Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Hai, 21 tháng 2, 2011

Chùa Hội Khánh - Thủ Dầu Một, Bình Dương

Chùa tọa lạc ở đường Chùa Hội Khánh, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương. Chùa cách thành phố Hồ Chí Minh khoảng 25 km về phía Nam. Chùa thuộc hệ phái Bắc tông.


Đại tượng Đức Phật Thích Ca nhập Niết Bàn tại chùa Hội Khánh

Chùa được Thiền sư Đại Ngạn (dòng Lâm Tế) khai sơn năm 1741, đời Lê Hiển Tông, ở trên một ngọn đồi cao. Năm 1868, đời Tự Đức, do chùa bị hư hỏng nặng, Hòa thượng Chánh Đắc cho xây dựng chùa mới dưới chân đồi. Chùa tọa lạc ở đấy cho đến nay.

Chùa đã được tôn tạo nhiều lần, nhưng vẫn giữ nét kiến trúc cổ. Giảng đường và đông lang được sửa chữa năm 1917, tây lang được xây lại năm 1984.  Gần đây nhất, từ năm 1990 đến năm 1992, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã tổ chức đại trùng tu ngôi chùa.



Năm 2002, chùa đã tôn trí một Phật đài Thích Ca lộ thiên bằng đá cao 5,1m, trong đó, tượng đức Phật cao 2,5m, ngang gối 1,8m. Năm 2007, chùa đã hoàn thành công trình xây dựng ngôi bảo tháp thờ Phật 8 tầng cao 30m ở sân trước.

Ở chánh điện, hầu hết tượng các vị Phật, Bồ-tát ... đều được tạc bằng gỗ, sơn son thếp vàng. Đặc biệt, bộ tượng thập bát La-hán, mỗi tượng cao khoảng 0,86m, được nhóm thợ nổi tiếng ở địa phương tạc vào những năm cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ba tấm bao lam chạm khắc tứ linh, tứ quý, cửu long và thập bát La-hán có giá trị nghệ thuật cao.

Hơn 250 năm nay, chùa được tiếp nối qua các đời trụ trì: Đại Ngạn - Từ Tấn, đời 37 dòng Liễu Quán (1741-1812), Minh Huệ - Chân Kính (1812-1839), Toàn Tánh - Chánh Đắc, đời 37 dòng Chúc Thánh (1839-1869), Chương Đắc - Trí Tập (1869-1884), Ấn Long - Thiện Quới (1884-1906), Chơn Thinh - Từ Văn (1906-1931), Ấn Bửu - Thiện Quới (1931-1941), Thị Huê - Thiện Hương (1941-1971), Đồng Bửu - Quảng Viên (1971-1988) và Nhựt Minh - Huệ Thông, đời 41 dòng Lâm Tế Gia Phổ (từ 1988 đến nay).

Hòa thượng Thích Từ Văn, vị trụ trì đời thứ 6, đã được phong Tăng thống Hội Phật giáo Nam Kỳ. Ngài đã xây dựng ngôi chùa Hội Khánh tại Pháp năm 1920. Hiện nay, trụ trì chùa là Thượng tọa Thích Huệ Thông, Phó Trưởng ban thường trực Ban Trị sự Phật giáo tỉnh.

Đặc biệt, vào tháng 9 năm 2008, Thượng tọa đã tổ chức xây dựng một Phật đài quy mô lớn, cao 22m ở khu đất phía trước chùa. Tầng trệt là dãy nhà chiều dài 64m, chiều ngang 23m dùng làm Trường Phật học, Thư viện... Tầng trên tôn trí đại tượng đức Bổn sư Thích Ca nhập Niết bàn cao 12m, dài 52m do 2 kiến trúc sư Phạm Văn Thịnh, Trần Văn Pháp vẽ bản thiết kế; điêu khắc gia Trần Quang Thái thực hiện; được sự hoan hỷ chứng minh cúng dường của Chư Tôn đức Tăng Ni và tín chủ, BTC cùng nhiều thiện nam tín nữ khắp nơi đóng góp tịnh tài, tịnh vật cho công trình. Đây là một công trình mỹ thuật đáng tự hào của Phật giáo Bình Dương, được khánh thành trọng thể vào ngày Rằm tháng Hai năm Canh Dần (30-3-2010) mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Pho tượng đã được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là pho tượng Đức Phật nhập Niết Bàn lớn nhất Việt Nam.

Chùa đã được Bộ Văn hóa và Thông tin công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Chùa hiện đặt văn phòng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bình Dương. Nằm giữa một khu đất rộng rãi, yên tĩnh, nhiều cây cao bóng cả, chùa Hội Khánh là ngôi cổ tự danh tiếng vào bậc nhất ở miền Nam.

chuahoikhanh-1.gif
Mặt tiền Chùa Hội Khánh (Bình Dương)

chuahoikhanh-2.gif
Tháp thờ Phật

chuahoikhanh-3.gif
Đức Phật Thích ca lộ thiên

chuahoikhanh.gif
Mặt tiền chùa Hội Khánh

thotohk.gif
Bàn thờ Tổ Chùa Hội Khánh

thapbatlahan.gif
Thâp bát La Hán Chùa Hội Khánh

chuahoikhanh-7.gif
Chánh điện Chùa Hội Khánh

Bài, ảnh: Võ Văn Tường (Theo Giác Ngộ Online)




Chùa Hội Khánh nơi lưu dấu cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc
Nằm ở thị xã Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương, chùa Hội Khánh là một di tích văn hóa lịch sử mang vẻ đẹp u trầm, cổ kính. Theo hòa thượng Thích Huệ Thông - trụ trì chùa Hội Khánh, chùa này do Đại Ngạn thiền sư xây dựng năm 1741. Năm 1923 - 1926, cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Hồ Chủ tịch) đã đến đây. Cùng với hòa thượng Từ Văn, cụ Nguyễn Sinh Sắc và nhà yêu nước Tú Cúc Phan Đình Vũ lập ra Hội danh dự yêu nước để truyền bá tư tưởng yêu nước. Ở đây cụ Sắc dạy chữ Hán, giảng kinh Phật... nhưng chủ yếu là để truyền bá tư tưởng yêu nước. Năm 1926, Pháp phát hiện hoạt động yêu nước ở chùa Hội Khánh và theo dõi, cụ Sắc rời khỏi Thủ Dầu Một. Hiện nay, ở chùa còn lưu lại đôi câu đối do cụ Sắc viết. Nội dung hai câu đối như sau: Đại đạo quảng khai, thố giác khêu đàm để nguyệt/ Thiền môn giáo dưỡng, quy mao, thằn thụ đầu phong. Nghĩa là: Mở rộng đạo lớn như sừng thỏ, như mò trăng đáy nước; Nuôi dưỡng mái chùa như lông rùa, như cột gió đầu cây. Ngoài ra cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc còn để lại cuốn sổ coi địa lý và cái la bàn, hiện được lưu bày ở Bảo tàng tỉnh Bình Dương. Nội điện chùa Hội Khánh có trang thờ Hồ Chủ tịch, sau hậu điện có một gian phòng trưng bày hình ảnh về gia đình cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và một số kỷ vật liên quan như cuốn sách coi địa lý, la bàn.

Chùa Hội Khánh có kiến trúc kiểu Nam Bộ trùng thềm trùng lươn (tức là nối sát nhau liên tục). Cấu trúc chùa gồm: tiền điện, chính điện, hậu tổ, giảng đường, đông lan, tây lan. Cổng chùa được đắp bằng những hình nổi làm bằng sành sứ màu, sau này chùa còn được xây thêm tháp đựng kinh sách. Tháp khá cao và nhìn như một Tàng kinh các của một chùa Thiếu lâm tự. Trong khuôn viên của chùa Hội Khánh có bức tượng Phật nằm và các đệ tử quỳ bên cạnh. Tượng làm bằng đá trắng cẩm thạch rất đẹp. Trong khuôn viên chùa còn có một nhóm tượng mô tả lại cảnh Thái tử Tất Đạt Đa thành Phật.

Chùa Hội Khánh được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử văn hóa năm 1993.
Bài, ảnh: Nguyễn Văn Thịnh (Theo Báo CA TP.HCM)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét