Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Hai, 5 tháng 11, 2012

Công đức hộ trì Phật giáo Nhật Bản của Thái tử Thánh Đức

KS Minh Bình


I. DẪN NHẬP

Có một nhà chính trị kỳ tài, một nhà cải cách xã hội  và đồng thời là một nhân vật Phật giáo lỗi lạc ở Nhật Bản vào cuối thế kỷ thứ VI, người đó là Thái tử Thánh Đức…

Như chúng ta đã biết, lịch sử là quá khứ. Quá khứ đó có thể là một bản anh hùng ca mà cũng có thể là một vở bi kịch. Tuy nhiên, ai có thẩm quyền để đánh giá lịch sử? Bởi vì cuộc sống quá tương đối, tương đối đến nỗi những gì hôm nay là đúng thì ngày mai nó lại có thể là sai!... Chính vì sự thật này mà khi đến với môn lịch sử, người ta có thể thẩm định lại mọi điều qua những sự kiện lịch sử đã biết. Có lẽ vì vậy mà khi tìm hiểu về một nhân vật lịch sử của Nhật Bản là Thái tử Thánh Đức, người viết càng cảm thấy thú vị hơn. Và đây chính là động cơ để luận văn này ra đời.

Trong quá trình tìm hiểu các sự kiện được trình bày rải rác trong sách, báo để hoàn thành một luận văn về Thái tử Thánh Đức, người viết đã tham khảo và được thừa kế một số nhận định rất giá trị của nhiều bậc thầy đi trước. Nếu như phần nói về Thái tử Thánh Đức trong Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản của thầy Giác Dũng có vẻ lướt qua theo khuynh hướng chung của tác phẩm, thì hòa thượng Thiên Ân đã có những phân tích sâu rộng và nhiều lần bàn về Thái tử Thánh Đức từ những góc độ khác nhau. Sở dĩ như vậy là do tác phẩm của Hòa thượng chủ yếu bàn về các tư tưởng ở Nhật Bản.

Nhìn chung, chưa có một bài viết hoàn chỉnh nào về đề tài Thái tử Thánh Đức. Từ những kiến thức do Shinsho Hanayama, Đỗ Công Định, Kimura Taiken, Andrew Skilton, Ni sư Vân Liên… cung cấp, người viết đã đối chiếu, sàng lọc, sắp đặt lại theo lịch trình thời gian… để khả dĩ phác họa nên một Thái tử Thánh Đức hoàn chỉnh. Công việc này thật thú vị, tuy có mất nhiều thời gian. Nó sẽ là một kỷ niệm đẹp về thời Tăng sinh ở Học viện Phật giáo Việt Nam của người viết. Và thật đáng tiếc là những tác phẩm gốc như Tam Kinh Nghĩa Sớ, Nhật Bản Thư Kỷ… chưa được dịch ra tiếng Việt…

Sự nghiệp hộ Pháp của Thái tử Thánh Đức chính là cuộc đời của ông. Nó cũng gắn liền với sự nghiệp chính trị của Thái tử. Do vậy, theo đề tài đã chọn, người viết sẽ triển khai ba chương về Tiểu sử Thái tư, Sự nghiệp chính trịSự nghiệp hộ Pháp của Thái tử trong nội dung chính. Ngoài ra, luận văn này cũng dành một chương để giới thiệu về Đất nước Nhật Bản. Đây là những phạm vi mà người viết sẽ triển khai theo đề tài của luận văn.

Nói đến lịch sử Nhật Bản và lịch sử Phật giáo Nhật Bản trong giai đoạn đầu, chúng ta phải nhắc đến nhân vật lịch sử Shotoku – Thánh Đức. Chính vì thế mà hầu như cuốn sách sử nào nói về Nhật Bản cũng cung cấp cho chúng ta một số tư liệu cần thiết về Thái tử Thánh Đức. Đây là một điểm thuận lợi khi chúng ta nghiên cứu về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Tuy nhiên, mỗi sách lại nói hơi khác nhau về nhân vật này, do những góc độ nhìn của người viết, do mục đích và bối cảnh ra đời của tác phẩm… Chính vì điểm này mà những sự kiện lịch sử về Thái tử tưởng chừng đơn điệu, hạn chế đã trở nên hấp dẫn hơn. Do vậy, phương pháp nghiên cứu được người viết áp dụng để viết về đề tài “Công đức hộ trì Phật giáo Nhật Bản của Thái tử Thánh Đức” chủ yếu là phân tích và tổng hợp.

Với sự cố gắng lao động nghiêm túc theo sự hướng dẫn nhiệt tình của các giáo thọ sư, hy vọng rằng luận văn này có thể đóng góp vào kho tài liệu chung của bộ môn trong chuyên ngành. Như vậy, cứ qua mỗi khóa học, chúng ta lại có thêm nhiều tư liệu phong phú…

 II. BỐI CẢNH NHẬT BẢN VÀO THẾ KỶ VI

Nhật Bản, vào thế kỷ I được Trung Quốc gọi là Oa quốc, là một nước của các giống dân Đông di[1](theo Hậu Hán Thư). Chữ “Oa” vốn được dịch từ chữ “Yamato” của Nhật Bản. Đến khoảng thế kỷ VII, Thiên hoàng Genmei (Nguyên Minh) của Nhật Bản đổi tên nước là Đại Hòa, nhưng vẫn được đọc là “Yamato”.

Là một quốc gia nằm ở phía Đông châu Á, trải ra theo một vòng cung dài khoảng 3800 km trong Thái Bình Dương, Nhật Bản bao gồm hàng ngàn hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có bốn đảo lớn nhất là Hokkaido, Honsu (chiếm 61% tổng diện tích), Shikoku và Kyushu. Với diện tích 378.000 km2, dân số 127,7 triệu người (năm 2005), Nhật Bản có mật độ dân cư tương đối cao là 337,8 người/km2.[2]

Hiện nay, Nhật Bản là nước đứng thứ hai thế giới về kinh tế, tài chính. (GDP năm 2005 của Nhật Bản đạt khoảng 4800 tỷ USD, chỉ sau Mỹ). Nhưng vào thế kỷ thứ VI, Nhật Bản đang ở vào giai đoạn Thời đại Cổ phần (thế kỷ III – VII). Đặc điểm của giai đoạn này là quốc gia Nhật Bản được thống nhất từ hàng trăm nước nhỏ, trở thành một nhà nước trung ương tập quyền, văn hóa phát triển, Phật giáo chính thức được truyền vào Nhật Bản từ bán đảo Triều Tiên (từ nước Bách Tế, Paekche, thuộc Hàn Quốc ngày nay). Trong giai đoạn này cũng đã xảy ra một cuộc đảo chánh lớn nhất trong lịch sử chính trị cổ đại Nhật Bản là các Hoàng thân đã tiêu diệt dòng họ Soga chuyên quyền vào năm 645…[3]

Thời đó với Nhật Bản, Phật giáo không chỉ là tôn giáo mà còn là một thứ văn hóa mới mẻ và có nhiều điểm tiến bộ. Các kỹ thuật về nông nghiệp, kiến trúc, chữa bệnh đã theo Phật giáo vào Nhật Bản và được dân chúng đón nhận. Triều đình chính thức đón nhận Phật giáo qua việc Nhật hoàng Yòmei lễ Phật năm 585. Trong giới quý tộc, dòng họ Soga (Tô-ngã) mà tiêu biểu là Soga No Umako (Tô-ngã Mã-tử) rất hâm mộ Phật giáo. Tuy nhiên, đối địch với dòng họ Soga là dòng họ Mononobe (Vật-bộ) lại bài trừ Phật giáo và muốn duy trì sự độc tôn của đạo Shinto (Thần đạo ở Nhật Bản).

Chính Phật giáo đã là một cái cớ quan trọng để sự đối lập chính trị của hai dòng họ Soga và Mononobe trở nên căng thẳng. Sự đối lập của hai hai dòng họ có thế lực lớn này kéo dài khoảng 50 năm, và đã trở nên nặng nề vào năm 552, khi triều đình Bách Tế gởi tặng Thiên hoàng Khâm Minh (Thiên hoàng thứ 29) một tượng Phật bằng đồng, một số tràng phan, bảo cái và kinh luận… Tiếp nhận các tặng vật trên, triều đình Nhật Bản đã xảy ra sự tranh cãi. Soga No Iname (Tô-ngã Đạo-mục) có tầm nhìn rộng, thường quan tâm đến những gì được truyền từ phương Tây, nhất là từ Trung Quốc, thì chủ trương sùng Phật; còn Mononobe No Okoshi (Vật-bộ Vĩ-liên) lại coi trọng tín ngưỡng thần kỳ cố hữu và truyền thống của dân tộc nên chủ trương bài Phật. Từ đó, việc thờ cúng tượng Phật, tu tập theo Phật giáo… là duyên sự để hai dòng họ Soga và Mononobe đấu đá nhau trên chính trường Nhật Bản, cho đến khi dòng họ Mononobe bị đánh bại vào năm 587, sau khi Thiên hoàng Yomei vừa băng hà.

Thần đạo (Shinto) là tôn giáo của dân tộc Nhật Bản. Tôn giáo này đã được hình thành tại Nhật Bản từ xa xưa, do những tín ngưỡng về tự nhiên thần và tổ tiên thần của người Nhật Bản. Song hành cùng dân tộc, Shinto đã không ngừng lớn mạnh tại Nhật Bản cho đến tận ngày nay. Vào thế kỷ VI, Shinto là tôn giáo chính của cả đất nước Nhật Bản.

 III. TIỂU SỬ THÁI TỬ THÁNH ĐỨC

Hoàng tử Shotoku (Xứng Đức) sinh năm 574 tại Nhật Bản. Hoàng tử là con trai của thiên hoàng Yòmei (Dụng-minh), thiên hoàng thứ 31 của Nhật Bản, và hoàng hậu Anahobe Hashihito. Vốn có thiên tư thông minh, Hoàng tử đã thông suốt cả Nho học, Phật học, Thiên văn, Địa lý và Lịch pháp…

Năm 587, Thiên hoàng Yomei băng hà. Dòng họ Soga đã đưa chú họ của Hoàng tử là Sushun (Sùng-tuấn) lên ngôi Thiên hoàng. Năm 592, Thiên hoàng Sushun bị bạo thần Soga No Umako của dòng họ Soga ám hại. Năm 593, người chị của Sushun đã lên kế vị, lấy hiệu là Thiên hoàng Suiko (Suy-cổ). Thiên hoàng Suiko là vị nữ hoàng đầu tiên và là Thiên hoàng thứ 33 của Nhật Bản. Vừa lên ngôi, Thiên hoàng Suiko đã phong Hoàng tử Shotoku làm quan Nhiếp chính đại thần, hiệu là Thái tử Thánh Đức, thay mặt Thiên hoàng điều hành đất nước.

Khi lên điều hành đất nước, Thái tử Thánh Đức vừa mới 19 tuổi. Trong 30 năm nhiếp chính (593-622), Thái tử Thánh Đức đã làm được những sự nghiệp vĩ đại như chế định ra các chức vị của triều đình, ban Thất Thập Điều Hiến Pháp, phái nhiều đoàn sứ giả qua cầu thân và học hỏi với Trung Quốc, khởi xướng việc biên soạn sử sách, ủng hộ Phật giáo…

Bàn về nhân cách của Thái tử, bộ Nhật Bản Sử Khái Thuyết  nhận xét:

Ở thời ấy, người có công nhất trong việc cải-cách chính-thể quốc-gia và khởi-xướng phong-trào văn-hóa lập-quốc là Thánh-Đức Thái-tử. Thái-tử thường lấy tư-tưởng của Phật-giáo và Nho-giáo làm tiêu-chuẩn cho hành-nghi đạo-đức.

Nhân-sanh-quan và thế-giới-quan của hai hệ-thống tư-tưởng Đông-phương này đã thể-hiện hoàn-toàn trong cá-nhân của Thái-tử. Ngài có những nhân-cách và đức-độ siêu-quần, nên người đời thường tôn-xưng là Thánh-Đức Thái-tử, hoặc Thánh-vương, Pháp-vương, Thánh-Đức-vương v.v…[4]

Cũng theo sách ấy cho biết, thì Thái tử đã theo học Phật pháp với hai vị sư người Triều Tiên là ngài Huệ Từ và Huệ Thông trong bảy năm và học Nho học với một lão Nho là ngài Giác Kỳ… Thái tử đã nghiên cứu sâu rộng về Phật pháp. Ngài có thể giảng kinh như các bậc cao Tăng và đã biên soạn kinh sách như các bậc học giả lỗi lạc.

Thái tử Thánh Đức là một người rất yêu chuộng các vấn đề văn hóa học thuật. Cho nên dù rất hâm mộ Phật pháp, nhưng Thái tử vẫn luôn giúp đỡ các tôn giáo khác.

Thái tử mất vào năm 622, do bị bệnh. Sự ra đi của Ngài là nỗi buồn vô cùng cho Nữ hoàng Suiko, cho gia đình Ngài và toàn thể thần dân Nhật Bản. Để tưởng nhớ về người chồng và người cha thân yêu, để tưởng nhớ về vị Nhiếp chính đại thần tài ba lỗi lạc, vợ và các con của Thái tử cũng như các vị đại thần trong triều đã cho tôn tạo một pho tượng Phật Thích-ca Mâu-ni có kích thước giống y như kích thước của Thái tử lúc sinh thời. Tượng do nhà điêu khắc Tori (Chỉ-lợi) thực hiện, được hoàn thành vào đúng một năm sau khi Thái tử mất. Tượng được phụng thờ ở điện Kondo (Kim Đường), chánh điện của chùa Horyu (chùa Pháp Long).[5]Đến năm 643, cả gia đình Thái tử bị tiêu diệt tại ngôi già-lam Wakakusa (Nhược Thảo).

Về sau, vào thời Heian (Bình An), Kamakura (Liêm Thương), ở Nhật Bản rất thịnh hành truyện tranh về Thái tử Thánh Đức. Trong dân gian và các tự xã cũng phổ biến việc thờ chân dung hoặc tượng khắc của Thái tử.[6]Đến năm 1950, Thánh Đức tông (Shotoku Shu) được thành lập ở Nhật Bản. Tông này là chi phái của Pháp Tướng tông. Tổng bản sơn của tông Thánh Đức được đặt tại chùa Horyu, chùa do Thái tử Thánh Đức cho xây dựng từ xưa.

 IV. SỰ NGHIỆP CHÍNH TRỊ CỦA THÁI TỬ THÁNH ĐỨC

1. Ổn định chính trị – xã hội

Sau khi lên làm Nhiếp chính đại thần theo sự suy cử của Thiên hoàng Suiko cùng triều đình, đầu tháng 2 năm 594, Vương lệnh tôn vinh Ba ngôi báu được Thái tử Thánh Đức ban hành tại Nhật Bản. Đại khái, sắc lệnh này khuyến khích toàn dân tin tưởng, kính trọng và ra sức hưng long Tam bảo. Từ đó, tuân hành theo chỉ thị của Thái tử, mọi người đua nhau lập nhiều tháp miếu, chùa chiền… để tôn vinh Tam bảo. Kể từ đây, Phật giáo bắt đầu có vị thế vững chắc ở nước Nhật và tư tưởng Phật giáo đã trở thành mối đoàn kết của cả dân tộc.

Đến ngày 3 tháng 4 năm 604, Thái tử đã ban hành Jushichijo No Kempo (Hiến Pháp 17 Điều). Đây là bản hiến pháp đầu tiên của Nhật Bản, có tính chất vô cùng quan trọng. Hiến Pháp 17 Điều có những nội dung chính như sau: đề cao Thiên hoàng và sự hòa thuận để thống nhất ý chí, huấn thị bách quan trong triều đình và  đưa ra chính sách trị dân của chính phủ.

Tham khảo Hiến Pháp 17 Điều do hòa thượng Thiên Ân dịch đầy đủ từ Nihonshoki (Nhật Bản Thư Kỷ), một tác phẩm chính sử của Nhật Bản được soạn vào thế kỷ thứ VIII (khoảng năm 720), ta có thể tóm tắt từng điều như sau:

Điều 1: Lấy hòa làm quý, lấy thuận làm tôn.

Điều 2: Kính ngưỡng và phụng hành Tam bảo.

Điều 3: Triệt để tuân hành chiếu chỉ của Thiên hoàng. Vua là trời, tôi là đất.

Điều 4: Lấy lễ làm gốc, trị dân phải dùng lễ.

Điều 5: Bỏ tham bớt dục, không tranh đua kiện tụng.

Điều 6: Khuyến thiện bỏ ác, trung với vua, hiếu với dân…

Điều 7: Giữ trách nhiệm, không lạm quyền. Lo cho nước, giúp cho dân…

Điều 8: Chuyên cần với nhiệm vụ.

Điều 9: Quần thần phải tín nhiệm nhau.

Điều 10: Cẩn thận dè dặt, bỏ bớt sân hận, nhẫn nhịn với người chưa hiểu mình.

Điều 11: Công tội phân minh, thưởng phạt công bằng.

Điều 12: Nước không hai vua, dân không hai chủ.

Điều 13: Từ trên xuống dưới phải giữ hòa khí.

Điều 14: Bách quan không nên tật đố ganh ghét nhau.

Điều 15: Bỏ tư phụng công để thượng hòa hạ mục.

Điều 16: Dùng dân phải đúng thời, không để dân phải bỏ việc cày cấy khi vào mùa.

Điều 17: Đại sự không quyết đoán một mình. Cho đến bất cứ chuyện lớn nhỏ nào đều nên lấy ý kiến chung.[7]

Qua bản hiến pháp này, một cách gián tiếp, chúng ta thấy được tính chất phức tạp của xã hội Nhật Bản thời đó. Từ hiện thực xã hội Nhật Bản có nhiều đảng phái, có nhiều quý tộc lộng hành, chuyên quyền… Thái tử đã dùng lòng can đảm kết hợp với trí tuệ sáng suốt và đức độ bao dung để đưa ra một bản hiến pháp tuy ngắn gọn nhưng rất ý nghĩa và đã nêu bật được tính chất “đức trị” của nó, đúng như danh hiệu Thánh Đức vốn được lấy từ câu Thánh vương chi đạo đức chính trị của Trung Quốc.[8]

Có tham khảo Hiến Pháp 17 Điều, chúng ta mới không dễ dàng chấp nhận một số nhận định chưa chính xác, như: “…Thái tử đã công bố bản “Hiến Pháp 17 Điều” với “Những lời giáo huấn đạo đức phần lớn là đạo Nho xen lẫn những ảnh hưởng của tư tưởng Pháp gia, nhưng xét về bản chất thì lại là các giáo lý của Phật giáo... Điều mà Thái tử thực hiện đánh dấu bước tiến lớn đầu tiên trong sự phát triển của đạo Phật Nhật Bản”.”[9]

Hiến Pháp 17 Điều là một tác phẩm diễn tả những quan niệm chính trị, luân lý, đạo đức, nhân sinh quan và thế giới quan của Thái tử Thánh Đức. Hiến Pháp 17 Điều đã ra đời từ những kế thừa có chọn lọc và tổng hợp những trí tuệ Nho giáo cùng Phật giáo của Thái tử Thánh Đức. Như vậy, khách quan mà nói thì Hiến Pháp 17 Điều vốn là trí tuệ chung của nhân loại. Người Phật giáo có thể nói: “Bản chất của nó lại là giáo lý của Phật giáo”, nhưng đây không phải là một nhận định khách quan. Còn Pháp gia, như chúng ta đã biết, là một trường phái tư tưởng cổ đại Trung Quốc, do các chính trị gia thời Chiến Quốc là Thân Bất Hại, Thương Ưởng và Thận Đáo đề cao thuật (mưu mẹo), pháp (luật pháp) và quyền (quyền thế). Trường phái Pháp gia chủ trương pháp trị chứ không phải đức trị.

Điều 2 của Hiến Pháp 17 Điều thường được mọi người nhắc đến vì nội dung của nó như sau: “Phải dốc lòng quy kính Tam bảo. Tam bảo là Phật, pháp, tăng. Tam bảo là nơi nương tựa của 4 loài, được muôn nước tôn kính. Đời nào cũng thế, người nào cũng thế, hễ ai tôn kính Tam bảo thì không làm điều ác…”[10]

Điều khoản này có lẽ chỉ là phần lặp lại của Vương lệnh tôn vinh Ba ngôi báu mà Thái tử đã ban hành vào đầu năm 594. Như vậy, Thái tử đã vận dụng công đức của Tam bảo như một phạm trù đạo đức, nhằm giúp con người tránh điều ác, làm điều lành. Để xây dựng một xã hội lý tưởng, trong xã hội đó mọi người đều tôn trọng đạo đức, Thái tử với cương vị là nhà lãnh đạo quốc gia, đã khéo léo vận dụng những luân lý Phật giáo vào hiến pháp của đất nước. Trong bối cảnh Nhật Bản thế kỷ VI, trong bối cảnh chung của cả thế giới vào giai đoạn này, việc làm trên của Thái tử có ý nghĩa vô cùng lớn, mang phong cách của một minh quân.

Để ổn định nền chính trị của đất nước, tạo ra một trật tự cần thiết cho xã hội, Thái tử ngoài việc soạn thảo và ban hành một bản hiến pháp tổng hợp từ những nguồn tư tưởng Nho gia và Phật giáo… Ngài còn phân định về các cấp quan lại ra thành 12 bậc. Đây là hệ thống cấp bậc quan lại theo mẫu của Trung Quốc, thay cho chế độ cha truyền con nối.

 2. Phát triển văn hóa, canh tân đất nước

Thái tử đã ra lệnh viết lịch sử của đất nước. Trong thời Thái tử chấp chính, hai bộ sử Thiên Hoàng KýQuốc Ký đã được hoàn thành.[11]Đây cũng là một thành tựu đáng kể của Thái tử, mang tính cách một chính sách (đường lối chính đáng) và đã tạo ra một nền sử học Nhật Bản phong phú. Chính sự trân trọng quá khứ sẽ đưa chúng ta đến những kết quả tốt đẹp trong tương lai…

Năm 607, Thái tử gởi sứ đoàn sang nhà Tùy để học tập văn hóa Trung Quốc, đồng thời gởi kèm theo mấy chục nhà sư để xin học tập Phật pháp tại Trung Quốc. Sứ đoàn này do học giả Ono No Imoko (Tiểu-dã Muội-tử) dẫn đầu. Nhiều Tăng, Ni của Trung Quốc, Triều Tiên đã được mời sang Nhật Bản để truyền đạo và phát triển văn hóa Phật giáo trong đại bộ phận nhân dân. Suốt trong 30 năm làm nhiếp chính (593-622), Thái tử đã ba lần cử các sứ đoàn sang Trung Quốc để thực hiện những việc cao cả trên.[12]

Sự khuyến khích và tạo điều kiện cho một số trí thức Tây du của Thái tử và triều đình Nhật Bản lúc bấy giờ là một chính sách khôn ngoan. Chính đội ngũ này đã mang về cho Nhật Bản nhiều trí tuệ, kinh nghiệm… quý báu của Trung Quốc để góp phần cải cách văn hóa Nhật Bản, từ đó tiến tới xây dựng đất nước giàu mạnh. Đường lối Tây du này đến thời Minh Trị cải cách đất nước lại được áp dụng ở Nhật Bản. Đây quả thật là một nét hay của xứ Hoa Anh Đào: hạ mình học hỏi rất nhiều nhưng không bao giờ mất bản sắc!

Trong quyển Lược Sử Phật Giáo Nhật Bản,  Shinsho Hanayama đã tổng kết về sự nghiệp chính trị của Thái tử Thánh Đức như sau:

Trong thời gian 30 năm chấp chính THÁNH ĐỨC THÁI TỬ đã xây dựng vững chắc nền tảng của vương quyền và nỗ lực nâng cao nền văn hóa Nhật-bản. THÁNH ĐỨC THÁI TỬ xem Phật giáo là suối nguồn tư tưởng và tiến hành công cuộc cải cách rộng khắp. Ngài mở mang trường học và ban hành một hiến pháp, cử sứ thần và đưa sinh viên sang Trung Hoa để thu thập kiến thức mang về. Ngài kích khởi nền công nghiệp và không quên để tâm đến việc săn sóc nuôi dưỡng những người bịnh hoạn, trẻ mồ côi và người già yếu. Ngài đưa ra những phương sách để cải thiện hệ thống giao thông liên lạc và không quên hướng dẫn dân chúng biết bảo dưỡng súc vật. Dưới sự chỉ đạo của THÁNH ĐỨC THÁI TỬ quyển lịch sử nước Nhật được biên soạn. Những thành tựu to lớn trong thời THÁNH ĐỨC THÁI TỬ chấp chính quả thật đã đánh dấu một thời đại huy hoàng trong lịch sử của nước Nhật-bản.[13]

 V. CÔNG ĐỨC HỘ TRÌ PHẬT GIÁO NHẬT BẢN BUỔI SƠ KHAI CỦA THÁI TỬ

1. Hộ trì Tam bảo

Đối với Phật giáo, Thái tử dốc sức hưng long Tam bảo, xây chùa, giảng kinh, viết sớ giải các bộ kinh đại thừa… Thái tử đã cho xây dựng nhiều chùa như chùa Hòryù (Pháp Long), chùa Shintennò (Tứ Thiên Vương), chùa Chùgù (Trung Cung), chùa Ikejiri (Trì Hậu)… Ngày nay, chùa Hòryù là ngôi chùa bằng gỗ xưa nhất thế giới. Nó thật sự là một di sản văn hóa thế giới của Nhật Bản.

Theo lời thỉnh của Thiên hoàng, Thái tử đã từng giảng Kinh Thắng-man, Kinh Pháp Hoa. Và Thái tử đã viết sớ giải ba bộ kinh, được gọi là Sangyogisho (Tam kinh nghĩa sớ): Pháp Hoa Kinh Sớ, Duy-ma Kinh SớThắng -man Kinh Sớ.[14]

Đối với nền Phật giáo Nhật Bản, Thái tử được tôn kính như một nhà sáng lập: “Thái tử Shotoku (572-622) là người Nhật Bản đầu tiên thực sự hiểu hết các giá trị cao cả của đạo Phật và tin tưởng vào nó cũng như bản thân đức Thích Ca. Ông chính là người sáng lập ra Phật giáo Nhật Bản một cách chính thức, thế nên, sau này thậm chí ông còn được xem là hóa thân của đức Phật.”[15]

Với dụng ý muốn dùng Phật giáo để cải tổ đất nước, nên giới lãnh đạo Nhật Bản đã khuyến khích Phật giáo đi vào nước họ. Sự tranh thủ Phật giáo quá trớn của chính phủ đã tạo ra một nền Phật giáo Nhật Bản sơ khai có phần hạn chế, cục bộ trong giới quý tộc. Theo Andrew Skilton, chính Thái tử Thánh Đức cũng có một phần trách nhiệm trong việc này:

Kết quả của chính sách này là trong nhiều thế kỷ, Phật giáo đã chủ yếu thu hẹp trong giới quý tộc, ít có sự tiếp xúc với giới bình dân và chịu nhiều sự bất lợi do sự đỡ đầu chính trị. Chính sách này được tiêu biểu bởi thái tử Shotoku (574-622), là người muốn có một nhà nước tập quyền dưới sự điều khiển của một hoàng đế theo kiểu của đế quốc Trung Hoa, và cổ võ sự phát triển của Phật giáo để tạo sự kích thích văn hóa.[16]

Thời Thái tử Thánh Đức, Phật giáo tuy đã trở thành quốc giáo của Nhật Bản nhưng vẫn đang trong giai đoạn phiên dịch, lý luận, chưa phát huy hết những giá trị của Phật giáo, chưa hoàn toàn thế chỗ Thần đạo trong dân gian. Chính đến thời Heian, Kamakura, Phật giáo Nhật Bản mới được hoàn thiện và mạnh mẽ. Do vậy, Thái tử cũng phải bị một số hạn chế khách quan do hoàn cảnh lịch sử. Trong khi triều đình Nhật Bản tiếp nhận Phật giáo mang tính chính trị, dân chúng Nhật Bản đến với Phật giáo bằng những tín ngưỡng sùng bái thần, mà Thái tử đã học Phật, giảng Pháp, viết chú sớ cho ba bộ kinh Đại thừa… thì chúng ta không thể kết luận là Thái tử đã không biết được cách hộ Pháp đúng đắn. 

 2. Tam Kinh Nghĩa Sớ và Tinh thần Thánh Đức

Theo Kimura Taiken, trong 13 phái Phật giáo thời Tùy, Đường của Trung Quốc, chỉ có Tỳ-đàm tôn (Câu-xá tôn) có thể nói là chân chính Tiểu thừa, còn 12 phái kia (Thiền tông, Hoa Nghiêm tông, Thiên Thai tông, Duy Thức tông…), trên bản chất thì thuộc Tiểu thừa, nhưng đều tự coi mình là Đại thừa!... Từ kiến giải này, Kimura Taiken đã đề cao tính Đại thừa thuần túy của Phật giáo Nhật Bản và ông đã liên hệ đến khởi nguyên của Phật giáo Nhật Bản là từ Thái tử Thánh Đức như sau:

…Phật giáo Nhật Bản phát huy đặc chất của Đại Thừa, coi nhẹ phần ẩn dật mà thiên trọng phần hoạt động, coi nhẹ phần học vấn mà trọng phần thực hành. Điểm này ta hãy lấy ngay trường hợp của Thái tử Thánh Đức sẽ rõ: Thái tử Thánh Đức chú thích kinh Pháp Hoa đến đoạn nói “nên ở những nơi núi rừng u tịch mà tu luyện” thì ông chua thêm là: “không nên, vì mục đích của đạo Phật là lấy sự hoạt động ngay giữa xã hội thực tiễn để phát huy cơ năng của mình”. Và mãi mãi về sau tinh thần Thánh Đức đã trở thành tinh thần chỉ đạo của Phật giáo-giới Nhật-Bản.[17]

Qua nhận xét trên của ngài Kimura Taiken, chúng ta mới nhận ra rằng sẽ rất là thiếu sót nếu đánh giá về công đức hộ trì Phật giáo Nhật Bản của Thái tử Thánh Đức mà không xem xét bộ Tam Kinh Nghĩa Sớ của Thái tử. Tuy nhiên, do điều kiện học và nghiên cứu có phần hạn chế, các Tăng, Ni sinh cũng khó mà làm được công việc trên. Hiện nay, ba tác phẩm chú sớ của Thái tử đã được nhập vào Taisho Tripitaka, ở dạng sách và bản điện tử chữ Hán, chưa được chuyển dịch ra Việt ngữ.

Nhưng qua những kiến thức do hòa thượng Thiên Ân cung cấp, chúng ta có thể hiểu biết phần nào về sự việc chú giải ba bộ kinh của Thái tử. Dựa theo Nihonshoki, Hòa thượng cho biết: Thái tử đã giảng Kinh Thắng-man trong vòng ba ngày và giảng xong bộ Kinh Diệu Pháp Liên Hoa cho Thiên hoàng Suiko cùng các quý tộc, quan lại nghe. Sau khi Thái tử giảng xong, mọi người đều rất khâm phục tài năng, trí tuệ của Thái tử. Riêng Thiên hoàng đã tặng cho Thái tử 100 mẫu ruộng ở tỉnh Phan-ma-quốc.

Giảng kinh xong, Thái tử sớ thích Kinh Thắng-man từ năm 609 đến năm 611, sớ thích Kinh Duy-ma từ năm 612 đến năm 613, sớ thích Kinh Pháp Hoa từ năm 614 đến năm 615. Như vậy, trong vòng 6 năm, Thái tử đã chú giải xong ba bộ kinh trên.

 Vì sao Thái tử chỉ giảng giải và chú thích ba kinh trên thôi? Câu hỏi này đã từng được đặt ra trong giới Phật giáo Nhật Bản. Mọi người đã bàn cãi và đa số đã cho rằng: ba kinh trên là những kinh căn bản, có ý nghĩa thù thắng, có lý luận sâu sắc nhất của Phật giáo Đại thừa.[18]

Ba bộ kinh mà Thái tử đã chú giải đều chứa đựng những diệu lý cao siêu, nhưng chúng đều ngắn gọn hơn các kinh Đại thừa khác như Hoa Nghiêm, Đại Bát Niết-bàn, Đại Bát-nhã… Ba tác phẩm chú giải đó gồm 8 quyển. Chúng là những tác phẩm đầu tiên được viết bằng tiếng Nhật. Loại chữ được dùng trong ba tác phẩm đó là thứ chữ Nhật cổ xưa nhất mà ngày nay người ta được biết. Đặc biệt, tác phẩm Hokekyogisho (Pháp Hoa Kinh Nghĩa Sớ) nguyên bản do chính Thái tử thủ bút đến nay vẫn còn được gìn giữ tại hoàng cung Nhật Bản.[19]

Chúng ta cũng có thể hình dung được đặc điểm của những tư tưởng Phật giáo do Thái tử triển khai qua ba bộ kinh mà Thái tử đã sớ giải. Trong ba bộ đó, thì Kinh Thắng-man đề cao một nữ cư sĩ: phu nhân Thắng-man, con vua Pasenadi và hoàng hậu Malika; còn Kinh Duy-ma-cật đề cao một vị nam cư sĩ: trưởng giả Duy-ma-cật. Chú giải Pháp Hoa thì Thái tử khuyên người Phật tử phải hoạt động ngay giữa xã hội. Còn hai kinh kia đã triển khai Phật pháp quanh trọng tâm là vị thế cư sĩ. Thế thì, dùng ngôn ngữ của Nguyễn Lang mà nói, tư tưởng Phật giáo của Thái tử là tư tưởng nhập thế, tích cực, là Tịnh độ cầm tay (giống điện thoại trao tay…), là từng bước vào Tịnh độ… Shinsho Hanayama đã thuyết minh rõ hơn Kimura Taiken về “tinh thần Thánh Đức” đã định hướng cho nền Phật giáo Nhật Bản như thế nào:

Đức Phật mà THÁNH ĐỨC THÁI TỬ thờ phụng là đức Phật Pháp Thân; Giáo Lý mà Thái Tử đặt trọn niềm tin là Giáo Lý Nhất Thừa, tức là Một Cỗ Xe Duy Nhất. Trong đạo lý Nhất Thừa thì không có sự phân biệt giữa cư sĩ và tu sĩ. THÁNH ĐỨC THÁI TỬ chủ trương rằng đạo lý nhất thừa phải là đạo lý của cuộc sống hằng ngày và người ta không cần phải từ bỏ người vợ và những đứa con thân yêu của mình, không cần phải đi vào rừng sâu núi thẳm để đắm mình trong thiền định. Quan điểm tu tập như vậy đã xây dựng lên một pháp môn mang sắc thái đặc biệt Nhật-bản.[20]

 VI. KẾT LUẬN

Với vài chục năm ngắn ngủi của một kiếp người phù du, người ta có thể học hỏi được gì ở cuộc đời và có thể làm được gì cho mọi người? Câu hỏi xác định ý nghĩa của kiếp nhân sinh này sẽ giúp chúng ta đánh giá được nhân phẩm và công lao của một con người.

Đối với Thái tử Thánh Đức, cuộc đời và sự nghiệp của ông đã gắn liền với lịch sử dân tộc Nhật Bản. Nhìn đất nước Nhật Bản giàu đẹp ngày nay, chắc rằng người ta sẽ nhớ đến người đã soạn thảo và ban hành bản hiến pháp đầu tiên của đất nước này. Đồng thời, những cải cách văn hóa và xã hội Nhật Bản của Thái tử Thánh Đức cũng sẽ được hậu thế mãi mãi tri ân.

Bên cạnh đó, cuộc đời của Thái tử Thánh Đức cũng gắn liền với lịch sử Phật giáo Nhật Bản. Đến với một nền Phật giáo vô cùng đặc sắc và không ngừng gắn bó với vận mệnh của dân tộc như Phật giáo Nhật Bản, có ai là không nhớ đến người được các tín đồ tôn xưng là bậc Tổ sư sáng lập Phật giáo ở nước này. Đặc biệt hơn nữa là người ấy là một cư sĩ, một tể tướng, chứ không phải là một tu sĩ Phật giáo. Người ấy xứng đáng là một người con ưu tú của Nhật Bản.

Phật giáo đối với dân tộc Nhật Bản là một tôn giáo từ Triều Tiên và Trung Quốc truyền đến, chứ không phải là tôn giáo chính thống của Nhật Bản. Nhưng nhờ các vị Thiên hoàng từ đời này đến đời khác một lòng tôn sùng Tam bảo, nhiệt tâm ủng hộ và truyền bá Phật giáo, nên dần dần Phật giáo biến thành tôn giáo của quốc gia, liên hệ mật thiết đến sự sinh tồn của dân tộc Nhật Bản. Truyền thống tốt đẹp này đã được bắt đầu từ Thái tử Thánh Đức.

So với các vị vua hộ Pháp lừng danh khác trong Phật giáo, Thái tử Thánh Đức cũng có điểm đại đồng tiểu dị. Các vị vua hộ Pháp ấy thật chẳng khác nào các bậc Bồ-tát thị hiện làm quân vương để hộ trì Phật pháp tại nhân gian. Từ vua Bimbisara, vua Pasenadi… ở Ấn Độ vào thời đức Phật, đến các vua Lương Võ Đế (464-549) ở Trung Quốc, vua Trần Thái Tông (1218-1277) ở Việt Nam, vua Jayavarman VII (thế kỷ XII) của đế quốc Khmer, vua Mindon (1808-1878) của Miến Điện… các vị vua này đều có điểm tương đồng là hết lòng hỗ trợ cho sự hoằng pháp của đức Phật và Tăng-già, đều dùng Phật pháp để góp phần điều hành đất nước và xây dựng xã hội lành mạnh, và bản thân các vị ấy cũng tham gia tìm hiểu và tu tập theo Phật pháp. Điểm khác biệt nhỏ ở Thái tử Thánh Đức là ngài được tôn xưng là vị Tổ sư sáng lập Phật giáo Nhật Bản. Trong khi vua Lương Võ Đế để lại cho hậu thế hàng trăm tác phẩm Phật giáo, thì Thái tử Thánh Đức chỉ để lại một bộ Tam Kinh Nghĩa Sớ, nhưng “Tinh thần Thánh Đức” đã in dấu rất sâu sắc lên nền Phật giáo Nhật Bản, mà có dịp thì chúng ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về tinh thần đó trong bộ sớ giải của Thái tử.

Đến với chuyên ngành lịch sử, chúng ta được du lịch khắp nơi qua những trang sách nhỏ bé nhưng chứa nhiều điều kỳ diệu. Nền Phật giáo thế giới với hơn 2500 năm thật vô cùng phong phú, đặc sắc và có biết bao nhiêu nhiệm mầu. Và hôm nay, một lần dạo qua xứ Phù-tang, theo dõi nền Phật giáo Nhật Bản đặc sắc với Nhật Liên Tông và Tịnh Độ Chân Tông… thì chúng ta lại nhớ đến vị Sơ Tổ của nền Phật giáo nước này: đó chính là Thái tử Thánh Đức.



Chú thích: 

[1]Đông di, Tây nhung, Nam man, Bắc địch, chỉ có Trung Nguyên mới văn minh. Đây là lòng tự tôn của dân tộc Hán đời xưa, cho rằng ở bốn phương đều là các dân tộc mọi rợ.

[2]Lê Thông (tổng chủ biên), Địa Lí 11, Hà Nội, Nxb Giáo Dục, 2007, tr. 74.

[3]Giác Dũng, Lịch Sử Phật Giáo Nhật Bản, Hà Nội, Nxb Tôn Giáo, 2002, tr. 12, 13.

[4]Thích Thiên Ân, Lịch Sử Tư Tưởng Nhật Bản, Sài Gòn, Đông Phương xuất bản, 1965, tr. 257.

[5]TS Thích Minh Thành dịch, Lược Sử Phật Giáo Nhật Bản của Shinsho Hanayama, Tp. HCM, Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 2002, tr. 17.

[6]Thích Minh Cảnh chủ biên, Từ Điển Phật Học Huệ Quang, tập VI, Tp. HCM, Nxb Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh, 2005, tr. 5088.

[7]Thích Thiên Ân, Op.cit., tr. 41-47.

[8]Châm Vũ dịch, Nhật Bản Tư Tưởng Sử của Ishi Da Kazu Yoshi, tập I, thiếu nơi xb, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa xuất bản, 1972, tr. 125.

[9]Ban Văn Hóa Trung Ương, tạp chí Nghiên Cứu Phật Học số 5 năm 2002, “Đạo Phật ở Nhật Bản” của Đỗ Công Định – Thích Minh Đăng, tr.33.

[10]Giác Dũng, Op. Cit., tr. 55.

[11]Thích Thiên Ân, Op. Cit., tr. 28.

[12]Ban Văn Hóa Trung Ương, Loc. Cit.

[13]TS Thích Minh Thành dịch, Op. Cit., tr. 10.

[14]Giác Dũng, Op. Cit., tr. 53.

[15]Ban Văn Hóa Trung Ương, Loc. Cit.

[16]Nguyễn Văn Sáu dịch, Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế Giới của Andrew Skilton, Tp. HCM, Nxb Tổng Hợp Tp Hồ Chí Minh, 2004, tr. 215.

[17]Thích Quảng Độ dịch, Đại Thừa Phật Giáo Tư Tưởng Luận của Kimura Taiken, Sài Gòn, Ban tu thư Viện đại học Vạn Hạnh, 1969, tr. 170-172.

[18]Thích Thiên Ân, Op. Cit., tr. 276.

[19]TS Thích Minh Thành dịch, Op. Cit., tr. 14.

[20]Ibid., tr. 16.

Nguồn: anhnhiendang.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét