Ông Ngô Kim Khôi |
Chiều 29-6 vừa qua, Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 của Bộ GD-ĐT đã có cuộc họp rà soát và thống nhất những khâu cuối cùng trong công tác chuẩn bị tổ chức kỳ thi.
Ngay sau khi vừa kết thúc cuộc họp, ông Ngô Kim Khôi - phó vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục ĐH, phó trưởng ban chỉ đạo - đã cung cấp nhiều thông tin quan trọng cho thí sinh trước khi chính thức bước vào kỳ thi.
* Thí sinh nộp nhiều hồ sơ, nhận được nhiều giấy báo dự thi thì được quyền lựa chọn như thế nào? Sau khi đã đến làm thủ tục dự thi, thí sinh có được thay đổi nữa không, thưa ông?
- Với mỗi hồ sơ đăng ký dự thi đã nộp, thí sinh nhận được một giấy báo thi. Đến ngày thi, thí sinh vẫn có thể thay đổi quyết định cuối cùng của mình. Thí sinh có quyền không đến thi ở trường đã làm thủ tục dự thi, mà đến thi ở trường khác có giấy báo dự thi và chưa làm thủ tục dự thi trong ngày làm thủ tục dự thi.
Trường hợp thí sinh nộp nhiều hồ sơ vào các ngành khác nhau trong cùng một trường cũng tương tự như vậy.
Bộ đã yêu cầu các trường thực hiện một nguyên tắc chung là tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh và không gây bất kỳ khó khăn nào để thí sinh được dự thi.
Tuy nhiên, tôi khuyên thí sinh nên cân nhắc kỹ, tham khảo ý kiến gia đình, thầy cô, bạn bè và có quyết định sớm để chủ động chuẩn bị cho mình tâm lý ổn định và tự tin trước khi bước vào phòng thi, không nên có sự thay đổi vào phút cuối.
* Nhưng nếu đến thời điểm cận kề ngày thi, thí sinh có hai, ba giấy báo dự thi vẫn băn khoăn chưa quyết định được sẽ chọn đến dự thi trường/ngành nào, theo ông, thí sinh nên có quyết định như thế nào cho phù hợp?
- Theo tôi, các em nên quyết định lựa chọn dựa trên bốn yếu tố, lần lượt theo mức độ quan trọng, ưu tiên như sau: trước hết là chọn trường/ngành phù hợp với năng lực bản thân, ví dụ như học lực chỉ đạt loại khá trở xuống thì không nên dự thi vào trường y dược.
Thứ hai là phù hợp với năng khiếu, sở trường, sở đoản của bản thân để khi trúng tuyển, trong quá trình học tập các em thấy hào hứng học tập.
Thứ ba, nên căn cứ vào cả hoàn cảnh cụ thể, điều kiện kinh tế của gia đình để chọn trường cho phù hợp về hoàn cảnh, vị trí địa lý... Ví dụ như cũng học ngành đó nhưng có thể chọn trường gần nhà hơn thay vì đến Hà Nội, TP.HCM học tập sẽ tốn kém hơn rất nhiều trong ăn ở, đi lại, sinh hoạt...
Cuối cùng, thí sinh nên cân nhắc đến khả năng tìm kiếm việc làm của bản thân sau khi tốt nghiệp nếu như trúng tuyển vào trường/ngành đó.
Trên cơ sở có quyết định cuối cùng chọn dự thi trường/ngành nào, thí sinh cần tập trung chuẩn bị ba yếu tố cơ bản, mang tính quyết định, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả thi là kiến thức, sức khỏe và tâm lý. Kiến thức phải thật vững vàng, sức khỏe tốt, từ đó sẽ có tâm lý ổn định, tự tin. Hội tụ được ba yếu tố này, thí sinh đi thi sẽ đạt hiệu quả nhất. Thí sinh đạt được điểm càng cao, ngay cả khi chưa trúng tuyển trường NV1, cũng sẽ thuận lợi hơn nhiều khi đăng ký xét tuyển NV2, NV3.
Không được mang theo bảng tuần hoàn và atlat Một điểm thí sinh dễ nhầm lẫn, sơ suất dẫn đến có thể vô tình phạm quy, đó là quy định trong kỳ thi tuyển sinh có điểm khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đối với thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh không được mang vào phòng thi bảng tuần hoàn và atlat địa lý. Thí sinh cần lưu ý điểm này để tránh vi phạm quy chế vì theo quy định, mang tài liệu, vật dụng trái phép vào phòng thi dù sử dụng hay chưa sử dụng đều bị lập biên bản đình chỉ thi. |
- Khi đến làm thủ tục dự thi, thí sinh phải mang theo đầy đủ những loại giấy tờ sau: giấy báo thi, phiếu số 2 trong hồ sơ đăng ký dự thi, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận tốt nghiệp (đối với HS vừa tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT năm 2011) hoặc bản sao bằng tốt nghiệp (đối với những thí sinh đã tốt nghiệp từ năm 2010 trở về trước) cùng các loại giấy tờ tùy thân, giấy chứng nhận ưu tiên (nếu có)...
Nếu bị mất bất cứ loại giấy tờ nào, thí sinh sẽ phải làm cam đoan để hội đồng thi đối chiếu với hồ sơ gốc, tiến hành chụp hình tại chỗ... xem xét cho phép vào dự thi.
Trong trường hợp mất giấy chứng nhận hoặc bằng tốt nghiệp, thí sinh cũng có thể làm cam đoan và được dự thi. Nhưng sau đó trường sẽ yêu cầu thí sinh phải nộp bổ sung bản sao bằng tốt nghiệp THPT hoặc bổ túc THPT (đối với những trường hợp mất bằng) và bản chính giấy chứng nhận tốt nghiệp (nếu bị mất giấy chứng nhận tốt nghiệp).
* Định hướng đối với đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay có gì điều chỉnh so với đề thi tuyển sinh năm 2010? Đối với phần riêng trong đề thi tuyển sinh, thí sinh phải làm như thế nào mới chuẩn xác?
- Đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ, theo quy định của Bộ GD-ĐT, phải đạt được các yêu cầu kiểm tra những kiến thức cơ bản, khả năng vận dụng và kỹ năng thực hành của thí sinh trong phạm vi chương trình trung học hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12, phù hợp với quy định về điều chỉnh nội dung học tập cấp trung học.
Đề thi tuyển sinh năm 2011 sẽ không ra ngoài chương trình và vượt chương trình trung học, không ra đề vào những phần giảm tải, cắt bỏ. Đồng thời không ra đề thi vào những phần, những ý còn đang tranh luận về mặt khoa học hoặc có nhiều cách giải. Không ra đề quá khó, quá phức tạp.
So với năm 2010, định hướng và cấu trúc đề thi của Bộ GD-ĐT không có gì thay đổi. Cấu trúc đề thi tuyển sinh ĐH, CĐ của Bộ GD-ĐT đối với tất cả các môn thi, trừ môn ngoại ngữ, sẽ gồm hai phần là phần chung và phần riêng. Phần chung cho tất cả thí sinh ra theo nội dung giống nhau giữa chương trình chuẩn và chương trình nâng cao. Phần riêng (phần tự chọn) ra theo từng chương trình chuẩn và nâng cao.
Theo quy định, thí sinh chỉ được chọn một phần riêng thích hợp để làm bài. Thí sinh nào làm cả hai phần riêng, bài làm sẽ bị coi là phạm quy. Bài thi của thí sinh chỉ được chấm điểm phần chung. Cả hai phần riêng, dù làm hết hay không hết, dù làm đúng hoàn toàn cũng đều không được chấm.
Thí sinh được chọn một trong hai phần riêng mà mình thấy phù hợp để làm bài, không bắt buộc thí sinh học theo chương trình chuẩn hay nâng cao phải chọn phần riêng tương ứng theo chương trình đó.
THANH HÀ thực hiện - TTO
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét