người kia, người kia lại đổ lỗi người này. Cái trò đổ lỗi cho nhau là rất thông thường, nếu bản thân họ không bị bắt quả tang, đang làm sai. Cách sống ‘tốt khoe, xấu che’ đã trở thành thói quen nguy hại, thường tìm cách trốn tránh, không dám đối diện với những cái dở, cái xấu của bản thân.
Kinh Pháp cú, phẩm Cấu uế, Phật dạy:
Dễ thay thấy lỗi người,Lỗi mình thấy mới khó.Lỗi người ta phanh tìm,Như sàng trấu trong gạo.Còn lỗi mình, che đậy,Như kẻ gian giấu bài.
(HT.Thích Minh Châu dịch)
Ngoài ra, đổ thừa cũng là một hình thức đưa mình lên và hạ người khác xuống. Khi mình nhanh chóng đổ thừa cho ai vì họ làm cẩu thả, bừa bãi mình cũng cảm thấy một thoáng hả hê vì mình ‘ngon lành’ hơn họ. Hoặc dĩ mình có làm sai thì cũng tại họ mà ra nông nỗi này. Nói chung, người hay có căn bệnh đổ thừa, ngay trong tâm ý, họ đã không có thói quen nhận lỗi về mình. Họ luôn tìm một lý do nào đó để chạy tội. Thậm chí có lúc mình làm như mình là ‘nạn nhân’ của người kia. Sở dĩ có cớ sự như vầy vì người kia, người nọ ghét bỏ mình. Cho nên, mọi chuyện sai trái xảy ra là do người khác cố tình gài bẫy cho mình làm sai!
Cho nên Phật dạy chúng ta phải ý thức những khổ đau, phiền não do mình gây ra qua những lời nói thiếu chánh niệm từ việc đổ thừa lỗi lầm của mình cho người khác. Chúng ta phải quay trở về thực tập, học thấy lỗi của mình để chuyển hóa bản thân. Có thể căn bệnh đổ thừa này phát nguồn từ đời sống thiếu trách nhiệm, và thiếu ý thức mà mình học được từ những người khác, hay trong hoàn cảnh sống. Hãy học sống chân thật, dẹp bỏ những dối gian, lừa đảo, đổ lỗi cho người vì tự ái, vì muốn khoe khoang, hay vì bất cứ lý do gì! Chúng ta ý thức rằng cái lối sống hay đổ lỗi cho người này đã không mang lại an lạc, hạnh phúc gì cho mình; ngược lại, nó còn làm cho chúng ta luôn âu lo, sợ hãi người khác khám phá ra sự thật về bản thân mình. Cho nên Phật còn dạy thêm bốn điều cần thiết để tự vấn lương tâm trước khi nói:
- Tại sao mình nói điều này?
- Lời nói này có hoàn toàn đúng như sự thật?
- Bây giờ có phải là đúng thời, đúng lúc để nói ra hay không?
- Lời nói này mang lại lợi lạc hay tai hại?
Nếu động lực khiến mình nói ra lúc này là vì lợi ích cho bản thân, hay vì giận hờn; nếu nó hoàn toàn không đúng sự thật; nếu nó không phải lúc để nói ra; hay nó có thể đem lại đau khổ nhiều hơn là an lạc, vậy tốt hơn hết là đừng nên nói, đừng nên đổ thừa. Chỉ đơn giản vậy thôi! Trong Kinh tạng, chúng ta thấy Ðức Phật thường trì hoãn trả lời những điều có thể khiến người hỏi không thích, hay không vui cho đến khi họ lặp lại câu hỏi đến ba lần.
Trong kinh Pháp cú, phẩm Song yếu, Phật dạy:
Ý dẫn đầu các phápÝ chủ trì, tạo tácNếu ngôn từ, hành độngVới tâm ý nhiễm ácKhổ theo tựa bánh xeÐi sau dấu chân bò.
(TK.Giác Ðẳng dịch)
Như vậy, căn bệnh đổ thừa, suy cho cùng, chẳng mang lại lợi lạc gì cho mình cả; ngược lại, nó còn mang đến khổ đau, tuyệt vọng. Nếu chúng ta muốn tu thân mà cứ tiếp tục đổ thừa cho cái này, cái kia, người kia, người nọ thì mình sẽ chẳng bao giờ tu học được gì!
Thiện Ý - giacngo.vn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét