“Phật hóa gia đình và đạo đức xã hội” là chủ đề của Hội thảo Hướng dẫn Phật tử lần thứ nhất, do Ban Hướng dẫn Phật tử Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức từ ngày 9 đến 11-9 tại Đà Nẵng. Trang nhà xin trân trọng giới thiệu tham luận* của Cư sĩ Hồng Quang từ California - Hoa kỳ gởi về góp ý cho Hội thảo.
Trong bản gợi ý cho các chủ đề Hội thảo, nhiều đề tài rất hấp dẫn và thiết thực. Tôi đắc ý nhất là ba vấn đề sau đây:
- Vấn đề cải đạo - giải pháp nào bảo vệ tín tâm người Phật tử?
- Phương thức giáo dục thanh thiếu nhi Phật tử.
- Đổi mới phương thức sinh hoạt tu học của GĐPT hiện nay.
Ôm đồm cả ba đề tài là một ham muốn thiếu thực tế, vì muốn viết nhiều, rút cục sẽ không viết được gì cả, hay viết không ra gì cả. Nhưng bỏ thì tiếc. Do đó tôi viết theo sự đẩy đưa của ngòi bút mà không theo một thứ tự và bố cục nào.
1.Vấn đề cải đạo - giải pháp nào bảo vệ tín tâm người Phật tử
Một Phật tử bị cải đạo vì một số lý do chính.
-Cha mẹ đi chùa lễ Phật, con đi theo và bắt chước lễ Phật một cách chí thành nhưng chưa hẳn vì kính Phật mà lễ bái. Nói cách khác là, người Phật tử không hiểu giáo lý và do đó không hiểu Phật là gì.
-Nhiều Phật tử xem Phật như một ông Thần để cầu xin được mạnh khỏe, làm ăn phát đạt, trúng số, may mắn...
Nhìn Phật dưới nhãn quan đó nên lúc cầu mà không được toại nguyện thì đâm ra nghi ngờ, chán nản nên dễ bị ngoại đạo khai thác dụ dỗ.
- Có người bị cải đạo vì cần vài triệu đồng lúc túng thiếu. Nhưng không biết rằng họ đã vay một món nợ nặng lãi nhất,10% lợi tức mỗi tháng.
Thật vậy, sau khi được vài triệu đồng hoặc vài chục kg gạo, số tân tòng được dạy (hăm dọa thì đúng hơn) phải đóng 10% lợi tức hàng tháng cho nhà thờ còn không thì Chúa phạt đày xuống hỏa ngục. Dì tôi và cá nhân tôi thời thơ ấu đã kinh qua lời hăm dọa này.
- Cải đạo qua đường hôn nhân. Đó là một hành động vi phạm nhân quyền nhưng không mấy ai biết hoặc quan tâm để lên tiếng.
Đức Đạt lai Lạt ma người hết sức nhu mì, điềm đạm nhưng bất đắc dĩ mà Ngài cũng đã có thái độ nghiêm khắc về vấn đề cải đạo lúc trả lời cuộc phỏng vấn Tuần báo Pháp Le Point, đăng ngày 22.1.2007.
Ngài phê phán rằng: “Đó là một hình thức chiến tranh chống lại các dân tộc khác và các nền văn hóa khác không giống với văn hóa và dân tộc của các nước Thiên chúa giáo, và như thế là đi ngược lại với thông điệp của đức Chúa Trời. Ngài cũng đã không đồng ý với Giáo hoàng (Vatican) về cách gọi: "Á châu là mảnh đất truyền bá Phúc âm trong thiên niên kỷ thứ III”.
Trở lại vấn đề cải đạo qua hôn nhân là vi phạm nhân quyền. Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc (U.N General Assembly) ngày 10.12.1948 đã đề xuất và công bố toàn văn bản Tuyên Ngôn Nhân Quyền. Điều 16 viết:
“Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn. Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn”.
Kết hôn mà phải đổi qua đạo Cơ Đốc, có bình đẳng không? Đổi đạo để được có vợ hoặc có chồng “có sự thuận tình và tự do” không?
Đó là chưa nói đến tính cao ngạo khinh thường tôn giáo khác của Cơ đốc. Vì hành động ép buộc cô dâu hoặc chú rể đổi đạo để được kết hôn, điều đó có nghĩa là Giáo hội Cơ đốc giáo Việt Nam tự nhận sai lầm rằng tôn giáo mình hơn các tôn giáo khác. Trong thực tế, lịch sử truyền đạo Cơ đốc trong hai ngàn năm qua đã gây nhiều xung đột, trên hai trăm triệu người chết, trong các cuộc gọi là Thánh chiến, Tòa hình án và Phong trào chiếm thuộc địa. Việt Nam và nhiều quốc gia khác cũng bị Pháp và Tây Ban Nha… đô hộ do Cơ đốc giáo rước hoặc toa rập với thực dân. Đó là một sự kiện lịch sử không thể chối cãi.
Một lịch sử đen tối và không trong sạch như thế, thay vì cần phải bắt chước Giáo Hoàng Phao Lồ II, ngày 12.3.2000, thiết lễ sám hối với thế giới và nhân loại về bảy núi tội mà Cơ đốc giáo đã phạm trong 2.000 năm qua, để cùng với các tôn giáo khác chung sống hòa bình, Giáo hội Cơ đốc Việt Nam lại tự cao tự đại trong việc cải đạo là một hành động không nên có của một người biết suy tư tối thiểu. Đó là chưa nói đến hầu hết những điều trong Thánh kinh đều thiếu nhân bản, thiếu ứng dụng và thiếu khoa học. (Cơ đốc giáo gồm cả Tin lành và Công giáo, vì Tin Lành cùng có một nguồn gốc và sử dụng một Giáo thư như Công giáo).
- Bị đổi đạo vì nghĩ rằng tôn giáo nào cũng dạy con người ăn ở hiền lành. Nhưng ít ai biết, nhiều trường hợp trước đây, đế quốc sử dụng tôn giáo như là một lực lượng xâm lăng chiếm thuộc địa. Ngày nay họ sử dung tôn giáo như là một lọai thực dân mới, để chiếm thị trường và phá hoại nền văn hóa của các nước đang phát triển.
- Bị cải đạo vì người Phật tử tại gia không được hướng dẫn Phật pháp căn bản rõ ràng.
- Phật tử nên cần biết, giáo lý của Phật qua việc tu Thiền và Tịnh độ, có thể “Làm cho con người đẹp hơn, thông minh hơn, mạnh khỏe hơn, sống lâu hơm, chống bệnh tật và lão hóa”, mà 50 năm qua khoa học và y giới đã chứng minh.
- Lịch sử Phật Thích Ca cũng cần được giảng diễn cho Phật tử bằng ánh sáng khoa học và trí tuệ.
Một số sách trình bày, lúc mới sinh ra “Thái tử Tất Đạt Đa đi bảy bước trên hoa sen, một tay chỉ trời một tay chỉ đất và nói: Trên trời dưới đất chỉ có một mình ta là lớn”.
Thật là khó tin, thật là phi lý. Một chú bé mới sinh đã biết đi. Sao không đi vài bước mà đi 7 bước, sao không bước trên cỏ, chẳng hạn, mà bước trên 7 hoa sen. Hoa sen đâu mà xuất hiện nhanh thế. Nếu là hoa sen dưới hồ mà một trẻ em đi như thế có bị chết đuối không…?
Sách trình bày như trên là một ẩn dụ đầy ý nghĩa. Nhưng người viết sách và người dạy giáo lý phải giải thích để tránh sự hiểu lầm của người nghe, và ngoại đạo không thể vin vào ẩn dụ đầy ý nghĩa ấy để xuyên tạc.
Cũng thế, một hôm tôi đến chùa tụng kinh cầu an đầu năm. Chúng tôi tụng Kinh Phổ Môn. Lúc đọc đến đoạn: “Lúc bị lửa cháy, nếu niệm danh hiệu Quán Thế Âm, lửa sẽ tắt. Rồi cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái”. Uớ! Một thanh niên bên cạnh tôi ngạc nhiên, bỏ ra về.
Lạy Phật, lời dạy của Ngài mê tín đến thế sao? Không, lửa đây là lửa trong lòng, lửa tham sân si. Con trai con gái đây là nói về tánh tình, “Con trai, hiếu hạnh làm đầu. Con gái đoan chính là câu sửa mình”.
Nếu như, người quyết định ném bom Nguyên Tử xuống Nhật Bản năm 1945 mà nhớ đến (niệm) hạnh từ bi của Đức Quán Thế Âm thì có thể hằng trăm nghìn người Nhật không đến nỗi chết oan và tàn tật!
Cũng thế, thay vì chỉ giảng diễn Hạnh Từ Bi Hỷ Xả một cách lý thuyết. Chúng ta có thể sử dụng hình ảnh 6 cảm xúc mà bác sĩ Paul Ekman, giáo sư Tâm lý học, đề cập trong Consulting Psychologists Press (1978):
Theo thứ tự sáu cảm xúc: giận hờn, ngạc nhiên, khinh và ghê tởm, buồn rầu, an lạc, sợ hãi, thì chỉ có cảm xúc an lạc (vui cười, hỷ xả) là đem đến sức khỏe cho con người mà thôi.
Lời dạy của Phật đã đi vào đời sống của dân tộc Việt tự bao giờ để ông bà tổ tiên khuyên bảo “Một nụ cười bằng mười thang thuốc bổ.” .
Vậy thì người Phật tử được khuyên nên Từ Bi Hỷ Xả, thì không những có thể làm cho con người trong gia đình và ngoài xã hội biết thương yêu tha thứ cho nhau, để thế giới được hòa bình mà còn làm gia tăng sức khỏe cho chính cá nhân.
Thế giới ngày nay còn nhiều cuộc chiến tranh đẫm máu cũng vì con người thiếu Từ Bi, kém Hỷ Xả. Đó cũng là một trong những lý do chính để Đức Phật được Liên Hiệp Quốc, một tổ chức hàng đầu thế giới, bầu chọn Ngài là một vĩ nhân Văn hóa và Hòa bình của nhân loại.
Ngoài việc dạy giáo lý căn bản để thấy đạo Phật thực tế cho cuộc sống của nhân sinh, chúng ta cũng cần dạy cho Phật tử biết, ít nhất là cơ bản, giáo lý của Cơ đốc giáo. Lịch sử của họ là những cuộc tắm máu mà trên 200 triệu người chết qua 8 cuộc gọi là Thánh chiến, và tòa hình án xử tử những người khác tín ngưỡng (Tòa án Dị giáo; Inquisitions).
Phật tử cũng phải biết Thánh kinh dạy gì trong đó. Có hợp với luân thường đạo lý, có hợp với luật pháp của quốc gia và quốc tế không?
Nếu cần, thì nên mời quý vị Linh Mục, Mục sư đến dạy để tránh cái gọi là “vấn đề tế nhị và nhạy cảm”, hoặc cáo buộc sai lầm là xuyên tạc tôn giáo khác.
Người nào càng biết nội dung phi lý và những lời dạy tàn ác phi khoa học của “Thánh Kinh” thì càng bỏ đạo. Vì thế, ngày nay Âu châu chưa đến 10% đi lễ nhà thờ.
Thánh kinh cuốn Malachi, chương 2, dạy “Nếu các ngươi không nghe lời ta, không làm rạng danh ta thì Chúa sẽ trét phân lên mặt các ngươi”.
Hoặc “Phải đập phá các chùa, lăng miếu của các dân tộc thờ Bụt thần mà không thờ Chúa trời, rồi đến nơi nào có thờ Chúa mà phụng sự và đóng thuế 10% (Thánh kinh cuốn Truyền kỳ luật lệ ký, chương 12. Đoạn 2-7). Vô số những lời dạy phi lý và phạm pháp như thế trong Cựu Ước và Tân Ước.
Xin đừng cáo buộc sai lầm là tôi kỳ thị hoặc đụng đến vấn đề nhạy cảm. Quý vị giáo sĩ nào nếu thấy tôi viết sai thì cứ lên tiếng. Tôi kêu gọi như là một lời thành khẩn và cũng có thể như là một thách thức, nếu có ai muốn cáo buộc tôi.
2.Phương thức giáo dục thanh thiếu nhi trong thời đại mới
Thanh thiếu nhi rất khó mà cũng rất dễ giáo dục. Khó vì trong thế giới điện toán mà tất cả những thông tin tốt hoặc xấu đều được chuyển tải qua mạng.
Trẻ là lớp tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” nên dễ bị ô nhiễm bởi mội trường thiếu lành mạnh.
Những gia đình thiếu cha hoặc thiếu mẹ (single mom hoặc single dad) thì đứa trẻ dễ bị hư hỏng hơn là gia đình có cả mẹ lẫn cha. Lý do dễ hiểu là đứa bé được cả hai người chú ý săn sóc thì tốt hơn một người.
Và lúc mà kinh tế gia đình được chung lo bởi hai người nay chỉ còn một, nên thì giờ dành nhiều cho việc săn sóc dạy bảo đứa bé bị giảm thiểu, nên con dễ sinh tật, dễ bị bạn xấu lôi cuốn vào đường bất thiện.
Lúc cha mẹ bị đổ vỡ tình cảm, đơn vị gia đình không còn là “thiên đàng” cho con trú ngụ, thì chúng bị hoang mang lo sợ và tìm cách “giải trí” để lấp khỏa sự buồn bả của tâm hồn.
Tuy vậy, nếu biết được vài điểm tâm lý then chốt của tuổi trẻ thì chúng có thể là một đàn cừu; dễ vâng lời và rất dễ thương.
Tuổi trẻ, nói chung, thích vui, thích mới, thích thực tiễn và khoa học.
Phật giáo là một tôn giáo đáp ứng được ba cái thích ấy mà không có tôn giáo nào có, ngoại trừ “thích vui” thì Phật giáo không bằng Cơ đốc giáo.
Thực vậy, nhiều buổi lễ đại chúng của Phật giáo dài lê thê ngay cả việc giới thiệu thành phần tham dự cũng đã mất nhiều thì giờ. Tụng chú Đại Bi trong nhiều buổi lễ công cọng, nhiều người không ưa, nhưng không dám nói ra; họ tránh dự lễ nhưng chỉ muốn xem phần văn nghệ mà thôi. Âm nhạc lại thiếu trong buổi lễ Phật Giáo, hoặc có nhưng không gây tác động lòng người như vài tôn giáo khác.
Nhiều nơi không có tín đồ Nam Tông nhưng quý sư Nam Tông lại kéo dài buổi lễ bằng tiếng Pali, có lúc, đến cả giờ. Gần cuối buổi lễ, nếu quý sư nhìn lui sau lưng sẽ thấy số người tham dự đã bỏ về gần hết từ lúc nào. Mà lý do là vì họ không hiểu kinh tiếng Pali nên chán rồi bỏ ra về.
Những buổi lễ khác tại chùa, thiếu thoải mái. Với thời đại bận quần bó ống, quần thiếu vải (bận váy ngắn) mà phải ngồi trên sàn gạch bông thay vì ngồi trên ghế như các nhà thờ, quả là một “cực hình”.
Nhiều buổi lễ cầu siêu ma chay theo lối nầy nên con cháu của thân chủ đến ngày cúng thất thì chẳng hăng say nhưng sợ bố mẹ, sợ bà con và vì chữ hiếu chứ không cảm thấy thoải mái lúc đến chùa dự lễ.
Phải chăng chùa nên sử dụng ghế nhựa trong các buổi lễ. Chỉ thay đổi hình thức đôi chút mà ấm lòng người. Nên chăng là như thế?
Lễ không cần phải quá dài, nhưng cần ý nghĩa, thiền vị và tác động lòng người.
Nếu có phát biểu chia buồn, vị trú trì cũng nên chuẩn bị lựa lời và vắn tắt vì có người nói dài lê thê mà không mấy ý nghĩa.
Tuổi trẻ là năng động, lễ Phật như thế là thiếu thu hút.
Nhưng MỚI, THỰC TIỄN và KHOA HỌC, thì Phật Giáo là một tôn giáo không những cung cấp cho người lớn mà còn cho tuổi trẻ một kho tàng giáo điển ứng dụng, phong phú và khoa học mà xem ra không có tôn giáo nào có được.
Giáo sư Sonja Lyubomirsky và các đồng nghiệp trong 20 năm nghiên cứu và hằng trăm cuộc thí nghiệm, đã đưa đến kết luận là niềm an lạc đến từ ba yếu tố (6): Di truyền, Tập luyện và Môi trường. Được hình dung như hình vẽ dưới đây mà bà gọi là chiếc bánh Hạnh phúc.
Qua đó, chúng ta thấy hạnh phúc mà mỗi người có được là do cha mẹ di truyền 50%, cá nhân tập luyện 40% và hoàn cảnh chi phối 10%.
Vậy thì một cặp vợ chồng hay là một thế hệ tuổi trẻ muốn có những đứa con đẹp và thông minh thì nên sống vui vẻ hạnh phúc, biết ăn chay, làm lành tránh dữ, tụng kinh niệm Phật, ngồi thiền trước lúc dự định có con. Thì đứa bé có thể hấp thụ gine (gene) cha mẹ đến 50%. Và lúc lớn lên, nếu con biết làm theo những tánh khí tốt đẹp của cha mẹ, như vừa kể, thì em bé ấy có khả năng hoàn thiện cuộc đời mình đến 90% và hoàn cảnh chỉ chi phối 10% mà thôi.
Nói rõ hơn là Thiền, Tịnh và Mật của Phật Giáo có thể tạo cho một người ngay cả một thế hệ mới của dòng giống Việt được “Đẹp hơn, thông minh hơn, khỏe mạnh hơn.”.
Đó là những điều mới và thực tiễn mà khoa học đã chứng minh, và một lần nữa làm chứng cho lời dạy của Phật. Có tôn giáo nào đáp ứng được những điều vừa kể? Chỉ có đạo Phật. Do đó, nếu biết trình bày thì đây là điều mà đa số tuổi trẻ rất thích. Và có nơi nào hơn để phụ huynh có thể gởi con cháu đến? - Các chùa có GĐPT.
Do đó, một huynh trưởng, một người dạy giáo lý phải nắm bắt tường tận các điều liên đới giữa Phật học và Khoa học để được phụ huynh tin tưởng gởi con đến.
Tuổi thiếu nhi thì ưa vui, ưa ngọt và ưa khen. Càng vui, càng ngọt càng được khen thì hệ thống giao cảm từ não bộ của các em sẽ phát triển tốt. Các em sẽ đẹp, thông minh, mau lớn và khỏe mạnh.
Quan niệm sai lầm từ lâu của chúng ta trong câu nói “Thương con thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi”. E sai quá!
Nhìn lại 6 cảm xúc nói trên. Lúc con cứng đầu, cha mẹ thường đánh hoặc hăm dọa. Bé giận hờn, bé sợ hãi, bé buồn bả. Hệ thống giao cảm của não bộ báo động cho các cơ quan tim gan tỳ phế thận là bé bị stress (căng thẳng). Các bộ phận nầy lại tiết ra chất hóa học để cân bằng cơ thể. Và đó là nguyên nhân chính để bé bị bệnh tật như chậm lớn, không thông minh, không vui vẻ mà đúng ra là bé phải có tất cả các điều tốt đẹp ấy.
Ở Mỹ, cha mẹ đánh con, liền bị cảnh sát còng tay đưa vào khám, nếu có người tố cáo.
Trên đây là một minh họa người lớn và một em bé có phản ứng giống nhau lúc bị căng thẳng. Khoa học chứng minh 60% bệnh tật là do căng thẳng (stress) phát sinh, và Thiền (Tịnh, Mật) có khả năng làm cho con người hết căng thẳng và kết quả là hết bệnh. Có tôn giáo nào thực tiễn đến thế chăng? Không, chỉ có Phật Giáo.
Vì thế, sau khi nghiên cứu và bình chọn 38 tôn giáo trên thế giới, tổ chức Liên Minh Thế Giới về Sự Phát Triển Tôn Giáo và Tâm Linh (ICARUS) có trụ sở tại Genèva, Thụy sỹ đã đánh giá “Phật Giáo là một tôn giáo vĩ đại nhất của nhân loại” (Bộ sách Phật Học Ứng Dụng, Cuốn 2, Giáo lý căn bản và sự phát triển Phật giáo. Hồng Quang sưu tầm và biên soạn. Tr. 148).
3. Đổi mới Gia đình Phật tử
Nhiều Tăng Ni lỗi lạc được xuất thân từ Gia Đình Phật Tử. Có thể nói, GĐPT là đoàn thể tốt nhất mà các bậc phụ huynh nên gởi con em đến đó.
Những huynh trưởng kỳ cựu đã qua đời như anh Võ Đình Cường, chị Hoàng Kim Cúc ... là những tấm gương quý cho Phật Giáo Việt Nam. Những huynh trưởng kỳ cựu còn sót lại là những người đã hy hiến cả cuộc đời cho lý tưởng GĐPT. Chúng tôi nhắc lại để tán thán công đức tất cả, gồm người còn kẻ mất, người được nhắc đến tên, người chưa được đề cập. Nhưng những hình ảnh tuyệt vời vẫn còn đó.
Thời đại mới cũng cần những con người có tư duy và kiến thức mới, nhất là kiến thức khoa học hiện đại, đang soi rọi cho lời dạy của Phật mà chúng ta cần phải nhanh chóng nắm bắt để khỏi tụt hậu, khỏi “nghèo đói” lúc sở hữu cả rừng núi “kim cương” vĩ đại mà chưa biết cách khai dụng triệt để.
Vì thế, có lẽ đã đến lúc Giáo Hội nên tổ chức huấn luyện hằng trăm ngàn, ngay cả hằng triệu cư sĩ để phụ giảng trong các chùa thiếu giảng sư hoặc thiếu vị trú trì. Nên có những khóa huấn luyện bổ túc kiến thức mới cho các kỳ cựu huynh trưởng GĐPT. Nên chăng? Đào luyện một đội ngũ huynh trưởng mới để tre già măng mọc? Và tu chính toàn bộ tài liệu học tập của GĐPT?
Tóm lại,
“Tôi” không hiểu ba tiêu chí vô giá của đạo Phật: Nhân bản, Khoa học, và thiết dụng. Lại càng không hiểu thế giới văn minh đã và đang từ bỏ độc thần giáo nên tôi bị cải đạo một cách sai lầm đáng tội nghiệp cho “tôi”.
Tuổi trẻ thường ưa cái vui, cái lạ, cái mang tính khoa học và thực tế. Đạo Phật không những bao gồm những cái đó mà còn vượt trên khoa học và thời đại nữa. Biết áp dụng thì thịnh, không thì tàn. Lỗi tại ta.
Khế lý, khế cơ, khế thời là lời Phật dạy. Từ Bi để định hướng cho hành động. Trí tuệ để là ngọn đuốc soi đường. Dũng mãnh trong việc gạn đục khơi trong.
Không nên vùng vẫy trong ao tù với chiếc thuyền nan, mà phải ra khơi bằng chiếc tàu của thời đại.
Vâng, tất cả chúng ta nên như thế chăng?
Hồng Quang
California 07/07/2011
Theo: tongiaovadantoc.com
Theo: tongiaovadantoc.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét