Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Sáu, 16 tháng 2, 2024

Ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống người dân thành phố Đà Nẵng

Nguyễn Long Hải - Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Đà Nẵng
Nguyễn Minh Phương - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng


Tóm tắt - Phật giáo sớm truyền vào Đà Nẵng, trong suốt chiều dài của lịch sử luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong đời sống kinh tế - xã hội vùng đất này. Việc nghiên cứu những ảnh hưởng tích cực đến đời sống của người dân thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn hiện nay có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Để đạt được mục tiêu nghiên cứu đề ra, chúng tôi sử dụng kết hợp các phương pháp: Lịch sử, logic, phân tích, tổng hợp… trên cơ sở khảo cứu các nguồn tư liệu có liên quan đã được công bố. Qua đó, làm nổi bật những đóng góp tích cực của Phật giáo trong đời sống của người dân thành phố Đà Nẵng. Bài báo góp phần bổ sung tư liệu cho việc giảng dạy, học tập, nghiên cứu ở những mảng đề tài có liên quan. 

Lễ Khai mạc Trại Lục hòa - Phân ban GĐPT Việt Nam
tổ chức tại Chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, TP Đà Nẵng năm 2007

1. Mở đầu 

Vào khoảng thế kỷ V trước công nguyên, thái tử Sidharata (Tất- đạt – đa), họ là Gotama (Cồ - đàm), con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma-gia đã sáng lập ra đạo Phật. 

Phật giáo sớm truyền vào nước ta. Theo sách Lĩnh Nam chích quái, vào thời nhà Trần, có chàng trai tên Chử Đồng Tử ở đầm Dạ Trạch trên đường đi buôn bán, chàng gặp các nhà buôn Ấn Độ trên đảo Quỳnh Viên và được truyền dạy đạo Phật [1, tr. 45-53]. 

Qua các tài liệu như Hậu Hán Thư (nói đến chuyện Sở Vương Anh theo Phật giáo), sách Lý hoặc luận của Mâu Tử viết tại Việt Nam vào nửa đầu thế kỷ thứ II, kinh Tứ Thập Nhị Chương và một số tài liệu khác, cho thấy: Trong đời Hậu Hán (thế kỷ thứ nhất và thứ II) ngoài hai trung tâm Phật Giáo ở Trung Hoa, Luy Lâu là một trung tâm Phật Giáo quan trọng: “Luy Lâu, trụ sở của quận Giao Chỉ đã sớm trở thành một trung tâm Phật giáo quan trọng. Tại đây, với hoạt động truyền giáo của Khâu – đà – la (đến Luy Lâu trong khoản các năm 168-189), đã xuất hiện truyền thuyết Phật giáo Việt Nam đầu tiên với Thạch Quang Phật và Man Nương Phật mẫu” [2, tr. 475]. 

Tại thời điểm đấy, nhiều thuyền buôn của Ấn Độ đã hướng về vùng Viễn Đông. Các thương gia người Ấn Độ trên đường đi thường mang theo các tượng thần Ấn Độ như Vishnu, Shiva... và thường đặt trên thuyền bàn thờ đức Thế Âm Bồ Tát (Avaloittesvara). Ngoài ra, họ cũng mang theo các Tăng sĩ để ngày đêm khấn lễ, mong muốn trời yên, biển lặng, buôn bán thông suốt, mọi sự yên lành. Và trong lúc chờ gió Đông Bắc để trở về Ấn Độ, những vị thương gia cùng các Tăng sĩ này lên bờ xây dựng những Stupa để thờ lễ Phật (nơi tưởng niệm và cất giữ xá lợi và tro hỏa táng của Đức Phật và các vị cao tăng. Chữ stupa được dịch sang tiếng Việt là "bảo tháp"). 

Khi trả lời Thái hậu Linh Nhâm vợ vua Tùy Văn về tình hình Phật giáo ở xứ Giao Châu, Quốc sư Đàm Thiên (Trung Quốc) đã nói: “Xứ Giao Châu có đường thông sang Thiên Trúc, Phật giáo vào Trung Quốc chưa Phổ cập đến Giang Đông, mà đến xứ Giao Châu ấy ở Luy Lâu đã được hơn 20 bản tháp, độ được hơn 500 vị tăng, dịch được 15 bộ kinh rồi, thế là xứ ấy theo đạo trước ta” [3, tr. 11]. 

Đà Nẵng sáp nhập vào lãnh thổ quốc gia Đại Việt từ năm 1306 khi Chế Mân dâng hai vùng đất Châu Ô, Châu Lý làm sính lễ dẫn cưới Huyền Trân công chúa. Năm 1307, vua Trần Anh Tông đổi thành Thuận Châu (từ Nam Hoành Sơn đến Bắc Hải Vân) và Hóa Châu (Nam Hải Vân đến Bắc sông Thu Bồn). Trải qua các thời kỳ, người Việt đã di dân vào Nam sinh sống nhưng đây là vùng đất tranh chấp, chiến tranh liên miên giữa hai quốc gia Đại Việt – Chămpa. 

Năm 1471, sau cuộc “bình Chiêm” vĩ đại, minh quân Lê Thánh Tông đã sáp nhập lãnh thổ Chămpa vào vùng đất Đại Việt lập nên đạo thừa tuyên thứ 13. Danh xưng Quảng Nam chính thức ra đời từ đấy (địa phận kéo dài từ Nam Hải Vân đến tận núi Đá Bia tỉnh Phú Yên). Từ đây, những luồng cư dân người Việt vào Nam ngày càng đông và ổn định. Người Việt vào khai phá Quảng Nam tất yếu sẽ mang theo truyền thống văn hóa từ quê cha đất tổ, đồng thời, sáng tạo thêm và tiếp thu văn hóa trên vùng đất mới nhằm đáp ứng đời sống tinh thần trên vùng đất mới. “Nhưng điều đó diễn ra không hề đơn giản và nhanh chóng. Họ cần thời gian trước hết để tạo lập cuộc sống với những vấn đề thiết yếu nhất nhằm đảm bảo sự sinh tồn, trên vùng đất còn đầy lạ lẫm và ẩn chữa những bất trắc” [4, tr. 27]. Cũng chính trong thời gian niên hiệu Hồng Đức (1470-1496) sau khi dân làng phân chia khu giới định cư xong, nhà vua hạ chiếu sắc dựng chùa, đền, đình, miếu để dân làng có nơi vọng bái, lễ tế, hương khói, cầu nguyện quốc thái dân an, an cư lạc nghiệp. Theo Ngũ Hành sơn lục: “Thời Lê Thánh Tông, khoảng niên hiệu Hồng Đức, dưới chân núi Non Nước, vua lập hai ngôi cổ tự là Chùa Thái Bình (ở về phía Nam núi, đất sau này là làng Quán Khái, Chùa Vân Long (ở về phía Tây núi, đất sau này là làng Hóa Khuê)” [5, tr. 25]. 

Theo Ô Châu Cận lục (nhuận sắc năm 1553), cả huyện Điện Bàn thời điểm giữa thế kỉ XVI, chỉ có một ngôi miếu tại cửa biển Đà Nẵng tức Đền Tùng Giang - là nơi thờ Nguyễn Phục, một vị tướng chuyển vận quân lương trong đợt chinh phạt Chiêm Thành của Lê Thánh Tông năm 1469 - ở “môn chùa quán” [6, tr. 97]. 

Năm 1558, Nguyễn Hoàng vào Nam làm Trấn thủ Thuận Hóa đến năm 1570 kiêm Trấn thủ Quảng Nam. Khi vào Nam, Nguyễn Hoàng (sau này trị vì ngôi chúa gọi là chúa Tiên) và các đời chúa kế nghiệp đã thực hiện chính sách an dân, phát triển vùng đất rộng lớn để tạo tiềm lực đối trọng với Đàng Ngoài. Một trong những vấn đề đặt ra tại thời điểm bấy giờ là lựa chọn một tôn giáo phù hợp để truyền bá trong nhân dân. Các chúa Nguyễn không quá mặn mà Nho giáo, ghét bỏ đạo Ki-tô, chọn Phật giáo làm quốc giáo. GS. Li Tana nhận xét: “Không thể sử dụng Khổng giáo vì những khẳng định cơ bản của Khổng giáo trực tiếp mâu thuẫn với vị trí của họ Nguyễn bị coi là một chế độ ly khai và nổi loạn đối với triều đình. Tuy nhiên, họ Nguyễn lại không dám đi quá xa và không dám tìm ra một giải pháp hoàn toàn khác biệt với truyền thống của người Việt ở phía Bắc. Trong những hoàn cảnh đó, Phật giáo Đại Thừa đã cung cấp một giải pháp đáp ứng nhu cầu của họ Nguyễn. Phật giáo, một mặt đẩy mạnh bản sắc dân tộc của người Việt và mặt khác làm lắng đọng các mối lo âu của người di dân mà không đặt lại vấn đề về tính hợp pháp của những người cai trị” [7, tr.194-195]. Với lòng mến mộ Phật giáo của chính quyền chúa Nguyễn, Phật giáo được lựa chọn trở thành quốc giáo và được truyền bá rộng rãi trong nhân dân. Phật giáo Đà Nẵng (lúc bấy giờ thuộc Quảng Nam) cũng từ đó bắt đầu phát triển, xuất hiện nhiều vị thiền sư, tăng sư đầu tiên: Samôn Minh Phước Hải, Tổ Minh Hải Pháp Bảo, Samôn Từ Tâm... Các vị tăng sư đã lựa chọn Ngũ Hành Sơn là nơi tu tập và lập chùa và khai Pháp. 

Như vậy, Phật giáo sớm truyền vào nước ta ngay từ đầu công nguyên và “đạo Phật tại Giao Châu chắc chắn do Ấn Độ truyền sang trực tiếp, mãi về sau mới do từ Trung Hoa tiếp tục kéo xuống” [8, tr. 145]. Tại Đà Nẵng, Phật giáo truyền vào muộn nhất từ thế kỷ XV và phát triển mạnh kể từ thế kỷ XVI thời chúa Nguyễn.

2. Nội dung nghiên cứu 

Trải qua các thời kỳ lịch sử cho đến ngày nay, Phật giáo luôn để lại dấu ấn sâu sắc tại vùng đất Đà Nẵng, có ảnh hưởng tích cực đến đời sống người dân Đà Nẵng. Điều này thể hiện qua các nội dung sau:

2.1. Phật giáo góp phần giáo dục tinh thần hướng thiện cho thế hệ trẻ 

Không chỉ được đề cập trong Tứ diệu đế và nguyên lý Duyên khởi, mà hầu như trong tất cả các bài thuyết pháp, giáo lý, Đức Phật đều khuyên răn không chỉ chúng tỳ kheo, đệ tử mà còn tất cả mọi người về việc xây dựng một tư duy lành mạnh, nuôi dưỡng lòng từ bi, xây dựng một nếp sống đạo đức tốt lành. Chủ trương chúng sinh bình đẳng, thúc đẩy sự hòa hợp trong xã hội là sự thể hiện cao nhất trách nhiệm xã hội của Phật giáo. Do đó, Đức Phật thời bấy giờ đặt ra “Ngũ giới” (5 điều giới nghiêm trong Phật giáo) gồm: “không được giết hại; không được trộm cướp; không được tà dâm; không được nói dối; không được uống rượu” [9, tr. 55]. Tuy nhiên, không giống như những tôn giáo khác, Đạo Phật định ra những điều răn dạy, nhưng không ép buộc tất cả mọi người tuân theo. Ngài – một vị từ bi, sáng suốt, chỉ cho ta những con đường nào nên đi, lối mòn nào nguy hiểm. Ngài cũng không phải là quan tòa, có quyền phán xét ai đúng ai sai hay trừng phạt những người có tội. Luật nhân quả mới là tòa án, nhân ta đã gây ra, quả ắt ta sẽ nhận, nhân tốt, quả tốt, nhân ác, quả xấu là luật đương nhiên. 

Để thực hiện nhưng lời răn dạy của Đức Phật, ngoài việc thường xuyên thuyết giảng giáo pháp Phật giáo cho các Tăng ni, Phật tử, trong những năm gần đây, các chùa trên địa bàn Đà Nẵng thường xuyên tổ chức “khóa tu mùa hè”, điển hình ngày 20/7/2014, thiền viện Bồ Đề đã khai mở khóa tu dành cho thanh thiếu niên trong và ngoài địa bàn quận. Khóa tu “Ươm mầm trí tuệ, sống hạnh từ bi” được tổ chức tại Chùa Tam Bảo từ ngày 09/6 đến 11/6/2017, khóa tu “Ươm mầm tuệ giác” được tổ chức tại chùa Long Hoa (13/7/2018). Sáng ngày 14/7/2019, tại chùa Huệ Quang, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quận Cẩm Lệ khai mạc khóa tu mùa hè lần thứ 3 “Nương về Tuệ giác”… Đối tượng hướng đến chủ yếu là độ tuổi học sinh, sinh viên trên cả nước, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc. Thời gian khóa tu thường kéo dài từ 3 ngày đến 7 ngày hoặc có thể một tháng tùy thuộc vào mỗi chùa. Nhìn chung, trong suốt quá trình khóa tu, học viên sẽ làm quen với môi trường sống tập thể, cùng sinh hoạt, học tập... Các bạn trẻ tham gia các khóa học phải tuân theo các quy định nghiêm ngặt của nhà chùa nơi tổ chức các khóa tu: Luôn cung kính, nghe lời các thành viên trong Ban Tổ chức, hoan hỷ, hòa nhã, yêu thương và giúp đỡ bạn đồng tu, chấp hành đúng giờ các thời khóa tu tập, không được ra khỏi phạm vi chùa, không hút thuốc, uống rượu, bia và các chất gây say, nghiện khác, không lớn tiếng nói lời thô tục, tranh cãi và đánh nhau, không tụ tập đánh bài hoặc các hành vi liên quan đến cờ bạc, ngủ dậy phải xếp mùng mền, chiếu gối gọn gàng và ngay ngắn, tắt quạt và đèn khi ra khỏi phòng… Việc tuân thủ theo các quy định của nhà chùa góp phần rèn luyện ý thức tự giác kỷ luật cho các bạn trẻ. Học viên cũng sẽ được tìm hiều về lịch sử, nguồn gốc đạo Phật, những triết lý tốt đẹp, những bài học kinh nghiệm quý báu giúp mỗi học viên nhận ra ý nghĩa của cuộc sống, suy nghĩ tích cực, lành mạnh hơn, hướng tới cái đẹp, chân, thiện, mỹ. Trong một vài khóa tu còn tổ chức buổi lễ thắp nến hoa đăng, tri ân đấng sinh thành, khơi nguồn cảm xúc thiêng liêng ẩn giấu của mỗi cá nhân về người cha người mẹ của mình, hiểu được chữ hiếu, học được cần nói lời xin lỗi khi làm sai, và nói lời cảm ơn khi nhận lại, mọi thứ chưa bao giờ là muộn. các hoạt động vui chơi giải trí, thể dục thể thao, giao lưu văn hóa văn nghệ, trao đổi kỹ năng sống, dạy ngồi thiền… cũng là một phần trong chương trình. Tham gia vào khóa tu, thay vì các em ở nhà đi chơi, đi du lịch, lãng phí thời gian mà không biết quý trọng, các em xác định được mình làm gì, phải làm như nào và cuối cùng là học được gì. Đây là một trải nghiệm hết sức thú vị và ý nghĩa dành cho các bạn trẻ: “Khóa tu thật hữu ích, vừa là một sân chơi, vừa là nơi giao lưu, kết bạn ở khắp nơi, học được những bài học quý giá về nếp sống, cách suy nghĩ, học được những kỹ năng, thói quen tốt. Tích góp càng ngày càng hoàn thiện bản thân hơn, sống có ích cho bản thân, gia đình, và xã hội” [10, tr. 34]. 

2.2. Phật giáo vận động Tăng ni, Phật tử, người dân Đà Nẵng tích cực tham gia công tác từ thiện 

Ban Tôn giáo, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Đà Nẵng, Gia đình phật tử Đà Nẵng cùng với sự ủng hộ của Ban Trị sự Thành hội Phật giáo đã tổ chức rất nhiều các hoạt động ý nghĩa để giúp đỡ Phật tử nói riêng và cả cộng đồng nói chung, như chương trình “Tiếp sức mùa thi” cho thí sinh đoàn sinh Gia đình phật tử từ các tỉnh, thành phố lân cận khác về dự thi đại học và cao đẳng tại Đà Nẵng, nồi cháo tình thương tại một số bệnh viện như: Bệnh viện Da Liễu, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm y tế các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Hòa Vang. Tại chùa Sư Nữ Bảo Quang thuộc quận Hải Châu, do Ni trưởng Thích Nữ Diệu Cảnh làm trụ trì, trên tinh thần tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, chùa đã phối hợp với một số tín đồ Phật tử tổ chức nấu 3 nồi cháo tình thương cho 3 bệnh viện: Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm y tế quận Hải Châu, bệnh viện Da liễu một cách đều đặn. Trong những năm qua, Thành hội Phật giáo Đà Nẵng đã tổ chức triển khai có hiệu quả công tác phòng chống HIV/AIDS trên địa bàn thành phố, góp phần đáng kể vào việc thực hiện xã hội hóa công tác phòng chống HIV/AIDS ở nước ta hiện nay. 

Tính riêng trong năm 2010, Gia đình phật tử Đà Nẵng đã phát động quyên góp trong đoàn sinh tham gia cứu trợ cho đồng bào bị lũ lụt tại các tỉnh: Bình Định, Quảng Ngãi, Phú Yên với số tiền đóng góp là 25 triệu đồng, 100 thùng mì và một số áo, quần cũ. Tổ chức phát quà mừng xuân Canh Dần năm 2010 cho 54 đoàn sinh có hoàn cảnh khó khăn với tổng số tiền 8 triệu đồng [11]. Bên cạnh những công tác trên, Ban Từ thiện Phật giáo thành phố Đà Nẵng cùng với các chùa cơ sở trên địa bàn còn tổ chức nhiều hoạt động từ thiện thiết thực khác như: Xây dựng nhà tình thương, thăm và tặng quà cho hội người mù, các cụ già mái ấm tình thương, trẻ em bị chất độc da cam tại Đà Nẵng, tổ chức các bữa ăn bồi dưỡng cho bệnh nhân tâm thần tại các bệnh viện tâm thần thành phố Đà Nẵng, phát áo quần đồng phục cho học sinh nghèo tại trại phong Hòa Vân, tham gia cứu trợ cho đồng bào các tỉnh bị lũ lụt: Hà Tĩnh, Nghệ An, và thông qua Hội Chữ Thập đỏ thành phố Đà Nẵng ủng hộ hàng trăm triệu đồng cho nhân dân bị động đất và sóng thần tại Nhật Bản, vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua [11]. 

Xuất phát từ lòng từ bi của một người xuất gia, hạnh nguyện lợi tha để làm vơi bớt đi phần nào nỗi đau của trẻ mồ côi và những mảnh đời bất hạnh. Sư cô Thích nữ Minh Tịnh, trú trì chùa Quang Châu (thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, Huyện Hòa Vang) gần 20 năm nay, không quản bao nhiêu khó khăn, cực khổ, mang hết tình thương và vòng tay che chở của người đệ tử Đức Phật để nuôi dưỡng, chăm sóc, cưu mang cho hơn hàng trăm trẻ, các mẹ đơn thân, người già neo đơn. Sư cô quan niệm rằng “Nhà Phật dạy phải có tình thương và lòng nhân ái đối với người khác, buồn vì cái buồn của ngưởi khác, khổ vì cái khổ của người khác, làm sao có thể từ chối họ được. Với tôi, phụng sự chúng sanh là làm Phật sự” [10, tr. 35]. Bên cạnh tình yêu thương của người đệ tử của Đức Phật này, không thể không nhắc đến sự giúp đỡ tích cực của các cấp chính quyền, các ngành chức năng, cùng với hàng nghìn đạo hữu, Phật tử, người dân thiện lành đã hàng năm hỗ trợ rất nhiều tiền, trang thiết bị, áo quần cũng như đồ chơi cho các em nhỏ tại đây. 

Ngoài những hoạt động của giáo hội Phật giáo Đà Nẵng, nhân dân thành phố Đà Nẵng cũng hưởng ứng tích cực tư tưởng từ bi của Phật giáo. Không ít những cá nhân, tập thể đã không tiếc tiền của và thời gian quý báu để mang lại niềm vui những người kém may mắn trên địa bàn Đà Nẵng nói riêng và các tỉnh thành lân cận nói chung. Các hoạt động từ thiện cũng dần dần chuyển từ hình thức tự phát sang hình thức có tổ chức. Hội từ thiện sông Hàn (đặt cơ sở tại 20 Ba Đình, Phường Thạch Thang, Quận Hải Châu) là một tổ chức dưới sự lãnh đạo của Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng là một hội phi lợi nhuận với thành viên là những công dân Việt Nam (chủ yếu là công dân đang sinh sống và làm việc trên địa bàn Thành phố Đà Nẵng), họ - những người nhiệt thành với công tác từ thiện, với mong muốn cao cả mang lại niềm vui và cải thiện một phần nào đó đời sống của những người vẫn còn đang gặp khó khăn. Hoạt động thường xuyên của hội là tổ chức các chuyến từ thiện mang lương thực và nhu yếu phẩm đến với đồng bào huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang tỉnh Quảng Nam. Ngoài ra, những thành viên trong hội không ngần ngại khó khăn, mang vác trang thiết bị lên các bản làng giúp mang nước suối, mang ánh sáng điện đèn về với dân làng (mỗi năm hội đều quay lại để tân trang, bảo trì trang thiết bị giúp cho người dân). Bên cạnh đó, mặc dù mỗi thành viên của hội đều có những công việc riêng, nhưng mỗi cá nhân đều sắp xếp công việc, đều đặn duy trì hoạt động “quán cơm 5 nghìn” mỗi thứ hai, tư, sáu và phát bánh bao miễn phí trên đường Lê Duẩn vào mỗi chủ nhật, để cung cấp những suất ăn miễn phí, bữa cơm giá rẻ, nhưng chất lượng cho những người hoàn cảnh khó khăn, công nhân, cô chú bán vé số hay học sinh sinh viên... Toàn bộ kinh phí đến từ số tiền đóng góp của Hội Chữ thập đỏ Đà Nẵng và hơn hết chính là đóng góp hàng tháng của các thành viên trong hội và từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân thiện nguyện khác. Mặc dù, đã chính thức ngừng hoạt động vào đầu năm 2019 nhưng những đóng góp của hội cho xã hội rất đáng trân trọng. 

Hội từ thiện “Sống để yêu thương”, tập hợp những bạn trẻ hướng thiện, mong muốn giúp ích cho đời cho người, câu lạc bộ “Phật ơi Ngài gọi con – Đà Nẵng”, “Đội máu sống Đà Nẵng” sẵn sàng hiến tặng những lượng máu cần thiết cho các bệnh nhân đang cần gấp, 3 cơ sở “quán cơm 2 nghìn”, “chuyến xe không đồng”... Khi dịch bệnh Covid - 19 đang diễn ra hết sức phức tạp, buộc chính phủ phải đóng của biên giới với Trung Quốc, làm cho sản lượng lớn dưa hấu không thể xuất khẩu sang Trung Quốc, cả nước nói chung và Đà Nẵng nói riêng đã tổ chức rất nhiều chiến dịch để giải cứu dưa hấu. Đâu đâu trên địa bàn Đà Nẵng đều xuất hiện những địa điểm bán dưa hấu với biển hiệu “giải cứu dưa hấu”, có những địa điểm, dưa hấu còn được phát miễn phí cho người dân và du khách. Từ ngày 6/2/2020, các bạn trẻ của CLB Bếp cơm Vạn Tình đã chuyển 60 tấn dưa thu mua từ bà con nông dân Kon Tum chuyển ra Đà Nẵng bán, chị Nguyễn Thị Kim Cúc (trú số 25 Hà Bổng, Phường Phước Mỹ, Quận Sơn Trà) đã chi 5 triệu đồng để mua một tấn dưa hấu về tặng miễn phí cho người dân, du khách. Ngoài ra, còn rất nhiều các đoàn thể và các nhân đã chung tay giải cứu dưa hấu của người dân Kon Tum. Kết quả là chỉ trong 3 ngày (6/2/2020 – 9/2/2020), 80 tấn dưa đã được bán hết trong niềm vui của những nông dân và những người "giải cứu" [12]. Hiện nay, chương trình vẫn tiếp tục diễn ra. Những hành động nghĩa tình trên chỉ là một phần trong những hoạt động thiện nguyện đã diễn ra trên địa bàn thành phố trong thời gian qua. 

Chính những hoạt động từ thiện của tăng ni, phật tử ở Đà Nẵng đã mang lại một hình ảnh, giá trị đẹp về tinh thần từ bi, cứu khổ… giúp người dân hiểu được những giá trị cơ bản của thế giới quan Phật giáo. Thông qua các hình thức từ thiện, Phật giáo Đà Nẵng đã tạo thành sợi dây kết nối nhiều tổ chức, cá nhân tham gia ủng hộ cộng đồng, tạo nên tính liên kết xã hội rộng rãi. Từ đó, khơi dậy lòng nhân ái, phát huy tinh thần đoàn kết, hình thành lối sống cao đẹp trong nhiều tầng lớp xã hội khác nhau. 

2.3. Ảnh hưởng của Phật giáo đến lễ nghi và đời sống sinh hoạt của người dân 

Giáo lý đạo Phật ảnh hưởng đến lễ nghi và sinh hoạt của người dân thành phố Đà Nẵng qua các nội dung sau: 

Bàn thờ gia tiên: Thờ cúng tổ tiên là nét văn hóa truyền thống lâu đời của người dân nước Việt. Bàn thờ gia tiên được lập ra để tưởng niệm, bày tỏ lòng hiếu thảo, biết ơn đối với công ơn sâu nặng của đấng sinh thành. Đây cũng được xem là biểu trưng cho cội nguồn huyết thống. Trong các gia đình theo đạo Phật, tượng Phật được đặt trên bàn thờ nhưng ở vị trí cao hơn so với vị trí thờ tổ tiên. Người phật tử thờ đức Phật vì lòng tôn kính một Đấng Giác Ngộ đã vạch ra con đường giác ngộ cho chúng sinh thực hành thoát trầm luân, và cũng với hy vọng Đức Phật trên cao có thể nhìn thấu trần gian, phù hộ, độ trì cho gia đình bình an, hạnh phúc.

Ngày rằm, mồng một: Việt Nam là quốc gia thể hiện sự tiếp nhận những nét đẹp của các tôn giáo phù hợp với văn hóa dân tộc. Ngày rằm, mùng một ở Việt Nam là sự kết hợp hài hòa giữa ba tôn giáo Nho, Đạo, Phật. Theo Nho giáo và Đạo giáo, ngày mùng một (ngày Sóc) và ngày rằm (ngày Vọng) là ngày “Thiên Địa khai thông”, nghĩa là sẽ không còn những ngăn cách giữa trời – đất – người, nên trời đất sẽ chứng giám cho hành vi của con người, ông bà tổ tiên đón nhận lòng thành của con cháu, và quỉ ma ám chướng sẽ không tác hại ai. Còn đối với Phật giáo, ngày rằm hay mùng một được xem ngày “Trường tịnh” hay ngày thanh tịnh nhất, các hàng tu sĩ trong ngày này làm lễ Bồ Tát để tự soi xét việc giữ giới luật, các phật tử thì làm lễ Sám hối cầu nguyện bỏ dữ làm lành. 

Trong những ngày này, rất nhiều gia đình trên địa bàn thành tổ chức lễ cúng, đặc biệt các gia đình Phật tử và các hộ kinh doanh, ngoài ra rất nhiều các gia đình dù không theo Phật nhưng vẫn tiến hành lễ cúng. Hình thức tổ chức cũng khá đa đạng tùy thuộc vào điều kiện hoàn cảnh của gia đình, có thể đơn giản là môt dĩa trái cây đặt trên bàn thờ đến một mâm hoa quả, chè xôi, trà rượu, một số khác thay vì cúng tại gia, họ lựa chọn hình thức đến chùa thắp nhang, lễ Phật, cúng dường, cầu mong sức khỏe cho người thân và gia đình. Đây cũng là những ngày mà giới Phật tử sẽ ăn chay. Nhìn chung trong những năm gần đây, xu hướng ăn chay không chỉ tập trung ở Phật tử, mà ngày càng nhiều người dân trên địa bàn tuân theo chế độ ăn chay vào những ngày này. 

Lễ tang: Trong giáo lý nguyên thủy, đạo Phật không nói đến nghi thức tổ chức lễ tang cho người chết. Trong quá trình thuyết Pháp, Đức Phật cũng không nói đến nghi thức cầu nguyện trong lễ tang, ngoại trừ những bài kinh có nội dung trợ niệm cho người sắp qua đời. Phật giáo tiếp biến với Khổng giáo, Lão giáo ở Trung Quốc và nền văn hóa Việt Nam... việc tụng niệm cho người chết là một nghi lễ không thể thiếu. Phật giáo đã mềm dẻo thay đổi và trở nên phù hợp với tín ngưỡng dân gian. Trong một lễ tang của tín đồ Phật tử Việt Nam, Phật giáo chỉ chiếm một phần trong nhiều yếu tố. Điều này thể hiện sự hòa hợp giữa tôn giáo và phong tục tập quán của người dân Việt Nam. 

Khi có người qua đời, người thân đi xem ngày giờ, thậm chí tuổi tác kỵ, hợp. Việc xem ngày giờ có thể do chính Tăng ni thực hiện, hoặc có thể nhờ các thầy bói, thầy đồng. Tiếp theo, Tăng Ni được thỉnh đến cử hành lễ nhập liệm, thiết lập một án thờ trước quan tài với tấm phủ nghi phía trước có những dòng chữ Hán nói về sự đau buồn và về đạo hiếu, tình nghĩa vợ chồng… Một lá triệu (còn gọi là minh tinh) và vàng mã cũng được chuẩn bị [13]. Còn đối với nghi thức, tang lễ thông thường được diễn ra tuần tự: Nghi thức nhập liệm người chết; Lễ phát tang; Lễ tiến linh (cúng cơm); Khóa lễ kỳ siêu cho hương linh; Lễ cáo triều tổ (cáo tổ tiên ông bà trước giờ di quan); Lễ di quan và hạ huyệt; Đưa lư hương, long vị, hình vong về nhà hoặc chùa; Lễ an sàng; Cúng thất (tụng kinh cầu siêu và cúng cơm cho hương linh 49 ngày); Lễ tiểu tường (sau ngày hương linh mất một năm); Lễ đại tường (lễ xả tang, sau ngày hương linh qua đời hai năm) [14]. Nhìn chung, sự ảnh hưởng của Phật giáo đến lễ tang chủ yếu qua ba yếu tố gồm hình tượng Phật hay Bồ-tát, sự hiện diện của chư Tăng Ni hay cư sĩ Phật tử, và lời kinh Phật được tán tụng. 

Sinh hoạt hằng ngày: Trải qua thời gian dài du nhập, biến đổi, phát triển ở Việt Nam, đến nay, Phật giáo đã ảnh hưởng đến mọi mặt đời sống, sinh hoạt của người dân Việt Nam nói chung và người dân Đà Nẵng nói riêng. Từ những tượng Quan Âm được điêu khắc bằng thạch để làm dây chuyền hộ mệnh, đến tượng các vị Phật được đặt trên hòn non bộ của một số hộ gia đình trên địa bàn Đà Nẵng. Trong những năm gần đây, du lịch Đà Nẵng ngày càng phát triển, số lượng du khách đến với thành phố ngày càng đông, các công ty du lịch lữ hành tăng số lượng xe buýt du lịch để đáp ứng được nhu cầu của du khách. Hầu như xe buýt du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều đặt tượng Phật bà Quan Âm, Đức Phật một cách trang nghiêm trên đầu xe với cả lòng thành kính người lái xe và cả lơ xe mong muốn đi đường thuận lợi, bình an. 

Trước đây, chỉ có ai thực sự là tín đồ Phật giáo thì mới đi chùa, nhưng ngày nay, người lên chùa lễ Phật rất đa dạng và cánh cửa chùa luôn rộng mở đối với mọi người, nhất là vào những ngày rằm, mồng một, những ngày lễ lớn, trọng đại của Phật giáo, trong dịp Tết Nguyên đán và thu hút đông đảo người dân đến tham dự. Tùy theo điều kiện, hoàn cảnh, mỗi người đến với Phật giáo với một tâm thức, một động cơ khác nhau. Mỗi người đến chùa cũng khác nhau: người thì đến để tụng kinh, niệm Phật với lòng thành khẩn; người thì mong tìm được sự bình yên trong tâm; Người thì mong chở che, vượt qua bất hạnh, khó khăn trong cuộc sống; người thì đi tham viếng cảnh chùa; Cũng có người đến chùa để dâng lễ, cầu an, một số vì thấy mọi người đi thì mình cũng thử đi... 

2.4. Ảnh hưởng Phật giáo trong vấn đề sức khỏe 

Sức khỏe của con người gồm sức khỏe vật lý hay thường gọi là đời sống sinh vật và sức khỏe tinh thần. Sức khỏe vật lý là sự hoạt động bình thường và đúng chức năng của các bộ phận trên thân thể. Theo quan điểm của Phật giáo, sự hoạt động bình thường giữa các chức năng của những bộ phận cấu thành chính là nhờ sự hòa hợp và thăng bằng của bốn yếu tố: Đất (pathavi), nước (apo), gió/ khí (vayo), lửa/ hơi nóng (tejo). Khi sự cân bằng này gặp trục trặc hoặc mất đi thì bệnh tật xuất hiện. Vạn vật luôn chịu sự tác động của quá trình “thành, trụ, hoại, diệt”, và thân này cũng thế, luôn biến đổi và hủy hoại, do đó bệnh tật là điều người ta không thể tránh khỏi, cũng như không thể vượt ra khỏi vòng quay sinh-tử. Sức khỏe tinh thần là một trạng thái an lạc (wellbeing) mà mỗi cá nhân nhận ra sức mạnh của chính mình, sẵn sàng đương đầu với những áp lực trong công việc và trong cuộc sống, tạo nên động lực làm việc một cách tích cực, góp phần vào sự phát triển của xã hội. Mặc dù, về chức năng khác nhau, nhưng sức khỏe tinh thần và sức khỏe vật lý có mối quan hệ mật thiết và tác động qua lại lẫn nhau. Rõ ràng một cơ thể suy nhược sẽ khó có một tinh thần minh mẫn, sáng suốt, cũng như một tinh thần phiền não, môt tâm tham lam, sân si sẽ không làm cơ thể khỏe mạnh. Và dù có được một thân thể khỏe mạnh, nhưng tâm chứa đầy nhiễm ô, phiền não, tham lam, sân hận, si mê, cao ngạo, nghi ngờ… theo cách nhìn của Phật giáo, người đó được xem là không có một tâm thần mạnh khỏe, hay nói cách khác là người đó đang bị tâm bệnh. Do đó, để có sức khỏe, mỗi chúng ta cần phải vừa chú ý đên luyện tập thể thao, ăn uống lành mạnh để có một thân thể cường tráng đồng thời phải tu tập để tâm phát triển lành mạnh. 

Phật tử Đà Nẵng tin rằng chân lý của Giáo Pháp và lòng từ bi của đức Phật bao hàm trong kinh văn. Việc duy trì tụng kinh trong âm điệu đúng với lòng thành thật, với sự xác tín và niềm tin kiên cố vào Tam Bảo, tâm mỗi người sẽ trở nên trầm lắng và hỷ lạc, từ đó giúp ích cho việc phòng và điều trị các bệnh liên quan đến tâm bệnh. Nhận thức được lợi ích to lớn ấy, ngoài thường xuyên tới chùa tụng kinh, niệm phật, Phật tử thường xuyên tụng kinh, niệm Phật tại gia. Bên cạnh đó, vào những ngày rằm, mùng một, một máy ghi âm những bài kinh Phật thường được bật và đặt trên bàn thờ tổ tiên với mong muốn mang lại sự an lạc trong gia đình. Và cũng trong những ngày này, tất cả các Phật tử đều ăn chay (một số Phật tử ăn chay trường, một số ăn chay hai lần một tháng nhân ngày mùng một và ngày rằm, một số thì ăn chay bốn ngày một tháng nhằm ngày 30, mùng một, ngày 14 và rằm) mặc dù Phât không ép buộc. Đức Phật khuyến khích mọi người ăn chay nhằm tăng phần công đức, tránh ác báo của nghiệp sát và muốn dứt tâm tham nhiễm nơi vị trần. Ăn chay còn góp phần xây dựng môi trường xanh – sạch. Hoạt động chăn nuôi gia súc để lấy thịt thải ra lượng khí nhà kính nhiều hơn tổng lượng khí thải của tất cả các ngành giao thông vận tải trên thế giới, cụ thể là khí mê-tan và nitrrit oxit, là nguyên nhân chính gây ra biến đổi khí hậu và chịu trách nhiệm cho hơn 80% nguyên nhân gây nóng lên toàn cầu. Ngoài ra, theo chuyên gia dinh dưỡng Johana Dwyer của Đại học Y khoa Tufts ở Boston (Hoa Kỳ) tóm tắt như sau: “Có nhiều dữ kiện cho thấy, ăn rau trái rất tốt để làm giảm nguy cơ mập phì, táo bón, ung thư phổi và ghiền rượu. Cũng có bằng chứng là nguy cơ về cao huyết áp, bệnh động mạch vành, tiểu đường loại II, sạn túi mật cũng giảm thiểu. Một số bằng chứng khác cũng cho là rau trái có thể giảm nguy cơ ung thư vú, bệnh nang chi ruột, ung thư ruột già, sạn thận, loãng xương, hư răng” [15]. Xu hướng ăn chay đang trở nên khá thịnh hành trong thời gian gần đây trên địa bàn Đà Nẵng, biểu hiện là số lượng đông đảo quán chay từ những quán bình dân cho đến những nhà hàng chay sang trong với thực đơn phong phú các món ăn, trong đó phải kể đến một số quán nổi tiếng, thu hút đông đảo thực khách: Quán chay Sen (181 Nguyễn Hoàng, Quận Hải Châu), quán chay Hoan Hỷ (142/4 Lê Duẩn, Quận Hải Châu), quán chay Bồ Đề (588 Ông Ích Khiêm, Phường Dương Nam, Quận Hải Châu), nhà hàng chay Hoa Sen (30/1 Đặng Thai Mai, Phường Thạc Gián, Quận Thanh Khê)… Từ cách đặt tên quán (sen, bồ đề, hoan hỷ…), ta cũng có thể nhận thấy sự ảnh hưởng mạnh mẽ của Phật giáo và đôi lúc chỉ cần đọc tên của quán, nhà hàng, ta đã biết quán đó có phải là quán chay hay không rồi. Đặc biệt phải kể đến là nhằm những những ngày rằm, mùng một, hầu như các quán bún, mì trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hoặc tạm đóng cửa hoặc sẽ chuyển qua bán bún, mì chay và số lượng thực khách tìm đến những quán này trong những ngày này cũng rất đông. Qua đó, ta có thể thấy tư tưởng Phật giáo đã lan tỏa trong khắp đời sống người dân. 

2.5. Ảnh hưởng của Phật giáo đến lễ hội 

Nằm trên tuyến giao thông quan trọng như Quốc lộ 1A, có đường sắt, cảng biển và sân bay quốc tế, cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, non sông hữu tình… Đà Nẵng ngày càng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước. Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều Nghị quyết về phát triển du lịch. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XX, XXI đều xác định phát triển du lịch là một trong ba khâu đột phá để phát triển thành phố Đà Nẵng. Trong đó, du lịch tâm linh cũng là lĩnh vực được thành phố đặc biệt quan tâm. Chùa Linh Ứng, Bãi Bụt, Quán Thế Âm... là sự lựa chọn không thể bỏ qua của du khách. Hoạt động lễ hội ngày càng nhận được quan tâm cả về quy mô và tổ chức, với nhiều hoạt động phong phú sôi nổi, đáp ứng nhu cầu chiêm ngưỡng, lễ bái của đồng bào theo đạo Phật, du khách thập phương và trở thành sản phẩm văn hóa, du lịch, tâm linh đặc trưng của thành phố và quận. Điển hình phải kể đến là “Lễ hội Quán Thế Âm Đà Nẵng” và “Lễ Vu Lan Báo hiếu”. Lễ hội Quán Thế Âm được khởi xướng từ năm 1960 là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia, được tổ chức thường niên tại khu du lịch Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng vào các ngày 17, 18 và 19 tháng 2 âm lịch, thu hút hàng ngàn đồng bào Phật tử và du khách trong và ngoài nước nô nức trẩy hội. Đây là lễ hội có nguồn gốc từ một lễ vía Đức Phật Quan Thế. Lễ hội là sự hòa hợp giữa nền văn hóa dân gian truyền thống của người Việt kết hợp với yếu tố tín ngưỡng tôn giáo của đạo Phật. Mục đích của lễ hội là “cầu cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, khơi dậy lòng từ bi, bác ái, hướng thiện trong mỗi con người, sự hòa hợp giữa Phật pháp với dân tộc, tình yêu quê hương đất nước”. Lễ hội Quán Thế Âm diễn ra trong 3 ngày, bao gồm hai phần: Lễ và hội. 

Phần lễ bao gồm các lễ cầu nguyện cho quốc thái dân an, chúng sinh an lạc, lễ thuyết giảng ngợi ca lòng từ bi bác ái của đức Phật Bồ Tát Quan Thế Âm, lễ cầu siêu, lễ rước tượng Quan Thế Âm nhằm cầu nguyện cho đồng bào, chúng sinh đi biển, đi làm ăn trên sông nước được thuận lợi bình an... 

Phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hoá - thể thao mang đậm bản sắc dân tộc như hội hoá trang, hát bội (tuồng), thi các môn: Thi pháp, tranh thuỷ mặc, thả hoa đăng trên sông Cổ Cò, đua thuyền, lắc thúng chai, kéo co, bơi chải, thi nấu ăn chay, hát bài chòi, thiền trà, triển lãm tượng đá và hội thi điêu khắc đá... 

Tư tưởng Phật giáo không chỉ được thể hiện trong quá trình diễn ra lễ hội, nó còn xuất hiện cả khi kết thúc lễ, từ hình ảnh những chiếc thùng quyên góp đầy ắp tiền dành cho những người khó khăn, đến hình ảnh những Phật tử, người dân thành phố Đà Nẵng chung tay dọn dẹp, phân loại các loại rác thải đã để lại ấn tượng sâu sắc trong mắt du khách về một thành phố thân thiện, mến khách. 

Hòa Thượng Thích Trí Viên, Phó trưởng Ban Trị sự kiêm Trưởng Ban Tăng sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Đà Nẵng cho biết: "Lễ hội Quán Thế âm Ngũ Hành Sơn không chỉ là một sinh hoạt văn hóa tâm linh mang màu sắc tôn giáo mà còn là thành tố di sản của dân tộc độc đáo. Vì thế, việc giữ gìn, nâng cấp danh thắng Ngũ Hành Sơn cũng có nghĩa là giữ gìn nâng cấp lễ hội” [16]. 

Vu Lan là lễ được tổ chức thường niên vào ngày rằm tháng Bảy ở các chùa đã thu hút đông đảo chư tăng, phật tử cùng người dân đến lễ bái, thỉnh nguyện. Điều này đã đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tâm linh của đông đảo nhân dân, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để du khách và các tầng lớp nhân dân đến với danh thắng trên địa bàn Đà Nẵng, đặc biệt là động Âm Phủ, thuộc núi Ngũ Hành Sơn – nơi lễ hội chính thức diễn ra. Lễ Vu Lan báo hiếu là một phong tục văn hóa dân gian, tôn giáo, tín ngưỡng tốt đẹp về hiếu đạo được bắt nguồn từ sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ siêu thoát. Đây là lễ hội nhằm ghi nhớ công ơn cha mẹ và biểu thị tâm linh Phật giáo cổ truyền của người Việt. Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động, gồm: Lễ thượng Phan, niệm Phật; Lễ Thỉnh anh linh Anh hùng Liệt sĩ; Cầu siêu anh linh chiến sĩ trong động Âm Phủ; Hội trại Vu lan báo hiếu; Viết thư pháp và triển lãm ảnh, tượng đá nghệ thuật; Triển lãm ảnh nghệ thuật Ngũ Hành Sơn; Cài hoa hồng cho nhân dân và du khách dự lễ hội, tham quan du lịch; Thắp hoa đăng cầu nguyện quốc thái dân an; Thả bong bóng vì hòa bình; Mừng thọ các cụ cao tuổi và trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó...

3. Kết luận

Đà Nẵng là vùng đất sớm hòa mình vào dòng chảy kiêu hùng của quốc gia Đại Việt. Trong quá trình tụ cư, phát triển kinh tế - xã hội, Phật giáo sớm truyền vào và bổ sung làm giàu thêm nền văn hóa nơi đây. 

Ngày nay, Phật giáo vẫn luôn ảnh hưởng tích cực trong đời sống của người dân thành phố Đà Nẵng. Những nét đẹp của giáo lý đạo Phật kết hợp với phong tục, tập quán của địa phương tạo nên những dấu ấn tốt đẹp trong việc: Bồi đắp tinh thần hướng thiện cho thế hệ trẻ, nhân dân tích cực làm công tác từ thiện, các lễ nghi và sinh hoạt của người dân, vấn đề sức khỏe của con người, góp phần làm phong phú lễ hội. 

Đà Nẵng sớm vươn mình trở thành đô thị phát triển năng động của khu vực miền Trung – Tây Nguyên và cả nước. Cùng với sự phát triển kinh tế, văn hóa Đà Nẵng ngày càng tiên tiến, đậm đà bản sắc. Những nét đẹp của Phật giáo đã thấm sâu vào các lĩnh vực đời sống của nhân dân Đà Nẵng, góp phần tạo nên một “thành phố đáng sống”.

TÀI LIỆU THAM KHẢO 

[1] Nguyễn Tài Thư, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb Khoa học Xã hội, 1988. 
[2] Trần Ngọc Thêm, Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh, 1996. 
[3] Nguyễn Đăng Duy, “Phật giáo với văn hóa Việt Nam”, Nxb Hà Nội, 1999. 
[4] Lê Xuân Thông, Phật giáo Quảng Nam thế kỷ XVII – XIX, Luận án tiến sĩ, Trường Đại học Khoa học – Đại học Huế, 2019. 
[5] Nguyên Lam Chân Tuệ Định, Lược sử Phật giáo thành phố Đà Nẵng, Nxb Tôn giáo, 2008. 
[6] Dương Văn An, Ô châu cận lục, (Trần Đại Vinh, Hoàng Văn Phúc dịch và hiệu đính), Nxb Thuận Hóa, 2001. 
[7] Li Tana, Xứ Đàng Trong: Lịch sử kinh tế - xã hội Việt Nam thế kỷ 17 và 18, Nxb Trẻ, 1998. 
[8] Trần Quốc Vượng (chủ biên), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb Giáo dục, 2012. 
[9] Thích Quang Nhuận, Phật học khái lược 1, Nxb Tôn giáo, 2004. 
[10] Nguyễn Long Hải, Ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo đến đời sống người dân thành phố Đà Nẵng, Khóa luận tốt nghiệp, Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng, 2020. 
[11] Đinh Đức Hiền, Ngô Lan Anh, “Phật giáo Đà Nẵng với công tác an sinh xã hội”, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử xứ Quảng, số 14 (1.2020), 2020, tr. 87-91. 
[12] Huy Đạt (2020), “Trong dịch Corona: Mua dưa hấu giúp nông dân phát miễn phí cho mọi người”, https://thanhnien.vn/doi-song/trongdich-corona-mua-dua-hau-giup-nong-dan-phat-mien-phi-cho-moinguoi-1181588.html (ngày truy cập: 22/3/2020). 
[13] Thích Hạnh Chơn, Ảnh hưởng Phật giáo trong lễ tang người Việt,
https://giacngo.vn/PrintView.aspx?Language=vi&ID=3A5050. (truy cập 23/7/2020). 
[14] Cao Xuân Sáng, Ảnh hưởng của thế giới quan Phật giáo đối với đời sống tinh thần người dân đồng bằng sông Hồng hiện nay, Luận án Tiến sĩ, Học viện Chính trị Quốc gia, 2019. 
[15] Thanh Tâm, ăn chay và những lợi ích cần biết, https://phatgiao.org.vn/an-chay-va-nhung-loi-ich-can-bietd32553.html (truy cập 23/7/2020). 
[16] Phương Cúc, “Hàng nghìn người dự Lễ Quán Thế Âm Đà Nẵng”, 2019, https://vov.vn/di-san/hang-nghin-nguoi-du-le-hoi-quan-theam-da-nang 889850.vov (truy cập 24/3/2019).

Nguồn:Tạp chí Khoa học và Công nghệ - Đại học Đà Nẵng, VOL.20, NO. 8, 2022

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét