Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Ba, 20 tháng 3, 2012

Thông tư hướng dẫn góp ý tu chỉnh Hiến chương GHPGVN

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
------ o0o ------
Số : 089/TT/HĐTS

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------- O0O --------
Hà Nội, ngày 12 tháng 03 năm 2012

THÔNG TƯ
V/v Hướng dẫn góp ý tu chỉnh Hiến chương
Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 5
Trình Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII 

               Kính gởi:  - Chư Tôn đức, Cư sĩ thành viên Ban Thường trực, HĐTS               
                                      - Ban Ngành Viện Trung ương GHPGVN
                                      - Ban Trị sự các Tỉnh, Thành hội Phật giáo

- Căn cứ điều 11 Nghị quyết số: 507/NQ/HĐTS, ngày 31/12/2011 của Hội nghị kỳ 5 Khóa VI Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
- Căn cứ kế hoạch tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

Năm 1981 lịch sử, Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thành lập. Hiến chương Giáo hội là công cụ pháp lý quan trọng để Giáo hội xây dựng kế hoạch phát triển, đáp ứng tương đối đầy dủ các nhu cầu của các Hệ phái thành viên sáng lập GHPGVN, nguyện vọng chính đáng của Tăng Ni, Phật tử GHPGVN trong và ngoài nước. Nhằm phát huy những hiệu quả tích cực của Hiến chương, cũng như điều chỉnh một vài hạn chế của Hiến chương, qua hơn 30 năm hình thành và phát triển bền vững, Hiến chương Giáo hội đã được tu chỉnh 04 lần.


Việc tu chỉnh Hiến chương Giáo hội lần thứ 5 nhằm mục đích: Tiếp tục phát huy những hiệu năng quản lý, điều hành cả hệ thống Giáo hội; khắc phục một vài hạn chế của Hiến chương hiện hành, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam hướng dẫn một số nguyên tắc trong việc góp ý tu chỉnh Hiến chương lần thứ 5 như sau:

1. Hiến chương là sự kết tinh đại nguyện thống nhất Phật giáo Việt Nam của Chư vị Tôn túc Giáo phẩm lãnh đạo các tổ chức Giáo hội, Hệ phái Phật giáo và Tăng Ni, Phật tử cả nước; là sản phẩm của trí huệ tập thể; là một thành quả to lớn của tâm lực, trí lực và công đức to lớn của các bậc Tiền bối. Hiến chương Giáo hội có địa vị pháp lý quan trọng bậc nhất, thể hiện sự kỷ cương, là nền tảng xác lập quyền và nghĩa vụ của chủ thể quản lý và đối tượng bị quản lý, quyết định cương lĩnh và chiến lược phát triển của các cấp Giáo hội. Do đó, việc góp ý tu chỉnh Hiến chương lần thứ 5 phải thể hiện tinh thần tôn trọng những tôn chỉ, mục đích, đường lối cơ bản của các bậc Tiền bối đã xây dựng, nhất là phải mang tính xây dựng trên cơ sở tôn trọng và kế thừa những ưu việt về nguyên tắc pháp lý, pháp nhân của Hiến chương hiện hành.

2. Chư Tôn đức, Cư sĩ thành viên Ban Thường trực HĐTS, chư Tôn đức và Cư sĩ Ủy viên HĐTS sẽ góp ý tu chỉnh Hiến chương bằng văn theo hướng: nêu cụ thể điều nào thuộc chương nào cần được tu chỉnh và tu chỉnh ra sao. Góp ý phải mang tính khách quan, phổ quát; cần nêu ra được những thực tế, hạn chế trong Hiến chương đối với các hoạt động của toàn hệ thống Giáo hội.

3. Quý Ban, Viện, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo cần tổ chức Hội nghị mở rộng để góp ý tu chỉnh Hiến chương theo hướng:
-  Tổng kết bằng văn bản những ưu điểm, hạn chế của Hiến chương hiện hành và góp ý bằng văn bản
-  Khi góp ý phải nêu được thực tế của Ban, Viện, địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ theo quy định của Hiến chương. Tuy nhiên, cần nêu cụ thể điều nào thuộc chương nào cần được góp ý, nhưng phải cân nhắc đến hoạt động mang tính tổng thể của các Ban và các địa phương khác trên cơ sở mang tính khách quan và phổ quát; cần nêu ra được những thực tế, hạn chế trong Hiến chương đối với các hoạt động của toàn hệ thống Giáo hội và trên phạm vi cả nước.

1. Các ý kiến góp ý tu chỉnh Hiến chương cần mang tính khả thi trong hoàn cảnh xã hội cho phép và luật pháp Việt Nam.

2. Trong hoàn cảnh hiện nay của Giáo hội và thế kỷ tiếp theo, khi góp ý cần chú ý đến việc nâng cao hiệu năng hoạt động của bộ máy Trung ương Giáo hội, các Ban, Viện Trung ương, các Tỉnh, Thành hội Phật giáo và cấp cơ sở. Chú ý nâng cao tinh thần trách nhiệm trong từng thành viên lãnh đạo Trung ương và các Ban ngành, Ban Trị sự địa phương và cấp cơ sở.

3. Mọi kế hoạch góp ý, tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cần được thực hiện theo những nguyên tắc trên. Nếu trong quá trình góp ý tu chỉnh Hiến chương có gì trở ngại, thì cần phải xin ý kiến của Trung ương Giáo hội để được hướng dẫn cụ thể.

4. Sau khi nhận được ý kiến góp ý tu chỉnh Hiến chương của chư Tôn đức, Cư sĩ thành viên Ban Thường trực HĐTS, Ủy viên HĐTS, các Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Trung ương Giáo hội sẽ tổ chức phiên họp khoáng đại để tổng kết việc thực thi Hiến chương Giáo hội, tổng hợp các ý kiến góp ý tu chỉnh. Song song với việc góp ý của các Ban, Viện và Ban Trị sự, Trung ương Giáo hội sẽ có kế hoạch tổ chức các phiên họp góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội với nhiều đối tượng tham dự khác nhau.

5. Thời gian gởi báo cáo tổng hợp công tác góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội về Văn phòng Trung ương chậm nhất là ngày 01 tháng 7 năm 2012.
- Văn phòng 1 TWGH: chùa Quán Sứ, số 73 phố Quán Sứ, Hà Nội - Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.
- Văn phòng 2 TWGH: Thiền viện Quảng Đức, số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3,  Tp. Hồ Chí Minh - Email: Địa chỉ email này đã được bảo vệ từ spam bots, bạn cần kích hoạt Javascript để xem nó.

Do tính chất quan trọng của sự nghiệp phát triển bền vững, hội nhập thế giới của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ VII và các nhiệm kỳ tiếp theo trong thế kỷ 21, Ban Thường trực HĐTS rất mong chư Tôn đức, Cư sĩ thành viên Ban Thường trực HĐTS, Ủy viên HĐTS, Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội Phật giáo, Tăng Ni và Phật tử GHPGVN trong và ngoài nước cần nỗ lực thực hiện những đợt nghiên cứu, góp ý tu chỉnh Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ 5 trình Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII.

Kính chúc Quý Ban vô lượng an lạc, Phật sự viên thành.



Nơi nhận :
- Như trên "để thực hiện"
- Thành viên HĐCM GHPGVN
- UBTWMTTQVN, Ban Dân vận TƯ
- Ban Tôn giáo Chính phủ
- UBMT, BTG các Tỉnh, Thành phố
          "Kính tường và giúp đỡ"
- Lưu VP1 - VP2



TM. BAN THƯỜNG TRỰC HỘI ĐỒNG TRỊ SỰ
GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM
 CHỦ TỊCH
(đã ký)


Hòa Thượng THÍCH TRÍ TỊNH
Nguồn: ghpgvn.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét