Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Năm, 10 tháng 10, 2013

Tư tưởng phá trừ vọng chấp trong Kinh Kim Cang

A. DẪN NHẬP

Mỗi một chúng ta không ai phủ nhận rằng, nền công nghệ thông tin, khoa học phát triển bên cạnh những tác động tích cực, con người phải đối diện với những vấn nạn cam go về chiến tranh, thiên tai, bão lụt, khủng hoảng về kinh tế, đặc biệt là khủng hoảng về tinh thần. Con người bắt đầu cảm thấy chơi vơi, lạc lõng giữa dòng đời sanh diệt. Chính vì vậy, khi tìm hiểu, nghiên cứu về giáo lý đạo Phật không ít nhà khoa học, học giả nghiên cứu đã nghiêng mình kính phục trước Đức Phật và giáo lý mà Ngài để lại. 

Đức Phật một nhân vật có trong lịch sử, một con người đơn giản, chân thành, giàu lòng bi mẫn, và những ai được soi sáng bởi những lời Phật dạy đều có được một cuộc sống đầy nghị lực, niềm tin và hạnh phúc. Như H.G. Well có viết: “Các bạn thấy rõ Ngài là một nhân vật đơn giản, chân thành, đơn độc, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải là thần kỳ, tôi cảm thấy có một Người, đó là Ngài. Ngài đã gửi bức thông điệp cho nhân loại hoàn vũ. Có nhiều tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi tương đồng với thông điệp của Ngài, tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống” hay Tổng thống Nehru ca ngợi: “Ðức Phật vĩ đại hơn tất cả các lý thuyết và tín điều, thông điệp bất diệt của Ngài đã làm rung động nhân loại qua nhiều thời đại. Có lẽ không một thời điểm nào trong lịch sử quá khứ mà thông điệp hòa bình của Ngài lại cần thiết hơn cho nhân loại đang đau khổ và cuồng loạn như hiện nay”. Và “Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông diệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông diệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông diệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông diệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp). Như vậy, sự hiện diện của đức Phật và giáo lý của Ngài trên trái đất này là không thể phủ định được.

Thế nhưng, sẽ không ít người ngạc nhiên, chới với khi biết cách đây hơn 25 thế kỷ về trước Ngài đã phủ định tất cả cái mà ngày nay nhân loại, cảm kích và xem đó như là chân lý, là con đường dẫn đi đến chân trời bình yên.

Theo nhiều nhà phiên dịch cũng như các học giả Phật giáo, Kinh Kim Cang được Đức Phật nói ở thành Xá Vệ khi Ngài còn tại thế, là một trong những bản kinh quan trọng và sớm nhất trong kinh điển Đại thừa Phật giáo. Nói theo Ngũ thời Bát giáo, thì đức Phật thuyết kinh Kim Cang vào thời kỳ thứ tư, tức thời Bát Nhã. Kinh thuộc loại biệt giáo, và là một quyển trong sáu trăm quyển của bộ Đại Bát Nhã. Phật nói toàn bộ Bát Nhã, tính tổng cộng trong 22 năm. Khi nói đến Bát-nhã ba-la-mật-đa là nói đến bộ tòng thơ vĩ đại của hệ thống kinh điển Phật giáo. Với kích thước dài tương đương 600 quyển bản Hán, vì quá dài, nên nhu cầu khi truyền tụng cần phải ngắn gọn lại cho phù hợp dung lượng của ký ức, và cũng cần có hệ thống cô đọng cho vừa tầm bắt nắm của tư tưởng. Chúng ta có, chẳng hạn như Văn-thù Bát-nhã gồm 700 tụng (Saptaśatikā: Mañjuśrīparivartā), đến Kim Cang chỉ còn 300 tụng (Triṃśatikā). Sau này kinh Kim Cang được thịnh hành tại Trung Hoa và được truyền sang các nước khác trên thế giới.

Có nhiều vấn đề, nhiều lãnh vực liên quan đến đề tài. Tuy nhiên, trong tiểu luận này Người viết xin trình bày những tư tưởng phá trừ vọng chấp trong kinh Kim Cang, với những hiểu biết nông cạn của mình không sao tránh khỏi những thiếu sót, kính mong những bậc thiện tri thức bổ túc thêm những gì còn thiếu sót. Người viết xin thành kính tri ân. 

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG I. GIỚI THIỆU KINH

I.1. Giải thích đề mục kinh Kim Cang

Đề mục kinh Kim Cang gồm có 8 chữ: “ KIM CANG BÁT NHÃ BA LA MẬT KINH” gọi tắt là “KINH KIM CANG”.

KIM CANG (hay Kim Cương): một thứ khoáng vật tánh chất cứng chắc và sắc bén. Nó có công năng phá tan tất cả các vật khác mà không bị vật nào phá tan được. Tánh chất sắc bén cứng chắc ấy sẵn có của nó, chẳng phải do một vật nào khác tạo thành, hay do một thứ nào rèn nên. Nên mượn nó làm tỉ dụ “ Trí tuệ sẵn có của chúng sanh”. Từ vô thỉ đến nay ai ai cũng đồng có trí tuệ đó, khi chứng quả Thánh nó không thêm, lúc còn ở địa vị phàm phu nó không bớt, cũng không bị vô minh làm mờ tối, trái lại còn phá tan vô minh như gió thổi mây tan, nắng tiêu sương mốc. Tuy là tịch chiếu như như, mà không phải tịch, không phải chiếu, mà hằng tịch hằng chiếu. Đó là Kinh Kim Cang Bát Nhã.[1]

Theo Ấn Độ giáo Kim Cương là tầm sét của Thần Indra (Đế Thích) nhưng các nhà Ấn Độ học hiện nay cho rằng kim Cương biểu trưng cho mặt trời, đồng thời cũng biểu trưng cho cái gì rắn chắc nhất, không thể hủy hoại được. Kim Cương là một trong bảy loại báu, thường được nói tới trong kinh Phật. Phật giáo Mật tông ví Kim Cương với trí tuệ có sức mạnh chế ngự vọng tưởng và ma quỷ, thường quấy rối người tu hành. Kim Cương theo Trần Nhân Tông trong Cư Trần Lạc Đạo phú cho rằng: “Kim Cương thường ví với chân như hay Phật tính: Đứt trừ nhân ngã, thì thật tướng Kim Cương”.[2]

BÁT NHàdịch âm chữ phạn là “Praijnà”. Vì Trung Hoa không có chữ dịch cho cân xứng nên giữ nguyên âm “Bát Nhã”, có 6 nghĩa chính: Viễn ly (lìa vô minh phiền não), Minh (sáng, không mờ), Huệ (sáng tỏ), Thanh tịnh (trong sạch không nhơ), Trí (thông suốt), Trí tuệ (sáng tỏ, trong suốt). Vậy ở đây chọn chữ “Trí Huệ” với nghĩa: 1) Trí Huệ Phật, 2) Trí Huệ Siêu Việt (Bát Nhã Ba La Mật), 3) Trí Huệ Bát Nhã để phân biệt với trí thế gian, ngoại đạo, nhị thừa…[3]

Như vậy, từ Prajnaparamita có nghĩa là trí tuệ siêu việt, giải thoát ngoài các pháp bị tác thành, rời khỏi thế giới tướng của khái niệm.[4]

            Bát Nhã lại được chia làm 3 phần:

            1) Thật Tướng Bát Nhã: Không có cái tướng, không tướng gọi là thật tướng. Nghĩa là không có sanh tử. Niết bàn và những tướng của các pháp đến cái không tướng cũng không.

            2) Quán Chiếu Bát Nhã: Dùng tâm trí huệ chiếu rõ thật tướng, Vì trí tỏ lý này, phá trừ mê hoặc mà hiển Tam Đức Diệu Tâm, nên gọi là quán chiếu.

            3) Văn Tự Bát Nhã: Cũng gọi là “Phương tiện Bát Nhã”. Vì “Lý” không hình tướng là dứt trừ cả ngôn từ nên quyết phải nhờ văn tự để giải nghĩa, do nghĩa mà rõ được “Lý”. Đến khi “Lý” lẫn nghĩa đều quên, văn tự tánh không, bấy giờ chỉ còn tướng chân thật.[5]

BA LA MẬT hoặc “Ba La Mật Đa” có 2 nghĩa: 1) Đáo bỉ ngạn (đến bờ bên kia, bờ giác ngộ, giải thoát), 2) Cứu cánh viên mãn (hoàn thành rốt ráo viên mãn).

Trí huệ  Phật (Bát Nhã) rất quý báu như ngọc Kim Cương vừa cứng rắn, vừa sắc bén, có thể phá tiêu núi vô minh vọng chấp (ngã pháp hay bốn tướng) và đốn tận gốc rừng phiền não nghiệp chướng, từ vô lượng kiếp đến nay mà không bị hư tổn, cũng như ngọc Kim Cương hay chất thép có thể đục chẻ các loại rất cứng; như sắt, đá mà không bị hư hoại.

Theo Thiền sư Thích Thanh Từ viết: “Trí tuệ Bát Nhã là trí tuệ thấu được lý thật, thấy được thể chơn thật của các pháp, không còn kẹt trong các kiến chấp, trong nhũng cái nhìn thiên lệch chưa thấu đáo…cho nên khả năng công phá đó vượt hơn tất cả…”.[6]
            
Ngoài ra “Kim Cương” còn chỉ cho “Tâm”: “ Nay để kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật là biểu thị ý nghĩa của kinh này, đặc biệt hiển lộ mảnh tâm Kim Cang của Phật.

Đặc biệt, Thiền Luận đã đưa ra những đặc tính của Kim Cương: “Như chất Kim Cương chỉ sản xuất từ mỏ kim loại hoặc mỏng. Cũng vậy, Bồ Đề Tâm như kinh Kim Cương chỉ sản xuất từ mỏ công đức của kim Đại bi, như Kim Cương có thể đập vỡ mọi núi đá tà kiến, Kim Cương Bồ Đề Tâm cũng không phải là sở hữu của các loài trời và người có thiện căn thấp kém và thân tâm hạ liệt”.

Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật là một trí tuệ vững chắc, kiên cố phá dẹp tất cả tà thuyết ngoại đạo làm cho chúng ta sạch hết chấp trước sai lầm, những mê mờ đen tối để đến bờ giải thoát giác ngộ.

KINH là những lời giảng dạy của Đức Phật góp lại thành bộ, Kinh là Khế kinh tức là khế lý và khế cơ. Tất cả những kinh Phật đều phải đủ hai nghĩa khế lý, khế cơ, nghĩa là vừa hợp chân lý vừa hợp căn cơ người. Thiếu một trong hai đều kể trên thì chưa được gọi là kinh được, vì chủ yếu của đạo Phật cốt giáo hóa chúng sanh giác ngộ, thấy được lẽ thật (đúng chân lý) và chúng sanh tin nhận được (hợp căn cơ). Khế cơ và khế lý còn có thể hiểu là tùy duyên bất biến. Kinh Phật nói ngàn đời cũng không sai, đó là bất biến: nhưng vào mỗi thời theo căn cơ mà nói, hoặc thấp hoặc cao đó là tùy duyên.[7]

I.2. Giới thiệu sơ lược về Lục Chủng Thành Tựu và Duyên khởi thuyết kinh
            
“Tôi nghe như vầy: Một hôm đức Phật ở nước Xá Vệ (Sravasti) tại rừng Kỳ Đà (Jeta) trong vườn Cấp Cô Độc cùng với chúng đại Tỳ kheo là một ngàn hai trăm năm mươi vị. Khi ấy gần đến giờ thọ trai, đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá Vệ khất thực. Trong thành ấy, Ngài theo thứ lớp khất thực xong, trở về nơi chúng ở. Thọ trai rồi, Ngài dẹp y bát, rửa chân, trải tọa ngồi”[8].

Thời pháp Kinh Kim Cang được giảng cho 1250 vị đệ tử đầu tiên của Thế Tôn và một số chư Bồ Tát. Đại diện tiêu biểu cho hàng thính chúng là Tôn Giả Tu Bồ Đề (Subhuti). Tôn giả đặt ra là vấn đề của Thánh chúng mà không phải đó là của Tôn giả. Thế Tôn dạy Tôn giả như là đang dạy cho toàn thể thánh chúng. Diễn tiến của tâm lý và tư duy của Tôn Giả trong thời pháp là diễn tiến của tâm lý và tư duy của thánh chúng. Mỗi lần gỡ một vướng mắc chấp thủ là mỗi lần Thế Tôn làm thể hiện thực tướng. Vướng mắc thì có chỗ thô, chỗ tế, nhưng phần thực tướng hiện bày thì trước sau như một[9].

Thông suốt bộ kinh Kim Cang qua các chuyển biến tâm lý và tư duy của thánh chúng trong kinh theo một chiều hướng nhất quán không rời rạc. hay cắt xén. Mà kinh Kim Cang đi vào các lập luận uẩn khuất. Vừa phủ định vừa khẳng định khiến cho người đọc ngỡ là lập luận mơ hồ.

Phật nói kinh này để chỉ rõ trong mỗi chúng sanh đều có sẵn đủ bản thể Kim Cang Bát Nhã. Cái diệu dụng của kinh Kim Cang Bát Nhã là làm cho hành giả tu lục độ vạn hạnh, mà không trụ chấp các tướng. Người ngộ được kinh Kim Cang Bát Nhã rồi thì đối với các pháp và mọi việc đều thông suốt vô ngại, những việc làm hàng ngày đều là Phật pháp, tâm bình thường đó cũng là Phật pháp cho đến đi, đứng, nằm, ngồi,…cũng đều là Phật pháp.[10]

Theo thông lệ, trong các kinh Đại thừa đều có nói đến lục chủng chứng tín hay lục chủng thành tựu. Đây là sáu điều kiện để xác chứng niềm tin cho người nghe (lục chủng chứng tín), hoặc sáu điều kiện để thành tựu niềm tin (lục chủng thành tựu). Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát sáu điều kiện này trong đoạn kinh đã dẫn ở trên.

“Như thị ngã văn”: thường được dịch “Tôi nghe như vầy”. Thực ra, từ “như vầy” của tiếng Việt không lột tả được hết ý nghĩa của từ chữ Hán “như thị”. Nghe với trạng thái “như thị” nghĩa là không có người nghe và đối tượng nghe, nhưng lại có cái biết chiếu diệu hư minh để thể hội chỗ yếu lý, yếu chỉ của kinh. Cái nghe đó chính là văn thành tựu. Phải nghe trong trạng thái như thị mới khế hợp với pháp như thị, là pháp vượt thoát tất cả mọi khái niệm ngôn ngữ, tất cả tư lự phân biệt. Pháp đó chính là pháp tánh, là vi diệu pháp, là trung đạo đế, đệ nhất nghĩa đế, mà chúng ta không thể dùng tình thức để hiểu. Pháp như thị đó, chính là pháp thành tựu.

Một thời...”: Vì sao không để thời gian cụ thể ngày tháng năm nào, mà chỉ để một cách chung chung như vậy? - Chúng ta đã biết, giờ giấc ở nước này không giống ở nước khác do đặc điểm địa dư, ngày tháng dương lịch cũng khác với ngày tháng âm lịch; nên nếu đưa ra thời gian cụ thể tại Ấn Độ nơi Phật thuyết pháp, thì khi bản kinh được truyền qua các nước khác, giờ giấc sẽ bị sai lệch. Một lý do quan trọng hơn, thường từ ngữ được sử dụng trong kinh chứa đựng một triết lý rất sâu xa. Thời gian không cố định, trôi chảy như một dòng sông, thời gian là một ý niệm do vọng tưởng sinh ra nên nó không có thực thể. Do vậy, sự quy định về ngày tháng, về ba thời quá khứ, hiện tại, vị lai cũng là ảo tưởng. Trong kinh chỉ ghi “Một thời...” là để đánh bạt tất cả mọi ý niệm về thời gian, để siêu vượt được thời gian. Thời ở đây, chính là thời thành tựu.

Đức Thế Tôn”: Dịch từ tiếng Phạn “Bà Già Bà”; có lúc gọi là Bà Già Phạm, Bạc A Phạm, Bạc Già Phạm. Thế Tôn là một trong mười hiệu của các vị Phật (Như Lai - Ứng Cúng - Chánh Biến Tri - Minh Hạnh Túc - Thiện Thệ - Thế Gian Giải - Vô thượng sĩ - Điều Ngự Trượng Phu - Thiên Nhân Sư - Phật Thế Tôn). Đức Phật là chủ pháp hội, là người đề xướng và nói lên tinh thần kinh Kim Cang này. Ngài là bậc toàn giác, đã chứng triệt Kim Cang, nên mới có thể nói Kinh Kim Cang. Nói cách khác, Phật đã “tâm thông nên thuyết thông”. Tuy nhiên, Ngài không có ý niệm mình là người nói pháp, và các vị trong pháp hội là những người nghe pháp; bởi vì nếu có ý niệm đó, Ngài đã chấp vào tứ tướng, không phải là Phật nữa. Không có người nói pháp và không có đối tượng nghe pháp mới là chủ thành tựu.

“...nhập vào thần thông Đại quang minh tạng, Tam muội chánh thọ, là nơi tất cả Đức Như Lai Quang Nghiêm trụ trì”: Đây là ngôn ngữ của Ấn Độ, nghe rất khó hiểu. Thần thông là gì? - Kinh A Hàm mô tả thần thông là đi xuyên vách xuyên đá, thăng thiên độn thổ..., và mọi người thường cũng hiểu như thế. Nhưng ở đây, thần thông diễn tả sự tự tại vô ngại. Đức Phật nhập vào thần thông Đại quang minh tạng, nghĩa là trí huệ lưu xuất từ tự tâm Kim Cang của đức Phật trùm khắp pháp giới. Thần thông và trí huệ lấy Như Lai tạng làm thể, tức lấy tâm Viên Giác làm thể. Cho nên, chữ “tạng” kèm theo có nghĩa là cái kho, từ đó thần thông và trí huệ được lưu xuất. “Tam muội” là chánh định, “chánh thọ” cũng là chánh định. Chánh định của Phật là đại định, tức là đi đứng nằm ngồi đều ở trong định. Chánh định này cũng là nơi quang nghiêm trụ trì của tất cả Như Lai. Quang nghiêm trụ trì là gì? . - “Quang” là hào quang, tượng trưng cho trí huệ; “Nghiêm”là trang nghiêm; “Trụ trì” là an trụ nơi tự tánh Viên Giác để giữ gìn tự tánh đó. Chỉ khi nào có trí huệ mới an trụ và giữ gìn được Kim Cang. Không chỉ riêng Phật Thích Ca mới nhập vào chánh định này, mà cả mười phương chư Phật ba đời cũng đều ở trong định ấy. Điều này nói lên sự bình đẳng của chư Phật, khi đã thành tựu Phật quả.

Nhưng nếu nói chánh định chỉ có ở chư Phật, vậy còn chúng sanh thì sao? - Trong kinh đã nói: “...cũng là giác địa thanh tịnh của tất cả chúng sanh”. Tất cả chúng sanh đều có cái Quang-minh đó, cái tánh Kim Cang đó, nhưng vì quên và xa rời tánh Kim Cang, nhập vào trần cảnh rồi tạo nghiệp và thọ khổ. Đức Phật đã xác chứng, tánh Kim Cang là bình đẳng giữa chư Phật và chúng sanh, dù chúng sanh luân hồi trong lục đạo thì tự tánh vẫn không bao giờ mất. Chúng ta cần tin tưởng điều này một cách kiên định thì mới vững tiến trên con đường giác ngộ và giải thoát.

Ở cảnh giới này, thân tâm hằng vắng lặng, bổn tế bình đẳng viên mãn khắp mười phương”: Bổn tế là bờ mé khởi thủy ban đầu, nghĩa là chỗ cùng tột. Nếu thân tâm của chúng sanh đạt đến trạng thái như thị, thì thể tánh cũng tịch tịnh và bình đẳng đến tột cùng như chư Phật; chỗ này viên mãn khắp mười phương. Một hòn bọt đang trôi nổi trên biển, nếu cho cái tướng bọt đó là thật nó, thì nó xa rời biển cả; nhưng nếu nhận ra nó cũng có đủ tánh ướt như biển, thì trong khoảng sát-na, nó sẽ lấy biển làm tự thể. Chúng ta cũng vậy, chỉ là một hòn bọt trên biển chân như, với chánh báo và y báo như thế này; nhưng nếu chúng ta khéo nhận thì tự tánh Kim Cang cũng sẵn đủ ở chúng ta, bình đẳng cùng chư Phật, cho nên nói viên mãn mười phương. Chúng ta học Phật, tinh tấn tu hành, mỗi tâm niệm cũng chỉ để nhận lại cái tự tánh bản hữu của mình, mà mình đã mất đi khi khởi chấp thân tâm này là thật.

... Tùy thuận cảnh giới bất nhị; và ở nơi cảnh bất nhị đó, hiển hiện các cõi Tịnh độ”: Thông thường ở các bản kinh khác, đều có đề cập đến chỗ nơi Phật thuyết kinh, gọi là xứ thành tựu. Trong kinh này, phần xứ thành tựu lại nói đến một nơi chốn rất kỳ lạ, không thể xác định cụ thể ở đâu trong cõi Ta Bà này: Đức Phật khi ở trong chánh định, Ngài tùy thuận cảnh giới bất nhị, và từ cảnh bất nhị này hiện ra các cõi Tịnh độ. Như vậy, xứ thành tựu ở đây là cõi Tịnh độ. Nhưng vì sao chỉ khi ở trong bất nhị mới có thể an trú nơi Tịnh độ? - Rõ ràng Tịnh độ này là Tịnh độ của tự tâm, Tịnh độ ở tại đây và bây giờ. Chỉ khi nào chúng ta an trú vững chãi trong bất nhị pháp môn, nghĩa là tâm chúng ta không còn ở trong trạng thái lưỡng phân nhị nguyên, không còn phân biệt thiện ác, hơn thua...; thì lúc đó, dù đi đứng nằm ngồi hay nói nín động tịnh, ngay mảnh đất Ta Bà này tức khắc trở thành Tịnh độ. Tất cả sắc là sắc Phật, tất cả tiếng là tiếng Phật.

Khi nói kinh Kim Cang, Phật ở trong trạng thái bất nhị, hiển hiện lên các cõi Tịnh độ. Nếu chúng ta cũng trong trạng thái đó, thì vọng tưởng làm sao có chỗ nảy sinh? Đầu mối của vọng tưởng là lưỡng phân, là nhị nguyên phân biệt; nếu không kẹt hai bên thì vọng tưởng không còn nơi nào gá vào, thấy - nghe - hay - biết đều ở trong Tịnh độ. Như vậy, cõi Tịnh độ này là thế giới mang tính chủ quan. Chỉ có những người đã giác ngộ mới thể nhập được. Đối với các vị ấy, tất cả pháp đều là Phật pháp, cõi Tịnh độ là từ tâm hiện. Đây chính là xứ thành tựu.

... Cùng với hàng Đại Bồ tát gồm cả thảy mười muôn người cùng nhau câu hội”: Chúng hội trong buổi thuyết pháp này là các hàng Đại Bồ tát, gồm tất cả mười muôn người. Bồ tát thường có hai nghĩa: là một hữu tình chúng sanh đã giác ngộ (Hữu tình giác); sau đó làm lợi ích cho chúng sanh để đạt được công hạnh viên mãn (Giác hữu tình). Các vị Đại Bồ tát trong pháp hội này là những Bồ tát tin được pháp lớn, hiểu được nghĩa lớn, phát tâm lớn, hướng đến quả vị lớn, tu hạnh lớn và chứng được đạo lớn. Các vị muốn triệt chứng Kim Cang đồng đẳng với Phật và muốn đạt đến quả vị Phật mới thôi, không bao giờ chịu ngừng ở Hóa-thành mà phải đến Bảo-sở. Đây là chúng thành tựu.

Như vậy, lục chủng thành tựu chúng ta đã khảo sát qua. Nếu khéo nhận, chúng ta đã thấy rõ tinh thần Bát Nhã ở đây. Cho nên, ngay ở lục chủng thành tựu, chúng ta đã thấy diễn tả đầy đủ về Trung đạo đế, Đệ nhất nghĩa đế rồi.

I.3. Các bản dịch

Kinh Kim Cang cũng có người đọc là kinh Kim Cương. Kinh này do Đức Phật nói, nguyên văn bằng chữ Phạn, sau truyền sang Trung Quốc được dịch ra chữ Hán. Gồm có sáu nhà phiên dịch từ Phạn ra Hán.

1) Ngài Cưu Ma La Thập (Kumãrajiva) ở chùa Thảo Đường tại Trường An. Vào niên hiệu Hoằng Thủy năm thứ tư, tức năm 402 Tây Lịch, thuộc đời Dao Tần, Ngài dịch tên kinh là “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”. Đây là bản có giá trị nhất, được gọi là định bản, vì bản dịch này được mọi người dùng để trì tụng. Bản này nằm trong bộ Tam Bảo tụng hằng ngày (Kinh nhật tụng).

2) Ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodhiruci) đời Ngụy dịch tên kinh cũng đồng với bản trên tức là “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật” vào khoảng 508 Tây Lịch.

3) Ngài Bà La Mật Đà (Paramàrtha) Trung Hoa dịch là Chân Đế, dịch vào đời Trần, khoảng giữa thế kỷ thứ VI, để tên là “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”.

4) Ngài Đạt Ma Cấp Đa (Dharmagupta) đời Tùy, khoảng đầu thế kỷ thứ VII dịch tên cũng đồng là “Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật”.

5) Ngài Huyền Trang đời Đường, khoảng giữa thế kỷ thứ VII, dịch chung trong bộ Đại Bát Nhã, 600 quyển, gồm 16 hội, “Kim Cang” là hội thứ 9, quyển 577 trong bộ Đại Bát Nhã.

6) Ngài Nghĩa Tịnh, đời Đường đầu thế kỷ thứ VIII, dịch tên kinh là “Phật Thuyết Năng Đoạn Bát Nhã Ba-la-mật-đa kinh”. Ngài có đi Ấn Độ mang bản chữ Phạn về.

Như vậy, sáu nhà đồng dịch một bản kinh, nhưng về sau được chú ý nhất là bản của các Ngài Cưu Ma La Thập, Ngài Huyền Trang và Ngài Nghĩa Tịnh dịch.[11]

CHƯƠNG II. TƯ TƯỞNG PHÁ TRỪ VỌNG CHẤP

II.1. Hàng phục tâm – An trụ tâm

Hàng phục vọng tâm” và “An trụ chơn tâm” là vấn đề khó nhất. Nhưng đó là cái đạo lý cốt yếu từ địa vị gieo nhơn giác ngộ đến địa vị đắc quả giác ngộ. Ý chỉ này cũng đồng với ý chỉ trong kinh Pháp Hoa nói: Phật chỉ vì một đại sự nhân duyên lớn mà ra đời, để khai thị chúng sanh ngộ nhập “Tri Kiến Phật” vậy.[12]
            
Bồ tát chỉ nên như lời dạy mà trụ. Như vậy, muốn trụ tâm chúng ta phải buông xả đừng dính với sáu trần. Muốn hàng phục tâm phải đưa vọng niệm vào chỗ vô sanh.

Chủ yếu kinh Kim Cang Bát Nhã nằm trong hai câu hỏi của Tu Bồ Đề và hai câu trả lời của Phật về “hàng phục tâm” và “an trú tâm”. Nhưng nếu phân tích thì đoạn hàng phục tâm lấy việc độ sanh vào Vô dư Niết-bàn mà không thấy chúng sanh đắc độ làm chính, đây có phần chú trọng lý vô ngã, phá trừ ngã chấp. Đến đoạn an trú tâm lại lấy việc bố thí không trú tướng làm chính, đây có phần chú trọng lý vô pháp, phá trừ pháp chấp.

Kinh Kim Cang là kinh mà đức Phật dạy về pháp môn để “hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm” cho những ai phát bồ đề tâm. Nhưng, phát bồ đề tâm là gì? Một cách đơn giản, phát bồ đề tâm là hưng phát, trưởng dưỡng và thành thục viên mãn tâm bồ đề, tâm giác ngộ, tâm chơn như cho tất cả chúng sanh và mình. Vì khởi niệm phân biệt, phan duyên theo trần cảnh, vọng chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và các pháp cho là thật có; từ đó, mang lục căn dong ruổi theo lục trần để khởi động lục thức, tạo nghiệp nhân, thọ nghiệp quả, luân chuyển trong lục đạo tứ sanh, quên mất cả đường đi lối về. Mê lộ do đây mà mịt mù không nẻo thoát; tử sinh vì vậy mà quanh quẩn không cùng. Tuy nhiên, dù vọng tướng có sinh diệt đảo điên, song chân tánh vẫn bất tăng bất giảm. Vấn đề là ở chỗ bằng cách nào để trừ vọng quy chơn. Vọng là gì? Chơn là gì? Có thể tạm đặt vai vế cho cả hai để dễ thấu hiểu vấn đề. Trong chiều hướng ấy, chúng ta có thể gọi vọng là khách, chơn là chủ. Khách thì lúc đến lúc đi, lúc không lúc có, không giữ phần tự chủ, tự tại. Chủ thì hiện hữu thường trụ, tự chủ tự tại. Vậy trong chúng sanh, cái gì là vọng, cái gì là chơn? Cái gì sanh diệt, vô thường là vọng, cái gì thường trụ bất biến là chơn. Nếu cứ theo nghĩa này mà luận thì tất cả mọi cái trong chúng sanh từ tâm đến thân, từ trong ra ngoài thảy đều là vọng, vì mọi thứ đều sanh diệt, vô thường. Bởi thế cái ngũ uẩn giả hợp ấy mới được gọi là chúng sanh! Cho nên, chúng sanh là vọng. Vì lẽ ấy, hàng phục vọng tâm chính là hàng phục tâm chúng sanh. Mà muốn hàng phục vọng tâm thì như Phật dạy: “Phật bảo Tu Bồ Đề, các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loại chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc loài sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc chẳng có tưởng, hoặc chẳng không tưởng, ta đều khiến vào Vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó.”

Độ vào chỗ tịch diệt chính là khi niệm chúng sanh, niệm phân biệt, vọng niệm khởi lên thì lập tức hàng phục bằng cách, vừa trực nhận một cách tỉnh giác rằng đây là những vọng niệm sanh diệt không thực hữu, vừa buông xả không chấp thủ để chúng tự lắng xuống chỗ tịch diệt. Khi niệm chúng sanh đã lắng xuống, tâm thức trở lại trạng thái linh diệu rỗng suốt và bao la không giới hạn, đó chính là chơn tâm. Nhưng vấn đề là làm cách nào để an trụ chơn tâm một cách thật sự? Đây chính là nội dung cốt lõi của kinh Kim Cang mà đức Phật đã khai thị. Đức Phật dạy: “Các Bồ-tát lớn nên như thế mà sanh tâm thanh tịnh, không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ hương vị xúc pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia”. Lục căn (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý) giống như sáu cánh cửa của căn nhà ngũ uẩn giả hợp, để qua đó, vọng thức săn đuổi, đắm trước theo lục trần, sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Vọng thức trụ ở đâu thì tâm chúng sanh bị trói buộc ở đó. Sự trói buộc của tâm là chất liệu kiên cố để kiến tạo tòa nhà ngã và pháp chấp vững bền, rồi từ đó, khuấy động ba nghiệp thân, khẩu, ý tạo nhân, thọ quả tiếp nối sự luân chuyển trong tam giới lục đạo. Chính vì vậy, hàng phục vọng tâm rồi, cần phải giải thoát sự trói buộc của tâm vào thế giới hệ lụy của căn, trần và thức để chơn tâm hiện bày trọn vẹn. Không trụ tâm tức là cách nói khác của vô tâm. Vô tâm là gì? Vô tâm là tâm ở trạng thái rỗng suốt không bị trói buộc bởi bất cứ pháp nào, là tâm không quái ngại vì không chấp trước không thủ trước bất cứ vật gì, là tâm thênh thang không dừng trụ ở bất cứ thời và không gian nào. Nhưng nói như vậy thì cũng còn chưa thật sự vén mở được hết những ẩn khuất bên trong. Thật ra, buộc trói hay mở ra, thủ trước hay buông xả, cõi giới hạn hay vô hạn của thời và không gian, tất cả đều thuộc về thế giới của vọng tâm, của tâm chúng sanh, không phải vô tâm, vì vô tâm chỉ là cách nói của hữu tâm để diễn bày về cảnh giới thực chứng mà ở đó tâm chúng sanh đã rũ sạch mọi triền phược. Tâm rũ sạch mọi trần cấu, mọi triền phược thì tâm ấy không còn là tâm chúng sanh nữa mà là chơn tâm. Xin hãy nghe lại bài kệ của Thiền sư Hương Hải nói về diệu dụng của “vô tâm” trong phương thức an trụ chơn tâm:

                                                            “Tầm ngưu tu phỏng tích
                                                            Học đạo quý vô tâm
                                                            Tích tại ngưu hoàn tại
                                                            Vô tâm đạo dị tầm”.

Từ pháp môn hàng phục tâm chúng sanh bằng cách độ tận vọng niệm vào cõi tịch diệt đến pháp môn an trụ chơn tâm bằng cách ứng xử vô tâm để viễn ly hệ lụy của căn, trần và thức, cả hai đều phải nhờ đến một diệu lực nhiệm mầu mà nếu không có diệu lực ấy thì không thể đạt thành cứu cánh, diệu lực ấy chính là trí tuệ bát nhã. Tại sao phải cần đến trí tuệ Bát Nhã để hàng phục tâm chúng sanh và an trụ chơn tâm.

Trong cả hai phương thức để hàng phục vọng tâm và an trụ chơn tâm, hành giả đều phải buông xả tất cả vọng chấp về ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả và các pháp như là những thực thể hiện hữu. Khi nào còn một mảy may ý niệm cố chấp về sự thực hữu của ngã và pháp thì vọng tâm điên đảo vẫn còn khởi động, do đó, không thể ngộ chứng và an trú được chơn tâm. Muốn buông xả các vọng chấp ngã và pháp thì hành giả nhất định phải vận dụng đến trí tuệ Bát Nhã để quán nghiệm và hàng phục.
           
II.2. Phá chấp về Phật, Như Lai, Niết bàn

Trước hết là việc thọ ký, đức Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! về quá khứ đối với trước Phật Nhiên Đăng, ta có: “Đắc pháp” không?”. Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Đức Như Lai thật không có “đắc pháp” gì cả”. Để xác chứng điều đó và chỉ rõ hơn ở mục thứ 46 Phật dạy: “Đúng như vậy, Như Lai không có đắc pháp gì cả. Nếu Như Lai có đắc pháp thì Phật Nhiên Đăng không thọ ký cho ta rằng về sau ông sẽ thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni”.

Thế nhưng ở đây, Phật dùng Trí tuệ Kim Cang Bát nhã phá cái chấp “Phật có đắc pháp”. Nếu Như Lai còn thấy có Phật Nhiên Đăng thọ ký là còn chấp nhận có pháp Bồ đề để chứng đắc là chấp pháp và mình được thọ ký, đắc pháp Bồ đề là chấp ngã là như thế thì không phải là Phật là Như Lai nữa. Kim Cương trí phá trừ hết các mây, vô minh, vọng chấp, nhơn ngã v.v… và làm hiển lộ mặt trời Bát Nhã Chơn Không (Chơn Như- Phật tính).

Vì hạt giống vô lậu của mỗi chúng sanh đều có. Mọi chúng sanh đều có tiếng nói huyền diệu và oai đức tự tại ở nơi chính mình “Bản tâm thanh tịnh” của mình. Phật tính, Bát nhã trí hay giác tính sẳn đủ nơi chúng sanh. Vì thế mà trong chương thứ 20 kinh Pháp Hoa. Thường Bất Khinh Bồ tát thường xướng rằng; “Tôi chẳng dám khinh quý Ngài, quý Ngài đều sẽ thành Phật”. Thật vậy, ngay cả Đề Bà Đạt Đa chuyên hành nghịch pháp chướng đạo Bồ đề cũng được thọ ký thành Phật. Hay ngay cả Long Nữ, vừa mang thân nữ, “hữu ngũ lậu”, vừa là phi nhân (rồng), vừa là tiểu nữ (8 tuổi) lại cũng chính là Phật. Những biểu tượng như “Ngọc trong chéo áo gã cùng tử” “Sen trong lò lửa” “lửa trong cây” “Gia trung hữu bảo” tất cả nhằm biểu đạt giác tính viên minh hằng hữu nơi mỗi chúng sanh. Do vậy, “Vô tướng pháp thân không là nam, là nữ, chỉ cần một niệm tương ủng tự khắc viên thành đạo quả đầy đủ y báo chánh báo, thị hiện trang nghiêm, Phật tánh bình đẳng không phân biệt loài nào, hạng nào, nam hay nữ, thông minh học nhiều chữ nghĩa hay mê muội. Nếu một khi đã nhận ra “tự tánh nhiệm mầu” vô thỉ vô chung ở nơi mình, sống hợp tánh ây, thì ngay lúc đó sẽ đạt thành đạo quả. Nếu đem ngọc báu hay thanh tịnh tâm vốn sẳ cò dâng cho Phật. Hay nói cách khác là hướng về “Thể tánh chân thường” thì ngay lúc đó tự nhận ra được “Bổn lai diện mục” của chính mình”.[13]

Ý niệm về “chân tâm” như là bản nguyên của vạn hữu và ý niệm về “Như lai tạng” trong kinh Lăng Già, thể “tự tâm tròn sáng” trong kinh Viên Giác, “Phật tri kiến”,“Phật tính” hay “nhất thừa” trong kinh Pháp Hoa,“chơn tâm minh diệu” trong kinh Lăng Nghiêm,“Pháp giới viên dung” trong Hoa Nghiêm, “Phật tính thường trú” trong kinh Niết Bàn, “Kim Cang Trí” hay “Không tánh” trong kinh Bát Nhã. Tất cả đều nhằm hướng chúng sanh quay về với phần sẵn có nơi mình, đó là tâm ấn của Chư Phật.

Trong “Nẻo thiền học”, Thiền sư Nhất Hạnh viết “Tâm ấn của chư Phật là việc thực hiện, toàn bích như thái hư, không thiếu không dư, không có chổ sanh diệt, không viễn ly cũng không bất viễn ly, vì vọng duyên giả lập mà gọi vậy”.[14] Vậy tâm ấn là vật có sẵn nơi mọi người, không ai cần trao cho ai, không cần chiếm đoạt, không sợ mất cấp, không phải là một với hiện tượng sinh hoạt. Thánh phàm đều có cả, đầy đủ chẳng tăng chẳng giảm “Chẳng tăng chẳng giảm là vì tâm vọng thấy cảnh cảng vọng nên thấy có Phật có chúng sanh, có Thánh phàm, có thông minh, có đần độn, có trí tuệ, có ngu si, có trong có đục, có sạch có dơ, tự có phân chia cao thấp hơn kém, do đó nói có tăng có giảm. Nương thể Bát Nhã chiếu soi vắng lặng hiện nên chẳng khởi tưởng sanh thì thể chiếu soi lắng sâu, rộng lớn không bờ mé”.[15]

Được trao truyền Tâm ấn thì cũng có nghĩa tương đương với kiến tính, nghĩa là thấy được bản tính của tự thân mình, bản tính này, tâm ấn kia, có khi gọi là pháp thân hoặc chân như, hoặc Phật tính.

Để giúp cho đại chúng hội nhập lý ấy, Phật dạy thêm: “Tu Bồ Đề! Có người nói “Như Lai đặng quả Bồ Đề”. Thật ra, Như Lai là bản thể như như các pháp, nên Như Lai không đặng pháp gì cả. Tu Bồ Đề! Như Lai đặng đạo quả Bồ Đề không phải hư không phải thực. Nếu hiểu được phẩm Như Lai thọ lượng ở kinh Pháp Hoa ta sẽ thấy thêm nghĩa Như Lai ở kinh Bát Nhã này: “Như Lai giả, vô sở tùng lai diệc vô sở khứ, Như Lai là bản thể chân như, bất tăng bất giảm, bất sanh bất diệt. Đến không chổ từ, đi không chổ tới. Như Lai vô thủy vô chung, hiểu như vậy rồi, thì Như Lai hiện tại hay Như Lai thời Phật Nhiên Đăng xa xưa, cũng chẳng có gì gọi là chứng đắc. Hiểu đúng chánh pháp, qua lăng kinh Bát Nhã Ba La Mật, từ bạc địa phám phu, tiến lên quả vị Phật, trải qua giai đoạn biến dịch sanh tử bất tư nghì, hãy còn không được gọi là chúng đắc huống hồ địa vị một Như Lai”.[16]

Tỏ ngộ “Bổn nguyên tự tánh thiên chơn Phật” này thì “Một nhảy liền vào đất Như Lai”. Liền “tức tâm tức Phật” Như Long Nữ, ngộ lý cùng tột, mới ba tuổi đã tức khắc chứng quả vô thượng Bồ Đề. Như lời Huyền Giác nói “Thể tức vô sanh, liểu bổn vô tốc”. Như vậy, Huyền giác đã biết được tánh vốn không sanh diệt, vượt lên cả không gian thời gian, làm gì có mau chóng”.

Như Lai vốn như thế, vốn không có thọ ký hay chứng đắc thì làm gì có quá trình tu tập, độ sanh, thuyết pháp, hay nhập Niết bàn. Tổ Bồ Đề Đạt Ma viết: “Người thượng trí chiếu suốt vắng bặt hoàn toàn, rõ tâm là Phật, chẳng đem tâm để được Phật trí. Biết ba thân Phật cùng vạn pháp đều chẳng thể nói được. Đây là tâm giải thoát thành đại. Nếu bày ý rốt ráo này, trong khế kinh có nói: “Phật chẳng thuyết pháp, chẳng độ sanh, chẳng chứng Bồ Đề”. Do đó ở mục 32 Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói người nhẫn nhục Ba La Mật mà không thấy mình nhẫn nhục Ba la mật như thế là Nhẫn nhục Ba la mật”[17].

Lại nữa Bồ tát không chấp nơi bố thí, độ sanh, trang nghiêm thành cõi Phật nên cũng không chấp chứng đắc đạo quả: “Tu Bồ Đề! Như Lai không có một tí gì gọi là đặng đạo quả vô thượng Bồ đề”. Đã không chứng đạo tất không thuyết pháp, giảng đạo “Nếu có người nào không hiểu lời của Phật dạy lại nói rằng: “Như Lai có thuyết pháp” thì người ấy khinh báng Phật.

Vì pháp này bình đẳng không có cao thấp, không ngã, không nhơn, không chúng sanh, không thọ giả, tạm gọi đó là đạo vô thượng Bồ Đề thì làm sao thuyết Đạo bổn vô ngôn: “Thuyết pháp tức là không có pháp gì có thể nói được, mới gọi là thuyết pháp”. Như trong Kinh Niết Bàn nói: “Trong 49 năm ta chưa từng nói một lời nào”.

Do nơi không có quá trình tu tập, chứng đắc đạo quả thành Phật thì đâu có cõi Phật (Niết Bàn) để mà trang nghiêm. “Bồ tát làm trang nghiêm cõi Phật, mà không chấp mình có làm trang nghiêm cõi Phật, mới thật là trang nghiêm cõi Phật”.

Lục Tổ bàn về Niết Bàn: “Trong sát na không có tướng sanh, không có tướng diệt, mà cũng chẳng có sự sanh diệt nào phải diệt đi cả. Đó là cái hiện tiền tuyệt đối, không hạn cuộc bởi một ranh giới nào, nên lúc nào cũng vui”.[18]

Xưa nay có biết bao nhiêu định nghĩa về Niết Bàn nhưng tất cả đều không lột tả được ý nghĩa đích thực của nó. Tổ Bồ Đề Đạt Ma đưa ra một lối nhìn đơn giản: “Chẳng khởi cọng tưởng là Niết Bàn”. “Chỗ không phiền não là Niết Bàn”, “Chỗ không tâm tướng là đáo bỉ ngạn”.

Rồi Ngài cũng chỉ ra: vì hàng tiểu thừa cố hướng đến Niết Bàn, cố dứt trừ phiền não nên tự chướng ngại mình. “Vì người tiểu vọng đoạn phiền não, vọng nhập Niết Bàn, nên bị Niết Bàn làm trệ ngại”. Do vậy: “Bồ tát biết tính phiền não là không bèn chẳng rời lìa không nên thường ở tại Niết Bàn”. Niết Bàn là dụng xứ của chơn tâm hay cũng chính là chơn tâm vậy: “Xuất ly sanh tử, xuất Bát Niết Bàn, tâm không khứ lai là nhập đại Niết Bàn”, rồi Ngài kết: “Thế nên biết rằng Niết Bàn là tâm không vậy”.[19]

Với sự suy nghĩ, phân biệt hay ngôn ngữ thế gian, ta càng bàn về Niết Bàn càng giống rùa giúp cá hiểu “Đất khô là gì?”. Theo Ngài Tông Cảo Thiền Sư đã chọn con đường cho những ai muốn hội nhập vào “cảnh giới Phật”; “muốn biết cảnh giới Phật, phải tịnh cái ý của mình như hư không. Viễn ly vọng tưởng và các điều chấp trước, khiến cho các chổ tâm hướng về đều vô ngại. Cảnh giới Phật không phải là cảnh giới bên ngoài có tướng Phật, đó là cái cảnh giới tự giác Thánh trí vậy. Muốn biết cảnh giới này, không nhờ trang nghiêm tu chứng mà được. Phải tịnh nhiễm của khách trần phiền não trong ý căn từ thời vô thỉ tới giờ. Cái Tâm phải bao la như hư không, lìa xa các chấp thủ của ý thức. Tất cả cái vọng tưởng hư ngụy cũng như hư không. Tu tập như vậy ắt cái cái diệu tâm vô dụng công tự nhiên phản ứng với tất cả điều thiện mà không bị trở ngại”.[20]

Thật tướng của các pháp là Niết Bàn: “Các pháp từ trước đến nay đều là tướng tịch diệt, đó là Niết Bàn”. Ở đây hai cửa “Hữu” và “Vô” không phải là cửa đi đến Niết Bàn, mọi xác định đều bị phủ nhận, để từ đó mở ra một con đường rộng thênh thang không trói buộc. Hành giả “Kim Cang” không chỗ được, không chỗ đến, không chỗ đoạn trừ, chẳng có pháp gì để phân biệt, chẳng sanh chẳng diệt, cho nên kinh dạy: Niết Bàn chẳng phải có chẳng phải không “Như Lai đặng đạo Bồ Đề không phải hư không phải thật”. Tất cả các pháp chẳng chấp nên trong tịch diệt gọi đó là Niết Bàn.

Nếu có một Niết Bàn nào để mắt, chúng ta nhận thấy là có, thì Niết Bàn ấy cũng chỉ là “Tướng lão tử”. Niết Bàn là có thì Niết Bàn này thuộc vào tướng hữu vi nhân duyên sinh diệt chứ không phải chơn thường. Nếu Niết Bàn là thật có thì tại sao đức Phật bảo “Niết Bàn là không chấp (vô thọ ?). Đã không chấp thì cho dù pháp đó là pháp gì đi nữa thì cũng không thể hiện hữu ở đây được”. Nhưng Phật dạy: Không chấp là Niết Bàn và không có chấp nào là pháp Vô cả. Cho nên, Niết Bàn không thể gọi là Vô được. Như vậy Niết Bàn là chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải chẳng có, chẳng phải chẳng không. Đây không phải là chỗ suy lường được.

II.3. Phá chấp về Thánh phàm, Thế giới, Chúng sanh, Phiền não

Phật lại hỏi: Tu Bồ Đề! Nếu vị Tu Đà Hoàn (Tư Đà Hàm, A Na Hàm, A La Hán) nghĩ rằng: Tôi đã đặng quả Tu Đà Hoàn (cho đến quả A La Hán), nghĩ như thế có được không?”.

Tu Bồ Đề thưa: “ Bạch Thế Tôn! Không thể được, Tại sao vậy ? Vì A La Hán phải không còn thấy mình có chứng đắc quả A La Hán. Nếu thấy mình chứng quả A La Hán tức là còn dính mắc về bốn tướng: Ngã, nhơn, chúng sanh và thọ giả, thì không phải thật chứng A La Hán. Bạch Thế Tôn! Cũng như con đây, vì con không còn chấp mình có tu chứng, nên mới được Như Lai chứng nhận: “Tu Bồ Đề đã đặng pháp Tam muội vô tránh, Tu Bồ Đề là người ưa tu hành tịch tịnh. Tu Bồ Đề là vị A La Hán ly dục thứ nhất. Trong chúng Tu Bồ Đề là hơn hết”.

Thật vậy: “ở trong tướng thật chân không, xưa nay vắng lặng, thì các pháp sanh diệt, nhơ sạch, tăng giảm đều chẳng thể được. Thế nên trong Không, không pháp thế gian, nghĩa là không có các pháp phàm phu sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới…Trong Không đã không pháp thế gian, thì có gì để che phủ, gì là khổ vui, lo sợ, gì là cầu pháp xuất thế gian. Do đó trong “Không”, không pháp quán mười hai nhân duyên của Duyên giác, không pháp bốn Thánh đế của Thanh Văn, không pháp sáu độ muôn hạnh, thượng cầu hạ hóa của Bồ Tát. Thế nên trong “Không”, xưa nay trong sạch vắng lặng, vốn không thấy phàm thánh, thiện ác, tịnh uế sai biệt”.[21]

Theo Tuệ Trung Thượng Sĩ trong bài “Phàm Thánh bất dị” có viết: “Thân từ vô tướng xưa nay không, giả dối nên chia thành nhị kiến”. Ta người như móc cũng như sương, Phàm Thánh như sấm cũng như điện. Thế nên đâu biết: 
“Ai Phàm chừ ai là Thánh,
                    Muôn kiếp kiếm tìm mất tánh căn”.

Vậy hết thảy Phàm Thánh toàn do vô vi biểu hiện khác biệt. Bốn đạo quả ấy cũng là Phi, cũng là biểu hiện của Như. Tùy theo thể của chân như hiển lộ nhiều hay ít, hoặc chưa hiển lộ mà có Thánh Phàm các quả cao thấp khác nhau.

Tóm lại: Vấn đề chứng đắc là phương tiện giả lập danh ngôn. Hành giả Kim Cương không bao giờ để tâm ước mong chứng đắc. Các pháp cũng đúng như Chơn Như, hành không chổ hành, trụ không chổ trụ, đắc không chổ đắc, đó tức là pháp mầu vô thượng mà Như Lai nói, là “Phật pháp chẳng phải Phật pháp vậy”. Hể tâm còn khởi lên một động niệm gì, tức là sa vào vòng có giới hạn, không được gọi là pháp mầu vô thượng “Vô trụ, vô đắc”. Vậy để trả lời câu hỏi của Tu Bồ Đề: “Phật pháp đã như thế, tại sao lại có các quả Thánh hiền cao thấp khác nhau”. Phật dạy: “Vì trình độ của chúng sanh có sai khác nên có các quả Thánh Hiền sai khác chứ không phải Phật pháp (vô vi) có sai khác”.

Lại nữa, Về Thánh hiền đã vậy, còn về chúng sanh? Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Chúng sanh kia, không phải là chúng sanh, cũng không phải phi chúng sanh, thật không phải chúng sanh, chỉ giả gọi là chúng sanh”.

Bởi vì trong tánh Bát Nhã chơn không thì ngã và pháp đều không, bốn tướng chẳng còn. Bốn tướng đã không, ngã chấp chẳng còn, thì đâu có gì là chúng sanh hay phi chúng sanh.

Như trong bài tụng của Ngài Phó Đại Sĩ viết:

                                                            “Chúng sanh dữ thọ giả
                                                            Uẩn thượng lập hư danh
                                                            Như qui mao bất thật
                                                            Tợ thố giác vô hình”

Trong các kinh điển Đại thừa cũng xác định tính cách hư dối của cái gọi là “Chúng sanh”. Đó là sự giả hợp của các yếu tố bốn đại, uẩn, xứ giới không chân thật.

                                    “Tâm như người thợ vẽ, vẽ các thứ ngũ uẩn
                                    Các pháp trong thế giới, không pháp gì chẳng tạo”.[22]

Trong “Bát Nhã Tâm kinh”: “Quán Tự Tại Bồ Tát hành thâm Bát Nhã Ba La Mật Đa thời chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhất thiết khổ ách”.

Con người do ngũ uẩn tạo thành, do năm uẩn này vốn là không nên chẳng sanh cũng chẳng diệt: “Chẳng sanh chẳng diệt nghĩa là cái thể Bát Nhã chiếu soi hiện tiền, liền tự biết bốn đại, năm uẩn, tất cả các pháp xưa nay chẳng sanh. Tại sao chẳng sanh? Vì năm uẩn vốn không nên chẳng sanh. Năm uẩn vốn không nên chẳng diệt. Giả tưởng bốn đại, năm uẩn cũng như hoa đốm trong hư không, nguyên không có thể tánh, nên chẳng sanh. Nó đã không sanh thì xưa nay vắng lặng tịch diệt. Chẳng phải xưa có nay không mà gọi là diệt. Bởi hoa đốm trong không là chất huyễn, đương thể tức không, có sanh diệt gì đâu để nói! Năm uẩn của chúng sanh, cũng như hoa đốm trong hư không, đương thể hư giả, hư giả tức là không, nên nói chẳng sanh diệt”.

Như vậy đã không chấp có chúng sanh thì không chấp có thật có thế giới và phiền não sanh tử. Vì không có chánh báo thì đâu có nghiệp dụng và y báo. Lại nữa Phật dạy: “Tu Bồ Đề! Như Lai nói các vi trần không phải là vi trần, chỉ tạm gọi là vi trần. Như Lai nói thế giới, không phải thật thế giới, chỉ tạm gọi là thế giới”.

            Trong kinh Lăng Già có viết:
                                                “Thế gian lìa sanh diệt
                                                Ví như hoa hư không
                                                Trí chẳng thấy có không
                                                Mà khởi tâm đại bi”.[23]

Cõi nước của Phật tức là cõi nước của chúng sanh. những vị Bồ tát này hay chính chỗ nhật dụng của chúng sanh mà thông đạt cảnh giới Phật”.

Bởi vì “cảnh giới tùy tâm hiện” nên biết “Thế gian như hư không hoa, tất cả pháp như huyễn, thế gian hằng như mộng”. Hành giải Kim Cang hằng soi Bát Nhã để thấy:

                                                Biết nhơn pháp vô ngã
                                                Phiền não và sở trí
                                                Thường thanh tịnh không tướng
                                                Mà khởi tâm đại bi.

Do vậy: đối với mọi duyên, mọi cảnh không còn chướng ngại “phiền não tức bồ đề, sanh tử tức Niết Bàn”. Trong phẩm “Nhất thiết Phật Ngữ tâm” Phật dạy: “Lại nữa, Đại Huệ! Các Thanh văn sợ sanh tử vọng tưởng khổ mà cầu Niết Bàn. Chẳng biết sanh tử Niết Bàn sai biệt tất cả tánh, vọng tưởng phi tánh”.

Đây cũng là ý chỉ bày của Lục Tổ trong bài kệ:

                                                Bồ Đề vốn không cây
                                                Gương sáng cũng chẳng đài
                                                Xưa nay không một vặt
                                                Chỗ nào bám bụi trần[24].

Bài kệ bày chỗ “Vô tướng, vô tu, vô chứng” khác với bài kệ của Thần Tú là có tướng, có tu, có chứng. Thần Tú chỉ thấy dụng chứ chưa thấy thể, thấy tướng sai biệt chứ chưa thấy tánh không, thế nên mới phân biệt Bồ Đề, thân tâm, gương sáng, bụi trần… và tự vọng loạn khởi phiền não. Như Huệ Khả tự dấy bất an rồi đến cầu Bồ Đề Đạt Ma “an tâm” cho.

Do đó Tổ Bồ Đề Đạt Ma dạy: “Thật ra tham sân si cũng không thể tánh chơn thiệt. Chỉ y cứ nơi chúng sanh mà nói đó thôi. Nếu có thể phải chiếu thì thấy rõ tánh của tham sân si là Phật tánh. Ngoài tham sân si không có Phật tánh riêng”. Do vậy “Phiền não tức Bồ Đề”, “Sanh tử tức Niết Bàn”, “Chúng sanh tức Phật”.

CHƯƠNG III. TINH THẦN PHÁ CHẤP TRIỆT ĐỀ TRONG KINH KIM CANG 

Ngay từ khi mới thành đạo. Đức Phật đã quan sát chúng sanh, do dự cân nhắc chánh pháp này rất thậm thâm vi diệu bặt suy nghĩ, ngôn từ, nay hàng chúng sanh đầy chấp trước vọng tưởng mê muội làm sao có thể hội ngộ được pháp này. Chỉ có bậc thượng căn, thánh trí mới thâm nhập, tỏ được mà thôi. Rồi Ngài định nhập Niết bàn ngay. Vì sự cầu thỉnh “Và lòng từ bi, Ngài đã phương tiện tùy căn cơ mà thuyết pháp trong 49 năm để rồi cuối cùng Ngài đúc kết lại là “Ta chưa từng nói một lời nào”.

Ở đây nhiều lần Đức Phật phá cái chấp “Như Lai có thuyết pháp?”. Lại nữa Phật hỏi: “Tu Bồ Đề! Như Lai có thuyết pháp không ?”. Tu Bồ Đề thưa: “Bạch Thế Tôn! Như Lai không có thuyết pháp”. Bởi vì “Phật pháp”, chỉ là cái “danh giải chi thuyết” là cái tên tạm gọi:” “Gọi là “Phật pháp” thực ra cũng không phải “Phật pháp” chỉ tạm gọi là Phật pháp”.

Và như vậy thuyết làm sao được ? “Pháp của Như Lai , không thể chấp thủ, nói năng không trúng, suy nghĩ chẳng nhằm, không phải chánh pháp, mà cũng chẳng phi pháp”. Dầu vậy, Ngài cũng chỉ bày phương tiện dể chúng sanh quay về nơi cội nguồn tâm cội tánh viên dung của mình. “Giáo pháp ta nói cũng như chiếc đò, đưa người qua sông, các ông không nên trụ chấp nơi giáo pháp”. Bởi vì ngôn ngữ thế gian không sao phô diễn được nghĩa của các pháp: “Thuyết pháp tức là không có pháp gì có thể là nói pháp chân thật. Như Lai nói thật, nói chơn chánh, không nói dối, không nói sai khác”. 

Trong ba hình thức ngôn ngữ (ngôn ngữ phủ định, ngôn ngữ trực chỉ, ngôn ngữ biểu tượng) hình thức “ngôn ngữ phủ định” được dùng xuyên suốt trong Kinh Kim Cang. “Đại thừa không như phàm phu và Tiểu thừa thấy A vì A là A! Thấy có hay thấy không đều thấy theo cái ngã bản năng. Và chính vì thế mà tai họa cho cuộc đời, chính vì thế mà lý tưởng vị tha cũng thành ra vị kỷ. Đại thừa thấy A là phi A nên mới là A (sở thuyết…tức phi…thị danh) biến mọi hoạt động của bản năng thành mọi hoạt dụng của Đại Thừa. Thích ứng như vậy mới thật viên dung và viên mãn. Thích ứng như vậy mới là Bát Nhã của Kim Cương được hoạt dụng vào sự thích ứng. Thì sự thích ứng không những có, mà còn có một cách hoạt bát chứ không phải tha hóa, không phải tục hóa”.[25]

Vậy lối phủ định ở đây không phải là từ chối, phủ nhận dồn hành giả vào chổ bí mà là phá chấp mở ra chân trời siêu việt mênh mang.

Theo phong cách ấy thì thấy cái gì cũng phi cả. Nhất là phi cả cái phi. Phi thì không vướng mắc vào đâu cả, nhất là vướng vào phóng đãng, phó khí tự nhiên, nhúc nhát, thoái chuyển, lệch hướng, phi làm cho tâm trí và tâm hồn rỗng thông như không gian mà không gian thì phong phú như hoa lá. Mình vơi cuộc đời phi tức mà tức cũng phi ly, siêu nhiên cũng như tục lụy đều không vướng mắc. Ở Kinh Kim Cương phi có cái ngữ khí trực chỉ: Phi là như thật tri kiến các pháp toàn là như. Nói giản dị: Phi là siêu việt: siêu việt khái niệm là diển tả. Sau này, Long Thọ lập ra Trung quán với bốn chẳng: Chẳng phải có, chẳng phải không, chẳng phải chẳng có, chẳng phải chẳng không và “Bát bất”: Bất sanh-diệt, bất thường-đoạn, nhất-nhị, lai-khứ để đi vào Trung đạo.

“Trung đạo không phải là Niết Bàn, mà là con đường đi đến Niết Bàn. Nó là phương tiện chứ không phải là cứu cánh. Cứu cánh Niết Bàn là tịch diệt tướng, không thể nói bằng lời, nhưng Phật dùng phương tiện để dẫn chúng sanh đi về cứu cánh Niết Bàn”[26].Do vậy, trong kinh phải dùng đến ngôn từ hay “cái danh”. Sự hiện hữu hay các pháp không có tự thể, không có tự tánh (gọi là tánh không), nó chỉ là một hiện hữu giả danh. Nhưng cái danh biểu lộ cho cái thực. Vì cái danh không phải là cái thực cho nên nó vừa biểu tượng cho cái thực tại tuyệt dối mà vẫn không lìa khỏi bình diện tương đối của nó. Ngôn từ là một hiện hữu tương đối, nó chứa đựng toàn thể kinh nghiệm của nhận thức nó duy trì kinh nghiệm này. Nhưng đó là kinh nghiệm được tập hợp tất cả những sai lầm vọng tưởng. Như lời dạy của Lục Tổ với Thần Hội để lại chúng ta hướng trực nhận thực tại vạn pháp: “Tôi đã nói với ông không danh, không tự ông liền gọi đó là bản nguyên, là Phật tánh, ông nhằm đi lấy cỏ tranh chẻ đầu, cũng chỉ hạng tông đồ của tín giải”.[27]

Lục Tổ dạy: “Chẳng ngộ tức Phật là chúng sanh, khi một niệm ngộ chúng sanh là Phật”, “thế nên biết muôn pháp trọn ở nơi tự tâm, sao chẳng từ trong tự tâm thấy được chân như bản tánh” và đâu phải lâu xa hay trở ngại gì: “Liền khi đó bỗng hóa nhiên (tức là rỗng thênh) lại đặng bản tâm”. Do đó trong Đốn Tông của Huệ Năng, Bát Nhã được phát khởi trong tự tánh theo cách đột xuất (đốn) và chữ đốn này không chỉ có nghĩa là “tức thời”, theo cách bất ngờ hay thình lình; nó cũng có nghĩa là hành vi tự phát, nó là cái thấy, không phải là một hành động có ý thức thuộc phần tự tánh. Nói cách khác “ánh sáng của Bát Nhã phóng ra từ vô niệm; Bát Nhã ở trong thức về sự vật. Đây là cái mà người ta ám chỉ khi nói rằng: “Thấy là không thấy và không thấy là thấy”. hoặc khi nói rằng vô niệm hay tự tánh trở nên ý thức chính nó hằng phương tiện Bát Nhã, tuy nhiên trong ý thức này nó không có phân cách nào giữa chủ và khách. Do đó Huệ Năng nói: “Ai hiểu được chân lý này tức không nghĩ, không nhớ và không dính mắc”.[28]

Đó cũng là ý nghĩa mà Trời Đế Thích thưa với Tu Bồ Đề: “Ngài không nói Bát Nhã, con nghe Bát Nhã” cũng như cái “im lặng sấm sét” của Duy Ma trong phẩm “Bất nhị pháp môn” và là ý nghĩa “tự chứng tự nội” và “Đột biến” trong kinh Lăng Già cũng như Tông chỉ: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật” mà Ngài Bồ Đề Đạt Ma để lại. Vì rằng uống nước vào thì nóng lạnh tự biết, đến nơi rồi thì thấy “núi là núi, sông là sông”… nhằm lôi kéo hành giả về thực tại và thực tánh của vạn pháp.

Do vậy ta hiểu được lối ngôn ngữ phủ định trong Kim Kim Cang là Phá chấp triệt để: không chơn vọng, không bốn tướng, không bố thí, không chấp nơi thân Phật, sắc tướng, âm thanh Phật, không có thọ ký, tu hành, phước đức hay quả vị, không có Phật pháp, không có thuyết kinh giảng kinh,…Bởi vì: “Như Lai thị chư pháp thật tướng”, “Nhược kiến chư tướng phi tướng tức danh Như Lai”, “Vô sở trùng lai diệc vô sở khứ cố danh Như Lai”, “Nhất thiết chư pháp như thị Phật pháp”. Lý “sắc tức thị không, không tức thị sắc”, “chơn không diệu hữu”, Thể tánh Như hay pháp tánh Không “Bất sanh bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm” là cái xưa nay không dời đổi sau bao đợt nổ tung của sự phá chấp triệt để trong kinh Kim Cang.

C. KẾT LUẬN

Có ai đó đã thốt lên rằng : “Con người vĩ đại đó, tấm lòng trí tuệ đó, phương pháp giáo dục siêu việt đó của đức Phật đã khiến muôn nghìn trái tim của nhân loại hướng về Ngài và tôn kính Ngài như một vị đạo sư siêu việt nhất trong lịch sử nhân loại”. Hay Abdul Atahiya, một thi nhân Hồi Giáo xúc động nói: “Nếu bạn muốn thấy người cao quí nhất của loài người, bạn hãy nhìn vị Hoàng đế trong y phục một người ăn xin; chính là Ngài đó, siêu phàm thánh tính của Ngài thật vĩ đại giữa con người”. Vì lẽ, tiếng nói đích thực của Phật giáo bao giờ cũng tích cực nhân ái, trí tuệ và thích ứng với mọi căn cơ, đem lại lợi ích cho tất cả. Pháp môn  tu tập vì thế cũng có nhiều như số lượng căn cơ sai biệt của con người. Như dù bất cứ tu tập theo pháp môn nào, tâm thức cũng phải vận dụng giới, định, tuệ và tâm đại từ bi để lạoi trừ hoàn toàn chấp thủ, tham ái, để nhổ bật bật tận gốc rễ của khổ đau và đi vào thật thật trí. Giáo lý ấy đặt đặt chúng ta trước một lựa chọn cực kỳ quan yếu. Hoặc là chấp thủ ngã tướng để tiếp tục thiêu cháy tâm thức của mình trong ngọn lửa tam giới, hoặc chấp nhận con đường thực tới vô ngã để chấm dứt khổ đau. Kinh Kim Cang cũng nói lên truyền thống ấy của Phật Giáo và cũng đặt chúng ta trước một lựa chọn ấy: hoặc tiếp nhận cái chìa khóa của một sản nghiệp giá trị vô lượng, hoặc tiếp tục nổi trôi với tự ngã nhỏ nhen[29]. Tự ngã không vĩnh cửu hay mất đi những một số quan niệm của một số trường phái triết học khác. Pháp cũng vậy, vì kinh Kim Cang vốn đã nói: “Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng”. Vì ngã và pháp do duyên sinh mà thành và cũng do duyên sinh mà diệt nên vô thường, vì vô thương nên không có tự tánh, vì không có tự tánh nên nó vốn như như. Nếu con người bám víu vào pháp và ngã chắc chắn sẽ khổ đau. Mỗi hành giả cần phải bỏ những vướng mắc giữa có và không, tốt hay xấu, có như vậy mới thật sự tự tại giữa dòng sanh diệt. Cũng vì mục đích đó nên đức Phật đã phủ nhận mình không hề thuyết pháp. Dựa trên nhân thức về mặt hiện tượng thì đức Phật có thuyết Pháp, có pháp để Phật thuyết, nhưng Phật cũng dạy, Ngã và ngã sở cũng đều do duyên mà hình thành. Ngoài ra, đức Phật thuyết pháp là vì tùy theo các tầng cấp nhận thức của mỗi chúng sanh mà có những phương thức tùy vào khả năng tiếp nhận yếu chỉ thậm thâm ấy. Như vậy, ở lập trường này thì đức Phật có thuyết pháp nhưng ở lập trường kia thì không, nhưng cái đích cuối cùng mà Đức Phật muốn hành giả đạt đến đó là tâm không nằm bên này hoặc bên kia của nhị nguyên.

Qua quá trình tìm hiểu trên ta thấy rằng, những ai đã từng trải nghiệm, sống ở tận đáy của xã hội, bị ném xuống tầng lớp được xem là cặn bã của xã hội, khi cần phải khẳng định ý nghĩa và giá trị sinh tồn, khi ấy may ra mới có thể hiểu được một cái gì đó u áo trong kinh Kim cang. Làm thế Làm thế nào để nhìn tất cả đời sống này như một giấc chiêm bao, để thấy đau khổ hay hạnh phúc cũng chỉ như là giấc chiêm bao. Có lẽ quá nhiều người hiểu rõ điều đó và nói quá nhiều về điều đó. Nhưng tỉnh giấc chiêm bao để thấy cái gì hư cái gì thực thì chắc là qua ít. Tụng đọc Kim cang để hiểu những phạm trù triết học trong đó, để lý luận và phân tích cái gì là sắc, cái gì là không và thế nào là sắc tức thị không, điều đó chưa phải là quá khó. Nhưng, ngay trong sinh hoạt thực tế, bằng ý nghĩa Kim cang mà nâng cao phẩm giá của mình, giá trị đời sống của mình, điều này chắc không phải là dễ[30].

SÁCH THAM KHẢO

1) Thái Hư Đại Sư, Kinh Kim Cang Giảng Lục, Thích Huệ Hưng dịch, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1991.
2) Thích Minh Châu-Minh chi, Từ điển Phật học Việt Nam, Nxb Khoa học Hà Nội, 1991.
3) Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển III, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1992.
4)Nghiên Cứu tư tường Kim Cang – Bát Nhã tâm kinh liên hệ với kinh Tạng Nguyên Thủy, Thích Chơn Thiện dịch và biên soạn, 1996.
5) Suzuki, Thiền Luận, quyền hạ, Tuệ Sỹ dịch, An Tiêm xuất bản lần I, 1973.
6) Thích Thanh Từ, Kim Cang Giảng Giải, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994.
7) Thích Chơn Thiện, Tư tưởng Kinh Kim Cang, Nxb Tôn Giáo, 1999.
8) Thái Hư Đại Sư, Kinh Kim Cang Giảng Lục, Thích Huệ Hưng dịch, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1991.
9) Thiền sư Nhất Hạnh, Nẻo về Thiền học, Lá Bối xuất bản, 1971.
10) Thiền sư Minh Chánh, Bát Nhã Trực Giải, Nxb Thành Hội Phậ giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
11) Thích Từ Thông, Bát Nhã Ba La Mật Trực Chỉ Đề Cương, Giáo án trường Cao Cấp Phật Học, Nxb Tôn Giáo, 1998.
12) Huyền Giác, Chúng Đạo Ca, Nxb Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995.
13) Ngộ Tánh Luận Bồ Đề Đạt Ma, HT, Thích Trí Tinh dịch, Nxb Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1996.
14) Kinh Hoa Nghiêm, Thích Trí Tịnh dịch, Chùa Hải Tuệ Sài Gòn, 1964.
15) Thiền sư Hàm Thị, Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thích Thanh Từ dịch, Tu viện Chơn Không, 1975.
16) Kinh Kim Cương, Thích Trí Quang dịch, Sách ấn tống, 1994.
17) Tuệ Sỹ, Triết Học Tánh Không, Nxb An Tiêm, 1970.
18) Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Nxb Thành Hội Phật giáo Việt Nam, 1992.
19) Amakuki- Sessan, Bạch Ẩn Thiền Định Ca, Bạch Hạc dịch, 1988.
20) Hòa Thượng Tuyên Hóa, Kinh Kim Cang, Nxb Tôn Giáo, 2006.



[1] Thái Hư Đại Sư, Kinh Kim Cang Giảng Lục, Thích Huệ Hưng dịch, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 13.
[2] Thích Minh Châu-Minh chi, Từ điển Phật học Việt Nam, Nxb Khoa học Hà Nội, 1991. tr. 354.
[3] Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển III, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1992. tr. 512.
[4] Nghiên Cứu tư tường Kim Cang – Bát Nhã tâm kinh liên hệ với kinh Tạng Nguyên Thủy, Thích Chơn Thiện dịch và biên soạn, 1996, tr. 8.
[5] Suzuki, Thiền Luận, quyền hạ, Tuệ Sỹ dịch, An Tiêm xuất bản lần I, 1973, tr. 706.
[6] Thích Thanh Từ, Kim Cang Giảng Giải, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 12.
[7] Sđd, 1994, tr. 14.
[8] Sđd, 1994, tr. 15.
[9] Thích Chơn Thiện, Tư tưởng Kinh Kim Cang, Nxb Tôn Giáo, 1999, tr. 11-12.
[10] Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển III, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1992. tr. 519.
[11] Thích Thanh Từ, Kim Cang Giảng Giải, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 7-8.
[12] Thái Hư Đại Sư, Kinh Kim Cang Giảng Lục, Thích Huệ Hưng dịch, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1991, tr. 30.
[13] Thích Thanh Từ, Kim Cang Giảng Giải, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 192.
[14] Thiền sư Nhất Hạnh, Nẻo về Thiền học, Lá Bối xuất bản, 1971, tr. 106.
[15] Thiền sư Minh Chánh, Bát Nhã Trực Giải, Nxb Thành Hội Phậ giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr.511.
[16] Thích Từ Thông, Bát Nhã Ba La Mật Trực Chỉ Đề Cương, Giáo án trường Cao Cấp Phật Học, Nxb Tôn Giáo, 1998, tr. 41.
[17] Thích Thanh Từ, Kim Cang Giảng Giải, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành Phố Hồ Chí Minh, 1994, tr. 125.
[18] Huyền Giác, Chúng Đạo Ca, Nxb Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1995, tr. 28
[19] Ngộ Tánh Luận Bồ Đề Đạt Ma, HT, Thích Trí Tinh dịch, Nxb Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 21-22-23.
[20] Thiền sư Minh Chánh, Bát Nhã Trực Giải, Nxb Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 144.
[21] Thiền sư Minh Chánh, Bát Nhã Trực Giải, Nxb Thành Hội Phật giáo Thành phố Hồ Chí Minh, 1996, tr. 60.
[22] Kinh Hoa Nghiêm, Thích Trí Tịnh dịch, Chùa Hải Tuệ Sài Gòn, 1964, tr. 441.
[23] Thiền sư Hàm Thị, Kinh Lăng Già Tâm Ấn, Thích Thanh Từ dịch, Tu viện Chơn Không, 1975, tr. 26.
[24] Thích Thiện Hoa, Phật Học Phổ Thông, quyển III, Nxb Thành Hội Phật Giáo Thành phố Hồ Chí Minh,1992, tr. 574.
[25]  Kinh Kim Cương, Thích Trí Quang dịch, Sách ấn tống, 1994. tr. 151.
[26] Tuệ Sỹ, Triết Học Tánh Không, Nxb An Tiêm, 1970, tr. 35.
[27] Thích Thanh Từ, Thiền Sư Việt Nam, Nxb Thành Hội Phật giáo Việt Nam, 1992, tr. 27.
[28] Amakuki- Sessan, Bạch Ẩn Thiền Định Ca, Bạch Hạc dịch, 1988, tr. 97.                                 
[29] HT. Thích Chơn Thiện.(1999). Tư Tưởng Kinh Pháp Hoa, Hà Nội: NXB. Tôn Giáo, trang 189 -190.
[30] Thích Tuệ Sỹ, Tính Khế Lý và Khế Cơ Trong Kinh Kim Cang.

mongphudu47 đăng trên blog.tamtay.vn (21/04/2011)

1 nhận xét:

  1. Tôi không biết phải giới thiệu như thế nào. Những quyển sách mà các bạn sẽ đọc sau đây là những tác phẩm vô cùng quý cho những người thành tâm tìm đạo. Không phải bằng sự tin tưởng, cầu nguyện, mà bằng sự sáng suốt. Kinh Bát Đại Nhân Giác có câu “ Duy Tuệ Thị Nghiệp ”. Như người đi đêm chỉ cần một ánh đèn là đũ. Nếu những lời hay, sách quý đúng vào mục đích nhất là mục đích cốt tủy của người tầm đạo thì thật là như một ngọn đèn sáng. Trân trọng giới thiệu với các bạn tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” và nhiều quyển sách quý giá khác của dịch giả Vũ Toàn. Vô cùng cảm ơn công sức dịch thuật của dịch giả và sự chia sẻ vô vụ lợi của Ông. Tác phẩm “ Ta là Cái Đó ” là “ Đối thoại sấm sét, trực chỉ giữa một người ở ngoài Tâm và những người còn quanh quẩn trong Tâm ”. Xin mời các bạn. Nếu các bạn muốn, xin vào trang web chuabenhdongian.com và để lại email tôi sẽ gửi sách đến các bạn

    Trả lờiXóa