Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

Ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 của Hoà thượng Thích Chí Mãn

Vừa qua, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến đóng góp dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 gồm các vị là chức sắc tôn giáo, doanh nhân, nhân sĩ trí thức, kiều bào, dân tộc thiểu số, luật gia và các thành viên hội đồng tư vấn, có nhiều ý kiến chân thành, thẳng thắng, trí tuệ và tâm huyết. Trân trọng giới thiệu ý kiến đóng góp của Hòa thượng Thích Chí Mãn - Phó Trưởng Ban Trị sự thành hội Phật giáo Đà Nẵng.


Là một tu sĩ Phật giáo được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng mời dự hội thảo lấy ý kiến góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, tôi nhận thấy đây là vinh dự và cũng là nghĩa vụ công dân của mình đối với Tổ quốc. Do vậy với tư cách cá nhân tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Trước tiên tôi nhận xét chung về cấu trúc bản dự thảo:

Sau khi nghiên cứu toàn bộ bản dự thảo, so với Hiến pháp năm 1992 tôi nhận thấy bản dự thảo Hiến pháp lần này có cấu trúc các chương, điều, các khoản được bố cục liền mạch theo hệ thống, có sự liên kết nội dung thể hiện tầm quan trọng theo vấn đề ưu tiên. 

Ví dụ Chương I có 14 điều nhằm xác định chế độ chính trị của quốc gia, bao gồm chủ quyền lãnh thổ, tính chất họat động của hệ thống các cơ quan công quyền cũng như các tổ chức chính trị - xã hội trong hệ thống chính trị, trong đó chủ quyền và quyền làm chủ thuộc về nhân dân.

Tiếp theo đó là Chương II xác định quyền con người, quyền công dân sống trong chế độ đó, đồng thời làm rõ quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. 

Chương III là chương kinh tế, xã hội, văn hóa giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường. Với 16 điều xác định những điều kiện nhằm đảm bảo sự sống và phát triển của con người trong quốc gia đó. Những vấn đề này ở bản Hiến pháp năm 1992 có tới 2 chương và 29 điều, nhưng lại không rõ như bản dự thảo lần này.

Kế tiếp là Chương IV bảo vệ tổ quốc, chương này tuy có sửa đổi nhưng về cơ bản vẫn như bản Hiến pháp năm 1992. Từ Chương V đến Chương X là các chương điều xác định hệ thống các tổ chức pháp lý và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, bản dự thảo lần này có một chương mới đó là Chương Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng bầu cử quốc gia, kiểm tóan nhà nước, điều này chứng tỏ Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Quốc hội khóa XIII nhận thấy khiếm khuyết của Hiến pháp năm 1992. Do vậy, cần phải bổ sung để làm cho các hoạt động lập pháp, hành pháp và tư pháp được đảm bảo minh bạch, công bằng và dân chủ. Tuy nhiên, với nội dung của khoản 1 và khoản 2 điều 9 được ghi trong dự thảo thì rõ ràng vai trò vị trí của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là rất quan trọng trong đời sống chính trị của đất nước với hai nhiệm vụ là đại đoàn kết toàn dân tộc và phản biện xã hội. Thế nhưng, tổ chức chính trị này chỉ đặt ở vị trí điều 9 của dự thảo là chưa tương xứng, hơn nữa nhiệm vụ phản biện xã hội không rõ ràng.

Một vấn đề khác của Mặt trận mà tôi muốn đề cập là giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức được ghi trong dự thảo quá mờ nhạt. Nếu tôi nhớ không nhầm thì toàn bộ bản dự thảo lần này giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức chỉ vỏn vẹn tám chữ “Giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức”. Tôi nghĩ Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp đề cập đến tổ chức Mặt trận Tổ quốc Việt Nam như vậy là chưa thoả đáng, chưa phản ánh đầy đủ tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc đã được ghi trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Vì lẽ trên, tôi đề nghị nên để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có một chương riêng để chuyển tải đầy đủ vai trò, vị trí và nhiệm vụ của Mặt trận cũng như các tổ chức thành viên, đồng thời làm rõ vai trò phản biện xã hội của Mặt trận.

Đối với điều 11, hai khoản của điều này thuộc phạm vi chủ quyền lãnh thổ nhưng lại đặt vào vị trí điều 11 là chưa tương xứng. Do đó, tôi đề nghị chuyển hai khoản này vào điều 1 là phù hợp hơn.

Mặc dầu vậy tôi cho rằng cấu trúc bản Hiến pháp như dự thảo là tương đối khoa học, tiến bộ, mang tính chất bền vững lâu dài.

Về góp ý cụ thể, tôi xin đề nghị sửa đổi một số câu chữ mang tính chất kỹ thuật như sau:

Đề nghị bỏ hai chữ công dân, thêm chữ giới vào khoản 2 điều 27 như sau: Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền bình đẳng giới giữa nam và nữ trên mọi lãnh vực. Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội. Bởi vì nếu để hai chữ công dân vào vị trí đó thì có nghĩa là các chính sách của nhà nước trên lãnh vực này chỉ dành cho người đủ 18 tuổi trở lên.

Đề nghị bổ sung thêm khoản 3 điều 29 như sau: Công dân có quyền trình dự án luật ra Quốc hội. Đề nghị này xuất phát từ thực tế trong đời sống xã hội hiện tại có những vấn đề mới nảy sinh, những hành vi tội phạm mới nảy sinh. Do vậy, theo tôi Hiến pháp lần này có quy định khoản đó để công dân là những người bị hại hoặc có liên quan được trình dự án luật ra Quốc hội xem xét.

Đề nghị bổ sung khoản 2 điều 34 hai chữ hợp pháp. Thành khoản 2 như sau: Nhà nước bảo hộ quyền tự do kinh doanh hợp pháp. Bởi vì, nếu thiếu hai chữ hợp pháp sẽ hiểu là tự do kinh doanh hàng hóa gì cũng được, chất lượng như thế nào cũng được và ở đâu cũng được.

Đề nghị sửa khoản 1 điều 41 bỏ hai chữ công dân thay vào đó hai chữ mọi người. Mọi người đều có quyền bảo vệ sức khỏe, bình đẳng trong việc sử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng khám chữa bệnh. Bởi vì quyền con người và quyền công dân là hai khái niệm khác nhau. Quyền được bảo vệ sức khỏe không phân biệt trẻ già, nam nữ. Nếu để hai chữ công dân sẽ làm cho người ta hiểu là người đủ 18 tuổi trở lên mới có quyền được bảo vệ sức khỏe.

Đối với khoản 2 điều 58 nói về thu hồi đất. Tôi đề nghị tách trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội ra thêm khoản 4 là thu hồi đất để thực hiện dự án phát triển kinh tế xã hội phải đảm bảo lợi ích lâu dài cho người dân bị thu hồi.

Không thể để tình trạng người bị thu hồi đất bị tước nguồn sinh sống, phải chịu cảnh nghèo khổ, còn chủ đầu tư dự án thì giàu lên nhanh chóng. Điều đó không công bằng. Đó cũng là nguyên nhân phát sinh mâu thuẫn, tranh chấp khiếu kiện trong nhân dân những năm qua.

Đối với điều 25 về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được sửa đổi bổ sung trong dự thảo lần này ghi như vậy là vừa đủ. Tôi chỉ mong sau khi Hiến pháp được thông qua thì các đạo luật hoặc văn bản pháp quy cần quy định cụ thể mọi người thực hiện và thụ hưởng quyền đó như thế nào để sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo được tôn trọng và bình đẳng.

Riêng đối với vai trò lãnh đạo của Đảng đã được ghi nhận trong Hiến pháp 1992 và tái khẳng định trong dự thảo lần này thì tôi biết trong thời gian qua có rất nhiều ý kiến thảo luận. Riêng cá nhân tôi không có ý kiến gì. Bởi vì dù Hiến pháp có ghi nhận hay không ghi nhận điều đó thì Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn là tổ chức chính trị nắm vai trò lãnh đạo đất nước, chưa có tổ chức chính trị nào có thể dành quyền lãnh đạo với Đảng, tranh chấp vai trò của Đảng. Chỉ khi nào Đảng làm mất vai trò của mình dẫn đến lòng tin với Đảng của nhân dân không còn, lúc đó Đảng Cộng sản Việt Nam có muốn giữ vai trò lãnh đạo cũng không thể nào giữ được. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta các vị tiền bối đã dạy “Nâng thuyền là dân, lật thuyền cũng là dân”, “Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh”. 

Kết luận đó vẫn là bài học muôn thuở. Vì vậy, tôi xin bày tỏ sự lo lắng đối với vận mệnh của quốc gia, dân tộc và chia sẻ ưu tư với các vị lãnh đạo của Đảng  và Nhà nước về thực trạng đạo đức suy đồi, hiện tượng tranh quyền trục lợi, kế thừa quyền lực gia đình, dòng họ trong một bộ phận cán bộ Đảng viên những năm gần đây làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng trong nhân dân. Vấn đề này Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đã có đánh giá nhận định. Đảng cần phải đổi mới phương pháp lãnh đạo, dân chủ, cởi mở và minh bạch trong tổ chức họat động cho phù hợp với cơ chế thị trường, đồng thời phải quyết tâm chỉnh đốn và triệt để chống tham nhũng, quan liêu xa rời quần chúng.

Nguồn:http://www.danangcity.gov.vn/portal/page/portal/danang/mttqvn/tin_tuc_su_kien/mat_tran_thanh_pho?p_pers_id=&p_folder_id=20304791&p_main_news_id=36570426&p_year_sel=

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét