Đề toán khó
Thầy Lưu Nam Phát (TT luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM)
So với năm trước, năm nay đề toán khó hơn, tỷ lệ kiến thức của lớp 12 chiếm 70%, các lớp 10, 11 chiếm 30%.
Câu 1: là hàm số nhất biến: Phần 1 là phần cơ bản mọi học sinh đều có thể thực hiện dễ dàng. Phần 2 thí sinh cần nắm vững: hệ số góc k = f' (x0), định lý Vi-ét và các kỹ năng tính toán chính xác thì mới đạt được kết quả đúng. Câu này dành cho học sinh trung bình khá.
Câu 2: Phần 1 là phương trình lượng giác thí sinh cần nắm vững các công thức biến đổi và điều kiện trong lượng giác. Câu này dành cho học sinh trung bình khá. Phần 2 câu hệ phương trình gồm 2 ẩn x, y học sinh cần chú ý đến phương trình thứ 2 biết cách nhóm số hạng đưa về dạng tích bằng 0 và nhận thấy nhanh dạng đẳng cấp thuần nhất khi kết hợp hai phương trình lại, câu này dành cho học sinh khá.
Câu 3: là câu tích phân xác định tương đối phức tạp, thí sinh cần phải tách làm 2 tích phân trong đó có một tích phân phải chú ý tới dạng đạo hàm của mẫu và sử dụng công thức quen thuộc du/u. Câu này dành cho học sinh trung bình khá.
Câu 4: là câu hình học không gian thuần túy. Học sinh cần nắm vững tính chất 2 mặt phẳng cùng vuông góc mặt thứ 3 và tính chất giao tuyến song song, công thức tính thể tích có đáy là hình thang vuông. Phần 2 tính khoảng cách, phải biết vẽ thêm để hình dung khoảng cách chính là đường cao của một tam giác vuông. Câu này dành cho học sinh khá. Câu này cũng có thể giải bằng phương pháp tọa độ trong không gian bằng cách chọn hệ trục thích hợp nhưng phần tính toán tương đối khá phức tạp.
Câu 5: là câu tìm giá trị nhỏ nhất của một biểu thức không đối xứng và điều kiện ràng buộc cũng không đối xứng nên là một câu cực khó. Câu này dành cho học sinh xuất sắc.
Câu 6a.1: là câu hình giải tích phẳng. Nhìn chung dạng tiếp tuyến xuất phát từ một điểm là dạng tương đối quen thuộc nên đa số thí sinh sẽ biết được hướng làm bằng cách tính IM2 sau đó đặt tọa độ của M theo tham số từ điều kiện IM2 = 25 giải ra tham số m. Câu này dành cho học sinh khá.
Câu 6a.2: là câu hình giải tích không gian cũng là dạng tương đối quen thuộc, thí sinh chỉ cần đặt tọa độ M rồi dùng các điều kiện của đề để thiết lập nên hệ phương trình từ đó xác định các tọa độ của M. Câu này dành cho học sinh khá.
Câu 6b.1: là câu hình học giải tích Conic, học sinh cần ứng dụng bất đẳng thức Côsi để tìm ra lời giải cuối cùng. Câu này dành cho học sinh khá.
Câu 6b.2: là câu hình giải tích không gian. Học sinh cần phải đặt tham số của tọa độ B đơn giản rồi từ điều kiện tam giác OAB đều để tìm ra các tham số đó.Câu này dành cho học sinh khá.
Câu 7a: là câu số phức đơn giản học sinh trung bình có thể giải trọn vẹn.
Câu 7b: là câu số phức, tính toán tương đối phức tạp hơn câu số phức ở trên nhưng biến đổi cũng đơn giản. Câu này dành cho học sinh trung bình khá.
Đề Lý dài và tương đối khó
Thầy Trần Ngọc Lân (TT luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM)
Năm nay, đề thi trắc nghiệm môn vật lý có 12 câu lý thuyết và có rất nhiều câu khó, đúng ra dùng để thi tự luận. Ví dụ như: câu 2, câu 13, câu 23, câu 30, câu 35, câu 36 (mã đề 817).
Trong phần cơ học - Mã đề 817: Các câu 10, câu 23, câu 24, câu 27, câu 30 thì chỉ có học sinh thật giỏi mới có khả năng làm được. Ở các câu này, học sinh phải làm bài tập rất nhiều và phải thuộc công thức suy diễn (không có trong sách giáo khoa) thì mới có khả năng làm kịp thời gian.
Tương tự trong phần điện xoay chiều và dao động điện từ - Mã đề 817: Các câu 1, câu 2, câu 13, câu 16, câu 21, câu 28, câu 35, câu 36 có lẽ học sinh cũng khó có đủ thời gian để làm theo yêu cầu trắc nghiệm.
Về phần quang lý và hạt nhân nguyên tử - Mã đề 817: thì các câu hỏi tương đối vừa phải, trừ các câu 5, câu 11, câu 29, câu 32 cũng dành cho học sinh đã luyện tập nhiều mới có đủ thời gian làm bài.
Cấu trúc đề thi vẫn quen thuộc như đề thi của những năm trước nhưng có nhiều câu rất lạ và hay so với chương trình cơ bản.
Với đề thi này đa số các em sẽ không đủ thời gian để làm bài, vì thời gian dành để giải cho mỗi câu tương đối khó là khá nhiều.
Như thế, đề thi năm nay rất khó có được nhiều điểm 10 so với các năm vừa qua. Còn đa số học sinh chỉ đạt điểm dưới 4.
Đề thi rất khó nhưng rõ ràng, chính xác không có lỗi về chính tả và nội dung, tuy nhiên sự phân bổ thời gian làm bài không hợp lý.
Với đề thi này, điểm sàn của khối A năm nay chắc chắn sẽ khá thấp.
Đề thi Hoá “dễ thở”
Thầy Nguyễn Tấn Trung (TT luyện thi đại học Vĩnh Viễn, TP.HCM)
So với các năm trước, cách ra đề thi môn Hóa học năm nay không có nhiều thay đổi, vẫn đảm bảo tỉ lệ câu hỏi giữa phần thực hành và lý thuyết.
Tuy nhiên, lượng kiến thức trong đề thi năm nay đều hơn cho cả phần hữu cơ và vô cơ. Phần bài tập và lý thuyết đều đòi hỏi tính vận dụng của thí sinh.
Trong đó, phần bài tập, thí sinh phải xử lý nhiều công thức và số liệu tính toán. Có những câu phải sử dụng tới hai, ba phương trình mới giải được.
Phần lý thuyết hợp lý và khá nhẹ nhàng với những câu hỏi vẫn có tính vận dụng, nhưng không quá phức tạp. Thí sinh chỉ cần hiểu công thức, nắm vững khái niệm là giải quyết nhanh.
Với đề thi này, thí sinh có học lực khá giỏi có thể đạt được 7-8 điểm không mấy khó khăn.
Tổng hợp theo Internet
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét