Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Năm, 2 tháng 6, 2011

Đề thi tốt nghiệp THPT năm 2011 - Môn Văn


I. Phần chung cho tất cả thí sinh (5,0 điểm).

Câu 1. (2,0 điểm)
Trong đoạn cuối truyện ngắn “Chiếc thuyền ngoài xa” của Nguyễn Minh Châu, nhân vật nghệ sĩ Phùng mỗi khi ngắm kỹ và nhìn lâu hơn  tấm ảnh do mình chụp thường thấy hiện lên những hình ảnh nào? Những hình ảnh đó nói lên điều gì?

Câu 2. (3,0 điểm)
Trước nhiều ngả đường đi đến tương lai, chỉ có chính bạn mới lựa chọn được đúng con đường cho mình. Viết một đoạn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

II. Phần riêng - phần tự chọn (5,0 điểm)
Thí sinh chỉ được làm một trong hai câu (câu 3.a hoặc câu 3.b) 

Câu 3.a. Theo chương trình Chuẩn (5,0 điểm)
Phân tích đoạn thơ sau trong bài Tây Tiến của Quang Dũng:
Sông Mã xa rồi Tây Tiến ơi
Nhớ về rừng núi nhớ chơi vơi
Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi
Mường Lát hoa về trong đêm hơi
Dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm
Heo hút cồn mây súng ngửi trời
Ngàn thước lên cao ngàn thước xuống
Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Gục lên súng mũ bỏ quên đời
Chiều chiều oai linh thác gầm thét
Đêm đêm Mường Hịch cọp trêu người
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
(Ngữ văn 12, Tập một, tr.88, NXB Giáo dục – 2009).

Câu 3.b. Theo chương trình Nâng cao (5,0 điểm)
Phân tích nhân vật Tràng trong truyện Vợ Nhặt của Kim Lân (phần trích trong Ngữ văn 12 Nâng cao, Tập hai, NXB Giáo dục – 2008)

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO



NHẬN ĐỊNH ĐỀ THI TỐT NGHIỆP THPT 2011 MÔN VĂN

Điều bất ngờ nhất đối với các thí sinh năm nay chính là câu 1 (2 điểm). Bởi vì hàng chục năm nay, câu này thường cho nội dung về văn học nước ngoài, nếu có ra về văn học Việt Nam thì cũng ra theo kiểu "nêu hoàn cảnh sáng tác, tác giả,..." mà thôi.

Theo tôi, câu này rất hay và lạ, đòi hỏi thí sinh phải nắm rõ tác phẩm và phải tư duy. Câu hỏi ra theo hướng mở, lại hỏi về một chi tiết ở cuối truyện nên sẽ có nhiều học sinh khi học, ôn bài sẽ bỏ qua chi tiết này. Còn đối với những HS ôn bài theo văn mẫu, theo dạng học thuộc lòng thì cũng sẽ không làm được, bởi các bài văn mẫu phân tích tác phẩm không hề nhắc đến chi tiết ở cuối truyện. Mặc dù câu số 1 chỉ có 2 điểm nhưng sẽ giúp giáo viên và học sinh đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập: không học tủ, học thuộc lòng.

Câu số 2 (3 điểm) cũng khá hay: hỏi về mục đích sống của tuổi trẻ, rất phù hợp với hòan cảnh, tâm sinh lý lứa tuổi học sinh lớp 12 đang phải lựa chọn hướng tương lai cho cuộc đời của mình. Tuy nhiên, học sinh dễ viết lan man và dễ mất điểm nếu không xác định được ý chính của của câu hỏi.

Câu số 3 (5 điểm) là một câu bình thường, quen thuộc, vừa sức với học sinh. Nếu học sinh có học bài hay nói chính xác hơn là cứ học thuộc lòng là làm được.

Nhìn chung, đề thi này có câu 1 và 2 thuộc dạng đổi mới, còn câu 3 thì lại ra theo "lối mòn": mới chỉ đổi mới được 50% chứ chưa đổi mới hoàn toàn.

Thầy Huỳnh Ngô Thanh Dũng
Giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, TP.HCM - TTO

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét