Các giáo viên có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ với thí sinh về cấu trúc đề thi và những lưu ý quan trọng về cách làm bài thi để đạt kết quả cao nhất.
Môn văn: phải biết tổng hợp vấn đề
Theo dõi các đề thi tuyển sinh ĐH môn văn nhiều năm gần đây, chúng ta thấy nội dung đề thi thường nằm trong chương trình ngữ văn lớp 11, lớp 12 gồm chương trình cơ bản và nâng cao. Trong đó thí sinh cần chú ý một số nội dung.
Câu 1: là phần kiểm tra kiến thức, thường xoay quanh năm tác giả: Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Nam Cao, Nguyễn Tuân, Xuân Diệu. Câu hỏi thường yêu cầu làm rõ ý nghĩa nhan đề của tác phẩm, tình huống truyện, phong cách sáng tác, nêu giá trị nhân đạo của tác phẩm, so sánh các giai đoạn văn học...
Đây là câu lý thuyết nên thí sinh cần làm chính xác, rõ ràng những kiến thức trong sách giáo khoa. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ có vậy mà thí sinh cần trình bày cả cách hiểu, cảm nhận của mình về vấn đề đó.
Câu 2: luôn là câu nghị luận xã hội. Đề thường xoay quanh các chủ đề tư tưởng - đạo lý và những hiện tượng trong đời sống. Lưu ý, trong khi làm bài, tuy phần giải thích rất quan trọng, nhưng nếu cảm thấy từ ngữ đó có thể nêu được khái niệm mà không thể nào giải thích được thì chỉ nên nêu nội dung chung, để tránh trường hợp giải thích sai.
Bởi vì khi đã giải thích sai, mọi việc lập luận hoặc mô tả sau đó đều đi sai hướng. Hãy nhớ thêm rằng tuy đề tài mênh mông, nhưng tất cả đều có một mục đích là giúp chúng ta sống tốt hơn và có ích hơn.
Câu 3: đây là phần nghị luận văn học (câu 3a, 3b) và là nội dung có số điểm nhiều nhất, nhưng rất nhiều học sinh thường chỉ tập trung vào chương trình 12 và bỏ hẳn chương trình 11, hoặc chỉ học văn xuôi và hoàn toàn bỏ phần thơ. Thí sinh không nên học tủ như thế. Các em phải học tất cả những tác phẩm chính có trong chương trình thi.
Các kiểu đề thường gặp như sau: phân tích giá trị nhân đạo của tác phẩm, cảm nhận về hình tượng văn học, bình giảng một đoạn thơ, bài thơ; so sánh các hình tượng văn học trong cùng một tác phẩm hoặc hai tác phẩm khác nhau, phân tích tác phẩm hoặc một hình tượng để làm rõ một vấn đề nào đó...
Ngoài ra, những tác phẩm về cảm hứng thế sự sau năm 1975 cần luyện tập kỹ, vì phần lớn các em rất lúng lúng khi tiếp cận đề tài này. Với những đề liên quan đến hai tác phẩm của hai tác giả, thí sinh không chỉ cần có kỹ năng phân tích thơ mà phải có khả năng tổng hợp khái quát được vấn đề.
Những bài làm được điểm cao ở câu này là những bài có vốn kiến thức văn học, có kỹ năng làm bài tốt và có tư duy khái quát, tổng hợp vấn đề. Ngoài ra thí sinh cũng cần có những cảm xúc về nét đẹp trong văn học.
GV Nguyễn Đức Hùng
Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM
Môn địa lý: chú ý nội dung chương trình chuẩn
Cấu trúc đề thi địa lý những năm gần đây thường được phân bổ như sau:
Câu 1: (2 điểm) thường có nội dung về địa lý tự nhiên và địa lý dân cư. Địa lý tự nhiên thường nằm trong các nội dung: lịch sử hình thành và phát triển lãnh thổ, đất nước nhiều đồi núi, thiên nhiên chịu ảnh hưởng sâu sắc của biển, thiên nhiên nhiệt đới ẩm gió mùa, sử dụng và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên...
Địa lý dân cư gồm các vấn đề: đặc điểm dân số và phân bố dân cư, lao động và việc làm, đô thị hóa. Để làm được câu này các em cần phải đọc kỹ sách giáo khoa, hệ thống và sắp xếp lại theo từng vấn đề. Rút ra những ý chính và ghi nhớ những ý đó.
Câu 2: (3 điểm) thường có nội dung về vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bao gồm địa lý các ngành kinh tế và địa lý các vùng kinh tế. Địa lý các ngành kinh tế thường có các nội dung: một số vấn đề phát triển và phân bố nông nghiệp (đặc điểm nền nông nghiệp, vấn đề phát triển nông nghiệp, vấn đề phát triển ngành thủy sản và lâm nghiệp, tổ chức lãnh thổ nông nghiệp), một số vấn đề phát triển và phân bố công nghiệp (cơ cấu ngành công nghiệp, vấn đề phát triển một số ngành công nghiệp trọng điểm, vấn đề tổ chức lãnh thổ công nghiệp)...
Địa lý các vùng kinh tế có các nội dung: vấn đề chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo ngành ở đồng bằng sông Hồng, vấn đề khai thác lãnh thổ theo chiều sâu ở Đông Nam bộ, vấn đề phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng ở biển Đông và các đảo, quần đảo. Các vùng kinh tế trọng điểm. Các em nên soạn bài lại theo các chủ đề như trên bằng các gạch đầu dòng từng ý chính.
Với câu hỏi này, thường thí sinh phải trả lời câu hỏi “tại sao?”, giải thích, nhận xét, trình bày, so sánh sự giống nhau và khác nhau giữa hai hay nhiều hiện tượng địa lý. Đôi khi đề yêu cầu phân tích và chứng minh một vấn đề địa lý nào đó.
Câu 3: (3 điểm) thường là câu kiểm tra kỹ năng thực hành như: vẽ lược đồ VN và điền một số đối tượng địa lý lên lược đồ. Vẽ biểu đồ, nhận xét và giải thích. Phần này cũng đòi hỏi học sinh phải hiểu được bảng số liệu để phân tích và đưa ra nhận xét phù hợp. Các em cần phải nắm vững phương pháp vẽ các loại biểu đồ như: biểu đồ cột, biểu đồ tròn hay biểu đồ miền...
Theo cấu trúc đề vừa nêu ở trên, nội dung của chương trình chuẩn ít hơn chương trình nâng cao. Do đó, để tiết kiệm thời gian khi ôn luyện, các em nên chọn chương trình chuẩn.
GV Đặng Thị Chiếu Huyền
Trường THPT Lạc Hồng, TP.HCM
Môn sử: tập trung kiến thức lịch sử Việt Nam
Đề thi môn sử tuyển sinh ĐH trong những năm gần đây tập trung chủ yếu vào kiến thức lịch sử Việt Nam (ít nhất là ba câu và chiếm 7-8 điểm), chương trình sử thế giới chiếm 2-3 điểm. Cũng có khi trong đề thi không có phần sử thế giới.
Câu 1: thường chỉ yêu cầu thí sinh tái hiện kiến thức trong sách giáo khoa và biết trả lời đúng yêu cầu của câu hỏi.
Câu 2: khó hơn, nhằm mục đích phân loại thí sinh nhiều hơn. Thí sinh cần có cách học hệ thống theo từng chủ đề. Đôi khi câu này yêu cầu trình bày và nhận xét một sự kiện lịch sử nào đó. Do đó câu này có thể là câu đòi hỏi chút suy luận.
Câu 3: thường đòi hỏi học sinh phải biết chọn lọc những chi tiết thích hợp của một giai đoạn lịch sử nào đó và nội dung của câu trả lời thường được đề cập rất kỹ trong sách giáo khoa.
Phần tự chọn thường tương đối dễ, là những câu đại loại như trình bày về một vấn đề lịch sử nào đó, hoặc trình bày về sự ra đời và hoạt động của một tổ chức nào đó; hoặc trình bày hoàn cảnh lịch sử, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của một chiến dịch nào đó...
TS Trần Ngọc Khánh
Trường CĐ nghề Tây Sài Gòn
Theo Tuổi Trẻ
Trường CĐ nghề Tây Sài Gòn
Theo Tuổi Trẻ
Môn tiếng Anh: Ba bí quyết làm bài tốt
Định vị câu hỏi bẫy: Các câu này chủ yếu nằm ở phần cấu trúc ngữ pháp, từ vựng, tìm lỗi sai. Trên thực tế, những câu hỏi này không khó nhưng lại gây sự nghi ngại cho các TS khi lựa chọn đáp án đúng.
Ví dụ: Đề thi ĐH - Khối D (Mã đề 184, câu số 32 - Năm 2010) trong phần tìm lỗi sai:
Many (A) people have found the monotonous (B) buzzing of the vuvuzela in the 2010-World-Cup (C) matches so annoyed (D).
Many (A) people have found the monotonous (B) buzzing of the vuvuzela in the 2010-World-Cup (C) matches so annoyed (D).
Đáp án đúng là (D) bởi vị trí ở đây được sử dụng cho cấu trúc: find something +Adj (Một cấu trúc động tính từ với hai dạng thức V-ed và V-ing). Nhiều thí sinh đã chọn (C) thay vì (D).
Một ví dụ khác cũng trong mã đề thi 184, câu số 42 (năm 2010): The captain as well as all the
passengers ______ very frightened by the strange noise.
passengers ______ very frightened by the strange noise.
(A) is. (B) were. (C) was. (D) have been
Đây là cấu trúc sử dụng liên từ (liên kết as well as) để kết nối chủ ngữ, theo đó động từ sẽ được chia theo chủ ngữ (số ít/số nhiều) đứng trước as well as. Trường hợp này chỉ có is và was là phù hợp, tuy nhiên đây là câu trần thuật, miêu tả một sự việc đã xảy ra. Do vậy đáp án đúng phải là (C).
Tránh các lỗi trong bài đọc hiểu: Đề thi tiếng Anh thường có từ một đến hai bài đọc hiểu, chiếm từ 20 - 28% tổng điểm toàn bài.
Để tránh bị mất điểm oan, TS cần lưu ý một số lỗi sau: cố tìm hiểu chi tiết nội dung của bài viết thay vì cần hiểu ý chính, thông tin câu hỏi có sẵn trong bài hoặc những đáp án lựa chọn cho sẵn. Dành quá nhiều thời gian cho tìm hiểu, phán đoán ý nghĩa của từ vựng thay vì hiểu ý chính của câu và của đoạn để tìm ra ngay đáp án phù hợp.
Làm theo thứ tự câu hỏi thay vì lựa chọn câu hỏi và đáp án phù hợp với nội dung để hoàn thành. Chỉ đọc lướt ý của câu hỏi mà không chú trọng vào nghĩa phủ định của các từ dẫn đến việc hiểu nhầm nội dung câu hỏi.
Những dạng câu hỏi này hay xuất hiện phần phủ định ở cuối câu dùng với liên từ như: but, except, excluding... hoặc cụm từ: not true, not correct, not mentioned, do(es)not refer...
TS nên chọn phần đọc hiểu làm trước (giúp bổ sung hiểu biết, vốn từ, cấu trúc có thể liên quan đến các phần khác trong bài thi). Khi làm phần này, TS nên đọc trước câu hỏi, các đáp án có liên quan đến thông tin trong bài rồi mới tiến hành đọc toàn bài và chọn đáp án chính xác.
Tập trung vào kỹ năng viết: Có 10 câu hỏi liên quan đến kỹ năng viết tiếng Anh (khoảng 1,5/10 điểm). Đề bài yêu cầu TS phải tìm đáp án có nghĩa đúng nhất (tức là đúng nghĩa chứ không phải đúng cấu trúc) với câu đã cho.
Để làm tốt dạng bài này, TS cần tập trung vào kỹ năng diễn đạt bằng tiếng Anh thông qua các chuyên đề ngữ pháp thông dụng và nâng cao trong chương trình sách giáo khoa. Ví dụ: các dạng câu so sánh; câu trực tiếp, câu gián tiếp; câu bị động, câu chủ động; các loại cấu trúc giả định; cấu trúc đảo ngữ, cấu trúc song song…
Thạc sĩ Nguyễn Danh Huy
Giảng viên mạng trực tuyến Global Education
Giảng viên mạng trực tuyến Global Education
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét