Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2023

Đề thi trắc nghiệm Kết khóa Trại Huyền Trang 2010 tại Đà Nẵng

Trại huấn luyện huynh trưởng Huyền Trang do Phân Ban GĐPT Đà Nẵng tổ chức năm 2010, Trại này được tổ chức làm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 học tại Giảng đường chùa Pháp Lâm trong 2 ngày 11 và 25 tháng 4 năm 2010, giai đoạn 2 trong 3 ngày và 2 đêm (ngày 7,8,9 tháng 5 năm 2010) tại đất trại (chùa Linh Ứng - Bãi Bụt, nơi tổ chức trại họp bạn ngành Thiếu toàn quốc năm 2007). Đặc biệt vào rạng sáng ngày Chủ nhật 09/5/2010, Ban Quản trại đã tổ chức Lễ Truyền Đăng và sau đó tổ chức thi kết khóa đã để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng các trại sinh. Đề thi kết khóa do Huynh trưởng cấp Tín Quảng Thời Trần Văn Sáu - UV Nghiên huấn biên soạn. Dưới đây là nội dung đề thi và đáp án.



1. Mục đích của Trại Huấn luyện Huynh trưởng Cấp II – Huyền Trang là để:
a. Nâng cao kiến thức, nhận thức và tinh thần nghị lực của huynh trưởng.
b. Đào tạo Liên Đoàn trưởng, lãnh đạo đơn vị GĐPT cơ sở.
c. Thông suốt chủ trương, đường lối, mục đích và phương pháp giáo dục trong GĐPT.
d. Học tập cuộc đời và sự nghiệp của Pháp sư Huyền Trang.

2. Chí nguyện cao cả của Ngài Huyền Trang là:
a. Đến đất Phật để tìm hiểu tận gốc giáo lý, học hỏi trọn vẹn kinh điển Phật pháp.
b. Đến đất Phật để hùng biện khuất phục những kẻ ngoại đạo chống phá Phật giáo.
c. Đến đất Phật để chiêm bái các Thánh tích ghi dấu cuộc đời vẻ vang của đức Thế tôn.
d. Cả 3 câu trên đều đúng.

3. Người Huynh trưởng không ngừng phấn đấu ra sức tìm tòi học tập, rèn trí luyện tâm là noi gương công hạnh nào của Ngài Huyền Trang:
a. Tinh thần khát vọng tìm cầu chân lý.
b. Một dạ chí thành vào niềm tin chư Phật.
c. Lấy sự nghiệp đạo pháp làm sinh mệnh đời người.
d. Trọn đời cống hiến cho Đạo pháp, đất nước và phụng sự chúng sanh.

4. Tại Trung Ấn, nhờ môn học gì mà Ngài Huyền Trang am hiểu tường tận giáo lý Đại thừa, nhất là lĩnh hội nghĩa lý rất khúc chiết của môn “Duy thức học”:
a. Câu Xá luận. 
b. Tỳ Bà Sa luận.
c. Nhơn minh luận.
d. Lục túc luận.

5. Theo Nội quy GĐPT hiện hành, nhiệm vụ nào dưới đây không phải của Liên Đoàn trưởng:
a. Điều hành, hướng dẫn và hỗ trợ về chuyên môn cho các Huynh trưởng làm tốt nhiệm vụ.
b. Chịu trách nhiệm thi hành các phương án, chỉ thị của Phân Ban GĐPT và Ban Hướng dẫn Phật tử Tỉnh, Thành hội.
c. Tổ chức các cuộc lễ, trại, văn nghệ, triển lãm, công tác từ thiện xã hội v.v… trong phạm vi Gia đình.
d. Hướng dẫn Huynh trưởng sinh hoạt đúng theo Nội quy GĐPT và Hiến chương GHPGVN.

6. Tinh thần trách nhiệm chính yếu của Liên Đoàn trưởng là:
a. Giữ gìn và phát huy tinh thần đoàn kết nội bộ của Gia đình.
b. Thay mặt Ban Huynh trưởng Gia đình về hành chánh và đối ngoại.
c. Chịu trách nhiệm về sự thịnh suy của Gia đình.
d. Cả 3 câu trên đều đúng

7. Chương trình sinh hoạt của GĐPT gồm có:
a. Chương trình sinh hoạt và chương trình tu học.
b. Chương trình tổng quát, chương trình hàng tháng, chương trình hàng tuần.
c. Các hoạt động như Trại, lễ lược, du ngoạn, huấn luyện…
d. Các phần, các bộ môn, các bài học theo từng ngành, bậc học …

8. Thiết lập chương trình tu học của đơn vị GĐPT gồm có chương trình tổng quát, chương trình hàng tháng, chương trình hàng tuần. Theo đó, vạch chương trình hàng tuần là công việc của:
a. Liên Đoàn trưởng. 
b. Đoàn trưởng. 
c. Đoàn phó.
d. Thư ký Gia đình.

9. Nội quy Gia đình Phật tử thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử GHPGVN gồm có:
a. 5 chương và 15 điều. 
b. 6 chương và 28 điều. 
c. 7 chương và 32 điều.
d.8 chương và 36 điều.

10. Nhiệm kỳ của Ban Huynh trưởng Gia đình là:
a. Không có nhiệm kỳ. 
b. Không phải bầu lại mỗi năm. 
c. Lúc nào cần thì thay đổi hay bổ sung.
d. Cả 3 câu trên đều đúng.

11. Theo Nội quy GĐPT hiện hành quy định số lượng đoàn sinh của một Đoàn là:
a. Có từ 12 đoàn sinh trở lên. 
b. Có từ 16 đoàn sinh trở lên. 
c. Có từ 12 đến 32 đoàn sinh.
d. Có từ 16 đến 32 đoàn sinh.

12. Giao dịch hành chánh nào dưới đây của GĐPT cơ sở là không được phép:
a. Thư từ, văn thư liên lạc trong Ban Huynh trưởng
b. Giao dịch với các đơn vị bạn
c. Thư từ, văn thư giao dịch theo ngành dọc với Ban Đại diện Phân Ban GĐPT tại quận (huyện) và Phân Ban GĐPT Tỉnh (Thành phố)
d. Mọi giao dịch có tính cách đối ngoại

13. Châm ngôn trong Gia đình Phật tử mang ý nghĩa:
a. Mục tiêu mà người Phật tử hướng đến và được thể hiện qua ý nghĩ, lời nói và việc làm trong mọi sinh hoạt hằng ngày.
b. Sức sống được hướng dẫn bởi: Tình thương chỉ huy, sự hiểu biết sáng suốt dẫn đường và lòng dũng cảm vượt qua mọi chướng ngại.
c. Kim chỉ nam không thể thiếu trong cuộc sống hằng ngày của người Phật tử.
d. Là hàng rào ngăn cản tội lỗi, là bức tường phân cách giữa việc ác với điều thiện.

14. Trong khi lễ Phật, người phụ trách đánh mõ, đánh đến khi nào thì xong bổn phận không đánh nữa:
a. Đến bài Tam Tự quy. 
b. Đến bài Hồi hướng. 
c. Đọc các điều Luật.
d. Chấm dứt buổi lễ Phật.

15. Trong các điều kiện dưới đây, điều kiện nào là quan yếu nhất để đoàn sinh được dự Lễ Phát nguyện vào Đoàn:
a. Tham gia sinh hoạt trong thời gian ít nhất là 3 tháng.
b. Sinh hoạt đều đặn, chuyên cần, siêng năng.
c. Có tinh thần tu học, có đạo đức tốt.
d. Chấp nhận mục đích, điều luật của GĐPT.

16. Lời phát nguyện của Đoàn sinh được trao cấp hiệu có nội dung như sau:
a . Xin tự tâm phát nguyện luôn luôn theo đúng mục đích, nội quy của GĐPT thuộc GHPGVN và sống theo điều luật của Đoàn để tu dưỡng lợi ích bản thân, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội.
b. Xin nguyện sống đúng với cấp bậc, luôn dõng mãnh tinh tấn, cố gắng tu học xây dựng cuộc sống thanh cao trong sạch, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội.
c. Xin nguyện suốt đời quy kính Tam bảo, vâng giữ giới pháp đã lãnh thọ, tinh tấn tu hoc, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội.
d. Xin nguyện suốt đời trung thành với lý tưởng GĐPT, duy trì và phát triển tổ chức theo đúng đường lối GHPGVN, góp phần phụng sự đạo pháp và xây dựng xã hội.

17. Trong Nội quy GĐPT hiện hành, phù hiệu các chức vụ nào sau đây không thay đổi so với Nội quy cũ (1973):
a. Gia trưởng – Thư ký – Thủ quỹ.
b. Gia trưởng – Thư ký – Thủ quỹ – Đầu đàn – Thứ đàn.
c. Gia trưởng – Thư ký – Thủ quỹ – Đoàn trưởng – Đoàn phó.
d. Cả 3 câu trên đều sai.

18. Trong Lễ Chính thức, ở phần chuẩn bị, điều này là không thể thiếu được:
a. Một chiếc gậy cờ Gia đình dài 1,8m; một khay phủ vải đựng cờ Gia đình được xếp lại.
b. Một chiếc kéo hoặc phù hiệu đội, chúng viên các ngành đặt trên khay có phủ khăn.
c. Huy hiệu Hoa sen đặt trên khay có phủ khăn để trên bàn Phật hay bàn kinh.
d. Trình bày sức sống thể hiện lịch sử thăng tiến của đơn vị.

19. Trong các lễ dưới đây, lễ nào của Gia đình Phật tử được tổ chức hằng năm theo một ngày nhất định:
a. Lễ chính thức. 
b. Lễ Phát nguyện vào Đoàn. 
c. Lễ trao cấp hiệu.
d. Lễ Chu niên.

20. Việc áp dụng kỷ luật đối với Đoàn sinh, điều nào dưới đây là trái với Nội quy GĐPT hiện hành:
a. Không đi sinh hoạt luôn ba (3) buổi liên tiếp mà không có giấy xin phép hoặc làm tổn hại đến thanh danh GĐPT.
b. Cho tạm nghỉ sinh hoạt thời hạn dưới 3 tháng do Ban Huynh trưởng GĐPT xét định.
c. Cho nghỉ sinh hoạt vĩnh viễn với sự chấp thuận của hai phần ba Huynh trưởng trong Ban Huynh trưởng.
d. Đoàn sinh bị áp dụng kỷ luật không được quyền đòi hỏi một điều kiện bồi thường nào cả.

21. Các phạm vi tổ chức Trại Liên Đoàn thường được tổ chức ở đơn vị GĐPT là :
a. Trại cho tất cả các Đoàn. 
b.Trại Liên đoàn ngành Nam. 
c.Trại Liên đoàn ngành Nữ.
d. Cả 3 câu trên đều đúng.

22. GĐPT tổ chức Trại là tạo một môi trường nhằm mục đích giáo dục về cả 3 phương diện: Đức dục, Trí dục và Thể dục. Trong đó, lợi ích về mặt Đức dục là:
a. Rèn luyện giác quan, thân thể khỏe mạnh, sức chịu đựng bền bỉ dẻo dai.
b. Trí tuệ phát triển, sáng kiến, óc khoa học, sự nhạy bén được nảy sinh.
c. Tháo vát, lanh lẹ, trau dồi khả năng chuyên môn.
d. Phát triển tâm linh, phát huy tinh thần kỷ luật, tính đoàn kết hòa hợp.

23. Chủ yếu Trại Công tác xã hội của GĐPT nhằm mục đích:
a. Tạo uy tín cho tổ chức.
b. Thể hiện tinh thần vị tha của Đạo Phật.
c. Giáo dục cho đoàn sinh tinh thần phụng sự xã hội.
d. Góp phần phụng sự Đạo pháp và xây dựng xã hội.

24. Lý thuyết nào ứng dụng vào việc chia ngành trong GĐPT:
a. Lý thuyết về tâm lý, sinh lý của con người và quan niệm của PG về căn cơ chúng sanh.
b. Lý thuyết về nguyên tắc giáo dục: Hướng dẫn và thực hành.
c. Lý thuyết về phương pháp giáo dục: Giáo dục quan năng và hàng đội tự trị.
d. Lý thuyết về quan hệ giáo dục: Đồng hàng (Anh, Chị, Em).

25. Tổ chức GĐPT dựa vào giới tính và các đặc thức tâm lý trong các giai đoạn phát triển của tuổi trẻ mà hình thành số lượng các đoàn là:
a. Hai (2) đoàn. 
b. Bốn (4) đoàn. 
c. Sáu (6) đoàn.
d. Cả 3 câu trên đều sai.

26. Mục đích chính của việc tổ chức Thi vượt bậc cho Đoàn sinh là:
a. Hoàn tất chương trình bậc học.
b. Kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của đoàn sinh ở mỗi bậc học.
c. Động viên tinh thần cho đoàn sinh hăng hái tích cực học tiếp lên bậc trên.
d. Đánh giá tinh thần trách nhiệm của Ban Huynh trưởng, đặc biệt là Liên Đoàn trưởng.

27. Mọi chức năng tâm lý và sinh lý đều do tác dụng của chủng tử từ thức A-lại-da khởi động thì sự phát triển trí tuệ, rèn luyện thân tâm, trau dồi ý chí đều phải dựa vào phương pháp:
a. Huân tập. 
b. Lý giải. 
c. Quán niệm.
d. Hoạt động.

28. Tiêu chuẩn đầu tiên lựa chọn một tác phẩm để tổ chức triển lãm trong GĐPT phải là:
a. Tác phẩm phải có tính đạo pháp và dân tộc.
b. Tác phẩm phải có giá trị nghệ thuật tương đối.
c. Tác phẩm phải giới thiệu được sức sống và giá trị giáo dục của GĐPT.
d. Tác phẩm phải thể hiện trí sáng tạo, sự khéo léo của tác giả.

29. Về mặt hình thức, Văn nghệ trong GĐPT là:
a. Phương tiện giải trí thanh nhã, vui chơi lành mạnh, tạo nguồn vui, điểm thêm nét tươi trẻ cho sinh hoạt GĐPT.
b. Một bộ môn đứng sau Phật pháp và song song với Hoạt động thanh niên và Xã hội.
c. Lợi khí giáo dục dẫn dắt thanh thiếu nhi đến với đạo pháp, thâm nhập giáo lý.
d. Nguồn cảm thông để phát triển đức tin, đề cao và gắn bó lý tưởng với tổ chức GĐPT.

30. Đề tài các tiết mục Văn nghệ trong GĐPT được xây dựng từ đâu:
a. Từ tinh thần giáo lý Phật đà, từ đời sống cao đẹp của Chư Phật và Bồ tát 
b. Từ tinh thần điều luật GĐPT, từ sinh hoạt, tình thương yêu trong tổ chức
c. Từ đề tài trong lịch sử dân tộc, trong cuộc sống gia đình, học đường, xã hội
d. Cả 3 câu trên đều đúng

31. Báo chí trong GĐPT thường được sử dụng hai loại báo viết là:
a. Nội san và Đặc san. 
b. Báo tường và Báo tập.
c. Báo Đội (Chúng, Đàn) và Đoàn.
d. Kỷ yếu và Tập san.

32. Nội dung của Báo chí trong GĐPT phải thể hiện:
a. Tinh thần Đạo pháp và lý tưởng GĐPT.
b. Tinh thần ngợi ca tình yêu quê hương, đất nước,
c. Tinh thần tự hào dân tộc, nghĩa đồng bào, tình đồng loại.
d. Cả 3 câu trên đều đúng.

33. Cách thiết lập Đoàn quán như thế nào là thuận tiện nhất:
a. Sử dụng cơ sở có sẵn. 
b. Xây dựng mới. 
c. Thuê bên ngoài.
d. Cả 3 cách trên đều được.

34. Về giá trị tinh thần, Đoàn quán GĐPT là:
a. Văn phòng và địa chỉ liên lạc, nơi quản thủ hồ sơ, sổ sách, khí mãnh của GĐPT.
b. Mái nhà chung và là sợi dây gắn kết tình cảm của tất cả Huynh trưởng, đoàn sinh.
c. Nơi tổ chức hội họp, tiếp khách của GĐPT được thuận lợi, trang trọng.
d. Cả 3 câu trên đều đúng.

35. Mỗi một GĐPT có được tủ sách sẽ góp phần xây dựng và phát triển:
a. Thói quen đọc. 
b. Sở thích đọc.
c. Kỹ năng đọc.
d. Văn hóa đọc.

36. Khi đọc một quyển sách hay, điều cần ghi lại trước tiên nằm trong những tiêu chuẩn nào:
a. Đó là những điều tạo nên sự hứng thú mà ta chưa gặp bao giờ.
b. Một ý tưởng khác lạ, thậm chí sai trầm trọng so với các quan niệm truyền thống.
c. Kiến thức đó có vấn đề liên hệ đến chuyên môn mà chúng ta quan tâm.
d. Một chân lý hiển nhiên (châm ngôn, cách ngôn…) hoặc nguyên tắc của lý thuyết nào đó.

37. Khi chọn đất trại nên tránh những nơi nào:
a. Xa thành phố, ở những khu rừng nhỏ, ven suối, có nhiều cảnh đẹp
b. Gần làng mạc, nơi trống trải, có nhiều cây cỏ khô
c. Có vườn rộng, có nước uống được, có nhiều bóng mát
d. Khuôn viên chùa để có chỗ ẩn núp khi trời mưa hoặc quá nắng

38. Trong Nghi thức quá đường Tu Bát quan trai giới, khi ăn phải quán tưởng 5 pháp quán. Nội dung của pháp quán thứ hai là:
a. Con xin biết ơn người đã phát tâm cúng dường, sửa soạn những thức ăn này.
b. Con quán chiếu những thức ăn này như những vị thuốc, để cho thân thể con khỏi bệnh tật.
c. Con nguyện nỗ lực tu học, trau dồi giới hạnh để xứng đáng thọ dụng những thức ăn này.
d. Con nuôi dưỡng chánh niệm, chỉ vì để thành tựu đạo nghiệp giải thoát giác ngộ, con thọ dụng những thức ăn này.

39. Các thế cá nhân trong các hình thức tập họp bao gồm:
a. Nghiêm, nghiêm có gậy, nghỉ, nghỉ tự do, nghỉ có gậy, nghỉ không gậy, chào.
b. Nghiêm, nghiêm không gậy, nghiêm có gậy, nghỉ, nghỉ tự do, nghỉ có gậy, chào.
c. Nghiêm, nghiêm có gậy, nghỉ, nghỉ tự do, nghỉ có gậy, chào có gậy, chào không gậy.
d. Nghiêm, nghiêm có gậy, nghỉ, nghỉ tự do, nghỉ có gậy, chào, chào có gậy.

40. Trong “Trại ca Huyền Trang” của Nhạc sĩ Lê Cao Phan có câu: “Cùng hòa vang … quyết tâm”. Ca từ còn thiếu trong dấu 3 chấm là:

a. Bài ca.
b. Ngàn hoa.
c. Lời ca.
d. Cầm tay.

Chúc các anh chị làm bài đạt kết quả tốt!


ĐÁP ÁN ĐỀ THI TRẮC NGHIỆM KẾT KHÓA TRẠI HUYỀN TRANG 2010

Ngày 9 tháng 5 năm 2010

01B 02A 03A 04C 05D 06C 07A 08B 09C 10D

11C 12D 13B 14C 15D 16B 17B 18A 19D 20C

21A 22D 23B 24A 25C 26B 27A 28C 29A 30D

31B 32D 33A 34B 35D 36C 37B 38C 39D 40C


Nguồn: Quảng Thời Trần Văn Sáu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét