Ban Phật giáo Việt Nam - Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
Thời gian 30 năm, so với tuổi thọ trung bình người Việt Nam chúng ta, đó là giai đoạn trưởng thành chín chắn, đầy đủ bản lãnh bước vào đời, chấp nhận đương đầu với nhiều thử thách lớn hơn, để tiếp tục củng cố thêm nhân cách sống cho mình, cho toàn xã hội.
Ba mươi năm đối với lịch sử phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) cũng là một quãng thời gian dài đáng kể, đủ để nhận ra được những thành tựu cũng như các mặt yếu kém, và nhất là những vấn đề không còn phù hợp cần nên loại bỏ, để một lần nữa, trước ngưỡng cửa cuộc đăng trình của một người trưởng thành, tất cả phải được xem là những kinh nghiệm quý giá cần nên sửa chữa hoặc phát huy. Vì vậy, nhân sự kiện này, cần nên nói những điều thật lòng mà bấy lâu nay vì một lý do nào đó chúng ta né tránh hoặc thậm chí xem thường, bằng trách nhiệm với tương lai của PGVN trước lịch sử mai sau.
Khai mạc Hội thảo kỷ niệm 30 năm thành lập GHPGVN
Theo nhận định chủ quan, người viết bài này thấy rằng, ba mươi năm tồn tại và phát triển của GHPGVN vừa qua, có rất nhiều thành tựu rất đáng khâm phục, trong đó có việc định hình thế đứng của mình trong lòng dân tộc và nhận lãnh trách nhiệm trước lịch sử. Còn lại những mặt khác, do hoàn cảnh khách quan của đất nước và tự thân PGVN còn nhiều xáo trộn cho nên ba mươi năm qua GHPGVN chúng ta đã hao tốn một quỹ thời gian rất lớn để từng bước định hình và nêu cao vai trò của mình trước mọi biến động trong và ngoài nước. Vì vậy, vẫn còn nhiều lãnh vực hoạt động của GHPGVN dường như vẫn còn dậm chân như thời gian đầu vận động thống nhất Phật giáo, chưa có dấu hiệu cải tổ hoặc những quan điểm chưa cập nhật thực tế xã hội. Thí dụ như phương châm Đạo Pháp – Dân Tộc – Chủ Nghĩa Xã Hội. Phương châm này đã tỏ ra rất hiệu quả và hợp thời trong quá trình vận động thống nhất PGVN thời bấy giờ, nhưng giờ đây sau hơn 30 hình thành và phát triển, xem ra rất cần được GHPGVN nghiên cứu lại cho phù hợp với nhiệm vụ mới trong giai đoạn phát triển hiện nay.
Bên cạnh đó, một vài vấn đề lớn tiêu biểu, xin được nêu ra như sau:
TƯ THẾ PHÁP LÝ ĐỘC LẬP CỦA GHPGVN
a) Đã có dấu hiệu của sự lúng túng khi giải quyết những vấn đề nhạy cảm, dẫn đến hệ quả là làm mất đi rất nhiều tiềm năng khả dĩ sẽ bổ sung thêm cho sức mạnh đại đoàn kết trong nội bộ Phật giáo, thậm chí làm mất đi hình ảnh một trong tứ chúng của tổ chức Phật giáo. Điều này sẽ còn tác động tiêu cực lâu dài, gây khó khăn không ít cho sự nghiệp hoằng hóa của GHPGVN chúng ta và của chính các tổ chức cư sĩ Phật tử ly khai. Sẽ có ngay câu đáp án nếu chúng ta nhìn vào lịch sử PGVN thời gian trước; nếu là một tổ chức Cư sĩ chỉ thuần nghiên cứu chuyên sâu Phật học thì đó là dấu hiệu đáng mừng, nhưng nếu để chứng minh là một tổ chức tu học và hóa đạo mang tính vừa vai phải lứa với GHPGVN thì ngoài sự dẫm chân kỳ quặc còn có cái vô lý hết sức ấu trĩ như người ta có còn cần đến sự có mặt của Tăng/Cư sĩ không? Đây là vấn đề lớn mà trước hết là từ phía GHPGVN chúng ta do lỗi nhận định mà nên. Rất mong từ cột mốc 30 năm này GHPGVN nên đặt lại vấn đề một cách thẳng thắn nhằm tái lập lại sự toàn vẹn của Tứ Chúng.
b) Tư thế pháp lý độc lập của GHPGVN đã quá rõ ràng trong 30 năm qua với những hoạt động chuyên môn khá hanh thông. Điều này phần lớn được thể hiện qua thành tựu của 258 Đại Giới Đàn với hơn 37 ngàn giới tử thọ giới. Nhưng có một tư thế pháp lý độc lập khác của GHPGVN không thể hiện qua từng con số hay thành quả trong văn bản, mà là từ trong tính cách Từ Bi của Phật giáo và tinh thần hòa quyện cùng dân tộc, được thể hiện qua các cuộc chẩn tế và siêu độ anh linh liệt sĩ ngay trong chính nghĩa trang liệt sĩ các tỉnh thành trong cả nước. Đặc biệt có cả nghĩa trang Trường Sơn. Điều mà từ hơn 5 năm trước không thể có được. Và đó mới chính là những cố gắng vượt tiến rất được lòng của tuyệt đại đa số Tăng Ni và Phật tử cả nước.
c) Ở một góc độ khác, tư thế pháp lý độc lập ấy không được vận dụng linh hoạt, hay nói thẳng ra là hoàn toàn không có tác dụng. Đó là việc những cơ sở thờ tự, vì lý do này hay lý do khác, ngay như bị cho là xây dựng bất hợp pháp đi chăng nữa, nhưng hình ảnh cưỡng chế, đập phá chùa và tượng Phật trước sự bàng quang, thờ ơ của lãnh đạo Phật giáo địa phương, dưới mắt quần chúng Phật tử vẫn là một hình ảnh xúc phạm - đau lòng. Từ đây sẽ không tránh khỏi cái nhìn thiếu thiện cảm và dưới nhãn quan đó sẽ là một GHPGVN bị động. Nói một cách khác, chùa chiền, tượng Phật bị đập phá, gây nên tổn thương cho Tăng Ni, Phật tử, để bảo vệ toàn vẹn tính pháp lý thế tục và pháp lý GHPGVN! Không nên để chuyện này tiếp tục xảy ra, đó là sự lãnh đạo khôn ngoan và khi xảy ra đừng để những hình ảnh đập phá đó đọng vào tâm khảm Tăng Ni Phật tử, đó là cách vận dụng có trí tuệ. Tại sao hình ảnh đầy thiện cảm rất được lòng Tăng Ni Phật tử là các chiến sĩ an ninh hoặc cảnh sát làm công tác bảo vệ trật tự trong khuôn viên các chùa mỗi khi có lễ lạc hoàn toàn không hề đeo vũ khí bên hông, chúng ta lẽ nào không nhận ra sự tế nhị rất sâu sắc trong hình ảnh đó? Mong rằng GHPGVN sẽ làm được như thế. Thử nghĩ, chỉ có xây dựng bất hợp pháp, chứ chùa chiền, tượng Phật hoàn toàn không bất hợp pháp. Nếu bất hợp pháp thì hướng dẫn người ta làm thủ tục theo đúng luật lệ, nhưng đập phá thì không mang lại bất kỳ một ý nghĩa tích cực nào.
d) GHPGVN nên tiếp tục đặt mối trọng tâm vào những vấn đề mang tính tế nhị trong chính nội bộ PGVN chúng ta. Tư thế pháp lý độc lập cho phép GHPGVN có đầy đủ khả năng và quyền hạn để làm điều này. Quá khứ cho thấy, sự đoàn kết, kết hợp bất luận hệ phái hành trì nào cũng đem lại những thành tựu khả quan, luôn rất có lợi cho sự nghiệp hóa đạo dù là trong hoàn cảnh nghịch duyên. Trong Hiến chương, cơ cấu tổ chức không có ngoại giao, chỉ có Ban Phật giáo Quốc tế kiêm nhiệm công việc đối ngoại. Đối ngoại ở đây xin được hiểu là bao gồm cả những tổ chức Phật giáo ngoài GHPGVN chúng ta. Ngoài những hệ phái đang là thành viên của GHPGVN hiện nay, còn có những mối lo toan khác từ bên ngoài tổ chức mà chúng ta nên đặt trọng tâm là thu phục, để củng cố, tăng cường thêm sức mạnh đoàn kết, hơn là nghĩ đến sự chống đỡ hay tiêu dịệt.
Sức mạnh của PGVN luôn nằm tiềm ẩn trong tâm khảm của đại đa số Tăng Ni và Phật tử. Sức mạnh đó còn được thể hiện qua lịch sử vẻ vang hai ngàn năm đồng hành cùng dân tộc. Vì vậy một khẩu hiệu suông, một tiếng nói uy lực chưa thể nói lên trọn vẹn ý nghĩa đó. Nếu ba mươi năm trước, ngay từ buổi ban đầu, người đứng đầu Ban Vận động Thống nhất Phật giáo không phải là cố Hòa thượng Thích Trí Thủ (1909 – 1984) thì có lẽ tiến trình quá độ sẽ kéo dài thêm, những khó khăn trước mắt không dễ dàng được hóa giải để bước nhanh đến sở nguyện chánh đáng chung là tổ chức GHPGVN chúng ta như ngày hôm nay.
GHPGVN vẫn luôn đi trên con đường của mình đã chọn, đó là: Đạo pháp và Dân tộc. Vì thế các thế lực thù địch nếu có, đó chính là những thành phần chối từ mình là hậu duệ của nòi giống Lạc Hồng, dựa dẫm vào thế lực ngoại bang, xâm chiếm và nô dịch quê hương đất nước.
e) Một thực trạng nhức nhối khác, nói đúng hơn là những mầm móng manh nha ly khai đang dần hình thành dưới nhiều hình thức. Trong lãnh vực Hoằng pháp, Tăng sự, Văn hóa – Văn nghệ Phật giáo, từng nơi, từng ngôi chùa, từng ý thức - kiến thức cá nhân, đã vô tình hay hữu ý, muốn thể hiện riêng biệt theo sở kiến chủ quan của mình.
Cũng có nhiều lý do dẫn đến tệ trạng này nhưng có lẽ dễ thấy nhất là việc ở một đơn vị Ban Trị sự nào đấy mà vị trưởng ban là sư phụ thì đệ tử hay tông môn vị ấy được dàn trải trong nhiều chức vụ phía dưới. Hoặc vì lý do “con đường quan lộ- chức vụ trong Giáo Hội” không có, quay về trú xứ, tận dụng khả năng và điều kiện sẵn có tổ chức ra những hoạt động từ quy mô vừa đến tầm cỡ, nếu không nhằm gây tiếng vang cũng để chứng tỏ năng lực của riêng mình. Xét về bề nổi, những việc làm này cũng mang nhiều lợi lạc cho Phật giáo, nhưng phần lớn, rất tiếc đó không phải là sở kiến ban đầu được khơi lối.
Theo con số thống kê chính thức của GHPGVN vừa qua thì cả nước có 14.778 cơ sở Tự Viện, Tịnh Thất, Niệm Phật Đường với 46.495 vị Tăng Ni xuất gia có chứng điệp của Giáo hội. Những con số không nhỏ so với hơn 80 triệu dân và lịch sử hai ngàn năm. Tuy nhiên đó đây vẫn còn nhiều vùng trắng, thiếu vắng Phật pháp theo nghĩa đen và thiếu vắng tư duy Phật Học. Đây chính là địa chỉ tìm đến của nhiều thế lực đen tối cũng như của những nhà hoằng pháp có chủ ý, để nhằm thu nạp và phát triển bè cánh, thanh thế. Như vậy việc quản lý cũng như bảo vệ Tăng sĩ chưa thật đầy đủ. Vì vậy hiện vẫn còn nhan nhãn những nhà hoằng pháp mà giữa chấp nhận và không chấp nhận từ phía GHPGVN còn mập mờ. Chính những vị này luôn thuyết giảng những điều gây nhiều tranh cãi từ nhiều phía, thậm chí có những vấn đề nêu ra tưởng chừng như họ là một phát ngôn nhân của GHPGVN trước những vấn đề chính trị trong và ngoài nước!
NHỮNG BẤT CẬP CHUYÊN MÔN CHƯA CÓ LỐI THOÁT
a) Văn hóa Phật giáo là một mảng chuyên đề vốn không được coi trọng từ trước tới nay. Trong đó có Văn nghệ Phật giáo (VNPG) và Nghệ thuật Sân khấu Phật giáo (NTSKPG). Do không được coi trọng nên vấn đề đào luyện cán bộ lãnh đạo không là mối bận tâm. Vì vậy sự bổ nhiệm lãnh đạo lãnh vực này cũng mang tính tùy tiện trên tinh thần làm văn hóa - văn nghệ Phật giáo không gì có gì khó, ai làm cũng được, ai lãnh đạo cũng xong! Nhỉn vào những thành tích 30 năm qua của GHPGVN, mảng đề tài này vẫn khiêm nhường một góc quên lãng của sự thờ ơ quá đáng. Chỉ riêng mảng VNPG thôi cũng đã là chuyện dài ngán ngẫm. Nhìn vào thang thành tích người ta chỉ có thấy dấu ấn của chủ quan, của từng đơn vị cơ sở.
Tôi tuy không đồng tình với ý kiến cho rằng người lãnh đạo VNPG không có đủ trình độ chuyên môn nhất định, dù sụ bổ nhiệm có mang tính tùy tiện như đã thưa. Nhưng việc hơn 30 năm qua VNPG dậm chân tại chỗ và sản sinh nhiều vấn đề rắc rối nhiêu khê, chưa có lối thoát, chính là hệ quả của thái độ xem nhẹ ấy. Ngay như Âm nhạc Phật giáo (ANPG) với âm nhạc ngoài xã hội có đôi chút ảnh hưởng tư tưởng Phật giáo khác nhau như thế nào còn chưa phân biệt được, nói chi đến thẩm âm và đánh giá tác phẫm. Thí dụ trong bản tin văn hóa Phật giáo của một Tỉnh Hội nọ có giật một hàng tít ngay trang bìa rất kêu là “Ấn tượng Đêm Hòa nhạc Phật Giáo” mà thực chất trong 10 tiết mục hôm ấy chỉ có một mang danh Phật giáo là bài “Trái Tim Bồ Tát” của nhạc sĩ Trường Long, và được nâng lên thành bài ca bất hủ của Phật giáo. Ở đây không tiện phân tích nội dung bài hát này vì có rất nhiều từ ngữ đi ngược với giáo lý Phật đà cấn được làm sáng tỏ. Nhưng có một sự thật cần nên nói ngay rằng bài hát “Trái Tim Bồ tát” không phải là bài hát của Phật giáo, mà chỉ là một bài hát chứa đựng cảm xúc nhất thời của nhạc sĩ Trường Long trước sự thiêu thân cao cả của Bồ Tát Thích Quảng Đức mà thôi. Tưởng cũng cần nên nói thêm, bài hát này sáng tác và thu đĩa nhựa ngoài xã hội do Thanh Thúy ca, sau đó được phát trên đài phát thanh, chứ không lưu hành trong nội bộ Phật giáo cũng như trong dòng nhạc của Gia đình Phật tử. Đó là điều duy nhất để chúng ta ghi nhận thiện chí của nhạc sĩ Trường Long (cũng là bài hát duy nhất nhạc sĩ Trường Long viết liên quan đến Phật giáo). Đó là một trong vô số vấn đề mang tính chất xúc phạm ngọt ngào mà hiện nay vẫn còn tác dụng, như vô số các bài ca cổ nhạc, tuồng cải lương xưa nay tuy mệnh đề là tuồng Phật tuồng Tiên.
Tình trạng chung VNPG-NTSKPG lâu nay cũng chẳng khá hơn. Giới văn nghệ sĩ Phật giáo hiện rất bức xúc trước sự ì ạch do lãnh đạo không có tư duy phát triển và tổ chức VNPG. Trước làn sóng tẩy chay của giới văn nghệ sĩ Phật giáo mà lãnh đạo những nơi đây chưa có động thái tích cực nào nhằm vực dậy phong trào VNPG lớn mạnh. Đã thế thời gian qua còn tổ chức những đêm văn nghệ theo lối sáo mòn tư duy lạc hậu, như thể tiếp tục thách thức nguyện vọng chánh đáng của tuyệt đại đa số những văn nghệ sĩ Phật giáo, xem thường khả năng nhận thức, thưởng thức của Tăng Ni, Phật tử. Thí dụ, một chương trình có tên gọi rất kêu, rất hợp tinh thần Phật giáo (Vu Lan Đồng Vọng) mà nội dung trong đó tuy nói về mẹ nhưng phần lớn là bài hát “tủ” của mỗi ca sĩ được mời dự hát, họ không chấp nhận bất kỳ một yêu cầu nào từ phía ban Văn Hóa (Đó là chưa nói đến nội dung, chỉ riêng bài hát mang tên “CÕNG MẸ ĐI CHƠI’’của nhạc sĩ Trần Quế Sơn do ca sĩ Quang Linh hát trong chương trình này có phù hợp đạo đức ngôn từ trong một chương trình Phật giáo hay không?). Vì muốn có mặt nghệ sĩ A, ca sĩ Z nên Ban Văn hóa và nhà tổ chức lặng thinh chìu theo tuyệt đối. Vậy mà từ nhiều nhiệm kỳ qua, “mô hình” quái chiêu này được sử dụng thường xuyên, bất chấp và không cần đến những anh em văn nghệ sĩ Phật giáo. Điều này cũng dễ hiểu thôi vì một vị lãnh đạo nơi này đã từng tuyên bố:”Nhạc sĩ Phật giáo không có trong tự điển” !!!. Mong rằng sự tác tệ đáng buồn này và những tư tưởng lạ lùng, mang tính thách thức kia sẽ chấm dứt từ tuổi 30 của GHPGVN, nhằm trân trọng và tôn vinh xứng đáng đóng góp của giới văn nghệ sĩ Phật giáo, đồng thời mở đưởng khai lối sự bế tắc của VNPG – NTSKPG lâu nay được phát triển hanh thông.
Ca nhạc Hương Ca Ba Miền - Diệu Âm Hoằng Pháp 2
b) Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng cần phải đào luyện đội ngũ cư sĩ Phật tử có đủ đầy tài đức. Một đòi hỏi hết sức phi logic, đi bên trên những thực tại đã hằng hữu. Trước hết ai sẽ là người có đủ tài đức để đứng ra làm công việc tuyển chọn này; và ở đâu ra nguồn Cư sĩ, Phật tử này để tuyển chọn và xây dựng thành…một đội ngũ ? Chưa nói đến là làm như vậy để làm gì, phục vụ tu học hay phục vụ chánh pháp qua các tổ chức Phật giáo. Nhiệm vụ tu học thì đã có chư tăng hoằng pháp và tự thân mỗi cá nhân tùy theo điều kiện và khả năng nghiệp dĩ bản thân tự làm công việc đó. Còn như nói đến Để phục vụ chánh pháp trong các tổ chức Phật giáo thì trước hết hãy nhìn vào thực tại cơ cấu thành viên GHPGVN, có mấy vị đích thực là cư sĩ Phật tử được tin tưởng trọng dụng? Một sự vắng bóng quá lâu và nếu thời gian sắp tới chưa có dấu hiệu khả quan hơn thì đây sẽ là một thiếu sót cần phải xem lại trách nhiệm trọng dụng con người của GHPGVN chúng ta.
Trước khi trở thành một cư sĩ Phật tử thuần thành, truyền thống tu học của gia đình và phước báu tự thân đã giúp un đúc nên họ. Trong quá trình ấy, tự bản thân họ nỗ lực học tập, trau dồi tri thức mới có được, và nếu có tham gia các tổ chức Phật giáo, họ đem những điều kiện tự có ấy ra phục vụ mà không cần có bất cứ một điều kiện nào. Vì vậy vấn đề đặt ra ở đây sẽ chỉ là ai quản lý và quản lý như thế nào theo khuôn định, cơ chế tổ chức của GHPGVN. Không thể có chuyện đào luyện Phật tử cư sĩ được .
Từ những vấn đề đó mới thấy ra giá trị tồn tại của tổ chức Gia đình Phật tử (GĐPT). Thiển nghĩ PGVN nên tự hào vì mình đã có một tổ chức thanh niên Phật giáo hoàn chỉnh về tổ chức, linh họat về hình thức và khuôn mẫu trong luật định như vậy. Sáu mươi năm tồn tại nói lên nhiều điều về giá trị đích thực nhất của tổ chức này. GHPGVN chúng ta đã có thời gian dài chỉ nhìn nhận sự tồn tại của GĐPT trong mặc định, để sau này khi đã chính thức thừa nhận thì một mặt song hành khuyến khích thành lập hình thức các Câu lạc bộ Thanh niên Phật tử (CLBTNPT), nhằm đáp ứng tình hình tu học của tầng lớp trẻ. Đây là chủ trương đúng đắn, tuy nhiên nếu nói để đáp ứng tình hình tu học của giới trẻ thì chưa thật đúng thực tế. Ngày trước, trong Tổng vụ Thanh niên có đến 6 Vụ (Thanh niên Phật tử, Hướng Đạo Phật giáo, Sinh viên Phật tử, Học sinh Phật tử, Thanh niên Phật tử Thiện chí và Gia đình Phật tử) mà vẫn chưa thể gọi là góp phần đa dạng hóa nhiều hình thức tu học cho giới trẻ lựa chọn cho phù hợp. Thậm chí ở Tổng vụ Cư sĩ và Tổng vụ Xã hội cũng góp phần thành lập các nghiệp đoàn Phật tử rất đa dạng ngành nghề. Thì chỉ hai hình thức đoàn thể này ngày nay liệu có phải là giải pháp hoàn chỉnh?
Nay GHPGVN từ chỗ e dè trong việc thừa nhận tổ chức GĐPT đến việc thành lập song hành theo đó các CLBTNPT chứng tỏ sự lúng túng trong cách nhìn và đánh giá sự việc có phần rất chủ quan. Vấn đề ở đây là giữa các CLBTNPT và GĐPT không nên đánh đồng bằng nhận định cho sự lựa chọn tu học của giới trẻ; một bên là tổ chức có truyền thống lịch sử hơn 60 năm với những tiêu chí, luật lệ rất vững chắc và tuy là mang hình thức sinh hoạt nửa bán Hướng Đạo nhưng đã tạo ra được diện mạo đặc trưng của giới trẻ Phật giáo. Trong CLBTNPT thì manh mún, chưa có quy củ rõ rệt và sinh hoạt theo cách ngẫu hứng, rủ nhau đi chùa. Tuy nhiên, trước mắt nếu tạm thời chấp nhận sự tồn tại đó, một mặt song song đó nên củng cố và xây dựng một tổ chức thanh niên Phật giáo có chính quy, tổ chức chặt chẽ, làm nền tảng hậu thuẫn vững chắc cho công cuộc hoằng hóa.
Trước mắt, một tổ chức như vậy GĐPT là lựa chọn số một, vì nó hội đủ những tiêu chuẩn ban đầu ấy làm nhân tố có lẽ không quá đáng. Khi đã có mô hình thanh niên Phật giáo phát triển đều khắp, việc tách rời sự quản lý ra khỏi Ban Hướng dẫn Phật tử để thành lập riêng biệt cơ cấu quản lý thuần nhất của Thanh Niên Phật Giáo là điều hợp lý. Điều này dễ nhận thấy sự bất cập vô lý khi mà Ban Hướng dẫn Phật tử chỉ quản lý sự tu học của nhiều thành phần cư sĩ Phật tử, còn việc ra đời một Ban để chỉ quản lý thành phần chỉ là thanh niên – giới trẻ sinh hoạt – tu học là rất cần thiết.
Riêng về GĐPT, nếu vẫn còn cơ duyên tồn tại hoặc là được GHPGVN chọn làm một đoàn thể Thanh niên Phật giáo tiêu biểu thì vẫn có những đòi hỏi cải tổ hay bổ sung hình thái sinh hoạt – tu học cho phù hợp với xu thế thời đại là điều đương nhiên.
Rất nhiều thế hệ trưởng thành từ GĐPT, có vị trở thành những bậc xuất gia khả kính lãnh đạo Giáo Hội hoặc thành danh trong nhiểu lãnh vực, giúp ích cho đạo pháp rất nhiều. Tất nhiên căn bệnh công thần hay chủ quan trong một bộ phận Huynh trưởng, gây mất thiện cảm và làm suy tổn tiềm năng cho chính tổ chức này cũng đã được nói tới. Nhưng điều cần quan tâm hơn lúc này là phải thẳng thắng nhìn nhận thực trạng GHPGVN chưa thật sự thành công trong việc kêu gọi và quy tụ GĐPT cả nước về một mối. Vẫn còn đó những GĐPT mà người ta xem cấp lãnh đạo Phân Ban Hướng dẫn trực thuộc Ban Hướng dẫn Phật tử là một sự lựa chọn mang tính giải pháp tình thế. Còn lại không phải là số ít những GĐPT không chịu sự quản lý của Ban và Phân Ban trên. Như vậy lý do là tại cách phân lập tổ chức, quản lý vô lý dẫn đến tình trạng tâm không phục, khẩu không phục; hay vì một lý do nào khác trong ý thức và nhận thức phụng sự đạo pháp?
Bài toán nan giải này rất cần được có đáp án rõ ràng trong thời gian tới. Bởi vì sao? Đó là hình ảnh một thế hệ tương lai mạnh mẽ, sống động, trẻ trung của PGVN. Nắm giữ được điều này cũng đồng nghĩa chúng ta thể hiện được năng lực và tư duy lãnh đạo rất thức thời. Điều mà từ hơn sáu mươi năm trước, khi mà tình hình đất nước còn ngổn ngang trăm mối, Chư Tôn lãnh đạo đã nghĩ và làm được. Đó chính là cái bằng cấp vô giá, chứng nhận sự tồn tại nhiều ý nghĩa của tổ chức GĐPT.
Nếu ba mươi năm qua GHPGVN còn ngổn ngang trăm mối lo toan thì ba mươi năm sau, với sự trưởng thành của rất nhiều thế hệ do chính mình đào tạo và xây dựng nên, phải là mốc thời gian có tư duy chiến lược và tri kiến vượt thoát, đủ để đưa con thuyền Phật giáo đến bến bờ định trước và mỉm cười với lịch sử hai ngàn năm. Bến bờ đó với bộ diện PGVN trẻ trung, năng động, biết nắm bắt từng thuận duyên thế thời, củng cố cho nền Đạo Pháp thêm rạng rỡ huy hoàng.
Dương Kinh Thành
Tham luận Hội thảo Kỷ niệm 30 năm GHPGVNNguồn: http://giaodiemonline.com/2011/12/thamluan.htm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét