Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Tư, 5 tháng 10, 2011

Ý thức về đổi mới trong sinh hoạt Gia đình Phật tử

Hội nghị Đại biểu huynh trưởng Gia đình Phật tử Việt Nam lần thứ 11 diễn ra tại Huế đã khởi động một chương mới trong sinh hoạt GĐPT, trong đó những ý kiến tâm huyết trăn trở của nhiều anh chị huynh trưởng đối với tiền đồ của GĐPT thật đáng trân trọng.

Cũng nhằm đóng góp thiết thực cho mục tiêu đổi mới, chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của tác giả Nguyễn Cao Lĩnh cũng bàn về đổi mới để chúng ta cùng suy ngẫm bởi ngoài những lý thuyết đổi mới thì còn cần những biện pháp cụ thể. Bài viết này giới thiệu cho chúng ta phương thức tiến hành đổi mới cần phát xuất từ đâu. Xin trân trọng giới thiệu...

Đồng thệ nguyện một dạ theo Phật...


Vừa qua, GĐPT đã diễn ra hai sự kiện quan trọng: Đó là lễ kỷ niệm 60 năm (1951 – 2011) GĐPT tồn tại, phát triển và Hội nghị huynh trưởng GĐPTVN lần thứ 11. 

Kỷ niệm 60 năm GĐPT đã được tổ chức hoành tráng, trang trọng như muốn nhắc nhở mọi thành viên hướng về quá khứ rồi lấy đó làm niềm tin tự hào của một tổ chức xã hội đã tồn tại, phát triển xuyên qua hai thể kỷ. Còn Hội nghị huynh trưởng GĐPTVN lần này là  Hội nghị kế thừa lịch sử của tổ chức, là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại. 


Quá khứ dù là một quá khứ huy hoàng thì cũng đã qua rồi. Vấn đề còn lại mà thế hệ huynh trưởng chúng ta đang gánh vác vai trò kế thừa đó là hiện tại. Sống với hiện tại và sống một cách xứng đáng là cách sống mà theo kinh “Nhất dạ hiền giả” gọi đó là cách sống bằng tuệ quán. Vậy thì, nếu dùng tuệ quán để xem xét lâu nay mặt bằng sinh hoạt của GĐPT như thế nào? Câu hỏi này đã được giải đáp trước khi Hội nghị này diễn ra, đó là chủ trương của Phân ban GĐPTTW lấy việc đổi mới là trọng tâm của Hội nghị. 

Chủ trương đổi mới sinh hoạt phải chăng xuất phát từ mỗi cá nhân góp lại thành chủ trương đổi mới của tập thể? Và, chủ trương này đã đáp ứng được yêu cầu và mong mỏi chung nên lan tỏa nhanh chóng, cùng khắp. Chỉ mỗi một việc cân nhắc, lựa chọn từng Huynh trưởng để cơ cấu vào phái đoàn đại diện cho đơn vị mình tham dự Hội nghị cũng đủ thấy rõ ý thức trách nhiệm của các Phân ban GĐPT tại các tỉnh, thành. Hiện nay thành phần huynh trưởng cấp Tấn, cả nước trên dưới 300 người nhưng tham dự Hội nghị lần này chỉ có 118 Huynh trưởng. Trong khi đó số lượng huynh trưởng cấp Tín lên đến 208 anh chị và đại biểu là thành phần cấp Tập có đến 90 anh chị (theo biên bản Hội nghị).

Với những con số cụ thể trên đây đủ để xác quyết rằng tại mỗi tỉnh, thành đã thấy rõ vai trò, vị trí của đội ngũ huynh trưởng trẻ quan trọng như thế nào đối với con đường đổi mới của chúng ta? 

Chính vì vậy nên khi chủ tọa phiên họp đưa vấn đề “Lấy lực lượng huynh trưởng trẻ làm nòng cốt xuyên suốt quá trình đổi mới” đã được Hội nghị đồng thanh nhất trí cao.

Tại Hội nghị, hầu hết các bản tham luận đều lấy đổi mới làm tiêu đề. Mỗi tham luận về nội dung diễn giải tuy có khác nhau nhưng rồi “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười”.

Nhìn lại những diễn tiến về đổi mới sinh hoạt GĐPT trước và trong Hội nghị để mỗi chúng ta cùng nhìn nhận rằng cội nguồn đổi mới đã được khơi nguồn, dòng chảy ý thức đổi mới đã lan tỏa một cách rộng rải cùng khắp.

Cũng có người cho rằng chủ trương đổi mới sinh hoạt tuy đã được nhất trí cao nhưng cũng chỉ bằng vào một số lý thuyết. Đó là định hướng đổi mới; đó là một số lý luận về đổi mới; đó là “Đại cương giáo dục GĐPT – Lý thuyết và thực hành; đó là một số phương pháp giảng dạy sao để đạt được hiệu quả cao, đáp ứng được các yêu cầu của đối tượng giáo dục trong thời đại ngày nay để có thể duy trì, phát triển GĐPT trong những ngày tháng sắp đến.  

Những nhìn nhận đại loại như thế là đúng với sự thật ở trong thời điểm này, tuy nhiên, không riêng gì tổ chức của chúng ta mà tất cả tổ chức xã hội khác muốn có một thực tế tốt đẹp hơn, lợi ích hơn cho tổ chức mình đều phải bắt nguồn từ lý thuyết và thực tiễn là sản phẩm phản ánh trung thực của lý thuyết ấy.

Đến đây, một ý thức mới nữa cần đặt ra nếu muốn con đường đổi mới của GĐPT đi đến thành tựu. Trước hết cần ý thức rằng con đường đổi mới không chỉ ở ngày một, ngày hai mà nó phải trải qua một quá trình lâu dài, con đường này không đơn giản chút nào mà nó ẩn tàng nhiều phức tạp. Đổi mới nội dung chương trình tu học hay phương pháp giáo dục vốn đã khó khăn, đổi mới con người lại càng khó khăn hơn nên đòi hỏi ở nơi mỗi vai trò vị trí lãnh đạo các cấp cần trang bị một số yếu tố cần thiết. Đó là  niềm tin, sự kiên quyết, tính kiên trì, kham nhẫn, biết lắng nghe và không ngừng nỗ lực. Có lẽ đó cũng là những tố chất mà một mẫu người giáo dục cần phải có.

Thực tế hiện nay trong GĐPT đang tồn tại một bộ phận không ít huynh trưởng trải qua nhiều năm tháng cống hiến rất đáng được trân trọng và vẫn còn nắm giữ những trách nhiệm chủ chốt ở đơn vị cơ sở trong thời kỳ tuổi cao, sức yếu , không còn năng động, khả năng tư duy sáng tạo cũng không còn nữa. Tuy có tích luỹ được một số kinh nghiệm nhưng lại không thể biến chúng thành hiện thực trong các sinh hoạt bởi những kinh nghiệm ở quá khứ không phải là những kinh nghiệm cập nhật, trước mắt và bây giờ để có thể đáp ứng được những yêu cầu của đối tượng mới mang tính thời đại.

Mỗi cá nhân trong thành phần này cũng cần có ý thức rằng không ai từ bỏ tổ chức và cũng không ai có quyền buộc người khác phải từ bỏ tổ chức cả. Ở đây chỉ là sự nhường bước cho thế hệ sau con đường đó bởi họ là thành phần trẻ còn sung mãn trong nhiều lĩnh vực. Những Huynh trưởng trẻ có đủ tiêu chuẩn kế thừa vai vế của các bậc đàn anh, đàn chị tại mỗi đơn vị và họ có được như hôm nay cũng do các anh; các chị góp phần đào tạo để chuẩn bị thay thế mình chứ không ai là người xa lạ. Làm được như thế cũng là một đóng góp quan trọng, một sự nhường chỗ có ý thức chẳng khác gì những đóng góp cụ thể do chính mình làm nên và nó vẫn mang trọn ý nghĩa tinh tấn, tiến tới chứ không phải là một sự rút lui hoàn toàn. Chúng tôi nghĩ rằng ai làm được như thế là người ấy biết tự chiến thắng mình, đó là chiến thắng hơn hẳn các chiến thắng khác.

Bất cứ tổ chức xã hội nào, nếu không đào tạo được đội ngũ kế thừa thì tổ chức ấy không sớm thì muộn sẽ không thể nào tồn tại. GĐPT chúng ta thì không thiếu lực lượng trẻ bởi chúng ta không chỉ biết đào tạo mà còn biết thường xuyên đào tạo và xem công tác huấn luyện, đào tạo là một trong các Phật sự trọng yếu nữa. Thế thì tại sao chúng ta không từng bước chuyển giao những chức vụ then chốt ở đơn vị cơ sở cho thành phần huynh trưởng trẻ để còn mong một ngày mai tươi đẹp hơn, năng động sáng tạo hơn cho tổ chức của chính chúng ta? Thực hiện được như vậy là một cống hiến hơn hẳn mọi cống hiến khác.

Nguyễn Cao Lĩnh – giadinhphattu.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét