Chào mừng Bạn đến với Blog Gia đình Phật tử Tân Thái!

Thứ Hai, 4 tháng 8, 2014

Gợi ý trả lời câu hỏi ôn tập bậc Lực IV, năm thứ ba - 2014

Htr. cấp Tín Quảng Thời Trần Văn Sáu - GĐPT Tân Thái 

Lưu ý: Những chữ in màu là nội dung cần phải nhớ kỹ để làm trắc nghiệm, chữ in nghiêng dùng để tham khảo khi làm các câu tự luận.

A. Phật Pháp

I. Kinh Bát Nhã

1. Nội dung kinh Bát Nhã Hán dịch và Việt dịch:

Bát Nhã Tâm Kinh là tinh hoa của tư tưởng Phật giáo Đại thừa đến nỗi nó được các Tăng Ni, Phật tử tụng hàng ngày (kinh nhật tụng). Ở Việt Nam, Bát Nhã Tâm Kinh được tụng bằng tiếng Hán - Việt. Bản Hán - Việt có cái hay là mang âm hưởng và nhịp điệu đẹp như thơ và rất ngắn gọn, vì thế nó dễ thuộc, dễ nhớ. Vấn đề ở chỗ nó vẫn là ngoại ngữ đối với đa số người Việt. Tuy nhiên, vì phần lớn thuật ngữ Phật giáo là Hán - Việt nên làm quen với một số thuật ngữ Hán - Việt sẽ hữu ích cho những người học Phật. Vì những lý do trên,  trong Tài liệu Kinh Trái Tim Tuệ giác Vô thượng của Thích Tâm Thiện có cả 2 phần Hán dịch (Ngữ âm Hán  - Việt) và Việt dịch (Lời Việt) để chúng ta dễ hiểu hơn.

Vì thế, yêu cầu các anh chị học thuộc gần như là bắt buộc để có thể làm bài tốt hơn với các câu hỏi dưới hình thức trắc nghiệm khách quan hay tự luận.


- Trong câu hỏi trắc nghiệm khách quan, tham khảo đề khảo sát kết thúc các năm có  nhiều kiểu câu hỏi như:

+ Câu điền khuyết (supply items): Nêu một mệnh đề có khuyết một bộ phận, anh chị phải nghĩ ra nội dung thích hợp để điền vào chỗ trống.
+ Câu trả lời ngắn (short answer): Là câu trắc nghiệm đòi hỏi chỉ trả lời bằng câu rất ngắn.
+ Câu nhiều lựa chọn (multiple choise questions): Đưa ra một câu hỏi hay một vấn đề và các phương án trả lời được đánh dấu bằng chữ cái A, B, C, D hay các con số 1, 2, 3, 4; anh chị phải chọn để đánh dấu vào một phương án đúng hoặc phương án tốt nhất.

- Trong các câu hỏi tự luận, các anh chị phải tự trình bày ý kiến trong một bài viết để giải quyết vấn đề mà câu hỏi nêu ra.

Tin chắc với câu hỏi 1 này, sẽ có nhiều câu hỏi như trên.

2. Đặc điểm của bản dịch Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay đang được phổ biến lưu hành tại các nước Viễn Đông Châu Á.

Kinh Trái Tim Tuệ giác Vô thượng (Prajnaparamita Hrdaya Sutra) vốn có hai bản. Một bản dài và một bản ngắn. Bản ngắn đang được lưu hành rất phổ biến tại các nước Viễn Đông Châu Á (Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Triều Tiên). Bản dài lưu hành ở Tây Tạng và thường gặp trong các bản Phạn văn.

Cốt kinh hai bản giống nhau. Bản dài chỉ thêm phần dẫn đầu và phần kết. Phần dẫn đầu giới thiệu nơi nói Kinh tại núi Linh Thứu (Gridhrakuta) gần thành Vương Xá (Rajagriha), và thời gian nói Kinh lúc đức Phật nhập định (samadhi) thì Người Tỉnh thức Bình Yên giảng cho người con dòng Sari nghe về Tuệ giác Vô thượng. Trong đoạn dẫn đầu này có một câu quan trọng cho biết rằng: Tuệ giác Vô thượng thoát ly mọi từ ngữ, mọi ý lời. Tuệ giác Vô thượng không sinh không diệt, là mẹ của tất cả các đấng Giải thoát trong quá khứ, hiện tại và vị lai… Phần kết, nói sau khi đức Phật ra khỏi định, tỏ lời khen ngợi Người Tỉnh Thức Bình Yên đã diễn đạt đúng, chính xác về Tuệ giác Vô thượng trước pháp hội đông đảo lúc bấy giờ.

Do vậy, đặc điểm của bản dịch Bát Nhã Tâm Kinh hiện nay đang được phổ biến lưu hành tại các nước Viễn Đông Châu Á là bản kinh ngắn, cô kết nhất, không hơn 300 chữ, không có phần dẫn đầu và phần kết như bản kinh dài.

Hiện nay, ở Việt Nam bản dịch Bát Nhã Tâm Kinh là của Ngài Huyền Trang (595 - 664) đời nhà Đường, dịch từ thế kỷ thứ VII (năm 649) là bản kinh ngắn chữ Hán (còn gọi là bản Hán - Việt) có 260 chữ là phổ biến hơn cả và được chư Tăng Ni, Phật tử sử dụng trì tụng một cách rộng rãi.

3. Tìm hiểu về lịch sử tư tưởng Bát Nhã Tâm Kinh.

Về mặt lịch sử tư tưởng Bát Nhã Tâm Kinh là bộ kinh đầu tiên truyền bá tư tưởng Đại thừa (Mahayana), bắt nguồn từ miền Nam Ấn Độ, thuộc trung tâm truyền giáo của Đại chúng bộ (Mahàsamghikà) và đại biểu trung tâm của kinh này là Tánh Không (Sùnyata).

Theo sử liệu, tư tưởng Bát Nhã phát triển lên được là do “Nhị thập nhị niên Bát Nhã đàm” mới có, tức là khi còn tại thế, Đức Phật đã thuyết pháp 16 hội trong thời gian 22 năm về giáo lý bản kinh Bát Nhã này.

Nhưng cho đến kỳ kết tập kinh điển lần thứ tư xảy ra vào khoảng thế kỷ thứ nhất trước Công nguyên dưới sự hộ trì của vua Ca Nị Sắc Ca (Kaniska), một vị Đại đế Ấn Độ, văn tự (chữ Pali và chữ Phạn) mới được dùng để ghi chép kinh điển trên những phiến bằng đồng hoặc trên lá bối, trên gỗ, và cũng từ đây văn học Đại thừa cùng với văn tự Bát Nhã trên văn kinh ra đời.

Trong thời kỳ này tức là khoảng 100 năm trước Công nguyên, Tiểu phẩm Bát Nhã với 8.000 câu là một bản kinh đầu tiên của văn tự Bát Nhã, tức của văn tự Đại thừa ra đời. Mãi đến hơn 200 năm sau, tức là vào cuối thế kỷ thứ Nhất sau Công nguyên mới có bộ Đại phẩm Bát Nhã (tức bộ Kinh Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa) ra đời với 600 quyển, gồm 25.000 câu và một Đại phẩm Bát Nhã khác nữa với 18.000 câu. Như vậy hệ thống tư tưởng Bát Nhã của Phật giáo Đại thừa đã được hoàn thiện trong vòng hơn 200 năm kể từ khi Tiểu phẩm Bát Nhã ra đời. Sau đó, Ngài Long Thọ (Nãgãrjuna), một vị đại luận sư Ấn Độ sống vào khoảng thế kỷ thứ 1 và thứ 2 sau Công nguyên mới luận giải bộ Đại Bát Nhã 600 quyển 25.000 câu thành ra bộ luận Đại Trí Độ đồ sộ nhất trong kho tàng tạng luận của văn học Đại thừa, mở đầu cho kho tạng luận của Bát Nhã Đại thừa.

4. Về nội dung Tâm Kinh được đánh giá như thế nào và mục đích của kinh là gì?

Về nội dung Tâm Kinh được xem như là "Trái tim" của tư tưởng Phật học được nói ra bởi Tuệ giác Vô thượng của Phật với mục đích dẫn dắt chúng sanh đi vào thực tại - giải thoát.

Bởi vì bản Tâm Kinh thâu tóm yếu nghĩa tinh túy cốt lõi của bộ Đại tạng kinh Đại thừa tức là bộ Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Đa đến 600 quyển, do đức Phật đem phần cao siêu vi diệu nhất trong giáo lý của mình thuyết giảng trải qua thời gian 22 năm, tại 4 nơi (xứ) với 16 hội:

- Núi Linh Thứu, thuộc thành Vương Xá: 7 hội (hội 1, 2, 3, 4, 5, 6, 15).
- Khu Lâm viên Kỳ Đà - Cấp Cô Độc: 7 hội (hội 7, 8, 9, 11, 12, 13, 14).
- Cung trời Tha Hóa Tự Tại: 1 hội (hội 10).
- Gần ao Bạch Lộ trong Tịnh xá Trúc Lâm, thành Vương Xá: 1 hội (hội 16)

Theo Ngũ thời Phật Pháp, thời kỳ này gọi là thời Bát Nhã, Phật giảng Vạn Pháp đều Không (Không luận - Không là bản thể của mọi thứ trong vũ trụ, và mọi thứ trong vũ trụ là biểu hiện của Không). Đức Phật cũng dạy rằng: "Con người là một hợp thể của năm uẩn". Năm uẩn là con người và năm uẩn cũng là thế giới. Và, "nếu không biết rõ về năm uẩn thì không thể giải thoát sinh tử khổ đau". (Kinh Samyuttanikaya).

Cho nên, mục đích của Tâm Kinh là dẫn dắt chúng sanh trở về thể tánh thanh tịnh, vĩnh hằng vốn có trong mỗi con người. Và sự thành tựu này là đạt đến trí tuệ Vô ngã hay thể nhập Tánh Không đạt đến Niết Bàn tối thượng. Tất nhiên sự thành tựu đó phải được khởi đầu bằng con đường "chiếu kiến ngũ uẩn", tức là đi vào hiện quán (thiền định) về Năm uẩn bằng pháp tu quán chiếu Bát Nhã.

Thực hành như vậy, cho đến khi nào "Năm uẩn" trở thành "giai không", nghĩa là thành tựu giác ngộ. Và kết quả của sự giác ngộ này là "độ nhất thiết khổ ách" để được giải thoát đạt đến Niết Bàn.

Đây là nội dung chính trong thông điệp của Tâm Kinh. Có thể nói rằng đó không những là "Trái tim" của Tâm Kinh mà còn là "Trái tim" của toàn bộ các hệ thống giáo lý của Đức Phật. Nói khác hơn, đó là điểm then chốt trong toàn bộ cơ cấu tư tưởng triết học Phật giáo.

5. Phân đoạn của kinh và ý nghĩa của từng phân đoạn.

Bản Tâm kinh lời Việt trên được chia thành bảy phân đoạn, biểu thị cho con đường Thiền quán của Bồ Tát, và được trình bày thứ tự như sau:

1. Phân đoạn một: Giới thiệu về Chủ thể quán sát, Trí tuệ quán sát, Đối tượng quán sát và Tác năng của trí tuệ quán sát.
2. Phân đoạn hai: Giới thiệu về Tính Không.
3. Phân đoạn ba: Giải minh về bản Tính Không.
4. Phân đoạn bốn: Giải minh về 5 uẩn, 12 xứ, 18 giới và 12 nhân duyên và 4 Thánh đế.
5. Phân đoạn năm: Giới thiệu về năng lực của Tuệ giác Vô thượng.
6. Phân đoạn sáu: Xác chứng về Tuệ giác Vô thượng qua ba đời chư Phật.
7. Phân đoạn bảy: Minh thị về sức thần của Tuệ giác Vô thượng đối với sự diệt trừ khổ đau hay thăng chứng Niết bàn.

6. Khi nói đến 5 uẩn là KHÔNG thì phải được quan sát 5 uẩn qua các phạm trù nào?

Khi nói 5 uẩn là Không, thì 5 uẩn phải được quan sát qua ba phạm trù: (1) Tướng (Laksna) của 5 uẩn, (2) Sinh diệt của 5 uẩn, và (3) Chân như của 5 uẩn.

Đức Phật, trong Prajnàparamità - Sùtra (Bản dịch kinh Bát Nhã Ba La Mật Đa của ngài Huyền Trang), dạy Tôn giả Tu Bồ Đề rằng: "Bồ Tát có thể soi sáng năm uẩn khi thực hành Bát nhã Ba la mật sâu xa, nhưng phải biết rõ: a) Tướng của năm uẩn, b) Sinh diệt của năm uẩn, và c) Chân như của năm uẩn".

a) Tướng của năm uẩn:

"Về Sắc uẩn (Rùpa-skandha) thì rốt ráo không kiên cố vì sắc có vô số kẽ hở, đường tơ, ví như bọt nổi, bóng chìm. Thọ uẩn (Vedàna-skandha) như tên xa, gió lướt, như điện chớp, sinh diệt trong từng khoảnh khắc (sát na). Tưởng uẩn (Samjnà-skandha) như quáng nắng, chẳng thực có suối nguồn, do khát ái khởi lên, do ngôn ngữ biểu đạt. Hành uẩn (Samskrta-skandha) như cây chuối lột bẹ, mất dần đến cốt tủy. Và Thức uẩn (Vijnàna-skandha) như huyễn mộng, trong đó phô trần mọi sinh hoạt của đời sống hư cấu giả tạo".

Ở đây, Đức Phật dùng hình ảnh rất cụ thể, gần gũi nhất để nói lên một sự thật là vạn sự, vạn vật đều vô thường. Như vậy, năm uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành và thức (thể chất, cảm giác, tri giác, tâm tư và nhận thức) đều luôn luôn thay đổi, biến chuyển rất nhanh chóng, mà thuật ngữ Phật giáo gọi là sát-na. Như những tế bào trong cơ thể sinh ra và chết đi liên tục, con người hết vui lại buồn, khi lo viêc này, khi nghĩ việc khác, tâm ý thay đổi luôn luôn và nhận thức hoạt động cũng không ngừng. Đó là sự vô thường của con người nhìn dưới dạng cấu hợp của năm uẩn. Suy rộng ra vạn sự, vạn vật cũng đều như thế.

Soi sáng tướng của năm uần là vô thường, được nói đến ở đây như một phép quán để đạt đến giải thoát.

b) Sinh diệt của năm uẩn:

"Bồ Tát như thật biết rằng, sinh không từ đâu đến, tử chẳng đi về đâu. Thật thì chẳng có đến, có đi, nhưng nương tựa, hợp xướng với nhân duyên nên nó sinh diệt không ngừng trong từng khoảnh khắc".

Thực tánh của vạn pháp là vô ngã, nghĩa là mọi sự vật và hiện tượng đều không tự có. Do vì không tự có nên không có tự tánh riêng biệt, mà là duyên sanh vô ngã, tức "cái này có vì cái kia có, cái này không vì cái kia không", mọi sự vật và hiện tượng đều tương quan tương duyên với nhau, chứ không tồn tại độc lập. Ví dụ con người có mặt là do năm yếu tố sắc, thọ, tưởng, hành và thức hợp lại. Khi năm uẩn phân tán thì con người không còn nữa.

Như vậy soi sáng sinh diệt của năm uẩn hay con người hay vạn pháp là vô ngã như một phép quán để đạt đến giác ngộ và giải thoát.

c) Chân như của năm uẩn:

"Bồ Tát như thật biết rằng, năm uẩn vốn không sinh, không diệt, không đến, không đi, không tăng, không giảm, không hư vọng biến dị, nó thường như chính nó nên gọi là Chân như".

Do tất cả chúng sinh vì mê bản thể chân tâm thanh tịnh của mình nên vọng niệm cho rằng tất cả các cảnh là thật, khởi ra tham sân si, tạo đủ các nghiệp, nên phải sinh tử luân hồi rồi chịu đủ điều khổ sở. Bồ tát dùng trí tuệ Bát Nhã thấy rõ như thật các pháp, thế giới chúng sinh đều Không, do vậy Bồ tát không còn các khổ do vô minh vọng tưởng gây ra, nên vượt qua tất cả các khổ ách.

Soi sáng chân như của năm uẩn là Không nên biết rằng tự tánh của Không là không có vị trí trong không gian, không có hình tướng, không thể khái niệm được, chưa bao giờ từng sinh khởi..., Không như thế tức là thể tánh bình đẳng, không phân biệt, là tự tánh chân như của thực tại. Không ở đây chính là không trong văn học Bát Nhã - và thuật ngữ Phật giáo gọi là Tánh Không.

Đó chính là nội dung của giáo nghĩa Tánh không Bát nhã trong Bát Nhã Tâm Kinh. Với giáo nghĩa Tánh không, thuyết vô ngã như một trong hai hệ luận của duyên khởi, đã được triển khai, thuyết minh đến mức tận cùng của nó. Vì thế có thể nói học thuyết Tánh không chính là Vô Ngã  Vô thường vậy.

7. Linh ngữ: “ Yết đế, yết đế, Ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề tát bà ha” được tuyên thuyết để kết thúc Bát Nhã tâm kinh được viết bằng tiếng Việt như thế nào.

"Đi qua, đi qua; Đi qua bờ bên kia; Đã đi qua đến bờ bên kia, reo vui!"(Bản dịch Việt ngữ của Thích Tâm Thiện)

Tham khảo một số linh ngữ của Bát Nhã Tâm Kinh

"Hãy vượt qua, vượt qua đi, qua bờ bên kia đi, qua bờ bên kia hoàn toàn thì sẽ đạt đến giác ngộ". (Bản dịch Việt ngữ của Phạm Đình Nhân)
"Qua rồi, qua rồi, qua bờ rồi, qua bờ hết rồi, giác ngộ rồi, vậy đó!" (Bản dịch Việt ngữ của Trần Đình Hoành)
"Vượt qua, vượt qua, vượt qua bên kia, hoàn toàn vượt qua, đến bờ giác ngộ" (Bản dịch Việt ngữ của Thích Duy Lực)
"Độ, độ, siêu suốt mình và độ thoát mọi sinh dân. Giải thoát! Tất thảy cùng về an nhiên nơi chốn." (Bản dịch Việt ngữ của Thi Vũ)

8. Năm luận đề của kinh Trái Tim.

Chúng tôi thấy câu hỏi này có vấn đề nên đề nghị sửa lại câu hỏi số 8 - Nêu luận đề của kinh Trái Tim, vì nghĩ rằng chắc do sai sót nào đó. Vì đã rất cố gắng song chúng tôi không tìm thấy ở kinh Trái tim có nhiều hơn một luận đề, mặc dù rất có nhiều luận điểm đề cập đến giáo lý của đức Phật. Vì:

- Luận đề nói dễ hiểu là đầu đề để bàn luận.
- Luận đề (thesis statement) được trình bày ở đoạn văn đầu tiên của bài luận. Các đoạn văn tiếp theo được dùng để minh chứng cho luận đề ấy. Ngoài ra, luận đề phải là một câu khẳng định hoàn chỉnh.
- Liên hệ với Tài liệu Kinh Trái Tim - Thích Tâm Thiện có thấy ghi "nội dung của kinh Trái Tim dài không quá 300 chữ, được mở đầu bằng luận đề: "Khi tiến sâu vào nguồn mạch của tuệ giác vô thượng, Người Tỉnh Thức Bình Yên soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể đều là Không, liền thoát ly mọi khổ ách". Và nội dung chính của nó là triển khai luận đề: "Soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể đều là Không" qua sự phân tích tiến trình của 5 uẩn (hợp thể), 12 xứ, 18 giới, 12 nhân duyên và 4 Thánh đế.                
- Và xem Phân tích cấu trúc của kinh Trái Tim - Phân đoạn 1 (theo Tài liệu Kinh Trái Tim - Thích Tâm Thiện) dưới đây, và cũng là câu trả lời hợp lý và chính xác nếu câu hỏi được sửa thành:

8. Nêu luận đề của kinh Trái tim.

"Khi tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ giác Vô thượng, Người Tỉnh Thức Bình Yên soi sáng như thật rằng tự tính của năm hợp thể đều là Không, liền thoát ly mọi khổ ách".

Đoạn kinh này chỉ có một câu duy nhất, cũng là câu luận đề (thesis sentence) của toàn bộ bản kinh Trái Tim. Và sau khi đọc hết toàn bản kinh ta sẽ thấy rằng tất cả nội dung của nó được hàm chứa trong câu luận đề này một cách trọn vẹn và chặt chẽ.

Ở đây, luận đề của kinh bao gồm: (1) Chủ thể quan sát (Bồ Tát Avalokitésvara), (2) Đối tượng quan sát (năm uẩn hay năm hợp thể), (3) Cơ sở quan sát (trí tuệ Bát nhã) và (4) Tác năng của trí tuệ quan sát (soi sáng tự tính của năm hợp thể là Không, và thoát ly mọi khổ ách)


1. Chủ thể quan sát: Bồ Tát Avalokitésvara được dịch là Quan Thế Âm hay là Quán Tự Tại, cả hai danh từ này đều có ý nghĩa vị Bồ Tát lắng nghe âm thanh của cuộc đời. Song, theo Bát Nhã Tâm Kinh Tán của Viên Trắc thì danh từ Quan Thế Âm về mặt ngôn ngữ không biểu thị được quyền năng quan sát về tâm thức và mạng căn; do đó Avalokitésvara được dịch lại là Quán Tự Tại; có lẽ, vì mục đích biện minh cho sự trong sáng của ý kinh nên vấn đề danh từ được bàn đến. Còn về bản chất, theo từ nguyên, Quán Thế Âm hay Quán Tự Tại đều được dịch từ một danh từ duy nhất đó là Avalokitésvara.

Và khi nỗ lực Việt hóa, chúng tôi lấy ý nghĩa của "Quán - Tự - Tại" để định danh cho chủ thể quan sát: "Người Tỉnh Thức Bình Yên" với hai lý do:

a) Kinh Trái Tim là con đường tu tập duy nhất khả dĩ đưa đến giác ngộ hay tri nhận thực tại Tính Không; đây là con đường mà chính Đức Phật đã đi qua. Do đó, chỉ có những ai thật sự sống trong tỉnh thức và bình yên mới có thể tri nhận được Tính Không. Thức tỉnh và bình yên ở đây là sự biểu thị cho trạng thái thiền định (quan sát về năm uẩn hay năm hợp thể).

b) Kinh Trái Tim lại là bản kinh gối đầu của Phật tử ở các nước Phật giáo Viễn Đông và châu Á, và ngày nay thì đang rung chuyển mạnh đến cả giới trí thức châu Âu, châu Mỹ... Riêng người Việt, nếu là Phật tử thì không ai mà không thuộc Tâm Kinh. Vì thế, khi Việt hóa danh từ này người dịch nghĩ rằng, nếu Avalokitésvara được Trung Hoa dịch là Quán Tự Tại để truyền bá cho dân tộc của họ thì tại sao danh từ ấy không được Việt hóa?

2. Đối tượng quan sát: Đối tượng quan sát ở đây là năm uẩn hay năm hợp thể gồm: hợp thể của sắc (thuộc thế giới vật lý), của thọ, tưởng, hành và thức (thuộc tâm lý), nói chung là con người và thế giới sự vật hiện tượng.

3. Cơ sở quan sát: Ở đây cơ sở dùng để quan sát trí tuệ Bát nhã (Tuệ giác Vô thượng), hay trí tuệ thoát ly nhị nguyên; trực nhận thực tại như là chính nó. Kinh gọi là trí tuệ bên kia bờ : Trí tuệ (Prajnà), Bên kia bờ (pàramità).

4. Tác năng của trí tuệ quan sát: Tác năng của trí tuệ quan sát trước hết được xác định ở hai điểm ngay trong câu luận đề của kinh:

a) "Hành thâm Bát nhã": nghĩa là tiến sâu vào nguồn mạch của Tuệ giác Vô thượng; và

b) "Chiếu kiến ngũ uẩn giai không": nghĩa là soi sáng như thực rằng tự tính của năm hợp thể đều là Không. Nếu thực hành được hai điểm then chốt này thì lập tức "liền thoát ly mọi khổ ách".

Như vậy, tác năng của trí tuệ quan sát ở đây là tác năng giải thoát cho tự thân và tha nhân.

II. Kinh Kim Cang (Kim Cương)

1. Giải thích Đề kinh "Kim Cang Bát Nhã Ba la mật"

"Kim Cang Bát-Nhã Ba-La-Mật Kinh": Trí tuệ siêu việt đọan trừ các lậu hoặc
- Kinh ở đây là lời dạy của Đức Phật
- Kim Cang: Một khoáng chất có tích cách cứng rắn, vật khác không thể đánh bể được nó, ngược lại nó có năng lực đánh bể mọi vật. Tính cứng rắn và sắc bén ấy xưa nay có sẵn, chứ không phải do rèn luyện.
- Bát Nhã là phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa trí tuệ nội tâm
- Ba-La-Mật, cũng là phiên âm tiếng Phạn, có nghĩa đáo bỉ ngạn, tức chỉ trí tuệ được phát triển một cách tròn đầy.
Bát-Nhã Ba-La-Mật cũng là một độ trong Lục độ.

2. Sáu pháp chứng tín trong đoạn thứ nhất của kinh Kim Cang

Theo thông lệ, trong các kinh Đại thừa đều có nói đến lục chủng chứng tín hay lục chủng thành tựu. Đây là sáu điều kiện để xác chứng niềm tin cho người nghe (lục chủng chứng tín), hoặc sáu điều kiện để thành tựu niềm tin (lục chủng thành tựu). Chúng ta sẽ lần lượt khảo sát sáu điều kiện này trong đoạn kinh thứ nhất của kinh Kim Cang.

1. Như thị là pháp thành tựu: Như thị là tiêu biểu cho điều thứ nhất trong sáu pháp chứng tín, chỉ giáo pháp được nghe Đức Phật thuyết giảng ở hội Kim Cang.

2. Ngã văn là văn thành tựu: Ngã văn là tiêu biểu cho điều thứ hai trong sáu pháp chứng tín, có nghĩa là A Nan trực tiếp được nghe Phật thuyết giảng về Kim Cang Bát-Nhã.

3. Nhất thời là thời thành tựu: Nó tiêu biểu cho điều thứ ba trong sáu pháp chứng tín, tức chỉ thời điểm Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thuyết giảng Kim Cang Bát-Nhã.

4. Phật là chủ thành tựu: Phật là người chủ tọa buổi thuyết giảng về Kim Cang Bát-Nhã

5. Xá Vệ quốc, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên là xứ thành tựu: Đây là điều thứ năm trong sáu pháp chứng tín, nói về địa điểm Phật thuyết giảng Kim Cang Bát-Nhã. Địa điểm gồm chung và riêng, Xá Vệ là nói chung, Kỳ Thọ Cấp Cô Độc viên là nói riêng.

6. Chúng đại Tỳ-kheo là chúng thành tựu: Nói về số cử tọa đồng ở Pháp hội (Tỳ-kheo, Bồ-tát)

3. Mục đích Phật thuyết kinh Kim Cang là gì?

Do sự thưa thỉnh của Tôn giả Tu Bồ Đề, Đức Phật nói Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật nhằm mục đích chỉ bày phương pháp an trú chơn tâm và hàng phục vọng tâm cho bất cứ ai phát Bồ đề tâm, tức là phát tâm tu tập để thành tựu đạo quả Vô thượng Bồ đề.

- Hàng phục vọng tâm: Đức Phật trả lời về hàng phục tâm trước, vì tâm phải hàng phục, trước khi tâm có thể trú. Hàng phục tâm bằng cách không chấp (vô chấp) ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Xả bỏ tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả là ý niệm rất nòng cốt của kinh Kim Cang, và được lập đi lập lại rất nhiều lần trong kinh (20 lần, khi kinh chỉ có 32 đoạn) nhằm giúp chúng ta tập trung năng lực khi tu tập.

- An trú chơn tâm: Phật dạy: "Như lời dạy mà trú". Và lời dạy là "ưng vô sở trú" (nên không có chỗ trú). Vậy có nghĩa là, trú tâm bằng cách không trú vào đâu cả, không chấp vào đâu cả. Tức là, nếu không trú (chấp) tâm vào đâu cả thì tâm sẽ được trú (bình yên).

Như vây, hàng phục vọng tâm và an trú chơn tâm thực ra chỉ là một việc: vô chấp - ưng vô sở trú

An trú và hàng phục là hai tác dụng lớn của nội tâm. Và đây cũng là hai vấn đề chủ yếu của kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật mà bất cứ ai phát tâm tu tập theo tinh thần Phật giáo Đại thừa không thể không tham học để thấu hiểu nghĩa lý, nhằm hành trì để đạt tới cứu cánh của sự tu học.

4. Ý nghĩa phân đoạn thứ 3 của kinh: Đại thừa chánh tôn

Theo Tài liệu các Anh chị học được giải thích như sau:
Đức Phật dạy hàng phục tâm (để an trú tâm): Độ tất cả chúng sanh vào Vô dư Niết bàn (Đại bi) bằng Trí tuệ Ba-La-Mật (tam luân không tịch, lìa tứ tướng).

Đức phật dạy: Muốn tựu thành Phật tuệ ở nội tâm "hãy hướng dẫn 9 loại chúng sanh vào Vô dư Niết bàn”. Chúng sanh ở đây chỉ các trạng thái tâm lý con người, thể hiện tác dụng suy nghĩ và vin bắt nội tâm con người. Am hiểu diệu nghĩa nội tâm chúng sanh như vậy rồi, chúng ta thấy, Phật dạy chúng ta hướng dẫn chúng sanh vào "Vô dư Niết bàn" là việc mà chúng ta có thể làm được.

Bằng cách yên lặng từ nội tâm, củ soát mọi sinh động từ nội tâm, mỗi một móng niệm ta liền thấy đó là bóng dáng của nội tâm, nó đang vin bắt bóng dáng của ngoại trần, chúng sanh đương khởi trong tiến trình tương giao, tương tiếp, chứ không có chủ thể, chúng duyên sanh giả hiện, chứ không có tính trường tồn. Vậy ta hãy đưa chúng về nguyên xứ Niết bàn của chúng, bằng cách chấm dứt sự vin bắt từ nội tâm. Bây giờ tất cả mọi sự suy tư phân biệt của nội tâm đều trở về cội nguồn của tĩnh lặng. Đó là Vô dư Niết bàn.
Để dễ hiểu, xin cung cấp phần giải thích của Tác giả Trần Đình Hoành như sau:
Đoạn 3: ĐẠI THỪA CHÁNH TÔNG 
Kinh văn:
Phật cáo Tu-bồ-đề: - Chư Bồ-tát ma-ha-tát ưng như thị hàng phục kỳ tâm. Sở hữu nhất thiết chúng sanh chi loại, nhược noãn sanh, nhược thai sanh, nhược thấp sanh, nhược hóa sanh, nhược hữu sắc, nhược vô sắc, nhược hữu tưởng, nhược vô tưởng, nhược phi hữu tưởng phi vô tưởng, ngã giai linh nhập Vô dư Niết-bàn nhi diệt độ chi. Như thị diệt độ vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh, thực vô chúng sanh đắc diệt độ giả. Hà dĩ cố? Tu-bồ-đề, nhược Bồ-tát hữu ngã tướng, nhân tướng, chúng sanh tướng, thọ giả tướng tức phi Bồ-tát. 
Dịch: CHÁNH TÔNG CỦA ĐẠI THỪA 
Phật bảo Tu-bồ-đề: - Các vị Bồ-tát lớn nên như thế mà hàng phục tâm kia. Có tất cả các loài chúng sanh hoặc loài sanh bằng trứng, hoặc loài sanh bằng thai, hoặc sanh chỗ ẩm ướt, hoặc hóa sanh, hoặc có hình sắc, hoặc không hình sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng có tưởng chẳng không tưởng, ta đều khiến vào Vô dư Niết-bàn mà được diệt độ đó. Diệt độ như thế vô lượng, vô số, vô biên chúng sanh mà thật không có chúng sanh được diệt độ. Vì cớ sao? Này Tu-bồ-đề, nếu Bồ-tát còn có tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức chẳng phải là Bồ-tát. 
Giải thích: Vì tâm phải được hàng phục trước khi tâm có thể trụ, cho nên ở đây Đức Phật trả lời về hàng phục tâm trước. 
Chín loài chúng sinh kể ra trên đây là để chỉ tất cả các chúng sinh (bắt đầu từ loài sinh bằng trứng, đến cuối cùng là loài chẳng có ý tưởng mà cũng chẳng phải là không có ý tưởng). 
Vô dư Niết bàn là Niết bàn trọn vẹn, thường được hiểu là Niết bàn sau khi chết. Hữu dư Niết bàn thường được hiểu là Niết bàn người giác ngộ đạt được trong khi còn sống. 
Phật diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sinh vào vô dư Niết bàn. Điểm nên để ý ở đây là tất cả chúng sinh, tất cả các loài sinh vật, đều có thể được diệt độ vào Niết bàn. Nghĩa là, không phải chỉ có con người, mà mọi loài sinh vật, đều có thể đắc đạo. Trong tiếng Sanskrist, Bồ tát là Bodhisattva. Bodhi là tỉnh thức, giác ngộ. Sattva là chúng sinh hữu tình, tức là sinh vật có cảm giác. Như vậy, không phải chỉ có con người mà bất cứ sinh vật nào cũng có thể tỉnh thức thành Bồ tát. Trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, phẩm Tòng Địa Dũng Xuất, khi Đức Phật đang giảng kinh, có vô số Bồ tát từ dưới lòng đất nhảy lên để nghe kinh. Hoặc phẩm Đề bà-đạt-đa, có Long Nữ (Gái Rồng) mới 8 tuổi đã thành Bồ tát, cùng vô số Bồ tát từ biển lên. Đó cũng là ý tất cả mọi sinh vật, kể cả các sinh vật thấp bé dưới lòng đất, hoặc sinh vật dưới biển, cũng đều có thể giác ngộ thành Bồ tát. Đây là khái niệm bình đẳng rốt ráo của Phật pháp, đưa đến thái độ bình đẳng và tôn trọng đối với loài vật. 
Bồ tát diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sinh mà thật không có chúng sinh nào được diệt độ, vậy nghĩa là sao? Ở đây, Phật xác nhận có pháp diệt độ chúng sinh và Bồ tát thực hành pháp này để diệt độ chúng sinh, nhưng đồng thời lại đoạn trừ mọi chấp trước về diệt độ. 
Khi ta làm công việc diệt độ, ta có thể có ít nhất là 3 chấp: (1) Ta là người diệt độ, (2) chúng sinh là kẻ được ta độ, và (3) ta đang làm công việc diệt độ. Tuy nhiên, pháp có thể hành, nhưng không thể chấp. Nếu ta chỉ làm mà không chấp, thì ta sẽ không phân biệt ta và chúng sinh -- ta là chúng sinh, chúng sinh là ta. Và không chấp vào diệt độ, tức là ta chỉ xem đó như việc làm tự nhiên cho chính mình mỗi ngày, như rửa mặt đánh răng. Vì vậy, khi ta diệt độ cho chúng sinh, ta xem như ta chỉ làm điều gì đó rất bình thường cho chính mình. Như vậy nghĩa là diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sinh nhưng thật không chúng sinh nào được diệt độ. 
Nhưng làm sao Bồ tát có được tâm vô chấp, bình đẳng không phân biệt như thế? 
Bồ tát bắt đầu bằng cách xả bỏ chấp trước vào 4 tướng: tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả. 
Chữ “tướng” dịch từ chữ samjna trong tiếng Sanskrist. Samjna là một khái niệm, một ý tưởng; trong tiếng Anh, samjna là perception, idea, notion. Cho nên ta phải dịch samjna là “tưởng” mới đúng -- tưởng ngã (atman samjna, idea of self), tưởng nhân (pudgala samjna, idea of human being), tưởng chúng sinh (sattva samjna, idea of sentient being);, tưởng thọ giả (jiva samjna; idea of a life span). Tuy nhiên, vì chữ “tướng” của Hán Việt đã được dùng lâu năm, ta sẽ vẫn dùng “tướng.”20 Như vậy, tướng hay tưởng là bất kỳ một tư tưởng, một ý niệm nào đó mà ta có trong tâm. 
Xả bỏ tướng ngã: Tướng ngã, hay tưởng ngã, là atman samjna trong tiếng Sanskrist, idea of self trong tiếng Anh. Atman là tôi, cái tôi, hiện hữu của tôi. “Tướng ngã” là ý niệm về một “cái tôi” bất biến, vĩnh cửu. Thật ra “cái tôi” của mỗi người chúng ta chỉ là duyên sinh(1), là kết hợp tạm thời của tứ đại(2), ngũ uẩn(3). Khi nhân duyên chín mùi cho “cái tôi” xuất hiện thì tôi sinh ra, khi nhân duyên chín mùi cho “cái tôi” biến đi thì tôi tan rã. Trước khi tôi sinh ra, không có tôi; sau khi tôi sinh ra, cũng lại không có tôi, và ngay khi còn sống trên đời này thì “cái tôi” cũng thay đổi sinh diệt trong từng giây đồng hồ. Vì vậy, “cái tôi” chỉ là một kết hợp tạm thời, phù du, của các thành tố tâm-sinh-vật lý làm ra tôi. Hay nói theo Bát Nhã Tâm Kinh, “cái tôi” mà ta thấy là Sắc, là tướng, là biểu hiện phù du của tánh Không. Khi ta chấp ngã (hay chấp tướng ngã), tức vào chấp vào ý niệm của một cái tôi bất biến vĩnh cửu, thì ta bị chính ý niệm này làm ta tham sân si(4) và mọi cái nhìn của ta về cuộc đời bị chi phối bởi cái tôi, quyền lợi của tôi, kiến thức của tôi, lý tưởng của tôi, con đường của tôi.(5) Tất cả những chấp trước về “tôi”, “của tôi” và “thuộc về tôi” đương nhiên là mâu thuẫn với những chấp trước về tôi, của tôi, và thuộc về tôi của những người khác. Và vì thế, sinh ra đau khổ. (6) Không chấp ngã, tức là vô ngã, là không chấp vào “tôi”, “của tôi” và “thuộc về tôi.” Thế là tâm được tự do, giải thoát khỏi gốc nguồn đau khổ. Vì vậy, khi Bồ tát Quán-tự-tại thấy được rằng cái tôi là Không, ngài liền vượt qua mọi khổ ách.(7) 
Xả bỏ tướng nhân: Tướng nhân, hay tưởng nhân, là tướng người, pudgala samjna trong tiếng Sanskrist, và idea of human being trong tiếng Anh. Nếu ta chấp cái ngã của ta thì đương nhiên là ta cũng chấp cái ngã của mọi người. Tướng nhân chỉ là tướng ngã áp dụng rộng ra cho cả loài người. Khi ta chấp tướng ngã, ta đương nhiên chấp tướng nhân, và khi đó ta và những người khác chỉ là những cái ngã biệt lập với những ham muốn và hành động biệt lập, đôi khi đối nghịch nhau.
Nếu ta không chấp tướng ngã, nếu ta thấy ngã là Không, thì đương nhiên ta thấy mọi người cũng đều là Không như ta. Như vậy là ta không chấp tướng nhân. Tức là giữa ta và mọi người đều như nhau, đều vô ngã, đều Không. Tâm ta không phân biệt ta và người. 
Xả bỏ tướng chúng sinh: Chúng sinh là tất cả các sinh vật hữu tình, các sinh vật có cảm giác. Tướng chúng sinh là sattva samjna trong tiếng Sanskrist, idea of sentient being trong tiếng Anh. Nếu ta chưa đạt được Niết bàn, chưa thoát được vòng sinh diệt, thì ta vẫn mãi loanh quanh trong sáu nẻo luân hồi—trời, người, A-tu-la, súc sinh, địa ngục, ngạ quỷ. Tất cả chúng sinh trong sáu nẻo luân hồi cũng chỉ là chúng sinh như con người trong những kiếp sống luân hồi. Vì vậy, nếu ta chấp cái ngã của ta, thì ta cũng chấp cái ngã của mọi chúng sinh, và như vậy là sinh ra khác biệt và mâu thuẫn giữa ta và chúng sinh. Tướng chúng sinh chỉ là tướng ngã áp dụng rộng ra cho toàn chúng sinh. Nếu ta không chấp tướng ngã, thì cả ta sẽ thấy cái ngã của ta và cái ngã của chúng sinh đều là Không, đều như nhau, ta và chúng sinh không khác biệt, mâu thuẫn. Như vậy cũng có nghĩa là ta không còn chấp tướng chúng sinh nữa. 
Xả bỏ tướng thọ giả: Tướng thọ giả là ý tưởng rằng mọi vật có một cuộc đời thật sự, một tuổi thọ thật sự, có khởi đầu (sinh) và chấm dứt (diệt). Tướng thọ giả là jiva samjna trong tiếng Sanskrist, idea of a life span trong tiếng Anh. Tướng thọ giả chống lại ý niệm vô thường vô ngã. Vô thường vô ngã nghĩa là mọi vật thay đổi không ngừng tùy theo nhân duyên, không có khởi đầu, không có kết thúc, không có một cái ngã thường trực. Tướng thọ giả cũng chỉ là một hình thức khác của tướng ngã. Tướng thọ giả là tướng ngã được áp dụng xa hơn là con người (tướng nhân) và chúng sinh hữu tình (tướng chúng sinh), đến cả các vật vô tình, tất cả các pháp trong vũ trụ—không một người nào, một sinh vật nào, một vật nào, một pháp nào, có một tuổi thọ, có một ngã. Tất cả các pháp đều vô thường vô ngã. Không chấp tướng thọ giả là không thấy khác biệt giữa ta và điều gì, vật gì, pháp gì. Tất cả đều là vô thường vô ngã, đều là Không. Khi bồ tát không còn chấp tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, Bồ tát có thể diệt độ cho vô lượng vô số vô biên chúng sinh với tâm không phân biệt, không thấy mình diệt độ chúng sinh nào, không thấy ai được diệt độ, không thấy mình đang độ. Đó mới là Bồ tát diệt độ. Nhưng không “chấp” không có nghĩa là không “làm.” Nếu nói rằng ta là không, cho nên không cần diệt độ, thì đó chính là chấp vô ngã. Nếu nói rằng chúng sinh là không, cho nên không cần diệt độ chúng sinh, đó chính là chấp vô chúng sinh. Nếu nói rằng pháp diệt độ là không, cho nên không diệt độ, đó chính là chấp phi pháp. Bồ tát không chấp “có” nhưng cũng không chấp “không.” Bồ tát không chấp ngã nhưng cũng không chấp vô ngã, không chấp nhân nhưng cũng không chấp phi nhân, không chấp pháp nhưng cũng không chấp phi pháp. Vì vậy, Bồ tát vẫn thực hành lục độ ba-la-mật, vẫn diệt độ chúng sinh. Hành thì vẫn hành, nhưng chấp thì không chấp. Vậy nghĩa là, pháp có thể hành nhưng không thể chấp. 8 Đoạn kinh này xác nhận có pháp diệt độ vô lượng vô số vô biên chúng sinh, và Bồ tát hành pháp diệt độ, nhưng khi hành pháp, Bồ tát không chấp vào bất cứ điều gì—trước hết là các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả, sau đó là tất cả mọi tướng khác. Bồ tát hoàn toàn vô chấp khi hành đạo. Ghi chú về tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả: Cách giản dị nhất để hiểu và nhớ “tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sinh, tướng thọ giả” là: Tướng ngã là tướng của “tôi”. Đem tướng ngã ra bỏ vào mọi người, thì đó là tướng nhân. Đem tướng nhân ra bỏ vào mọi chúng sinh, thì đó là tướng chúng sinh. Đem tướng chúng sinh ra bỏ vào tất cả các pháp (mọi sự, mọi vật), thì đó là tướng thọ giả. Xả bỏ tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả là ý niệm rất nòng cốt của Kinh Kim Cang, và được lập đi lập lại rất nhiểu lần trong kinh.(8) Việc lập đi lập lại này hẳn nhiên là để giúp ta tập trung năng lực khi tu tập.
Chú thích:
(1) Duyên sinh là do nhân duyên mà sinh ra. Nhân là cause, duyên là condition.
(2) Tứ đại: đất nước gió lửa (four tanmatras: earth, water, wind, fire).
(3) Ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức (five skandas: form, feeling, perception, formation, consciousness).
(4) Ba độc: Tham lam, sân hận, si mê (three poisons: greed, anger, ignorance).
(5) Theo Tương Ưng Bộ Kinh, phẩm Tầm Cầu, có 4 loại chấp thủ: dục chấp thủ (grasping onto sensual pleasure), kiến chấp thủ (grasping onto views), giới cấm chấp thủ (grasping onto rules and precepts), ngã luận chấp thủ (grasping onto a doctrine about the self).
(6) Khổ là dukkha (Pali), duhkha (S.), suffering.
(7) Đây là câu đầu tiên của Bát Nhã Tâm Kinh: Quán-tự-tại Bồ-tát hành thâm Bát-nhã ba-la-mật-đa thời, chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách.
(8) Kinh Kim Cang chỉ có 32 đoạn, nhưng cụm từ “tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả” (và các cụm tương đương) được lặp đi lặp lại 20 lần.
5. Nội dung phân đoạn thứ 4 của kinh: Diệu hạnh vô trú

Theo Tài liệu các Anh chị học:
Kinh văn: 

Phục thứ Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát ư pháp ưng vô sở trú hành ư bố thí, sở vị bất trú sắc bố thí, bất trú thanh hương vị xúc pháp bố thí. Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát ưng như thị bố thí, bất trú ư tướng. Hà dĩ cố? Nhược Bồ-tát bất trú tướng bố thí, kỳ phước đức bất khả tư lương. Tu-Bồ-Đề, ư ý vân hà? Đông phương hư không khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-Bồ-Đề, Nam Tây Bắc phương tứ duy thượng hạ hư không, khả tư lương phủ? Phất dã Thế Tôn! Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát vô trú tướng bố thí, phước đức diệc phục như thị bất khả tư lương. Tu-Bồ-Đề, Bồ-tát đản ưng như sở giáo trú.

Diễn nghĩa:
Lại nữa Tu-Bồ-Đề! Bồ tát không nên trú tâm bố thí, nghĩa là Bồ tát, không trú sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp thực hành bố thí. Này Tu-Bồ-Đề! Bồ tát như vậy, thực hiện bố thí không nên trú vào nơi sự tướng. Tại vì sao vậy? Là Bồ tát hạnh không hề trú tướng, thực hành bố thí phước đức vô lượng. Này Tu-Bồ-Đề! Ý ông thế nào? Hư không phương Đông sánh lượng được chăng?
- Không thể lượng được, Kính bạch Thế Tôn!
- Chín phương còn lại hư không trong ấy sánh lượng được chăng?
- Không thể lượng được, Kính bạch Thế Tôn!
- Này Tu-Bồ-Đề! Bồ tát vô trú. Thực hiện bố thí phước đức cũng vậy. Bồ Tát hãy nên như lời Phật dạy mà trú.

Để dễ hiểu, xin cung cấp phần giải thích của Tác giả Trần Đình Hoành như sau:
Đoạn trước nói về hàng phục tâm, đoạn này nói về trụ tâm. 
Bố thí là độ đầu tiên trong lục độ ba-la-mật. Phật nói “nên không có chỗ trụ” mà bố thí. Mệnh đề “nên không có chỗ trụ” được dịch từ Hán Việt “ưng vô sở trụ”, bốn chữ tinh yếu nhất trong Kinh Kim Cang. Nói đến Kinh Kim Cang là nói đến “ưng vô sở trụ.” Truyện rằng, trước khi xuất gia, lục tổ Huệ Năng(9) nghe có người đọc Kinh Kim Cang, nghe đến câu “ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm” (“nên không có chổ trụ mà sanh tâm như thế”), ngài liền đại ngộ. 
“Ưng vô sở trụ” (nên không có chỗ trụ) tức là “không trụ vào đâu cả.” Trụ có nghĩa là đứng cố định, đứng chắc chắn, như vậy cũng có nghĩa là dính cứng, tức là chấp.(10) “Ưng vô sở trụ” là không chấp vào đâu cả, vô chấp hoàn toàn. “Nên không có chỗ trụ” mà bố thí, tức là bố thí mà không trụ vào đâu, không chấp vào đâu cả. 
Sắc thanh hương vị xúc pháp là lục trần,(11) là toàn thể những gì tạo ra vũ trụ. Không trụ vào lục trần mà bố thí, tức là không trụ vào, không chấp vào, bất kỳ điều gì trong vũ trụ. 
Bồ tát không trụ tướng mà bố thí, tức là không chấp vào bất kỳ một vật gì, một mục đích gì, một điều gì, một ý niệm gì, khi bố thí. Tất cả những gì ta có thể thấy và biết được qua lục căn—mắt tai mũi, lưỡi, thân, ý—đều là tướng. (12) Và Bồ tát không trụ tướng, không chấp tướng, khi bố thí. Nếu bồ tát không trụ tướng mà bố thí thì phước đức vô lượng không thể nghĩ bàn.(13)  
Ở cuối đoạn, Phật nói “Bồ tát chỉ nên như lời dạy mà trụ”, nghĩa là thế nào? Đây cũng là câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên của Tu-bồ-đề: Làm sao để trụ tâm? Bây giờ Phật trả lời: “Như lời dạy mà trụ.” Và lời dạy là “ưng vô sở trụ” (nên không có chỗ trụ). Vậy có nghĩa là, trụ tâm bằng cách không trụ vào đâu cả, không chấp vào đâu cả. Tức là, nếu không trụ (chấp) tâm vào đâu cả thì tâm sẽ được trụ (bình yên).(14) 
Như vậy ta đã có câu trả lời của Phật về hai câu hỏi của Tu-bồ-đề trong Đoạn 2: Làm sao để trụ tâm? Làm sao để hàng phục tâm? Trong Đoạn 3 phật trả lời: Hàng phục tâm bằng cách không chấp ngã, nhân, chúng sanh, thọ giả. Trong Đoạn này Phật trả lời: Trụ tâm bằng “ưng vô sở trụ.” Như vậy, hàng phục tâm và trụ tâm thực ra chỉ là một việc—vô chấp, ưng vô sở trụ.
Hai tư tưởng nòng cốt: Trong Kinh Kim Cang, có 2 cụm từ được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. Đó là 2 tư tưởng nòng cốt của kinh. 
1. Ưng vô sở trụ: Nên không có chỗ trụ, nên không trụ vào đâu cả, nên không chấp vào đâu cả. “Ưng vô sở trụ” có thể nói là nguyên lý tổng quát của Kinh Kim Cang; ta có thể tạm gọi đó là lý thuyết tổng quát. 
2. Xả bỏ tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả: Đây là thực hành. Khi thực hành, dĩ nhiên là ta không chấp vào bất kỳ nơi nào (ưng vô sở trụ), nhưng như vậy thì có thể quá mơ hồ và bao la đối với một số người. Nếu tư tưởng ta tập trung vào một chỗ, thì việc tu tập sẽ dễ dàng hơn. Điều quan trọng nhất phải tập trung tư tưởng để tu tập là không chấp vào các tướng ngã, nhân, chúng sinh, thọ giả. Hay rút gọn hơn, là không chấp vào tướng ngã, vì ba tướng kia cũng từ tướng ngã mà ra. Nếu ta cứ tập trung tư tưởng vào việc không chấp ngã, thì ta tự nhiên sẽ không còn chấp vào bất kỳ tướng nào, tức là đạt được ưng vô sở trụ.   
Chú thích:
(9) Vị tổ sư thứ sáu của Thiền tông Trung quốc.
(10) “Trụ” trong “ưng vô sở trụ” có hai nghĩa. Một là động từ “đứng cố định” hay “đứng chắc chắn.” Hai là tĩnh từ “an trụ”, tức là được bình yên, vững chãi. Tại điểm này, trụ đang có nghĩa là động từ, vì câu hỏi (và câu trả lời) nhắm vào hành động: “Tôi phải trụ tâm tôi cách nào?”
(11) Six dusts: color, sound, fragrance, taste, object of touch, dharma.
(12) Vì bất kỳ “thấy biết” nào cũng là một ý niệm trong tâm, mà tướng (hay tưởng, samjna) là ý niệm. (13) Nhưng dĩ nhiên là Bồ tát cũng không thể trụ vào phước đức mà bố thí. Phước đức cũng chỉ là tướng. Nếu Bồ tát chấp vào phước đức, thì bố thí không còn phước đức. Vì Bồ tát không trụ vào phước đức để bố thí, cho nên mới được vô lượng phước đức. Xin xem Đoạn 8, nói về phước đức.
(14) Xin xem 2 nghĩa của chữ “trụ” trong chú thích 10.
Trên đây chúng tôi cung cấp phần giải thích thêm về phân đoạn 3 (hàng phục vọng tâm), phân đoạn 4 (an trú chơn tâm) trong Kinh Kim Cang của Tác giả Trần Đình Hoành để anh chị dễ hiểu hơn.
6. Phân biệt Niết bàn Hữu dư và Niết bàn Vô dư

- Niết-bàn Hữu dư (Niết-bàn chưa hoàn toàn): Trạng thái tâm lý giải thoát chưa hoàn toàn, không còn phiền não chướng nhưng vẫn còn rơi rớt lại sở tri chướng, còn thân ngũ uẩn, còn chịu quả báo sanh tử song ngã chấp đã được điều phục, nên ở trong sanh tử mà vẫn được tự tại, chứ không bị ràng buộc như chúng sanh

- Niết-bàn Vô dư (Niết-bàn hoàn toàn): Trạng thái tâm lý giải thoát hoàn toàn, không còn phiền não chướng, sở tri chướng; thật sự không còn chấp trước 4 tướng: ngã, nhơn, chúng sanh, thọ giả; sự sanh tử luân hồi không còn ràng buộc, nên được tự tại giải thoát ra ngoài 3 cõi: Dục, Sắc và Vô sắc giới.

7. Đại ý chính của phân đoạn thứ 12 của kinh

Đại ý chính của phân đoạn thứ 12: "Tôn trọng Chánh giáo": Khích lệ tôn trọng, thọ trì kinh Kim Cang để khai triển Trí tuệ Bát-Nhã.

Trí tuệ như Kim Cang hướng dẫn chúng ta trên lộ trình giác ngộ và giải thoát nên nó được tôn quý. Tôn quý là quý cái giá trị của giác ngộ, của giải thoát ấy. Vì thế, người nào am hiểu Kim Cang Bát-Nhã, sống với tinh thần Kim Cang Bát-Nhã, ta cũng quý trọng.

8. Trong phân đoạn thứ 26 của kinh Kim Cang có bài kệ của Phật. Ghi lại bài kệ ấy và Việt dịch

Đoạn kinh thứ 26 "Pháp thân phi tướng" có bài kệ:

Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai

Việt dịch:

Nương sắc diện thấy Ta
Theo âm thanh thấy Ta
Người ấy không gặp Phật
Vì hành động theo tà

Tham khảo bản dịch khác (sát nghĩa và hay hơn)

Nếu lấy sắc thấy ta
Lấy âm thanh cầu ta
Người ấy theo tà đạo
Không thể thấy Như Lai

9. Đoạn kinh thứ 32 của kinh: "Ứng hóa phi chơn". Phật dạy Tu Bồ Đề bài kệ 20 chữ. Ghi lại bài kệ ấy và Việt dịch.

Kết thúc thời kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật, đức Phật thuyết một bài kệ:

Nhất thiết hữu vi pháp
Như mộng, huyễn, bào, ảnh,
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán

Việt dịch:

Các pháp hữu vi
Mộng huyễn thật gì
Sanh diệt rất nhanh
Quán vậy ắt thành

Tham khảo bản dịch khác (sát nghĩa và hay hơn)

Tất cả pháp hữu vi
Như mộng, huyễn, bọt, ảnh,
Như sương cũng như chớp
Nên quán xét như vậy

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét